Giáo Hội Hoàn Vũ

Nội san Tập Viện Phước Lý - Mừng Chúa Giáng Sinh 2015

Tất cả các bài viết của anh em Tập Viện.

 

GIÁNG SINH TRONG LÒNG CON

 Phaolô Phạm Thanh Nhựt

Mỗi dịp Giáng Sinh về là dịp con ôn lại một kỷ niệm, một kỷ niệm vui, kỷ niệm của Thiên Chúa, kỷ niệm của Con Người, một kỷ niệm thánh.

Lúc còn nhỏ con thường hỏi: Tại sao Giáng Sinh là một niềm vui? Rất nhiều năm trước đây khi còn nhỏ, con chưa hiểu nhiều về Thiên Chúa, Giáng sinh đối với con là một niềm vui. Vui vì được đi chơi, được xem ca hát, được mặc áo mới, được ăn quà bánh…Một niềm vui thơ ngây cũng như bao niềm vui của những trẻ thơ khác. Khi lớn lên, Giáng Sinh đối với con cũng vẫn là một niềm vui, nhưng là một niềm vui cao cả hơn, một niềm vui trong sự hiểu biết hơn về Thiên Chúa, một niềm vui từ sâu thẳm trong tâm hồn. Nhưng con cũng biết không chỉ có một mình con vui mà cả “trái đất” và “các tầng trời cao” cũng vui mừng nữa, vì trong đêm Giáng Sinh này, các thiên thần đã hiện ra trên không trung để loan báo và chia sẻ với nhân loại niềm vui lớn lao này bằng tiếng hát vang dậy khắp cõi trần:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Ở đây con thấy một nghịch lý: trong khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người trong cảnh nghèo hèn, bị khinh dể, phải lang thang trong đêm đông lạnh giá, sinh ra trong hang bò lừa ẩm thấp và hôi hám… xem ra chẳng có gì là vinh quang, chẳng có gì là đáng vui mừng, vì một Thiên Chúa, Đấng tác thành vạn vật, cao cả mà lại sinh ra trong cảnh ảm đạm như vậy. Theo lẽ thường đó phải là một việc đáng buồn mới đúng. Ấy vậy mà các thiên thần lại mừng vui ca hát, lại còn “Vinh danh Thiên Chúa” và chúc “Bình an” cho nhân loại. Vậy thì có gì  để “Vinh danh” và chúc “Bình an”.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời”, theo con hiểu muốn nói về “Danh Thiên Chúa”, và “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, là nói đến niềm vui của nhân loại được hưởng nhờ danh này, “Danh Thiên Chúa”. Ngoài một danh đã được mạc khải trong Cựu Ước: “Ta là Đấng Hằng Hữu”, thì hôm nay con người đã biết được một danh mới. Danh này, hôm nay toàn thể các thiên thần trên thiên quốc cùng hợp với loài người để ca tụng danh này. Hôm nay là ngày vui của nhân loại. Có phải con người vui khi thấy Chúa của mình sinh ra trong cảnh bần cùng chăng? Không, chắc chắn không phải là như thế. Nhưng con người vui vì hôm nay là ngày Thiên Chúa Cha thực hiện lời hứa của Ngài từ ngàn xưa, đó là lời hứa ban ơn cứu độ!.

Con người đã được tạo thành do tình yêu vô biên của Thiên Chúa, họ được làm con, được quyền thừa hưởng niềm hạnh phúc vô biên với Ngài. Nhưng con người đã nghe tiếng của ma quỉ hơn tiếng Đấng Tạo Thành, con người đã vâng lời chính mình hơn vâng lời Cha nhân lành. Con người đã “muốn được ngang hàng với Thiên Chúa”, hơn là muốn phục tùng Ngài. Con người không biết trân trọng mối tình bao la đó nên chính tay họ đã vô tâm cắt đứt mối tình phụ tử này. Con người đã nhận ra sai lầm của mình ư, đã quá trễ rồi, làm sao có thể nối lại mối tình phụ tử này?  “Không một ai trong nhân loại này có đủ khả năng để nối lại sợi dây thiêng liêng này(Tình Cha). Nhưng chính lúc đó Người Cha nhân lành đã hứa ban cho loài người một hy vọng, hứa ban cho loài người một Đấng để cứu độ họ khỏi tình trạng hư vong mãi mãi và nối lại mối tình mà họ đã phụ bạc. Vậy Đấng Cứu Độ đó là ai?

Từ thuở tạo thiên lập địa, từ khi con người sa ngã cho đến lúc này đã từng có ai dám xin rằng: Lạy Đấng Tối Cao, xin Ngài hãy trở thành một con người thấp hèn để cứu độ chúng con. Hay dám xin rằng:  Xin Ngài hãy chịu cực hình để cứu chúng con. Hoặc: Lạy Thiên Chúa, xin hãy hy sinh mạng sống của mình để cứu độ chúng con. Không, chẳng có ai đã từng dám nghĩ như thế và dám xin như thế. Nhưng “điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa từng nghĩ đến lại là điều Thiên Chúa đã dành sẵn cho con người”(1 Cr 2,9). Vâng Thiên Chúa  quá yêu thương con người. Điều mà lòng người chưa hề nghĩ tới thì Ngài đã dành sẵn cho con người, “Ngài đã yêu con người hơn chính mạng sống Ngài” (Tình Cha). Chính bằng cách Ngài đã ban Đấng Cứu Độ, và Đấng Cứu Độ đó không ai khác chính là Ngôi Hai Thiên Chúa.

Trong cuộc nhập thể này: Ngôi Hai Thiên Chúa là Người Con vô cùng yêu dấu của Chúa Cha. Người Cha đã yêu thương con người đến nỗi đã tự nguyện hy sinh Người Con này cho họ. Đến lượt Người Con cũng yêu thương con người, vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người trong thân phận thấp hèn và chịu nhiều đau khổ để đền tội thay cho con người, để đền trả sự công minh cho Thiên Chúa Cha, và để nối lại mối tình thân nghĩa giữa con người với Người Cha nhân lành của họ. Người Cha  ấy “thà chịu đau khổ trong Ngôi Hai làm Người, Con Chí Thánh Ngài, để cứu chuộc con người hơn là bắt một con người phải chịu, nếu có một người nào đó trong nhân loại có đủ sự thánh thiện để đền tội thay cho nhân loại” (Tình Cha). Ngôi Hai cũng là Thiên Chúa muôn trùng cao cả, giàu có vô biên, hạnh phúc khôn lường, là Đấng Thánh, chí Thánh, ngàn trùng chí Thánh và cực Thánh, là Đấng muôn loài phải kính mến và tôn thờ. Nhưng Ngài đã vì lòng nhân hậu và yêu thương loài người mà hạ mình xuống thấp hèn, chịu muôn vàn tủi nhục, đau khổ, và chịu chết để chia sẻ với con người, để yêu thương và cứu chuộc họ. Thiên Chúa đã làm người không những đem lại cho con người ơn cứu độ mà còn “nâng con người lên địa vị cao cả hơn  các thiên thần, Thiên Chúa đã làm Người để con người được làm Thiên Chúa” (Đối Thoại).

Ôi, còn ai có thể khiêm nhường hơn? Còn ai có thể yêu thương hơn? Còn ai có thể nhân hậu hơn? Thật đáng được vinh danh một sự Khiêm Nhường tuyệt đối. Thật đáng được vinh danh một Tình Yêu vô biên. Thật đáng được vinh danh một Lòng Thương Xót vô cùng. Vâng! Hôm nay, Lòng Thương Xót vô biên, Tình Yêu không thể hiểu thấu đã trở nên hữu hình và ở giữa nhân loại. Ôi, còn gì đáng được vinh danh hơn một Thiên Chúa đã làm Người!

Con người đã được quá hạnh phúc hơn những gì họ có thể tưởng tượng mà họ có biết chăng? Hỡi con người, ngươi là ai mà được chính Thiên Chúa là Đấng tác thành nên người, Đấng chí thánh chí tôn, Đấng quyền năng tuyệt đối từ bỏ mọi vinh quang, hóa thân làm người để rồi chịu chết để cứu mạng ngươi khỏi chết? Đó là niềm hạnh phúc khôn tả cho nhân loại. Ôi! Lạy Chúa, con ước mong ngày Giáng Sinh này sẽ mãi mãi khắc nghi trong lòng con. Con cũng xin được hợp cùng muôn thần thánh để hát lên: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Amen

                                                                                            

 

CẢM NGHĨ MÙA NOEL ĐÃ QUA

     Phaolô Nguyễn Văn Hạnh   

Cứ mỗi mùa Giáng Sinh về, tâm hồn ai nấy cũng đều tràn đầy niềm vui, háo hức chuẩn bị đón Chúa Giáng sinh. Không chỉ có những người Kitô hữu mà dường như tất cả mọi người, lương cũng như giáo, già cũng như trẻ đều bận rộn chuẩn bị: người thì chuẩn bị làm hang đá, người thì làm đèn ngôi sao, những người khác thì lo chuẩn bị những tấm thiệp thật đẹp và những lời chúc thật hay để gửi tặng cho nhau, cho người thân và bạn bè. Trên các ngã đường hay ở các nhà thờ, đâu đâu cũng thấy cây thông Noel và hang đá. Nhiều hang đá được trang trí thật đẹp với nhiều đèn nháy đủ loại màu sắc, đủ loại dây kim tuyến treo trên cây thông. Những làn gió nhẹ thổi, khẽ đong đưa những dây kim tuyến lấp lánh như mang yêu thương, mang hơi ấm đến cho mọi người. Trong một khung cảnh vui tươi như thế ai ai cũng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Mùa Giáng sinh gắn liền với những kỷ niệm. Mỗi kỷ niệm mang một nét độc đáo riêng: kỷ niệm tuổi thơ được bố mẹ cho đi xem hang đá, thiên thần, ông già noel ở các nhà thờ; kỷ niệm của những đôi tình nhân đang yêu nhau tìm đến những địa danh đẹp để vui chơi, chụp hình... Mỗi kỷ niệm mang một vẻ đẹp riêng, nhưng tất cả đều nói lên niềm vui, hạnh phúc và ước nguyện. Rồi khi mỗi mùa Noel đi qua lại để lại trong lòng ai bao kỉ niệm khó quên.

Còn nhớ Noel năm ấy, tôi và các bạn giới trẻ Biên Hòa tối nào cũng siêng năng tập luyện các bài nhảy cử điệu, rồi gói những món quà, viết những tấm thiệp với những lời chúc ý nghĩa để tới đêm Noel là chúng tôi ra quân tới các ngã ba, ngã tư, khuôn viên hay tới các họ đạo trong giáo xứ để biểu diễn, phát quà và gửi thiệp cho mọi người. Không phân biệt người kitô hữu hay ngoại giáo, chúng tôi đều phát quà và gửi thiệp. Mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy cho tới 22h30 ngày 24 thì tất cả mọi người lên xe về nhà thờ Biên Hòa để chuẩn bị tham giữ thánh lễ. Về tới nhà thờ ai ai đều thấm mệt. Tuy mệt nhưng mọi người đều nở nụ cười mãn nguyện vì đã mang được thông điệp Noel cho những người ngoại giáo, cho họ biết rằng, Noel là dành cho tất cả mọi người. Đó là những kỉ niệm đẹp trong đời tôi.

Mùa Noel năm nay tôi không còn được đi biểu diễn những bài nhảy hay phát những tấm thiệp và trao những món quà cùng các bạn như trước nữa. Thay vào đó tôi sẽ được cùng với các cha, các thầy mừng Noel trong đan viện, cùng cất lên những bài ca vô tận để chào đón Chúa Hài Đồng, và cùng nhau dâng lễ và đọc kinh cầu nguyện cho những người thân yêu luôn đạt được những ước nguyện trong cuộc đời. Đây là mùa Noel đầu tiên trong đan viện, có lẽ là một mùa Noel đơn sơ, nghèo khó như lý tưởng đan tu mà tôi đang theo đuổi, nhưng hy vọng là một mùa Noel tràn đầy ý nghĩa và sốt sắng.     

Giáng Sinh về là một dịp cho chúng ta nhìn lại quá khứ để xem chúng ta đã sống và thực hành hồng ân Giáng sinh chưa? Đồng thời đây cũng là dịp hướng chúng ta đến tương lai xem chúng ta nên làm gì để đón nhận hồng ân Giáng Sinh sắp tới. Lạy Chúa xin cho con luôn chuẩn bị tâm hồn đón Chúa và cho con luôn biết đếm tháng ngày mình sống để con luôn kiên vững trong ơn gọi đan tu và cho con “không lấy gì hơn chúa kitô”.

                                                                                                   

 

CHUYỆN MỘT ĐÊM ĐÔNG

 Joannes

Vào một mùa đông, lúc ấy tôi mới chỉ là một chú bò con độ chín tháng tuổi, sống tại làng Bê-lem xứ Giu-đê-a, tôi đã được chứng kiến một cảnh tượng lạ thường chưa từng xảy ra. Hôm ấy, cũng như thường lệ, ban ngày tôi theo mẹ ra cánh đồng ăn cỏ, chiều đến trở về hang đá nghỉ đêm. Buổi tối hôm đó, sau khi mục đồng dẫn đàn bò về hang đá, ổn định các vị trí đã định sẵn cho mọi thành viên chúng tôi, thì tất cả đều đi ngủ. Khi mà mắt lim dim ngủ vì đã qua một ngày khá mệt mỏi, thì kìa, xa xa xuất hiện hai bóng người mờ mờ trong bóng đêm của mùa đông, họ đang từ từ tiến về phía cửa hang đá, nơi chúng tôi cư trú. Khi họ đến gần hơn, tôi mới thấy rõ đó là một người đàn ông dắt một con lừa, và trên lưng con lừa là một người phụ nữ. Trông bà có vẻ như có cái gì khác lạ nơi phần bụng, hình như bà ta đang mang thai. Khi nhận thấy có người đến, mục đồng từ trong hang bước ra hỏi chuyện thì biết đó là ông Giuse và bà Maria, họ từ nơi rất xa, mãi tận Na-da-ret trở về quê hương để trình báo dân số theo luật của vua Au-gút-tô, nhưng không tìm được nhà trọ để tá túc qua đêm.

Thương cho cảnh ngộ của hai ông bà, giữa đêm đông lạnh không chốn nương thân, mục đồng đã mời họ vào hang đá trú ngụ qua đêm với mình và đàn vật. Lúc này, với tôi họ cũng chỉ là những khách lạ đến trú ngụ như bao con người khác. Nhưng tới nửa đêm hôm đó, trời đất bỗng dưng chuyển đổi, trong ngoài hang đá sáng rực lên, trời đất rung chuyển bởi tiếng hát của những người có cánh, áo họ mặc trắng tinh mà có lẽ chẳng có thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng như vậy, họ đồng thanh lớn tiếng hát rằng:

                                    “Vinh danh Thiên Chúa trên trời

                                    Bình an dưới thế cho người Chúa thương

Đang lúc tôi và cả họ hàng nhà bò ngơ ngác trước cảnh tượng kì lạ đó thì bỗng có tiếng khóc của một trẻ thơ phát ra từ cuối hang, nơi mà mục đồng và hai ông bà Giuse và Maria đang ở. Thấy cảnh tượng lạ, nhờ thân hình nhỏ bé, tôi chui ra khỏi chuồng của gia đình, tiến vào nơi phát ra tiếng khóc, thì này một hài nhi đã sinh ra đời. Bà Maria bế em trên tay rồi từ từ lấy tã bọc em bé lại và đặt nằm trong máng thức ăn của chúng tôi. Ngoài kia, tuyết vẫn rơi dày đặc, và gió đông vẫn không ngừng thổi, khiến cho hang đá vốn đã ẩm thấp lại càng lạnh hơn. Nhìn hài nhi bé nhỏ phải sinh ra trong cảnh đơn hèn, không có đủ chăn áo để giữ ấm, lòng tôi cảm thấy thương vô cùng. Bỗng dưng tôi nảy ra ý tưởng là sẽ lấy hơi thở ấm áp của mình để sưởi ấm cho hài nhi, biết đâu bớt lạnh chăng. Và thế là tôi tiến lại gần Hài Nhi dưới các cặp mắt tò mò của hai ông bà và mục đồng. Tôi đứng phía chân Hài Nhi rồi từ từ hạ bốn chân của tôi xuống với tư thế quỳ, tôi đưa mõm sát người Hài Nhi, lấy hết sức hít không khí lạnh xung quanh Hài Nhi đưa vào người rồi nung ấm lại trong cơ thể, rồi từ từ thở về phía Hài Nhi, và cứ như thế những lần sau đó. Nhìn thấy tôi làm vậy, bà Maria nhìn tôi với lòng trìu mến và biết ơn. Ông Giuse cũng nhìn tôi với con mắt hiền từ hết mực của một người đàn ông. Còn chú mục đồng chỉ mỉm cười như để tán thưởng tôi. Ngoài kia, những ánh sao vẫn chiếu sáng, những người có cánh vẫn không ngừng hát khen. Được một lúc thì thấy mấy mục đồng chăn chiên đến, họ tiến thẳng đến bên và quỳ xuống bái lạy Hài Nhi một cách cung kính. Sau đó, họ thuật lại việc họ được các thiên sứ của Chúa báo tin cho biết: “Hôm nay, tại nơi này, Đấng muôn dân mong đợi sẽ ra đời”. Các thiên sứ còn cho họ biết các dấu để nhận biết là những khung cảnh và con người đang hiện diện, rồi họ kết thúc một câu: “Đã đúng tất cả những gì sứ thần nói với chúng tôi”. Sau đó, những người chăn chiên từ biệt ra về với niềm hân hoan. Khi ấy trời cũng đã gần sáng và cảnh tượng lúc nửa đêm cũng mất đi, nhưng bà Maria, ông Giuse, mục đồng và cả đàn bò chúng tôi vẫn không ngừng đưa cặp mắt ngắm nhìn Hài Nhi. Khi trời sáng hẳn, chúng tôi theo mục đồng ra cánh đồng ăn cỏ, còn gia đình ông Giuse vẫn ở trong hang. Tối đến chúng tôi về hang, mọi người ai cũng hướng nhìn về Hài Nhi, và cứ như thế ngày này sang ngày khác.

Mấy hôm sau, bỗng nhiên ngoài cửa hang có ánh sáng khác thường. Mục đồng ra xem, thì kìa một vì sao đậu trên cửa hang, có ba người ăn mặc sang trọng tiến lại cửa hang hỏi thăm về Hài Nhi. Mục đồng dẫn họ vào hang đá. Khi vào tới nơi, nhìn thấy Hài Nhi đang nằm ngủ trong máng cỏ, ba nhà quý tộc mở bảo tráp lấy vàng, nhũ hương và mộc dược, quỳ xuống mà dâng tiến Hài Nhi. Sau đó, họ đứng dậy chào bà Maria, ông Giuse, rồi giới thiệu họ là các nhà chiêm tinh ở Phương Đông đến bái lạy vua dân Do Thái mới sinh ra, mà chính là Hài Nhi đang nằm trong máng cỏ. Họ kể lại chuyến đi tìm theo sự hướng dẫn của ngôi sao lạ rồi đã đi sang đất Do Thái. Khi tới miền Giu-đa này thì có gặp một vị vua tên là Hê-rô-đê, nhờ sự hướng dẫn của ông và ngôi sao mà họ tìm được nơi này và đã được yết kiến vị vua nghèo hèn này. Sau đó, họ ra về với niềm vui hoan hỷ vì đã thỏa mãn cuộc kiếm tìm vua dân Do Thái mới sinh.

Khi các nhà chiêm tinh đã về thì mọi người đi ngủ. Nhưng trong đêm đó không biết chuyện gì mà ông Giuse đang ngủ bỗng nhiên bật dậy, thức bà Maria dậy rồi cùng nhau thu dọn hành lý. Ngay trong đêm tối họ từ biệt các mục đồng và ra đi. Mục đồng và bò con là tôi theo họ ra tới cửa hang, còn đàn bò thì đưa mắt nhìn theo. Thế là gia đình họ rời bỏ chúng tôi và cất bước lên đường, bóng họ mờ dần mờ dần trong màn tối của tiết trời đông. Tuyết vẫn rơi, gió vẫn thổi, cái lạnh cắt da như lời từ biệt một gia đình ra đi không bao giờ trở lại. Bóng họ mờ dần và mất hút trong đêm tối, mục đồng và cả đàn bò chúng tôi không biết có chuyện gì xảy ra với gia đình họ mà phải đi trong hoàn cảnh như vậy. Rồi ngày tháng cũng qua đi, khoảng chừng hai năm sau đó, bỗng nhiên thành Bê-lem xảy ra một chuyện khủng khiếp, đó là các trẻ thơ dưới hai tuổi đều phải chết dưới lưỡi gươm của nhà vua thời đó, thế là tiếng khóc của các bà mẹ có con phải chết oan vang lên toàn vùng. Ngay lúc ấy tôi mới nhớ lại sự kiện hai năm về trước. Sở dĩ gia đình ông Giuse đã ra đi trong sự gấp gáp là để tránh sự việc ngày hôm nay. 

    

       

GIÁNG SINH ẤM ÁP

Lê-ô

Tháng Mười Hai, tháng của tiết trời se lạnh nhưng cũng là tháng của những ông già Noel, tháng của những đứa trẻ với những ước mơ bé nhỏ, tháng của những chú tuần lộc bên những chiếc xe trượt tuyết, tháng của những cây thông già và cây trạng nguyên. Nhưng đặc biệt hơn cả, tháng Mười Hai là tháng của tình yêu, tháng của hồng phúc, tháng của trao ban mà chính Thiên Chúa là món quà và cũng là người trao tặng món quà đó cho nhân loại. Món quà đó chính là Con Một Dấu Yêu của Người, là Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Qua món quà này, Thiên Chúa muốn trao ban tình yêu, hồng phúc cho loài người chúng ta.

Thế nhưng, tháng Mười Hai cũng là tháng khởi đầu cho những nỗi cô đơn của những người xa xứ. Ai đó đã nói: “Giáng Sinh luôn là khoảnh khắc bạn cảm thấy nhớ nhà!” Vâng, tháng Mười Hai là tháng của những lời nguyện ước, tháng của những hy vọng với những ai xa nhà, họ luôn hướng lòng mình về một mái ấm xa xăm khi ngày lễ Giáng Sinh đang gần kề, nơi đó những người thân yêu dường như cũng đang mong mỏi và nhớ thương họ. Họ hướng về đó, về ngôi nhà bé nhỏ nhưng chứa đựng cả một đại dương yêu thương với biết bao kỷ niệm và tình người.

Khi đi dạo trên những con phố được trang trí lộng lẫy với muôn ánh đèn màu sắc rực rỡ và lấp lánh như những vì sao, bên cạnh là những cây thông già cùng với ông già Tuyết và cỗ xe tuần lộc; khi lắng nghe những ca khúc Giáng Sinh đã làm cho lòng tôi tràn đầy tâm trạng; đặc biệt hơn cả là khi ngắm nhìn những hang đá ấm áp hay khi nghe những tiếng chuông ngân vang của các thánh đường càng làm cho trái tim tôi bồi hồi xúc động vì sự nhớ thương về gia đình thân yêu của mình. Tiếng chuông vọng ngân như khơi dậy trong tâm trí tôi biết bao kỷ niệm, những kỷ niệm một thời còn ghi dấu đậm nét bỗng từ đâu ùa về, làm tim tôi xao xuyến, nổi bật hơn hết là hình ảnh của một cậu bé sáu tuổi. Cậu đang khóc sưng cả mắt đòi ba nhuộm cho cậu tóc vàng và mẹ may cho cậu một chiếc áo giúp lễ màu trắng vì cậu được chọn vào đội thiên thần múa bài “Cao cung lên”. Lúc đó cậu nghĩ rằng đã là thiên thần thì ai cũng đều có mái tóc màu vàng, mặc áo trắng và sau lưng là đôi cánh bồ câu cũng màu trắng cực kỳ xinh đẹp. Cậu không nhớ rõ mình phải mất bao nhiêu nước mắt để thuyết phục được bố mẹ đồng ý, nhưng có một sự thật phũ phàng đã đến với cậu làm cho giấc mơ trở thành thiên thần của cậu tan thành mây khói, đó là khi cậu thuyết phục được bố mẹ rồi thì cậu lại bị loại khỏi đội múa vì tay chân cậu cứng quá!

Nhằm xoa dịu nỗi buồn của cậu, mọi người trong gia đình đã làm tất cả để Giáng Sinh năm ấy trở thành một sự kiện tuyệt vời nhất trong đời để rồi cậu sẽ không bao giờ quên: chú út làm cho cậu một chiếc đèn ngôi sao thật lớn và đẹp, dì ba thì làm bánh trôi nước cho cậu, còn mẹ thì biết cậu thích ăn món gì nhất nên đã nấu cho cậu một nồi canh khổ qua và thịt kho tàu ngon tuyệt. Rồi mọi người cùng nhau thiết kế một hang đá cho Chúa Hài Đồng thật to, thật đẹp và ấm áp với những vật liệu như rơm, bao xi măng và những cây tre. Cây thông thì được làm bằng cành mít có đính bông gòn, sau đó quấn lên những bóng đèn nháy muôn màu muôn sắc đã làm cho hang đá của gia đình cậu năm đó đẹp nhất khu xóm. Và để góp vui cho gia đình cũng như là để an ủi cháu ngoại yêu quý thì bà ngoại đã nấu một nồi cháo gà thơm phức và ngon tuyệt để đãi cả nhà mà cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, cậu cảm thấy không ai nấu món cháo gà ngon hơn bà ngoại. Cậu cảm thấy thật vui sướng và hạnh phúc vì tất cả tình yêu của mọi người trong gia đình đều dành hết cho cậu.

Không chỉ có vậy, để cho Giáng Sinh năm ấy được trọn vẹn, ba mẹ cậu đã quyết định đưa cậu đi dự lễ canh thức đón “Chúa Giáng Sinh” ở nhà thờ Chánh Tòa để cậu không cảm thấy chạnh lòng khi thấy bạn bè cậu múa bài “Cao cung lên” trong đôi cánh thiên thần mà cậu hằng mơ ước. Đó là một giáo đường xa lạ với những con người mà cậu chưa từng gặp bao giờ, nhưng chính khung cảnh náo nhiệt, ấm cúng, cùng với sự thân thiện của mọi người đã làm cho cậu dần quên đi cảm giác xa lạ. Đặc biệt nhất là khi mọi người cùng nhau hát vang bài ca quen thuộc “Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng…” làm cho cậu cảm thấy mọi vật vô cùng thân thiết như thể “Đêm Giáng Sinh” năm đó chỉ dành riêng cho mình mà thôi. Đó là cảm xúc của cậu bé sáu tuổi ngày nào, con bây giờ thì sao?

Giờ đây, cậu bé thiên thần hụt ngày nào đang là một tập sinh của Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý. Cậu không cần phải nhuộm tóc vàng hay mặc một chiếc áo giúp lễ và đeo sau lưng một đôi cánh để làm thiên thần nữa, các bạn biết tại sao không? Vì giờ đây cậu đã và đang khoác trên mình tấm áo dòng trắng tinh, và cậu luôn được các cha anh trong đan viện gọi là thiên thần thánh thiện vì theo truyền thống thì giai đoạn tập sinh được mệnh danh là thời kỳ hồng phúc của đời tận hiến vì được gần Chúa nhất! Cậu cũng không còn buồn vì tay chân thô cứng nữa, bởi chưng thay vì múa, cậu lại dùng lời ca tiếng hát của mình để chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa.

Ba năm qua tôi đã đón Giáng Sinh xa gia đình, xa những người thân yêu. Nhưng bù lại, Chúa đã ban tặng cho tôi một đại gia đình mới, với những người thân mới, những tình yêu mới. Tại sao tôi lại nói vậy ư? Bởi vì, ở đây tôi cảm nhận được không khí nhộn nhịp, ấm cúng, vui tươi và hạnh phúc thể hiện rõ trên gương mặt thân thương của quý cha, quý thầy trong cộng đoàn qua từng cử chỉ, lời nói, hành động với tình yêu và lòng mến cùng sự quan tâm chân tình. Chính những điều này đã làm cho tôi luôn cảm thấy mình đang ở nhà và mọi người ở đây như là cha, là mẹ, là anh em yêu dấu của tôi, khiến tôi luôn cảm thấy bình an, hạnh phúc và dường như bây giờ tôi đã hiểu thế nào là “mùa đông không lạnh” rồi các bạn à! Không những thế, tin tôi đi, bạn cũng là người hạnh phúc từ sâu thẳm bên trong chứ không cần phải tìm kiếm xa xôi ở bên ngoài và đó là tiền đề để ngày nào cũng là “Giáng Sinh an lành và hạnh phúc!” Hãy lắng nghe trong thinh lặng và cầu nguyện, chứ không phải trong cái ồn ào, tấp nập và vội vã thì bạn sẽ nhận ra được chính mình, phần mà bạn chưa nhận ra và đánh thức.

 

 

GIÁNG SINH VÀ NOEL

Titô Nguyễn Hồng Gấm

Trong bài thơ “Vội Vàng” của nhà thơ Xuân Diệu có câu: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua, xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Đúng thế, dẫu biết rằng thời gian nó qua thật nhanh và cứ chạy trôi theo quy luật tất yếu của tự nhiên và năm nào cũng có ngày lễ Noel, thế nhưng mỗi dịp noel về lòng chúng ta lại nôn nao một cảm xúc khó tả về ngày Giáng Sinh và Noel.

Tại sao lại nói Giáng Sinh và Noel? Hiểu đúng thì “Giáng Sinh và Noel” là một. Thế nhưng với kinh nghiệm của bản thân tôi, Giáng Sinh và Noel được cảm nhận theo ba chiều kích: quá khứ, hiện tại và tương lai. Xét về chiều kích qúa khứ. Nhớ hồi còn bé, cứ đến dịp lễ Noel là tâm hồn tôi lại chan chứa một niềm vui khôn tả. Tôi vui sướng lắm, bởi vì ngày đó được nghỉ học, được lên nhà thờ xứ để xem văn nghệ, được ăn bánh chưng từ lò bếp củi mẹ nấu và đặc biệt là được nghe tiếng khóc của “trẻ thơ” trong thánh lễ nửa đêm. Nghĩ lại chuyện xưa, tôi cảm thấy mình quá đơn sơ. Noel thuở ấy đối với tôi chỉ là dịp để vui chơi chứ hầu như tôi chưa cảm nghiệm được tý nào trong lý trí về mầu nhiệm cứu độ cả. Tôi chỉ biết Noel là Chúa sinh ra và Phục Sinh là Chúa sống lại. Những hiểu biết khá sơ đẳng qua những bài giáo lý vỡ lòng mà tôi đã học. Bởi thế, trong tâm thức tôi lúc bấy giờ Noel chưa hẳn là một ngày lễ Giáng Sinh thực sự đúng với bản chất của nó.

Thế rồi thời gian dần trôi, những suy nghĩ trẻ con cũng tàn phai theo năm tháng, hiện bây giờ tôi đã trưởng thành hơn, đã được học và đã cảm nhận được phần nào tình yêu cao vời và ngọt ngào của mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm của tình yêu trao ban nhưng không của Thiên Chúa cho loài người. Trong đêm Giáng Sinh “Thái Tử Bình An” đã xuất hiện và tất cả trên trời dưới đất đều hát “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Ngài đã mặc lấy hình hài bé bỏng, nhưng vương quốc và uy quyền của Ngài sẽ “làm cho cả trên trời dưới đất vào trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quỳ”. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã mở ra cho loài người một tương lai mới đó là được Thiên Chúa yêu thương, ghé thăm và ban ơn cứu độ đến. Ngang qua “Người Con Dấu Yêu” này, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của người cách rõ nét nhất. Bởi từ đây, Thiên Chúa không còn là một Thiên Chúa xa lạ, nhưng là Thiên Chúa ở với loài người; Ngài ở với tôi, với bạn và với hết thảy mọi người trong thế giới này.

Đã qua hai mùa Noel trong nhà dòng và đang bước vào mùa Noel thứ ba, tôi đã không còn cái đơn sơ của thuở nào nữa. Giờ đây, mỗi khi Noel đến đều gợi lên trong tôi một cảm nghiệm thực sự về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng, mỗi người đều có những cảm nhận khác nhau về ngày lễ Noel, nhưng chắc chắn là tất cả đều có chung một niềm vui vì được Thiên Chúa ghé thăm, được Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương. Vì thế, mùa Noel cũng gọi là “mùa tình yêu”. Trong đêm Noel cũng có những đôi tình nhân quỳ bên hang đá để nguyện ước yêu nhau trọn đời, như trong bài hát “Hai Mùa Noel” có câu: “Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường, mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu”. Cũng trong đêm đó mọi người cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, đặc biệt là chúc cho được bình an của Chúa Giêsu Hài Đồng. Lễ Noel được cảm nghiệm từ những ý tưởng đơn sơ của ngày nào và rồi đã dẫn tôi đến với Con Thiên Chúa khi nhìn ngắm Ngài trong hình hài bé nhỏ của Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Tiếng khóc của “Trẻ Thơ” mà tôi mơ ước được nghe năm xưa không chỉ làm cho vùng trời Bêlem bé nhỏ ngày nào được sưởi ấm trong đêm đông lạnh giá đầy tuyết sương, nhưng đã làm cho cả trần gian tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, đã sưởi ấm cho biết bao tâm hồn nhân thế trong cảnh đời đầy bóng đêm của tội lỗi, đã lôi kéo biết bao tâm hồn hướng đến ơn cứu độ, hướng đến tương lai rạng ngời trong tình yêu Thiên Chúa.

Bước đến với tương lai, chắc chắn rằng năm nào rồi Noel cũng sẽ về, dẫu biết rằng tình yêu của Chúa vẫn không đổi, nhưng vấn đề là ở tôi và tất cả chúng ta nữa. Chúng ta có vui mừng, hy vọng và chờ mong Chúa đến trong tâm hồn chúng ta hay không? Giáng Sinh về nhắc nhở chúng ta rằng, Thiên Chúa vẫn luôn ở với con người, vẫn luôn sinh ra và chết đi cho con người hàng ngày. Ước mong sao tình yêu chúng ta đối với Chúa cũng luôn son sắt như tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dọn mình trong sạch để vui mừng hớn hở đón Chúa Giáng Sinh vào lòng chúng con. Amen.

 

 

 HỒI KÝ MÙA GIÁNG SINH

Giuse Phan Văn Bình O.Cist.

Thời gian thấp thoáng thoi đưa, mới đó đã hơn ba năm trong cuộc đời tu trì của tôi. Nhìn lại thời gian đã trôi qua, tuy không dài cũng chẳng ngắn, nhưng chừng đó đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng từ khi bước vào nội vi Đan Viện. Tôi nhớ lần đầu tiên bước vào nội vi của Đan Viện, từ trái tim tôi cảm nhận có một sự đụng chạm giữa thánh thiêng và thế tục, giữa cuộc sống xô bồ và sự tĩnh lặng của đời sống đan tu. Khu nội vi ấy, mọi người biết sao không? Đó là một nơi tường cao, cửa kín, một môi trường hoàn toàn mới lạ đối với tôi. Nơi đó, mọi thông tin điện thoại, thư từ hay những mối liên hệ với gia đình, anh em, bạn bè và những người thân đều bị hạn chế. Cũng chính nơi này, có một sự thay đổi mà chính tôi cũng không thể hiểu được và càng khó hiểu đối với những ai chưa một lần sống trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế này. Có người bạn đã hỏi tôi: “Sống trong một môi trường như vậy làm sao bạn chịu được?”. Tôi trả lời: “Mầu nhiệm bạn ạ!”.

Đối với tôi, từ bỏ những thứ đó để sống cho lý tưởng, sống cho Thiên Chúa và kết hiệp với Đức Kitô là một quyết định theo thần tính. Nghĩa là từ bỏ bản tính tự nhiên của con người. Thế nhưng, trong tôi nhiều lúc còn lưu luyến về quá khứ, dẫu biết điều đó thật sự không tốt, chưa mang tính từ bỏ thật sự và có lẽ làm Chúa buồn. Nhưng bây giờ, trong tôi có sự thay đổi khác hẳn: những gì xa lạ ngày nào nay trở thành quen thuộc; những mối bận tâm, lo lắng, sợ hãi, u buồn... làm cho tôi có một sự mở rộng trái tim với người khác. Tất cả sẽ tan dần theo năm tháng và thời gian sẽ đưa tôi đến nguồn mạch ân sủng của Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc miên trường. Hạnh phúc đối với tôi chỉ có ở nơi Thiên Chúa và Đan Viện là thực tế để tôi cảm nhận được điều đó.

Mọi người biết không? Mỗi lần Giáng Sinh về đã gợi lại trong tôi bao ký ức, bao kỷ niệm và những hình ảnh tuyệt vời. Những ngôi sao, hang đá, cây thông được trang trí nơi các giáo xứ, xóm làng, những màn trình diễn vũ điệu, những bản thánh ca trong đêm Giáng Sinh đã làm cho tôi thêm an bình và hạnh phúc. Thế nhưng, đều qua đi sau đêm Giáng Sinh: những ngôi sao được hạ xuống, hang đá dỡ đi, cây thông được cho vào xó bếp và ai ai cũng trở lại với công việc thường ngày của mình. Mùa Giáng Sinh lại trở về quá khứ với bao sự tiếc nuối và hồi tưởng. Mỗi khi cuộc sống lại trở về với những công việc thường ngày, ấn tượng mùa Giáng Sinh phôi phai, hình ảnh Con Thiên Chúa làm người lại bị lãng quên thì dường như tôi lại thấy có một điều gì đó xót xa. Con người đang đi tìm những hào nhoáng bên ngoài, vẻ đẹp của thế gian và những của cải mau qua, tất cả những thứ đó không bao giờ mang lại sự sống đời đời.

Vì thế, mỗi lúc Giáng Sinh về lòng tôi luôn khắc khoải một nỗi thao thức riêng. Trong nỗi thao thức này, có lẽ chính tôi mới hiểu và cảm nhận được. Với Giáng Sinh năm nay, tôi và quý cha, quý thầy được đón mừng lễ Giáng Sinh trong Đan Viện. Tất cả được chúng tôi trang hoàng thật chu đáo và hoành tráng. Mùa Giáng Sinh thật ấm áp bên Chúa Hài Đồng và hạnh phúc vì được tình yêu Thiên Chúa nhuần thắm. Đối với tôi, đó là hạnh phúc và sự ấm áp không bao giờ xóa nhòa trong tâm trí được. Bởi vì, hôm nay cũng là ngày sinh nhật của tôi, sinh nhật thứ 23. Sinh nhật này không giống với bao người khác, nhưng đối với tôi lại là một hồng ân và niềm vui không sao nói thành lời. Sinh nhật của tôi trùng với ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, ngày mà hồng ân cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện nơi nhân loại. Vì thế, hạnh phúc của tôi phải được sớt chia trong tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa và tình yêu đó phải được thể hiện trong Hài Nhi Giêsu mà tôi đang theo đuổi.

Với chút tâm tình này, tôi muốn cùng với mọi người trên trần gian cất tiếng hát lời ca, ngợi khen tình yêu bao la của Thiên Chúa vì biết bao hồng ân mà Ngài ban cho nhân loại, nhất là cho tôi, người đã được Thiên Chúa đoái nhìn và mời gọi theo Ngài trong đời sống đan tu. Sau cùng, tôi xin cầu chúc mọi người một mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức và hạnh phúc nơi Hài Nhi Giêsu. Ôi! Ngày sinh nhật hồng phúc.

 

 

MÙA ĐÔNG ẤM ÁP

Jacques Nguyễn Văn Bình

Mùa đông thường lạnh giá và tê buốt, nhưng tôi lại chọn cho bài viết với tựa đề  “Mùa đông ấm áp ” để diễn tả một câu chuyện thực tế mà tôi đã cảm nhận được vào dịp Giáng Sinh cách đây không lâu. Giáng Sinh năm 2013 là một đêm mà tôi không thể nào quên được. Đêm ấy tôi cùng một số bạn sinh viên Đại Học Sư Phạm, lúc đó tôi làm trưởng nhóm, chúng tôi lang thang từ 22h đến 3h sáng mới về được đến nhà, vừa đói vừa khát nhưng bù lại tôi thấy lòng mình tràn ngập những niềm vui và hạnh phúc khôn xiết.

Nhóm tôi có 10 anh em, chúng tôi đi khắp các ngã đường từ quận 1 đến quận 3 của thành phố. Mỗi người lao động nghèo, giờ đó chúng tôi tặng một phần quà nhỏ.

Món quà tuy đơn sơ, nhưng cũng là sự tích góp của anh em bấy lâu mới mua được. Quan trọng nhất vẫn là những lời chào hỏi, những câu mừng Chúa Giáng Sinh đến với họ. Dù đôi chân đã mỏi nhưng chúng tôi vẫn pha trò lúc đi đường cho vơi sự mệt mỏi. Đêm Giáng Sinh tôi cảm thấy hầu hết mọi người trong thành phố ăn mặc rất đẹp, đi xe rất sang. Họ cùng nhau đến những trung tâm lớn với ánh đèn rực rỡ, họ thích thú với những cây thông đầy màu sắc, họ cùng nhau chụp hình với ông già Noel trong trang phục đỏ chói với bộ râu trắng tuyết. Dĩ nhiên con người thời nay là vậy, họ luôn thích thú ở những nơi đông người, vui nhộn và ồn ào. Họ thường ngưỡng mộ những cái đẹp, cái nhộn nhịp bề ngoài, nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến những người nghèo khổ, những người nhặt ve chai hay những người đang phải ngủ tạm bên lề đường.

Sống trong thời đại công nghệ thông tin, con người dường như lạnh lùng hơn với những gì thấp hèn. Một bộ phim của Ấn Độ với nhan đề „Robot” mà tôi đã từng xem. Nhân vật chính là một con Robot hoạt động theo sự lập trình của con người. Ấy thế mà khi sống với con người, Robot bắt đầu có tình cảm, biết yêu, biết cảm nhận, biết say mê. Rồi sau đó Robot kết hôn với một người con gái và có một gia đình hạnh phúc. Qua hình ảnh đó, tôi tự nhủ rằng: giả như các nhà khoa học, các lập trình viên, kỹ thuật viên nghành công nghệ thông tin có thể chế ra những Robot và lập trình vào đó những con chíp biết yêu thương để phục vụ nhân loại thì tốt biết bao!

Theo chân từng đoàn người đua nhau đi ngắm những ánh đèn lấp lánh. Tôi cố gắng chen vào đó để đi đến những nơi xa hơn. Vác trên vai bao quà Giáng Sinh ai cũng hỏi tôi: “Bán gì vậy?” Hình như họ chỉ quan tâm đến nhu cầu của mình hơn. Khi chúng tôi đến giáo xứ Tân Định, quận 1. Đối diện cổng nhà thờ có khoảng 30 người nằm trên vệ đường, hình như họ đã đi sâu vào giấc ngủ. Nhìn cảnh tượng đó chúng tôi không cầm nổi lòng mình. Lúc đó tôi nhớ lại câu chuyện thánh Gioan Thiên Chúa cũng từng ngủ với người nghèo như vậy. Khi chúng tôi đến gần thì họ chợt tỉnh giấc, tôi có cơ hội được tiếp xúc để hỏi thăm và trao quà. Mỗi người trong họ có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là sự nghèo khó và bi thương, nhưng những con người nghèo khổ ấy lại có tâm hồn cao thượng, họ biết giúp đỡ nhau trong cảnh khó nghèo, họ biết chia sẻ với nhau món quà Giáng Sinh nhận được. Nhìn hoàn cảnh nghèo nàn của họ tôi lại liên tưởng đến cảnh nghèo của Chúa Giáng Sinh trong hang đá đơn hèn năm xưa. Ngài chấp nhận cái nghèo để đồng cảm với thân phận nghèo khổ của con người.

Ngược lại với thân phận nghèo là những người giàu có. Hầu như những người giàu có không hề biết quan tâm đến người khác. Cảnh tượng ở một công viên gần đó có cả một đám người rất đông, toàn là những người giàu có, họ tụ họp nhau để mừng Noel theo cách riêng của mình, nhưng dường như họ vô cảm và thờ ơ với những người không có nơi trú ngụ thế này. Trái tim họ như bị đóng kín, lòng yêu thương như bị đóng băng, không thể mở ra đối với những người nghèo khổ. Vâng, xã hội bây giờ là thế đó, con người chạy theo vật chất, đua nhau chức quyền và để cho đồng tiền thống trị cuộc đời mình. Con người chỉ biết hưởng thụ những cái họ cho là đẹp đẽ, cao sang, nhưng lại vô tâm trước những người đang lam lũ khổ đau, lang thang kiếm sống từng ngày. Đúng như câu chuyện người Samari tốt lành trong Tin Mừng thánh Luca 10,29-37. Trước cảnh đau khổ, chỉ có người nghèo khổ mới biết cảm thương, trong khi những người cao sang quyền thế như các thầy tư tế, Lê-vi đạo đức thánh thiện khi gặp người bị nạn lại tránh qua một bên mà đi.

Khi mọi việc đã xong, chúng tôi chia tay những người đang ngủ bên lề đường ra về. Tôi cảm nhận cái giá lạnh khi mình ra đi, thương cho những số phận của họ. Nhưng đêm nay kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh, tôi cảm thấy lòng hân hoan vì mình đã đem Chúa đến với họ, cho họ chỗ để tựa nương. Về đến nhà chúng tôi chung niềm vui Giáng sinh với nhau và nhắc nhở nhau phải luôn nhớ đến những người đau khổ mà mình đã và sẽ gặp trong cuộc sống.

Ôi Chúa Hài Đồng, Chúa đã sinh ra trong cái lạnh buốt của mùa đông. Nơi Chúa sinh ra con chưa tới bao giờ. Nhưng chính nơi đây con đã đến và đã chạm vào những người đau khổ trong cái đêm đông lạnh giá là hình ảnh của Chúa năm xưa. Xin Chúa sưởi ấm tâm hồn của họ, xin cho họ biết luôn cậy trông vào Chúa, lấy Ngài làm chốn nương thân và nơi an ủi cho tâm hồn trong những hoàn cảnh éo le của cuộc đời. Chúa Hài Đồng ơi, xin hãy cho nhân loại nhìn thấy ngôi sao phương đông mà tìm đến với Ngài và cho mọi người biết yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương. Xin hãy cho ngọn lửa mà Chúa đã ném vào trần gian được bùng cháy lên, để mọi người biết mở rộng tâm hồn ra đón nhận những người đau khổ nhất, biết mở rộng trái tim để chia sẻ nỗi đau của những anh em đồng loại, để biết “vui với người vui, khóc với người khóc”. Có như vậy mùa đông mới bớt lạnh, có như vậy mùa đông mới trở thành mùa yêu thương, mùa của tình nhân ái và có như vậy mùa đông mới trở thành „Mùa đông ấm áp”.

       

                                                               

Mùa đông của Tình Chúa – Tình Người    

Anselmo

Mùa đông, mùa của tuyết rơi, của những cơn mưa phùn, của cái lạnh buốt với những cơn gió rít lên liên hồi làm tái tê lòng người như muốn cắt từng thớ thịt của lữ khách tha phương. Mùa đông, mùa của bầu trời u ám, của những hàng cây xanh bên đường ngày nào giờ đang rủ cành trút lá bởi cái lạnh kèm sương muối, bởi những cơn gió thổi cuốn lá tung bay, bây giờ trơ trọi chỉ còn thân với cành. Mùa đông, mùa của nỗi tuyệt vọng trong cuộc đời ai đó, mùa gợi lên sự chiêm niệm về những tàn phai. Thế nhưng,  cũng trong đêm lạnh buốt của mùa đông năm ấy, ĐẤNG CỨU TINH mà con người hằng chờ đợi “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội” (Trời Cao- Duy Tân) đã sinh ra. Phải chăng ĐẤNG CỨU TINH sinh ra vào mùa đông lạnh buốt muốn nhắn nhủ với con người điều gì chăng?

Thánh Kinh kể lại rằng: vào đêm đông năm ấy có một cặp vợ chồng khổ hạnh, bơ vơ đi tìm một chỗ trọ trong thành Giêrusalem. Thành này vốn nổi tiếng là nơi phồn hoa dành cho du khách và khách hành hương. Vậy mà không có một nơi để cho đôi vợ chồng dừng chân. Họ không tìm được chỗ trọ chẳng phải vì không có nhà trọ, nhưng chỉ vì họ mang dáng vóc của những kẻ bần cùng. Họ phải bơ vơ trong cái lạnh buốt của đêm đông. Nỗi bơ vơ ấy càng tăng thêm khi người vợ sắp tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Cuối cùng hai người phải tìm đến hang đá Bêlem, chốn ẩn náu của các mục đồng và đàn vật trong đêm tối. Chính tại đây một trẻ thơ đã chào đời trong cảnh cơ hàn: không giường, không chõng, không bếp than, không lò sưởi, chỉ duy nhất một chiếc tã và một máng cỏ để giữ nhiệt (x. Lc 2, 1-7).

ĐẤNG CỨU TINH mà con người hằng chờ đợi lại sinh ra trong hang đá bò lừa hôi thối, lạnh lẽo nơi đồng không mông quạnh, chứ không phải trong cung điện sang trọng lầu son gác tía! CON THIÊN CHÚA lại sinh ra trong cảnh cơ hàn chứ không phải trong quyền cao, danh giá! Cái nghịch lý của cuộc đời là vậy, trong nghèo khó vẫn tiềm tàng sức mạnh vô biên, trong cơ hàn vẫn phát sinh nguồn tình yêu vô giá. Tình yêu, sức mạnh luôn ẩn náu trong những gì mà con người cho là tầm thường và bé nhỏ. Đúng thế, vì tình yêu khiêm hạ mà Con Thiên Chúa “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Ngài sinh ra trong thân phận người nghèo để chung chia kiếp nghèo với con người, Ngài sống cuộc đời nghèo khó để con người được giàu sang trước mặt Chúa và Ngài chết nghèo khó trên thập giá để cho con người được hưởng gia tài Nước Chúa. Con Thiên Chúa sinh làm một em bé yếu ớt nằm trong máng cỏ hang lừa mời gọi con người hãy biết yêu thương những người bé nhỏ yếu hèn và hãy biết nâng đỡ những người nghèo khổ, bị xã hội bỏ rơi và lãng quên.

Trong cuộc sống, nói trên lý thuyết hay học qua sách vở về tình yêu thì dễ, nhưng khi đem áp dụng vào cuộc sống là cả một chặng đường gian nan. Thực tế đã chứng minh rằng, trong xã hội ngày nay con người đang có xu hướng chạy theo nhu cầu hưởng thụ, quay về với lối sống bản năng hoang dại nên họ càng lạnh lùng và vô cảm hơn trước những nỗi đau của người đồng loại. Hằng ngày chúng ta vẫn chứng kiến biết bao khi những người bé nhỏ, yếu hèn và nghèo khổ đang bị xã hội lãng quên, biết bao thai nhi bị sát hại, bị ném đi như đồ “rác rưởi” bởi chính bàn tay của cha mẹ chúng, biết bao cảnh huynh đệ tương tàn cứ diễn ra và biết bao hành động vô lương tâm, coi thường chân lý cứ xảy đến trong cuộc sống. Trước những thái độ dửng dưng đó, những người nghèo không biết hy vọng vào đâu để làm cho trái tim ấm thêm, không biết sẻ chia cùng ai để làm vơi bớt cái lạnh giá đêm đen đang bao phủ cuộc đời. Từ đó, truyền thống tốt đẹp của cổ nhân “Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn” đang dần bị thay thế bằng chủ nghĩa “Mac-ke-no” (mặc - kệ - nó).

Giáng Sinh nữa lại về, cái lạnh giá trong con người vẫn còn đó, sự khổ đau của kiếp nhân sinh vẫn chưa vơi, những người giỏi “lèo lái” trong cuộc đời cứ an nhàn sống xa hoa trong ngôi nhà lộng lẫy, đầy đủ mọi tiện nghi, còn những người nghèo khổ vẫn phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”.  Thực tế hơn, khi người ta có thể tổ chức những bữa tiệc linh đình tại tư gia hay nhà hàng, thì vẫn còn biết bao người nghèo khổ là hình ảnh của Lazaro ngày nào (Lc 16, 20) đang ước ao có một chén cháo cho ấm lòng giữa cái đêm đông lạnh buốt; khi những hang đá ngày nay được người ta trang hoàng lộng lẫy bởi những chất liệu đắt tiền kèm theo những ánh đèn màu lấp lánh hay khi người ta có thể khoác lên mình Hài Nhi Giêsu một chiếc áo được đính những hạt vàng lấp lánh, thì trên đường phố vẫn còn biết bao hình ảnh “Cô bé bán diêm” trong truyện cổ tích của An-đéc-xen đang lần quẹt từng que diêm cháy sáng nhằm ước mong có lò sưởi để sưởi ấm trong đêm đông lạnh buốt, có bàn ăn để xua tan cái đói đang cồn cào ruột gan, có cây thông noel hiện về để thực hiện những ước mơ bé nhỏ. Ngoài ra, còn không biết bao nhiêu những đứa trẻ lang thang không cửa không nhà như trong bài hát “Đứa Bé” của nhạc sĩ Minh Khang đã diễn tả: “Trong đêm một bàn chân bước, bé xíu lang thang trên đường, ánh mắt buồn mệt nhoài của em, em rất buồn không biết đi về đâu”.

Mùa Giáng Sinh tới là dịp để chúng ta noi gương Mẹ Maria và Thánh cả Giuse chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, để thấy rõ tình yêu khiêm hạ của CON THIÊN CHÚA dành cho nhân loại. Qua đó chúng ta nhìn vào tâm can để biết rõ con người thật của mình, để xem dung lượng trái tim ta có còn giãn nở để chứa đựng chút hơi ấm của tình yêu chăng. Để từ đó ta biết mở lòng với tha nhân nhằm cảm thương với cái lạnh giá của những trái tim đang cô đơn, cái bơ vơ của những người bé nhỏ, cái đói khổ của những kẻ nghèo nàn và cái lạc lõng của những người bị xã hội bỏ rơi.

Ngoài ra, trong đời sống tu trì của chúng ta cũng còn nhiều anh em đang đau khổ vì bệnh tật, u sầu vì những trái ngang, bất lực vì những yếu đuối nơi con người mỏng dòn hay bởi sự vô tình do lời nói hay việc làm của chúng ta làm anh em buồn lòng. Vì thế, sự an ủi, đồng cảm, chia sẻ với những anh em đang buồn lòng, bất lực, u sầu, khổ đau là điều cần thiết để họ cảm nhận được hơi ấm tình người. Dù bằng lời nói hay hành động, nhưng với tất cả lòng thành xuất phát từ một con tim đầy nhân ái cũng đủ để làm vơi bớt những gánh nặng, lo toan và nỗi khổ đau đang bao phủ cuộc đời anh em.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng con cảm tạ vì tình yêu khiêm hạ của Ngài. Trong đêm đông lạnh buốt  ấy, Ngài đã tự nguyện xuống thế làm người để thắp sáng ngọn lửa tình yêu, sưởi ấm lạnh giá của những người đói khổ, nghèo nàn và những người bị xã hội lãng quên. Xin Chúa dùng ngọn lửa tình yêu ấy sưởi ấm con tim lạnh giá trong mỗi con người chúng con, để chúng con là những đạo sĩ phương đông biết đem của cải vật chất chia sẽ giúp đỡ những ai đang lâm cảnh đói rét như “Cô bé bán diêm”, để chúng con là những mục đồng biết cảm thông với những người cô đơn, bất hạnh như Lazarô. Như thế, chúng con sẽ có thể làm cho Mùa Đông Lạnh Giá trở thành Mùa Đông Của Tình Chúa – Tình Người.

 

 

Kỷ niệm Giáng Sinh

Ignatio Antiokia  

Lại một mùa Giáng sinh nữa sắp đến, trong tâm hồn tôi lại nhớ đến những kỷ niệm đẹp từng trải qua trong những ngày lễ Giáng sinh trước. Những kỷ niệm ấy làm cho tôi có cảm giác như được sống lại những giây phút của quá khứ, những giây phút vui vẻ bên người thân và bạn bè. Những năm gần đây, tuy không có người thân bên cạnh nhưng đổi lại, tôi lại cảm nhận được những cảm giác yêu thương và niềm vui khác mà các cha anh dành cho tôi khi tôi sống trong cộng đoàn này.

Trong ngày lễ Giáng Sinh, ai cũng có những kỷ niệm đẹp, những giây phút không thể phai mờ trong ngày Chúa đến trần gian, mang ơn cứu độ và bình an cho nhân loại. Đối với tôi, những kỷ niệm khó phai mờ nhất đó là được vui vẻ bên người thân, bạn bè. Khi chưa bước chân vào nhà dòng, niềm vui trong đêm Noel của tôi là được cùng với gia đình và bạn bè đón mừng đêm hồng phúc này. Không chỉ có bạn bè Công giáo nhưng còn có cả những người bạn lương dân, họ đến chia sẻ với tôi niềm vui trong ngày lễ. Những dịp như thế tôi cũng thường mời các bạn lương dân đi tham dự đêm văn nghệ mừng Chúa Giáng Sinh mà các Giáo xứ tổ chức hoặc đi xem hang đá và những cây thông do mọi người trang trí. Khi đến giờ cử hành Thánh lễ ở giáo xứ, tôi cũng thường mời các bạn tham dự Thánh lễ cùng tôi. Khi tham dự Thánh lễ họ luôn tỏ ra thích thú nhưng cũng giữ nét nghiêm trang. Đặc biệt, sau thánh lễ họ thường hỏi tôi về ý nghĩa của buổi lễ. Đó cũng là cơ hội để tôi giới thiệu cho bạn bè về Thiên Chúa, về niềm tin của mình và nhất là về niềm vui của ngày Chúa đến trần gian. Đó là những kỷ niệm hồi tôi ở nhà.

Những kỷ niệm của ngày ấy đã dần trôi theo năm tháng. Bây giờ tôi đã sống trong đan viện, nơi đây không còn bạn bè bên cạnh trong đêm Giáng sinh nữa, nhưng tôi vẫn tìm thấy được một niềm vui mới và niềm vui đó đem đến cho tâm hồn sự bình an. Niềm vui và sự bình an đó đến với tôi khi tôi cùng cộng đoàn chuẩn bị lễ Giáng sinh như trang trí hang đá và làm đèn ngôi sao…Niềm vui đó được nhân lên khi cùng cộng đoàn cử hành Thánh lễ đêm vọng Chúa Giáng sinh, được cùng với anh em hát lên những bài thánh ca Giáng sinh. Sau khi Thánh lễ kết thúc, mọi người trong cộng đoàn lại dành cho nhau những lời chúc mừng, những cái bắt tay thân tình và nồng ấm. Đặc biệt là trong khi ăn liên hoan mỗi người trong chúng tôi thường nhận được những món quà mà cộng đoàn đã chuẩn bị. Đó là những niềm vui trong đêm Giáng sinh. Niềm vui ấy đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc và bình an trong tâm hồn.

Mặc dù đó chỉ là những kỷ niệm đơn sơ mà tôi đã cảm nhận được trong ngày lễ Chúa Giáng sinh, nhưng đó là những kỷ niệm đẹp đã đi vào tâm hồn khiến tôi không thể quên được. Những kỉ niệm đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc khi tôi nhớ đến nó và cho tôi một niềm an ủi khi tôi gặp khó khăn trong cuộc sống. Qua bài viết này tôi nguyện chúc cho tất cả mọi người luôn tìm thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc và bình an trong Chúa Hài Đồng Giêsu.

 

 

LÀM SỐNG HỒI KÝ

Phansicô Assisio  

Chủ Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa như báo hiệu cho chúng ta khép lại Mùa Giáng Sinh. Thế nhưng không khí Noel đã tan biến trước đó cả tuần với hình ảnh hang đá được dỡ bỏ. Cứ mỗi độ Giáng Sinh qua đi là cây thông to có, nhỏ có nằm vất vưởng trên lề đường. Người ta ném chúng ra ngoài không chút trân trọng. Thế nhưng khi dọn dẹp máng cỏ - cái máng cỏ mà mấy tuần trước đây chúng ta đã cố gắng xây làm sao càng thô thiển, mộc mạc và đơn hèn càng quý - thì chúng ta lại kính cẩn dọn cất. Chúng ta trân trọng máng cỏ không phải vì chút rơm khô hay những mảnh gỗ không giá trị, nhưng vì đó là máng cỏ của Bé Giêsu; không phải vì chính Chúa Giêsu đã vào nằm trong ấy, nhưng chỉ vì tượng Hài Nhi mình đã đặt vào đó.

Giáng Sinh về, là dịp tôi lại tự vấn rằng:  “Chẳng lẽ máng cỏ do tay người phàm làm nên cao cả và quý trọng hơn cả công trình của Thiên Chúa sao?

Thực tế chúng ta thấy rằng, những người quần áo rách rưới thum thủm mùi khai cùng chung ghế quỳ với mình, cùng rước chính Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể với mình thì nhiều khi mình lại nhìn họ không mấy trân trọng, không chút xót thương, nếu có thương e cũng là thương hại mà thôi, có bố thí cũng chỉ để thỏa mãn lòng từ bi của mình chứ không nhận ra máng cỏ Hài Nhi nơi anh em đó.

Thật thế, nhân phẩm con người cao quý không phải nơi áo rách quần sang, hay ruột thúi đầu thơm... nhưng vì con Thiên Chúa đã làm người, đã chết và sống lại để cứu chuộc loài người, vì chính Chúa Giêsu đã ngự vào trong thịt, trong hồn con người. Chính cái nhìn Đức tin này khiến chúng ta tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền của mỗi người: nghèo cũng như sang, thất học cũng như tri thức, đồng đảng cũng như nghịch chính kiến.

Những cánh thiệp, việc trang hoàng của chúng ta sẽ trở nên cao quý và thiêng liêng khi chính tôi, bạn và hết thảy mọi người biết mở rộng lòng đón nhận, giang rộng vòng tay yêu thương chính những anh em của mình. Hoàng Tử Bình An sẽ đến và ở lại với chúng ta nếu chúng ta biết ngày một phấn đấu và nỗ lực xây dựng và nâng cấp hang đá cõi lòng của chính chúng ta ngày càng trang hoàng lộng lẫy hơn.  

                       

                                                                                                

Đêm Noel trong giá lạnh

 Phêrô Ngư  

“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”. Vâng, vào mỗi cuối năm, khi mùa thu đi qua, mùa đông lại đến và cái lạnh lại về trong không gian của đất trời. Cái se lạnh cũng thấm vào tâm hồn mỗi con người trên quê hương và dân tộc. Cùng giáo hội hoàn vũ chúng ta đón chờ ngày trọng đại, ngày của tình yêu, ngày của ơn cứu độ trần gian đến gần kề.

Niềm vui Noel là dịp để mọi người trong gia đình qui tụ và quây quần bên nhau, cùng nhau chiêm ngắm hang Bêlem được trang trí xinh đẹp và rực rỡ. Mỗi người trao cho nhau những món qùa, những tấm thiệp và những lời chúc đầy ý nghĩa. Đó cũng là cơ hội tuyệt vời để hàn gắn tình cảm của mọi người trong gia đình: vợ chồng với nhau có cơ hội để làm mới và hâm nóng lại tình cảm của mình, các anh chị em với nhau có dịp để cảm thông tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau. Nhờ đó mọi người xích lại gần nhau hơn, tạo lập lại niềm vui, hạnh phúc và sự bình an.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái nồng ấm đó vẫn còn có những cái lạnh của tình người. Đâu đó vẫn còn cảnh chiến tranh giết chóc, vẫn còn nạn kì thị chủng tộc, tôn giáo, màu da và giai cấp. Trong các gia đình vẫn còn những chia rẽ, hận thù. Đáng buồn hơn, vẫn còn cảnh cha mẹ bỏ con cái theo người khác; con cái hỗn láo hay bỏ cha mẹ; anh chị em trong gia đình giành giật đất đai, tranh chấp tài sản của nhau… Rồi còn biết bao nhiêu người già cả, trẻ em, người tật nguyền không nơi nương tựa, bị bỏ rơi hoặc bị gạt ra bên lề xã hội. Những cảnh cướp đất cướp biển, hà hiếp dân lành vẫn còn đầy dẫy trong xã hội Việt Nam và trên thế giới.

Trước cái lạnh giá của tình người đó, Con Thiên Chúa đã muốn được đồng hành cùng nhân loại, nên Ngài đã chọn Bêlem là nơi giáng sinh. Nơi hang đá, chiên cừu cư ngụ và mùa đông giá rét, Chúa Giêsu lạnh giá về vật chất, nơi ăn chốn ở, vì Chúa muốn mang lại hơi ấm của Tình Chúa cho nhân loại. Ngài muốn sưởi cho trái đất được ấm lên tình người, tình bác ái yêu thương lẫn nhau trong cuộc sống, tình liên đới giữa các nước và các dân tộc trong cái lạnh của mùa đông.

Noel trong cái lạnh của đất trời cũng như cái lạnh của tình người, của quê hương, dân tộc đã được làm cho ấm lại bởi sự kiện Con Thiên Chúa Giáng sinh. Cầu mong cho mọi người, mọi dân tộc được ấm lên và làm lan tỏa hơi ấm của Chúa đến cho mọi người, để xua tan cái lạnh giá của đất trời và của tình người với nhau.

                                                                                               

 

NIỀM VUI GIÁNG SINH

Phêrô Hoàng

"Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời se chữ đồng".

Giai điệu mượt mà của bài hát được người nhạc sĩ tài hoa sáng tác để mừng sự kiện Con Thiên Chúa Giáng Sinh đã làm cho lòng người xao xuyến và bừng lên niềm vui trong những dịp Giáng Sinh về.

Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui không dành riêng cho một ai, mà cho cả mọi người. Hầu như mọi người khắp nơi đều đang bận rộn với việc chuẩn bị: người thì làm đèn, người thì trang trí nhà cửa, người thì làm thiệp để gởi cho ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè và họ hàng gần xa với những lời chúc tốt đẹp. Khắp khu phố đến thôn làng, đâu đâu cũng gặp những cây thông Noel được trang trí bằng những đèn nháy lấp lánh hay các dây kim tuyến treo lơ lửng và phất phơ bay trong gió như muốn mang yêu thương đến cho mọi người. Trong một khung cảnh rộn ràng và tấp nập như thế càng làm cho lòng người rộn lên niềm vui và sự háo hức về ngày lễ Giáng Sinh sắp đến.

Những nhộn nhịp bề ngoài ấy đã gởi lên trong tâm trí tôi một cái gì đó sâu lắng hơn đó là ký ức về niềm vui của những mùa Noel đã qua, khi được cùng gia đình đón Noel. Nhưng rồi những ngày vui đó cũng đi qua khi tôi rời xa gia đình. Bốn năm xa gia đình cũng là bốn năm gia đình không được đón Noel một cách đầy đủ các thành viên, bốn năm xa gia đình cũng là bốn năm vì thiếu vắng tình cảm gia đình, người thân và bạn bè. Nhưng giờ đây, trong „gia đình“ đan viện, với tình thương, sự che chở của qúi cha, qúi thầy và anh em, tôi đã tìm lại được sự nồng ấm thực sự của ngày lễ Noel. Ngày lễ Noel, chúng tôi cùng nhau tổ chức canh thức mừng Chúa Giáng sinh, cùng nhau vui chơi, ca hát và trao tặng nhau những lời chúc, những món qùa ý nghĩa. Những niềm vui này cho tôi cảm nhận được ý nghĩa của câu nói mà Chúa Giêsu đã nói: “Ai từ bỏ cha mẹ, anh em, bạn bè mà theo Ta thì sẽ được gấp trăm ở đời này và còn được sự sống đời sau”.

Không biết tương lai cuộc đời sẽ ra sao, nhưng giờ đây tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc và xác tín rằng: Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Ngài hằng che chở và dìu dắt từng bước đi của tôi. Có Ngài tôi sẽ không lo sợ, có Ngài dù đời tăm tối đến đâu vẫn còn niềm hy vọng.  Nếu vì tình yêu mà Chúa đã nhập thể làm người trong thân phận hèn yếu như con người, thì cũng vì yêu thương, Chúa sẽ luôn che chở giữ gìn tôi, bạn và tất là chúng ta, những con người được Chúa ưu ái một cách đặc biệt khi trao tặng chính Con Một của Ngài cho chúng ta.

Ước mong mọi người cũng luôn cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa để không ngừng dâng lời cảm tạ Chúa, không ngừng tin tưởng và cậy trông nơi Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, và không ngừng hát lên bài ca tôn vinh Chúa trong niềm vui sướng: „Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời se chữ đồng“!

 

 

 Giáng Sinh Nghèo

William

Mỗi độ Noel về, hầu như ai cũng nô nức, trong niềm hân hoan rạng ngời, trong cảm giác lâng lâng, trong niềm vui khó tả. Nếu không được gọi là Thánh Thiện thì cũng thật là thiêng liêng. Do đó, người ta thấy cuộc đời tự nhiên sao dễ thương và tràn ngập bầu không khí bình an. Cho dù đó chỉ là cảm giác tạm bợ lan tỏa khắp nơi, nhưng cũng làm cho người ta có thể quên đi những lao nhọc, những vội vã và những tiếng thở dài của cuộc sống.

Neol là niềm vui không riêng gì của người Kitô giáo chúng ta mà còn là niềm vui chung của hết thảy mọi người, tất cả cùng hòa chung sự cảm nhận. Niềm vui ấy được thể hiện trên những cánh thiệp được trao gửi cho nhau, hay có thể thấy trên đường phố với đèn sao rực rỡ, với những bản nhạc quen thuộc vang lên, vọng vào cõi thanh không. Nhưng sau tất cả những điều đó chúng ta quên rằng, niềm vui chúng ta đang cảm nhận lại là những nỗi buồn của những mảnh đời bất hạnh, những con người nghèo đói đang tần tảo để mưu sinh trong cuộc sống. Trong xã hội ngày nay còn có quá nhiều những người nghèo, họ thực sự nghèo xơ xác, nghèo rớt mồng tơi. Chẳng phải Chúa Giêsu đã từng nói: “người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình” (Mt 14, 7).

Giáng Sinh về, ai cũng muốn làm những hang đá, những ngôi đèn sao lấp lánh đủ mọi màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng được trang trí rực rỡ, nhưng dù làm bao nhiêu hang đá, có chiêm ngắm bao nhiêu lần đi chăng nữa mà lòng người cứ vô cảm trước hình ảnh một Giêsu nằm trong máng cỏ nghèo hèn đơn sơ với đôi tay dang rộng, đôi mắt rạng ngời, đôi môi nở nụ cười, đầu chồm dậy như muốn chào đón mọi người thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Thiên Chúa làm người, sinh ra trong hang súc vật, nơi đồng hoang hiu quạnh, giữa mùa đông giá rét nhưng không phải là cung điện cao sang, không có chăn ấm nệm êm cho ta cảm nhận được tình Chúa yêu thương nhân loại biết chừng nào! Đặc biệt, đứng trước hang đá ta cảm nhận được hơi lạnh của mùa đông năm ấy, không chỉ là hơi lạnh của khí trời, mà còn hơi lạnh của lòng người. Ý nghĩa “Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11) là vậy.

Sinh ra đã nghèo, nên cuộc sống của Đức Giêsu cũng là kiếp nghèo, nghèo đến nỗi không có chỗ tựa đầu. Số phận của bao mảnh đời nghèo chúng ta thấy khốn khổ, thấy đã bi đát, vậy mà số phận của Ngôi Lời nhập thể còn bi đát hơn, nên cái nghèo của Chúa Giêsu sầu thảm hơn cả, cái nghèo thực thế, nghèo hiện sinh, sự nghèo đói thật lạ lùng. Hình ảnh Giêsu nghèo nàn nơi hang đá làm ta nghĩ đến những người nghèo trong xã hội hôm nay. Họ là những người nghèo và trở nên nghèo vì cơ chế xã hội đang ngày càng phân hóa, nên khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng rõ hơn. Khi nhìn vào một đất nước phát triển, người ta cứ ngỡ tưởng rằng kinh tế đang tăng trưởng, đời sống con người được nâng cao, sẽ không còn những người nghèo đói, không còn khái niệm người lang thang, vô gia cư, người ăn xin, nhưng thực tế tất cả mọi thứ đều có hai mặt, không hẳn cái gì phát triển đều tốt, cũng không hẳn cái gì tụt hậu là xấu. Cũng giống như tảng băng trôi trên đại dương, có ba phần nổi, bảy phần chìm.  Nghịch lý nơi con người là chỉ để ý và quan tâm đến ba phần nổi mà quên đi bảy phần chìm. Bảy phần chìm dưới nước là gì? Đó là: nghèo đói, tệ nạn, vô tâm… Mặt trái của xã hội phát triển là sự phân cách giữa người giàu và người nghèo càng trở nên rõ rệt hơn. Người giàu cứ giàu, con người nghèo thì cứ nghèo, chính sự phân cách đó làm tiền đề tạo ra khoảng cách lớn giữa còn người ngày càng lớn và kéo theo đó, nó làm cho xã hội sinh ra nhiều cái nghèo khác nhau.

Cái nghèo ai cũng có thể nhìn rõ, nhất là cái nghèo bên ngoài bởi nó được thể hiện ra trong của cuộc sống. Đó là kiếp sống lam lũ, nhà tranh vách đất. Cái nghèo tâm hồn: là nghèo sự công chính, nghèo tình cảm, nghèo tình thương, nghèo sự chia sẻ, nghèo sự quan tâm…

Nhìn ra xa hơn một chút vào xã hội ngày nay, bất cứ nơi đâu chúng ta cũng bắt gặp những mảnh đời bất hạnh, những người nghèo. Ngày nay họ nghèo về phương diện luân lý, nghèo về đạo đức, nghèo về văn hóa, nghèo cách ứng xử với nhau. Đây chính là những cái nghèo mà chúng ta đáng phải quan tâm hơn hết, bởi không để ý đến những điều đó thì chúng ta  sẽ trở nên vô cảm, lạnh lùng trước sự đau khổ của người khác. Vậy chúng ta hãy gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để kêu gọi tất cả mọi người. Đặc biệt là chúng ta, những chiến sĩ của Chúa Kitô “hãy xuống đường” đi vào các hang cùng ngõ hẻm nơi tận cùng của tâm hồn tìm cho được những con người này để giải thoát cho họ ra khỏi cái nghèo mà họ đang phải mang theo.

Mừng mầu nhiệm Giáng Sinh phần đông chúng ta bị cuốn vào sự rầm rộ bên ngoài. Ít ai suy nghĩa rằng một Giêsu trở nên nghèo để cho con người trở nên giàu có, và cho con người được thông dự vào Thiên Tính của Người. Chúa Giêsu chấp nhận sinh xuống làm người và trở nên nghèo khó, vì con người tự thân là nghèo, nếu có gì cũng do Thiên Chúa ban. Con Thiên Chúa nhập thể trong nghèo nàn, Người đến thế gian với một tấm vải và rời bỏ thế gian cũng chỉ một tấm vải, có thể nói Chúa là hiện thân của một kiếp nghèo thật sự.

Đêm thánh năm xưa, niềm vui trọng đại được loan báo cho những con người kém nhất trong xã hội đó là những người mục đồng, những người nghèo hèn, không có chút hiểu biết như những bậc thầy Do thái. Vậy mà họ được Thiên Chúa để ý đến, quan tâm tới. Phải chăng khi người ta nghèo người ta đễ đón nhận hơn. Do đó, Chúa Giêsu Giáng Sinh nơi hang đá như muốn thể hiện cái nghèo để có thể gần gũi, chia sẻ và hướng họ về sự giàu có thiêng liêng trên trời. Ngài chúc phúc cho họ: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Đối với chúng ta, Đức thánh cha Phanxicô là một mẫu gương tuyệt hảo về đời sống nghèo. Người sống nghèo, sống cho người nghèo, ngài luôn nói: “Giáo hội phải là Giáo hội của người nghèo”. Đó là những lời quen thuộc mà ngài nói mỗi khi đề cập đến vai trò và căn tính của Giáo hội. Đã qua rồi thời Giáo hội quên lãng và xa tránh người nghèo, chỉ biết sống trong giàu sang và xa hoa mà quên đi cội nguồn của mình, quên đi thủ lãnh là Đức Giêsu Kitô cũng là một người nghèo.

Giáng Sinh tới, chúng ta cùng nhau đón nhận niềm vui chung, niềm vui Phúc Âm, niềm vui Tin Mừng đó là sự xuất hiện của Ngôi Lời: “Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavít” (Lc 1,11). Trong tông huấn Đức Thánh cha gửi cho Giáo Hội có đôi bàn tay lấm láp vì giúp đỡ người nghèo và bị áp bức. Hình ảnh đó là mang lại cho họ niêm hy vọng, sự nhìn nhận về phẩm giá làm người, làm con Chúa trong lòng Giáo hội. Niềm hy vọng là ơn Cứu rỗi, là tình thương, là sự hiệp thông và sự quan tâm bằng con tim chân thật chứ không phải bằng sự giả hình. Hẳn không đơn giản để Giáo hội sống và thực thi sứ mạng đó, vì xung quanh vẫn còn có những rào cản, những hố sâu ngăn cách. Nhất là chúng ta, để nói yêu thương người nghèo thì không dễ chút nào. Khi đối diện thực tế với cái nghèo, Đức Thánh Cha Phanxicô tỏ ra lo ngại, ngài nói: “Tôi muốn thấy một giáo hội bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn vì sống lê la trên các đường phố chứ không phải là một Giáo hội xanh xao, vàng vọt vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an ninh của riêng nó” (Tông huấn niềm vui Phúc Âm).

Quỳ trước hang đá chiêm ngắm Chúa sinh xuống làm người nghèo khó, hèn mọn, ta nên xin Chúa điều gì? Nhiềm lắm Chúa ạ. Xin nêu lên ba điều:

Trước hết xin Chúa ban ơn cho chúng ta biết tôn trọng phẩm giá mình và phẩm giá tha nhân, vì khi làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự liên kết với mỗi con người, đã mang lấy trọn vẹn bản tính con người, để thánh hóa nó cho nó được chia sẻ vào thần tính của Người. Trong mầu nhiệp nhập thể, con người được nâng lên tới một phẩm giá vô song. Kế đến, chúng ta hãy xin cho được luôn luôn ý thức rằng không có gì tốt lành nơi ta mà không lãnh nhận từ sự giàu có của Cha trên trời. Ý thức đó sẽ làm ta sống trong tâm tình cảm tạ đối với Chúa, khiêm tốn đối với anh em, nhất là với ai thua kém mình và sử dụng mọi sự như người quản lý trung thành. Cuối cùng, chúng ta hãy xin cho được ơn tự do, thanh thoát đối với của cải vật chất, biết sống một cuộc đời đơn sơ, giản dị, thanh bần, biết chia sẻ liên đới và sẵn sàng phục vụ mọi người nghèo khổ vì người nghèo là hiện thân của Đức Kitô.

 

 

NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ

 Mauro Phan Công Thành

 Lại thêm một Mùa Giáng Sinh sắp đến. Kỷ niệm ngày sinh ra của Chúa Hài Đồng Giêsu. Chắc chắn rằng, ai trong chúng ta cũng có những niềm vui riêng hay những nỗi niềm trào dâng từ con tim. Con tim của tình yêu đáp trả tình yêu đối với Chúa Hài Đồng Giêsu. Từ sâu thẳm đáy lòng của mỗi người, ai cũng khát khao sự sống thiêng liêng, khát khao được ấp ủ, được nâng đỡ. Không ít lần, chúng ta  cảm nhận được điều đó nơi Chúa Giêsu, vì tin rằng Ngài là Đấng  “Emmanuel” (Thiên Chúa ở cùng chúng ta).  Ngài đã đến và sống trong thế gian, đã làm người, đã chịu những mùi vị của thế gian. Ngài là tình yêu vô biên, Ngài yêu thương chúng ta và muốn đem chúng ta về với Thiên Chúa Cha. Vì tình yêu vô biên ấy Ngài đã chấp nhận làm con người như chúng ta để cho chúng ta được làm con Thiên Chúa. Đây là mối dây liên đới giữa tình yêu với tình yêu, giữa tình Chúa với tình người. Chính điều này mà chúng ta nhận được ơn cứu độ.

Mầu nhiệm Giáng Sinh là một mầu nhiệm ẩn chứa biết bao ý nghĩa, biết bao thông điệp thể hiện nơi Chúa Hài Đồng. Do đó, mầu nhiệm Giáng Sinh là một niềm vui của toàn thể nhân loại, của muôn loài trên trời cũng như dưới đất và ngay cả trong nơi âm phủ. Tất cả đều hân hoan và tung hô: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Chúa Hài Đồng Giêsu đến để đem niềm vui, ơn cứu độ, sự liên đới và gắn kết con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Niềm vui này được thể hiện một cách rõ nét qua hình ảnh ba nhà chiêm tinh cùng nhau lên đường tìm Đấng Cứu Thế khi nhìn thấy sao lạ xuất hiện trên bầu trời. Họ đã cùng nhau lên đường, đã “cùng nhau” đến, “cùng nhau” gặp Chúa, “cùng nhau” chiêm ngưỡng, “cùng nhau”  vui sướng hân hoan.  Niềm vui này tiếp tục được lan tỏa và ngập tràn trên tâm hồn khi họ được tận mắt trông thấy ơn cứu độ. Chữ “cùng nhau” được nhấn mạnh ở đây muốn nói đến niềm vui của sự gắn kết mà chính Chúa Hài Đồng đem lại cho nhân loại. Từ những người xa lạ, họ đã được Chúa gắn kết lại với nhau, cho họ gặp gỡ nhau và để họ được cùng nhau tận hưởng niềm vui ơn cứu độ từ nơi Chúa.

 Hình ảnh này cũng đã được thấy nơi cụ già Simêon trong Đền Thánh. Ông đã quá vui sướng vì sự chờ đợi của ông đã thành hiện thực. Khi Đức Mẹ và thánh Giuse đem Hài Nhi Giêsu vào đền Thánh để thanh tẩy theo luật Môsê, Ông Simêon đã được gặp Chúa, đã tận mắt nhìn thấy được ơn Cứu độ. Tâm hồn ông đã vui sướng hân hoan, và miệng ông đã thốt lên lời chúc tụng cảm tạ Thiên Chúa: “Muôn lạy Chúa theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ Ngài ra đi, vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại là vinh quang của Ít - ra - en dân Ngài” (Lc 2,29 - 32).

Chúa đến đem ơn cứu độ cho mọi người. Vậy chúng ta phải làm gì để có thể đón nhận niềm vui ấy?

Để có thể đón nhận niềm vui cứu độ của Chúa như cụ già Simêon, thiết nghĩ trong khi chuẩn bị những hang đá vật chất để đón mừng Chúa, chúng ta cũng hãy chuẩn bị tâm hồn trong sạch và sốt sắng để có thể đón Chúa đến trong tâm hồn chúng ta, để Ngài ban cho chúng ta niềm vui và hân hoan vì ơn cứu độ chúng ta đã gần kề, để mọi người có thể cùng thốt lên rằng: hoan hô vị Hoàng Tử của Bình An, của tình yêu thương gắn kết nhân loại lại với Chúa và với nhau.

Mến chúc quý cha và quý thầy một mùa giáng sinh an lành và thánh thiện cũng như luôn trở nên trẻ thơ nho nhỏ, và là một món “đồ chơi thiêng liêng” để dâng cho Chúa Hài Đồng trong Mùa Giáng Sinh này. Một lần nữa cầu chúc tất cả chúng ta luôn sống trong ân sủng và bình an của Chúa Hài Đồng.

 

 

NOEL TÌNH THƯƠNG

    Giuse Nguyễn Quốc Vương

Vũ trụ vẫn cứ mãi vầy xoay theo năm tháng và thời gian vẫn không ngừng trôi đi từng ngày, từng giờ, từng phút và từng giây. Mọi phút giây cứ nối tiếp nhau đến rồi đi theo định luật tự nhiên. Và rồi, một Noel nữa lại tới. Mỗi khi Noel sắp đến là các giáo xứ rộn ràng chuẩn bị vật liệu làm hang đá đón Chúa Hài Đồng. Không khí Noel gởi lên cảm giác vui thích, hạnh phúc. Những cơn gió thổi hiu hiu, se lạnh của mùa đông càng tạo thêm cảm giác dễ chịu hơn. Thật thú vị làm sao khi nhìn thấy người người tấp nập, từ các bạn nhỏ cho đến thanh thiếu niên, từ các thiếu nữ cho đến cả những cụ già cùng thi nhau làm hang đá đón Chúa Giáng Sinh!

Trong cái tiết lạnh của mùa đông, nơi máng cỏ đơn sơ, nghèo nàn tại Bêlem năm xưa, Con Thiên Chúa đã Giáng Sinh làm người, Ngài đi vào đời trong thân phận hèn yếu và trong cảnh nghèo nàn khiến cho chúng ta cảm thấy xót xa làm sao!

Hình ảnh của đêm đông lạnh này cũng được gởi lên trong một câu chuyện rất cảm động, đó là chuyện “Cô Bé Bán Diêm”. Chuyện kể rằng: „Vào một mùa đông nọ, có một cô bé bán diêm, cô đi hết chỗ này chỗ nọ để mời người ta mua những hộp diêm, cô đi trong một đêm tối lạnh lẽo giá rét, ấy thế mà chẳng ai mua dùm cô một hộp diêm nào. Cuối cùng, cô dừng lại ở một góc tường nhà, lôi từng que diêm trong hộp ra và đốt lên để sưởi ấm, khi đốt đến que diêm cuối cùng cũng là lúc cô tắt thở trong cái đói rét của mùa đông!!!

Câu chuyện cảm động trên không chỉ diễn tả cái buốt giá của mùa đông, nhưng sâu xa hơn còn gởi lên cái lạnh giá của tình người. Trong cuộc sống chúng ta, đâu đó vẫn còn những con người chịu cảnh cô đơn lạnh lẽo; cái họ thiếu không phải là chăn ấm nệm êm, nhưng là thiếu tình thương, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn.

Trong đêm đông giá rét, người ta vẫn sẽ cảm thấy ấm lòng nếu như mọi người biết ra tay xây đắp tình thương; trong đêm đông giá rét, người ta sẽ cảm thấy bớt lạnh, nếu mọi người dám hy sinh quyền lợi riêng tư để lo cho lợi ích chung, lo nâng đỡ những người nghèo hèn túng thiếu có được cơm no áo ấm. Sẽ chẳng có gì khó, nếu người ta mở lòng mình ra để yêu thương. Vì yêu thương, người ta có thể làm được tất cả!

Noel về là dịp chúng ta chiêm ngắm và suy niệm tình yêu kì diệu của Con Thiên Chúa đối với chúng ta. Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng vì yêu nên Ngài đã xuống thế làm người để cảm nghiệm tình yêu đối với con người, Ngài đã bỏ hết vinh quang để mặc lấy thân phận con người, sinh ra trong đêm đông giá rét để cùng chung chia thân phận hèn yếu với con người. Suy niệm tình yêu ấy sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác vui tươi và hạnh phúc, vì chính Con Thiên Chúa cũng đang đồng hành với chúng ta trong cuộc sống này. Cảm nghiệm này rất gần gủi với chúng ta, vì trong cuộc sống thường ngày chúng ta đã từng chứng kiến và cảm nghiệm được điều ấy, chẳng hạn, trong một đêm đông lạnh lẽo, nhưng nếu được ở bên cạnh người mình yêu, ta cũng sẽ cảm thấy ấm áp hơn; trong đêm đông lạnh lẽo, nhưng nếu được xum vầy bên gia đình, bên những người thân, ta sẽ cảm thấy ấm áp của một tình yêu say đắm.

Cho nên, Noel là một niềm vui, là cơ hội để ta cảm nhận về sự ấm áp của tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của con người và của vạn vật: Trong mùa đông lạnh, muôn thú tập trung lại để cùng nhau sưởi ấm, cây cối thì chuẩn bị ra lá để đón mùa xuân, chim chóc thì quay về tổ sưởi ấm, còn con người thì nắm tay trong tay thắp sáng lên tình yêu.

Lạy Chúa, trong cái lạnh của mùa đông, xin cho chúng con cảm nhận được thế nào là cái lạnh giá vì thiếu tình người, để chúng con biết đem lại tình thương cho mọi người xung quanh, để mùa đông chỉ làm lạnh được thân xác chứ không làm lạnh được tâm hồn.

 

 

PHÚT SUY TƯ

  Pio X

Mỗi độ đông về, khi cánh gió heo may lách qua những tán cây làm đung đưa những chiếc lá khô nghe xào xạc bên hiên nhà, mang theo không khí se lạnh của đất trời, truyền đi tiếng hát du dương xa xa vọng lại từ máy hát nhà ai cuối xóm. Những bài thánh ca bất hủ: “Đêm Thánh Vô Cùng”, “Mùa Đông Năm Ấy”, “Noel Về”… năm nào cũng nghe nhưng vẫn thấy như luôn luôn mới, bởi nó dẫn đưa lòng người thả hồn miên man về một biến cố trọng đại của thủa xa xưa. Thủa ấy, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể xuống đời nối kết trời và đất.

Từ lâu, ngày lễ Giáng Sinh không còn là ngày lễ chỉ dành riêng cho những người Kitô hữu nữa, nhưng đã trở thành một lễ hội mang tính quốc tế. Bất kể là người công giáo hay không công giáo cũng có một niềm vui nào đó. Các trung tâm mua sắm nhộn nhịp hơn bình thường, người ta háo hức mua quà, gửi thiệp, cầu chúc cho nhau những điều tốt lành may mắn. Nơi các giáo đường hay tại tư gia, người ta trang trí những hang đá thật lộng lẫy với đủ thứ màu sắc, kiểu dáng của các loại đèn sao lấp lánh rực sáng. Rồi lo chuẩn bị những bữa tiệc linh đình, những tiết mục văn nghệ, những hoạt cảnh, những trò chơi giao lưu… tạo nên bầu khí vui tươi phấn khởi.

Noel, ngày Vua Hòa Bình ngự đến trong thân phận phàm nhân hèn yếu, ngày Chúa Tối Cao ban tặng bình an cho nhân loại đã trở thành ngày lễ của niềm vui, sự sẻ chia, là dịp để mọi người sum họp, tổ chức và mang lại niềm vui cho nhau. Những niềm vui bên ngoài tuy có ồn ào, náo động song đó vẫn là điều cần thiết và chính đáng, bởi niềm vui Giáng Sinh là niềm vui từ trời mang xuống cho nhân loại. Nhưng sẽ tốt hơn nếu những gì diễn tả bên ngoài giúp cho lòng trí chúng ta chiêm ngắm, hướng đến niềm vui sâu xa nơi nội tâm khi cảm nghiệm được  “Thiên Chúa đã đến và cắm lều giữa nhân loại” (Ga 1,14). Chúa đã đến và đang ở cùng ta, Ngài đã giáng trần 2015 năm rồi, và hàng năm khi kỷ niệm biến cố vĩ đại này, không chỉ là một nghi lễ nhắc nhớ lại một sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử nhân loại mà còn là hiện tại hóa biến cố ấy, bởi “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời”. Thiên Chúa làm người đã đi vào lịch sử nhân loại như bất cứ một phàm nhân nào, có gốc gác, gia phả, huyết thống rõ ràng. Ngài đã sinh ra trong thân phận một bé thơ yếu đuối, không phải ở nơi đền đài hay trong cung điện mà ở chốn nghèo hèn chỉ có hang đá làm nhà, máng cỏ làm nôi, cùng chia sẻ những buồn vui, lầm than, khốn khổ của những kiếp người bần cùng nhất, để nói cho con người biết về Thiên Chúa, về tình yêu nhiệm mầu của Người và để dẫn đưa mọi người về cùng Chúa Cha, vào nơi hạnh phúc vĩnh cửu.

Thế mà vào thời khắc đặc biệt nhất, giây phút Người đến thế gian, “đến nhà mình” thì lại bị khước từ, bị “người nhà chẳng chịu đón nhận”, không một quán trọ nào muốn đón tiếp, mọi người đều khép lòng từ chối. Chỉ có các mục đồng, là những người đơn sơ nghèo hèn lại nhận biết và được diễm phúc đại diện cho nhân loại đón nhận Hài Nhi Giêsu vào giây phút ấy. Như thế, niềm vui của ngày lễ Giáng Sinh vẫn chưa được trọn vẹn. Vẫn còn đó những con người còn “ngồi trong vùng bóng tối” chưa tin nhận Chúa, do không biết vì chưa có ai rao giảng hay vì cố tình khước từ như các bậc thông thái luật sĩ, kinh sư, hay do cố tình từ khước như hành động của Hêrôđê.

Khi đến chiêm ngắm hang đá, người ta sẽ bắt gặp hình ảnh của Hài Nhi Giêsu thật dễ thương với nụ cười tươi nở trên môi với vòng tay mở rộng như muốn ôm ấp cả nhân loại vào lòng, như muốn mời gọi mỗi người hãy mở lòng để cho Ngài đi vào cuộc đời mình. Chúng ta có muốn tiếp rước, có muốn dành một chỗ trang trọng nhất cho Ngài trong sâu thẳm của tâm hồn mình không? Chúng ta có muốn mời Ngài đi vào cuộc đời mình để Ngài đồng hành, cùng giải quyết, cùng chia sẻ những vui buồn sướng khổ, những xao xuyến lo âu, những trắc trở của phận người, để giải thoát tôi khỏi tội lỗi, khỏi đau buồn, khỏi cuộc sống trống rỗng và những nỗi cô đơn không? Hay miệng nói tin, chân muốn theo, lòng muốn phó thác mà cứ loay hoay quay quắt, cứ tự mình tìm cách giải quyết những khó khăn, những vấn đề của mình như thể Chúa chẳng dính dáng gì đến cuộc sống của mình vậy?

Ngày hôm nay Chúa vẫn đang cần đến tấm lòng của mỗi người, “Người đến trước cửa nhà ta và gõ” dưới muôn ngàn dáng vẻ khác nhau như: người ăn xin, người lang thang cơ nhỡ, người ốm đau bệnh tật, hay người anh em đang sống dưới cùng một mái nhà với tôi. Tôi có nhận ra Người và mở cửa lòng đón tiếp Người hay không? Một tâm hồn khi được Chúa chiếm ngự sẽ luôn ngập tràn niềm vui ngay cả giữa những gian nan thử thách. Chúa đã đến ở cùng tôi, hiện diện trong đời sống của tôi, điều đó có làm cho cuộc sống của tôi thay đổi, có khiến cho đời mình trở nên có ý nghĩa và nên đẹp hơn?

Các mục đồng đã hối hả đi tới Bêlem khi được sứ thần loan báo để thờ lạy Hài Nhi Giêsu, và sau khi gặp gỡ Chúa Hài Đồng, họ trở về với cuộc sống thường ngày của mình, những lời nói và việc làm của họ đã hoàn toàn đổi khác. Họ “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe”. Ba vua đã vượt qua bao núi cao, cách trở, xa xăm dặm trường theo ánh sáng sao lạ tìm đến thờ lạy và dâng tiến vua muôn loài vừa hạ sinh những bảo vật của họ.

Phần mình, đón mừng Lễ Giáng Sinh năm nay, tôi sẽ chuẩn bị lễ vật gì để dâng Chúa đây? Nếu có một điều ước trong đêm Giáng Sinh, tôi có nguyện là một ánh sao nhỏ điểm tô cho bầu trời thêm đẹp, là một ánh lửa tỏa lan sưởi chút ấm cho cuộc đời để phần nào làm thỏa nỗi khát khao của Thầy Giêsu: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.

 

 

Ơn Cứu Độ - Ơn cho không của Thiên Chúa

SAVIO Phạm Lê Thành Trung

Đối với Kitô giáo, “Giáng Sinh” là một biến cố lớn lao xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Một biến cố quyết định vận mạng của toàn thể nhân loại, như lời thiên sứ đã loan báo: “Hôm nay đã sinh ra cho các ngươi vị Cứu Chúa, tức 1à Đức Kitô.” (Lc 2,11). Là một biến cố khởi đầu cho công trình cứu độ qua việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Trinh Nữ Maria, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, theo ý định của Thiên Chúa. Nhờ đó, Con Thiên Chúa đã làm người, cắm lều cư ngụ giữa loài người và thi hành sứ mạng cứu độ con người. Thế nên, biến cố “Giáng Sinh” đã trở thành biến cố trọng đại đối với toàn thể nhân loại nói chung và đối với tất cả mọi Kitô hữu nói riêng.

Cũng như nhiều nơi trên thế giới, tại Việt Nam, để đón “Giáng Sinh”, người ta thường tưng bừng chuẩn bị: đèn hoa, bánh kẹo, máng cỏ, cây Noel, hay là những hang đá dọc theo các lề đường trông rất đẹp,… Đó là những hình ảnh thật nhộn nhịp, vui tươi. Thế nhưng, trái với những hình ảnh vui tươi, nhộn nhịp đó, thì ở những ngày thời Augusto của “mùa đông năm ấy”, Con Thiên Chúa đã đến thế gian trong một quang cảnh lạnh lẽo; lạnh lẽo do khí hậu thời tiết, lạnh lẹo vì sự thờ ơ lạnh nhạt của người đời: “Người đến trong nhà Người mà người nhà không tiếp nhận Người.” (Ga 1,11)

Tuy nhiên, ngoài Đức Maria và Thánh Giuse, vẫn có thể bắt gặp hình ảnh thăm viếng của các mục đồng, là những người đầu tiên được gặp gỡ Thiên Chúa, được đón nhận bình an, và là những người đại diện cho người Chúa thương, như lời chào của các thiên thần. (Lc 2,14)

Các mục đồng là những người chăn bò chăn chiên, thuộc hàng lê dân thô lỗ cộc cằn, thuộc giai cấp thấp kém hèn hạ. Họ không thể giao du với ai và cũng chẳng có ai lại thèm giao du với họ, họ là thành phần bị người Do Thái gạt ra ngoài và xem như lũ người nghèo khó bần dân. Thế nhưng, họ lại là những người được Thiên Chúa sai các thiên sứ đến báo tin và mời gọi đến chung hưởng niềm vui cứu độ trước hết; trong khi các thầy thượng tế, các luật sĩ, hay những người giàu có ở Giêrusalem lại không nhận được tin báo hay một lời gọi mời. Quả thật, điều đó khiến người ta không khỏi thắc mắc mà đặt ra câu hỏi: “Tại sao?”

Một câu hỏi được đặt ra và một câu trả lời được đáp lại: cũng bởi vì lòng mấy người kia đầy ắp đam mê thế gian, đầy ắp của cải danh vọng và chức tước địa vị. Thế nên, họ không còn chỗ để đón nhận Thiên Chúa, không còn chỗ để Thiên Chúa lọt vào; mà chính họ cũng không cần được ai cứu đỡ, vì đã tự thấy mình đầy đủ.

Thiên Chúa đến với những người chăn chiên trước nhất không chỉ vì họ nghèo nàn, khốn khổ; nhưng vì họ còn là những người xấu xa, thô lỗ, bần tiện, là những người bị gạt ra ngoài. Vì thế, họ không thể bám víu được chỗ nào và cũng không có nơi nào để họ có thể cậy dựa. Tuy nhiên, các mục đồng cũng không phải là những người ngày đêm trông đợi Thiên Chúa, họ chỉ đêm ngày đợi trông những gì có thể cứu thoát họ khỏi cuộc đời bế tắc, hèn hạ. Họ sẵn sàng đón nhận bất cứ cái gì, miễn là họ được thoát cảnh đời hèn hạ, bế tắc. Thế nên, khi được Thiên Chúa đến mở lòng, họ đã không khua tay từ chối nhưng đã mau mắn đón nhận cách vui vẻ. Họ là đại diện, là hiện thân của toàn thể nhân loại. Họ được Thiên Chúa mà không phải họ chọn Thiên Chúa, họ được Thiên Chúa yêu khi họ chưa yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa dành cho họ là tình yêu nhưng không, không do công của ai, không do sức người nào. Thiên Chúa yêu thì Thiên Chúa gọi và chọn, Thiên Chúa gọi những ai chưa nghe tiếng Người và Người chọn những ai bị người đời bỏ rơi, không nơi nào bám víu, chỉ còn bám víu vào Thiên Chúa và đón nhận chính Người.

Sự thường, theo tâm lý con người, khi đi đến đâu cũng mong được người ta tiếp đón niềm nở; Thiên Chúa cũng thế, khi đến thế gian, Người cũng thích được người khác niềm nở đón tiếp. Thế nên, Kinh Thánh có nói một cách hoan hỉ như sau: “Các mục đồng hối hả đi đến máng cỏ.” (Lc 2,16). Các mục đồng đã làm cho Thiên Chúa vui mừng hớn hở, vì họ đã đón nhận Thiên Chúa. Cho dù các mục đồng là những người hèn mọn, tội lỗi, bần cùng, thì Thiên Chúa vẫn không hề ghê tởm những cái bần cùng, tội lỗi, hèn mọn của họ; vì người đến thế gian để ôm lấy họ và vác họ lên vai (Lc 15,4). Thiên Chúa chỉ ghê tởm những người tự cho mình thánh thiện, đạo đức mà không đón nhận Thiên Chúa, vì không đón nhận Thiên Chúa thì vẫn còn nằm trong tình trạng bế tắc, tội lỗi, lầm lạc.

Nhờ mầu nhiệm “Giáng Sinh”, Con Thiên Chúa xuống thế làm người và vâng phục cho đến khi chịu chết trên cây thập giá, mà hôm nay tôi cùng toàn thể nhân loại được hưởng đầy tràn bình an và hạnh phúc. Thế nên, “Giáng Sinh” là dịp để cho tôi nhìn nhận lại bản thân, xem xét lại chính mình mà tỏ lòng sám hối, hầu chuẩn bị tâm hồn trong sạch để đón nhận Con Thiên Chúa vào lòng.

Năm nay, tôi sẽ đón mừng đại lễ “Giáng Sinh” với đầy đủ đèn hoa, bánh kẹo, máng cỏ, thông xanh, tiệc tùng, vui chơi,… hay tôi sẽ đón nhận chính Hài Nhi Giêsu là Con Thiên Chúa?

Cũng bởi hạnh phúc của mùa “Giáng Sinh” là tâm hồn được đón nhận Con Thiên Chúa, nên nỗi bất hạnh của mùa “Giáng Sinh” là không biết đón nhận Con Thiên Chúa vào trong tâm hồn. Thật bất hạnh nếu tôi chỉ biết đón mừng “Giáng Sinh” mà không biết đón nhận Con Thiên Chúa là Hài Nhi Giêsu. Vì như thế, niềm vui “Giáng Sinh” sẽ qua đi và mọi khổ đau, bế tắc sẽ còn đó trong cuộc đời của tôi, nếu không có Hài Nhi Giêsu là Con Thiên Chúa.

“ƠN CỨU ĐỘ- ơn cho không của Thiên Chúa”, là ơn không phải xin, không phải đòi, không phải mua, không phải trao đổi, và cũng không phải tốn kém lễ lạc, mà chỉ cần đón nhận. Đón nhận con Thiên Chúa là nguồn bình an và hạnh phúc, là nguồn ơn cứu độ của nhân loại, vì “những ai đón nhận Người thì Người sẽ ban cho quyền làm Con Thiên Chúa”. Thế nên, chỉ khi tôi biết đón nhận, tôi mới cảm nhận được ý nghĩa lời hát của các thiên thần trong đêm “Giáng Sinh”:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người Chúa thương”

 

 

TÂM TÌNH ĐÓN CHÚA

 Piô 5 dấu

Cứ mỗi độ đông về, từng cơn gió heo may mang theo cái lạnh, những giọt sương mai đưa tới cái giá băng. Nhà nhà trên mảnh đất hình chữ S, người người thuộc con rồng cháu tiên, đang chuẩn bị chống chọi với mùa đông. Khắp nơi, người ta khoác lên mình tấm áo ấm để xua tan cái giá băng của đất trời, choàng lên cổ chiếc khăn len để đẩy lui cơn gió lạnh của ngày đông. Đâu đó khúc hát du dương “Đêm đông, lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” lại được cất lên như một lời nhắc nhở về sự kiện Con Thiên Chúa làm người, nhằm sưởi ấm con tim ta trong những ngày băng giá, mang niềm hy vọng tràn trề cho ta của những ngày đông.

Nói tới Noel là chắc hẳn tâm trạng mỗi người buồn vui lẫn lộn. Buồn vì năm nay đã nương thân trong tu viện, không còn những chiều rong chơi cùng chúng bạn lang thang trên con phố ngập đèn sao. Vui vì được nhìn thấy màu đỏ rực rỡ của chiếc áo ông già Noel quen thuộc, nhân vật được mọi thành phần yêu thích, nhất là trẻ em. Niềm vui ấy còn được diễn tả qua những bài thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh được phát ra nơi gia đình hay các cửa hàng trên con đường quanh co. Những cánh thiệp ta gửi đi mang hơi ấm của niềm vui, nay nhận lại dư âm của tình thương mến. Bên cạnh đó, những ánh đèn đủ màu sắc và những ngôi sao giăng mắc trên các cây thông tạo nên nhiều hình dáng phong phú, độc đáo.

Trung tâm chuẩn bị cho không khí Giáng Sinh cách hân hoan, rộn ràng nhất vẫn là nơi nhà thờ, trong các xóm đạo. Ở đó ta thấy người dân cùng nhau làm hang đá, rộn rã trang trí cờ hoa. Người ta tập dợt những buổi trình diễn thánh ca để chuẩn bị cho đêm diễn nguyện. Nơi khác, người ta trang trí đèn ngôi sao trước cửa gia đình mình và  dọc đường dựng lên những hang đá để mọi người được đón nhận hơi ấm từ Chúa Giáng Sinh. Quả thật, hình thức chuẩn bị bên ngoài đó phần nào nói lên tâm tình của mọi người trông chờ sự kiện Con Thiên Chúa làm người, mong đợi để cùng nhau đón mừng giây phút Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng, điều Chúa Hài Nhi mong muốn không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài nhưng là chính tâm hồn bên trong của mỗi người. Vì “Ngài muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ. Thích được sự hiểu biết hơn của lễ toàn thiêu” là vậy.

Nhớ lại ngày ấy, được ghi trong Thánh Kinh. Chúa Hạ Sinh nơi hang lừa bé nhỏ, đặt trong máng cỏ đơn sơ, thì hôm nay Chúa cũng muốn tâm hồn mỗi người chúng ta cũng là máng cỏ đơn sơ, thân xác là hang lừa bé nhỏ để Chúa ngự lâm. Vậy chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn mình như thế nào? Thiết nghĩ, những hy sinh ta thực hiện hàng ngày trên cuộc đời, những việc lành ta thi hành trong từng phút giây của cuộc sống là hơi ấm để dâng lên chút tâm tình cho Chúa trong sự kiện trọng đại cả nhân loại đang đợi chờ, trông mong. Vì thế, mỗi người hãy chuẩn bị thanh tẩy tâm hồn cho thanh sạch, đẩy lui những thói hư đang ngự trong xác thân, chắc chắn đó là những gì Chúa muốn hơn cả.

Kinh nghiệm từ cuộc sống đã dạy, khi nghe tin có khách đến thăm thì chúng ta chuẩn bị nhà cửa khang trang, sạch sẽ và ngăn nắp, nhằm nói lên sự tôn trọng cùng tấm lòng mến khách của ta. Vì thế, Hài Nhi Giê-su sẽ vui mừng biết mấy khi thấy biết bao con người nơi trần thế cũng đã dọn sạch những tội lỗi; dẹp bỏ vô số tư tưởng xấu xa; đuổi đi những ước muốn bất chính; tránh xa những hận thù đang vướng mắc;  từ bỏ những ghen tị, nhỏ nhen; đẩy lui những kiêu căng, tự mãn; giã từ những đam mê lợi danh. Do đó, mùa Giáng Sinh sẽ ý nghĩa biết bao khi mọi người thi nhau làm việc lành. Đẹp dường nào nếu ngày Chúa Viếng Thăm thấy tình thương con người với nhau ngập tràn trên địa cầu.

 

 

NGÔI NHÀ

 Giuse Cupertino Nguyễn Văn Tồn

Giá trị của tiền bạc được con người sử dụng. Giá trị của cỗ máy bởi các thiết bị và động cơ còn hoạt động tốt. Giá trị của ngôi nhà là nơi để con người cư ngụ. Một cao ốc hay một dinh thự bỏ trống không có giá trị bằng một mái nhà tranh nhưng đầy ắp tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ. Có thể khẳng định, sự hiện diện, cư ngụ của con người trong căn nhà đã gìn giữ và bảo vệ cho ngôi nhà không bị mục nát. Nhưng một khi không còn sự hiện diện của con người thì căn nhà trở nên hoang tàn và hư hại.

Cũng vậy, trong cuộc sống chúng ta phải trở thành một ngôi nhà được cư trú, được chiếm ngự. Nhưng từ “cư trú” ở đây không có nghĩa là chất chứa những vật dụng lỉnh kỉnh. Một ngôi nhà đầm ấm và có sức sống còn phải tùy thuộc vào sự sắp xếp, sự bài trí của người chủ. Ngôi nhà càng lộn xộn, càng dơ bẩn, thì càng chật chội, nóng bức. Đời sống chúng ta cũng thế, chúng ta có thể là một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, có những phương tiện hiện đại, nhưng lại thiếu ngăn nắp, không sắp xếp trật tự, đặc biệt thiếu sự linh động và những điều kiện tinh thần để bảo trì căn nhà đời sống chúng ta.

Một tòa nhà cao ốc có không biết bao nhiêu tầng, bao nhiêu phòng, trong mỗi phòng, mỗi tầng cũng chứa biết bao nhiêu thứ. Cũng vậy, ngôi nhà của chúng ta có thể là một cao ốc, không biết bao nhiêu tầng và phòng mang tên lo lắng, đau buồn, bận bịu và sợ hãi. Chúng ta chất chứa cho cuộc sống những thứ ấy chỉ làm cho ngôi nhà của chúng ta buồn thảm, đau khổ và dơ bẩn thêm.

Giáng Sinh đã gần kề, gia đình công giáo nào cũng cố gắng làm một hang đá bé nhỏ ở ngoài sân hay trong một góc phòng khách, hoặc một máng cỏ có Chúa Hài Đồng được đặt trên bàn thờ. Căn nhà của chúng ta cũng sẽ bừng sáng lên, vui hẳn lên bởi có sự hiện diện, cư ngụ của Hài Nhi Giêsu trong chính ngôi nhà của mình.

Trong niềm vui rạo rực của những ngày mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy mở rộng cánh cửa của căn nhà cuộc đời để cho Chúa đến cư ngụ. Đã hơn hai ngàn năm trôi qua, Ngài vẫn đi tìm một chỗ để cư ngụ, Ngài đến gõ cửa tâm hồn của người. Nhưng không biết căn nhà của chúng ta còn một chỗ trống nào cho Ngài cư ngụ hay không hay tất cả căn nhà đều bị chiếm ngự bởi bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh khác của cuộc đời như đam mê, ích kỷ, hận thù, ghen ghét và những tâm tình bất chính? Vậy trong những ngày cận kề lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy bắt tay vào sắp xếp, bài trí lại căn nhà tâm hồn thật gọn gàng, thật ngăn nắp, thật rộng rãi. Để khi Chúa đến gõ cửa, chúng ta có sẵn một căn phòng rộng rãi, sang trọng cho Ngài cư ngụ. Hãy để cho Ngài chiếm đoạt trọn căn nhà cuộc đời mỗi người chúng ta, rồi khi đó chúng ta sẽ nghe được ca khúc du dương mà các thiên thần đã ca hát xưa kia, lúc Chúa chào đời: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Tóm lại, bình an sẽ tràn ngập, ánh sáng sẽ chan hòa và niềm vui sẽ lan tỏa trong căn nhà của mỗi người nếu chúng ta để cho Chúa chiếm trọn. Như ngày nào Chúa nói với Gia-kêu lúc đến xin nghỉ chân ở nhà ông: “Hôm nay đây, Ta sẽ đến và cư ngụ trong nhà ngươi”, thì hôm nay, trong giây phút hiện tại này, chúng ta cũng hãy để cho Ngài nói với chúng ta như vậy. Hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô, chúng ta sẽ trọn niềm vui trong tâm hồn.

Trong cuộc sống đôi lúc buồn sầu và lo lắng vì chúng ta luôn gặp những khó khăn và thử thách, nhưng giờ đây mỗi khi gặp gian truân, thử thách, chúng ta hãy tin tưởng và vui lên vì sự cư ngụ của Chúa Giêsu là sức mạnh, là động lực, là niềm vui, niềm tin và an ủi của chúng ta.

 

 

Bình An đến từ cuộc thăm viếng của Hài Đồng Giê-su

David

 Nói đến thăm viếng thì ai trong chúng ta cũng hơn một lần được người thân, bạn bè thăm viếng hay chính ta viếng thăm bạn bè, người thân. Mỗi cuộc thăm viếng cho ta một sắc thái và ý nghĩa khác nhau. Có cuộc thăm viếng mang lại cho ta những niềm vui thì cũng có lần viếng thăm đem tới nỗi buồn. Có lần thăm viếng cho ta bình an thì cũng có cuộc viếng thăm làm ta khổ đau. Những khổ đau hay nỗi buồn đến từ cuộc thăm viếng do bởi mất mát, chia ly. Những niềm vui hay bình an sau lần viếng thăm bởi còn tia hy vọng. Trong thăm viếng của con người vẫn còn nước mắt và hạnh phúc. Nói thế thấy sao cuộc đời buồn và bi quan đến lạ? Hạnh phúc, bình an của con người mong manh vậy sao? Vậy đâu là bình an đem tới cho con người hạnh phúc đích thực để làm vơi bớt đi những nỗi buồn và sự bi quan? Để trả lời cho những khắc khoải này thì bài viết “Bình An Đến Từ Cuộc Thăm Viếng Của Hài Đồng Giê-su” là một nét chấm phá trong hành trình đi tìm sự bình an đích thực.

Hiện hữu trong trần gian ai lại không mong được bình an, sinh ra trong cuộc đời ai lại chẳng muốn có hạnh phúc, dù cho đó là một hy vọng mong manh thì người ta vẫn muốn nắm giữ. Thế nhưng ước mơ vẫn chỉ là mơ ước nếu ta chưa dấn thân để thực hiện. Bởi trong ta còn đó một cái tôi đầy những yếu đuối. Hơn nữa, xung quanh ta có biết bao người cứ sống ưa thích hưởng thụ, chạy theo những đam mê, khát khao danh vọng và quyền lực để thỏa mãn cho bản ngã của mình. Tất cả những điều đó để lại trong ta những âu lo, khắc khoải về đường mình đang đi, lý tưởng mình đã chọn. Vì thế, biến cố Con Thiên Chúa làm người đem lại bình an cho nhân loại năm xưa vẫn còn được tiếp diễn cho tới hôm nay là một dấu chỉ để ta sống trong niềm hy vọng. Chính các thiên thần đã không ngừng vang lên khúc hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” là niềm tin mà ta cần xác tín.

Hơi ấm bình an của Con Thiên Chúa làm người đẩy lui giá rét của đất trời. Niềm hạnh phúc của Đấng Cứu Thế giáng sinh xua tan đau khổ của con người. Từ đây chúng ta tin nhận rằng, Con Thiên Chúa xuống thế trong thân phận con người cũng như bao kiếp nghèo khác, cũng nương mình trong máng cỏ đơn sơ, cũng sưởi ấm bằng những hơi thở của chiên bò. Và cũng từ đây một chân lý mới được mặc khải cho ta, đó là: không phải những người quyền cao, chức trọng hay giàu sang, phú quý mới được hưởng ơn bình an của Thiên Chúa, ngược lại ơn bình an của Ngài được trao ban một cách nhưng không cho hết thảy mọi người.

Sự viếng thăm của con Thiên Chúa đã đem lại cho con người sự bình an là điều ai cũng chấp nhận. Còn sự thăm viếng của chúng ta có đem lại an bình cho người khác hay không là một vấn đề mà ta cần nhìn nhận. Ai đó đã nói: “Tất cả mọi người đều là một món quà để trao ban và có một nhiệm vụ để thi hành”. Nghĩa là mỗi người được sinh ra trong cuộc đời là hồng ân, được gặp gỡ nhau trên hành trình sống là quà tặng, thực hiện những hành động đưa tới hạnh phúc và bình an là điều cần làm.  Vì thế, trong mùa Giáng Sinh này chúng ta hãy trao tặng nhau những món quà tinh thần thật ý nghĩa và quan trọng nhất trong đó phải chứa đựng sự bình an. Sự bình an này phải được xuất phát từ một con tim rộng mở, một tấm lòng bao dung và sự yêu thương không tính toán. Đó cũng có thể là một lời hỏi thăm lúc người khác gặp khó khăn; một lời an ủi, động viên khi người xung quanh gặp đau khổ; một lời khích lệ lúc bạn bè chán nản trong cuộc sống.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, sự bình an phải đến từ những việc lớn lao, hạnh phúc phải phát xuất từ những điều vị đại. Nhưng khi suy nghĩ về “Bình An Đến Từ Cuộc Thăm Viếng Của Hài Đồng Giê-su”, hay khi chiêm ngắm Hài Nhi bé nhỏ nằm trong máng cỏ ta mới hiểu rằng, hạnh phúc và bình an đôi khi đến từ những điều đơn giản. Trong hang đá nhỏ bé, đơn sơ vẫn hiện hữu sự bình an, trong hơi thở của chiên bò vẫn tìm thấy hạnh phúc. Bình an và hạnh phúc này đều hệ tại bởi yêu thương, đó là tình yêu không biên giới của Thiên Chúa với con người thấp hèn, là tình yêu thương của đôi vợ chồng trẻ đối với nhau. Hiểu cho được tận cùng ý nghĩa này ta sẽ thấy cuộc đời vẫn đẹp và không đáng để bi quan, bởi vì từ trong những điều nhỏ bé vẫn tìm được bình an, nơi những điều tầm thường vẫn gặp hạnh phúc. Như thế, đường đời sẽ đẹp nếu biết trao tặng nhau tình thương vô vị lợi, cuộc sống sẽ ý nghĩa nếu biết cho đi cách chân thành với cả lòng yêu mến. Lý tưởng chúng ta sống, hành trình ta đang đi vẫn còn thênh thang nếu ta kiên trì và tin vào Chúa. Khi biết tín thác nơi Chúa, thì dù cho cuộc sống nhiều chông gai, dòng đời đầy cảm bẫy thì sự bình an vẫn hiện diện trong ta.

 

 

Truyện ngắn 

Tôi Xuất Hành

Jacobe

Đêm nay, Lễ Giáng Sinh được viện phụ cho cử hành sớm hơn mọi khi và sau lễ có chương trình vui chơi đốt lửa trại. Đó là một bất ngờ thú vị với đan sĩ chúng tôi.

Sân chơi đốt lửa trại được chọn ngay trước nhà nguyện và môn chơi đầu tiên là bóng đuổi hay còn gọi là bóng ma. Để mừng lễ tôi cũng tham gia trò chơi, dù không được nhanh nhẹn như các thầy trẻ. Trò chơi bắt đầu, bóng bắt đầu lăn nhanh đến phía tôi. Tôi đã không chặn nó lại được nên nó lăn ra phía cổng đan viện. Tôi vội đuổi theo, song nó đã vượt cổng đan viện và lăn qua bên kia đường, vào phía khu rừng đối diện. Tôi không hiểu sao khu rừng này đêm nay lại khá kỳ lạ và được thắp sáng bằng những thứ ánh sáng lung linh huyền ảo và đẹp như trong cảnh thần tiên. Trái bóng tiếp tục dẫn tôi đi vào trong khu rừng và chỉ dừng lại khi xuất hiện hai nữ sinh khá dễ thương. Họ thuộc nhóm sinh viên đi dã ngoại gần đó. Họ mỉm cười và trả trái bóng lại cho tôi. Tôi cảm ơn hai cô sinh viên và định quay về thì bất chợt một chiếc xa đỗ xịch ngay trước mặt tôi. Đó là một chiếc xe mui trần được trang hoàng khá đẹp với những đèn ngôi sao khá lớn. Hai nữ sinh bước lên xe và mời tôi cùng đi chơi. Tôi muốn về đan viện cho nhanh nên đã quá giang xe của họ. Nhưng dường như anh tài xế không muốn chở tôi về đan viện nên cho xe chạy thẳng luôn. Tôi năn nỉ anh cho xe quay lại nhưng anh cứ phất lờ đi. Ôi, như vậy là tôi đã xuất hành khỏi đan viện mà không xin phép. Kiểu này tôi bị phạt nặng là cái chắc. Nghĩ tới đó tôi sợ toát mồ hôi và giật mình tỉnh giấc. Hóa ra là một giấc mơ. Ôi, thật hú vía. Tạ ơn Chúa.

Nhưng sao mình có giấc mơ quái lạ thế? Có lẽ tôi vẫn còn muốn ra ngoài vui chơi nên mới có cuộc xuất hành trong mơ như vậy. Cầu xin đừng xảy ra như vậy. Merry chết mất. Xin lỗi, quên, Merry Christmax!

 

 

GIÀU VÀ NGHÈO

Titô Nguyễn Hồng Gấm

Khi nói đến “giàu và nghèo” thì ta dễ dàng liên tưởng ngay đến tiền của. Nhưng “giàu và nghèo” không chỉ được hiểu theo nghĩa vật chất mà còn được hiểu theo nghĩa tinh thần như khía cạnh tình cảm của con người. Ca Dao Việt Nam có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”, ý muốn nói rằng, dù nghèo vật chất nhưng tình cảm lại chan chứa yêu thương. Cũng thế, mỗi dịp Noel về ta mừng Lễ Sinh Nhật của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương nhân loại nên đã hạ mình xuống làm kiếp nghèo. Ngài nghèo từ lúc sinh ra cho đến khi kết thúc cuộc đời trần thế.

Câu chuyện Giáng Sinh kể lại rằng: cách đây hơn 2000 năm có một đôi tình nhân tên là Giuse và Maria trên đường đi kiểm tra dân số, thời bấy giờ chưa có máy bay, ô tô, xe máy như hiện nay, họ chỉ có một con lừa nhỏ. Họ nghèo đến nỗi, khi ông chủ quán trọ nhìn thấy trang phục của họ liền từ chối không cho họ ở trọ. Và cứ như thế tất cả mọi nhà nơi đây đều đã đóng cửa, đơn giản bởi vì ông bà quá nghèo, không có tiền thuê nhà trọ. Hai ông bà quá thất vọng và mệt mỏi. Họ lê bước tới một cánh đồng xa xăm, lúc đó trời đã tối và lạnh giá. Đúng lúc này là thời mãn nguyệt khai hoa của bà Maria, nhưng hai người không biết tìm đâu để ở trọ. Cuối cùng họ phải ghé vào một hang đá, nơi cư trú của bò lừa. Và thế rồi Hài Nhi Giêsu đã chào đời. Bà Maria đặt Hài Nhi nằm trong máng cỏ khô cạnh những chú lừa con.

Chuyện là thế, con Thiên Chúa chào đời nhưng không nệm ấm, không có hoa nhưng chỉ nằm trong máng cỏ khô cùng với những chú lừa nhỏ. Ngài được bọc trong tấm vải, đặt nằm trên nắm rơm khô và được sưởi ấm nhờ hơi thở của những chú lừa mà thôi. Không có gì để nghèo hơn nữa, một Thiên Chúa mà phải hạ mình xuống một cách khiêm tốn tột cùng như vậy. Nếu như ông chủ quán trọ cho bà Maria vợ ông Giuse trú trọ thì sẽ khác. Thế nhưng đã không xảy ra vì lòng ông đã chai đá, lòng ông đã nguội lạnh không đủ tình thương với đồng loại để rồi chỉ máng cỏ khô và những chú lừa con sưởi ấm cho một Hài Nhi mới chào đời. Con người hững hờ đến thế là cùng, ngày Thiên Chúa ghé thăm mà không đàn hát, không vui mừng, thậm chí cho ở trọ cũng không. Không vàng, không Mộc Dược chỉ có mấy mục đồng quỳ gối ca khen cùng với thần thánh trên trời. Tuy nhiên, tiết trời đêm đông ấy không làm cho Chúa rét buốt, nhưng chính sự nghèo nàn tình cảm, sự dửng dưng vô cảm của con người đã làm cho Chúa lạnh giá não nề. Chúa không lạnh, Chúa không buồn, không phàn nàn vì phải sinh ra trong cảnh tượng như thế. Ngài sinh ra để đồng số phận nghèo với con người, Ngài nằm chung với chiên để cảm nghiệm thực sự hơi ấm của chiên ngay từ lúc ban đầu. Điều đó cho thấy sự đồng cảm, đồng số phận và tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người.

Đó là chuyện thời xưa, còn thời nay thì như thế nào? Về phương tiện thì máy bay, xe hơi, xe gắn máy, không phải là chú lừa con như xưa. Thông tin đây đó có thể nằm trong lòng bàn tay qua chiếc điện thoại, chỉ cần một cuộc điện thoại thì có đầy đủ chỗ ở cao cấp tiện nghi và ấm áp. Thế nhưng liệu có chắc rằng, tình người thời nay sẽ hơn con người thời Chúa Giêsu chăng? Hàng ngày ta vẫn được chứng kiến bao sự lạnh lùng, sát hại nhau, bao sự hững hờ trước thân phận đồng loại.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã yêu thương đồng loại thực sự chưa hay vẫn còn ích kỷ hẹp hòi, ghen ghét và tàn sát lẫn nhau nữa? Trong đời sống anh em, chúng ta đã yêu thương, đồng cảm với cái nghèo của nhau như Chúa Hài Đồng đã đồng cảm với thân phận nghèo của nhân loại hay chưa? Dĩ nhiên ngày lễ Giáng Sinh đến chúng ta đều vui mừng hân hoan, nhưng chúng ta phải định tâm lại để tìm ra đâu là niềm vui đích thực của ta, không chỉ ta vui mừng về ngày lễ vui, nhộn nhịp, đầy ánh đèn, đầy những tiếng hát ca, nhưng ta vui mừng trong tâm hồn vì được Thiên Chúa ghé thăm và yêu thương.

 Hiện nay vẫn còn đó biết bao thân phận nghèo khổ vật chất cũng như tình cảm. Mừng lễ Giáng Sinh là dịp để ta học nơi Chúa Giêsu Hài Đồng bài học nghèo khó, đồng khổ và yêu thương anh em. Lạy Chúa, ngày lễ Giáng Sinh chúng con cùng với tất cả thiên thần trên trời và những cảnh đời nghèo khó cất cao bài hát “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

 

 

THƯ GỬI MẸ NHÂN DỊP MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

Tsico Nitram

Phước Lý, 22/11/2015

Chào mẹ kính yêu của con!

Theo truyền thống lễ Giáng Sinh trong nhà dòng, con được phép gởi bức thiệp và lá thư này về cho gia đình (dù con đang trong thời gian tập I như mẹ biết). Cũng đã hơn sáu tháng từ bức thư cuối cùng con gởi mẹ trước khi vô tập, giừ con mới có dịp viết thư cho mẹ, Tuy không liên lạc được vì con đang Tập nhưng không khi mô con quên cầu nguyện cho mẹ và mọi người. Con mong cả nhà được chở che trong tình yêu của Chúa. Bức thiệp mừng Giáng Sinh và lá thư này thật ý nghĩa để con chào thăm và tâm sự với mẹ về cuộc sống của con!

Mẹ ơi! Vỏn vẹn những dòng chữ này không thể nói hết nỗi nhớ thương của con. Từ đan viện, nhất là vào mùa Giáng Sinh, nỗi nhớ trong con về mẹ và gia đình, xóm làng…cứ thế chất cao thêm, nhiều khi không biết mần răng chỉ vội gởi vào câu kinh sớm tối. Cuối tháng 11 gió lạnh tới rồi, con cứ lo mẹ lại nhọc vì cảm sốt và cái bệnh đau trốc cúi thường năm của mẹ, Giáng Sinh này sức khoẻ mẹ thế nào? Các em vô nam mần ăn hết, mẹ cứ phải loay hoay với vạt ngô, vồng khoai củ sắn, dù tiết trời mùa này miền trung lạnh rồi, con chẳng an tâm khi mẹ cứ cố trong khi sức khoẻ của mẹ không còn như trước nựa, nhủ mẹ bán bớt mấy con tru mà mẹ nọ ưng, cứ ráng nuôi. Bựa mô mẹ cũng lên rú xuống rọng, rứa sức mô mà chịu được. Còn con, mẹ cứ yên tâm, “năm tập thiên thần” ni con bình an lắm, mấy bựa ni con làm Tam nhật riêng để chuẩn bị tâm hồn mừng Đại Lễ. Nhà dòng thì đang rộn ràng vui vẻ hết cỡ: anh em mần hang đá, đèn sao, bóng nháy,…có rứa mới đỡ nhớ nhà mẹ à. Túi 24 chúng con canh thức Vọng Giáng Sinh, sẽ rước kiệu Hài Đồng, đêm linh thánh này là nét riêng của tu viện chúng con. Sau lễ thì có ăn tiệc ở nhà cơm, nhận quà Noel... Đó là chút sinh hoạt của con trong mùa Giáng Sinh. Năm mô cũng như rứa thôi, riêng con thì cảm thấy hạnh phúc khi sống trong nhà Chúa, nhất là trong mùa Giáng Sinh này, con được cảm nhận những tâm tình thiêng liêng, có lẽ Chúa dành riêng cho một thầy tập I.

Mẹ yêu mến! Lễ Giáng Sinh con cảm thấy thêm yêu Chúa hơn nhờ việc suy niệm về Mầu nhiệm Chúa làm người. Mẹ có thấy Chúa của mình thật lạ không? Con không thể hiểu răng Thiên Chúa lại xuống làm người trong cảnh nghèo giữa cái giá lạnh như thế. Có lẽ vì yêu thương mà Ngài muốn chia sẻ với ta mọi điều như vậy. Thiên Chúa đã “chen chân” vào lịch sử, rời bỏ ngai vàng thiên cung để đến với loài người, Ngài mặc lấy một hình hài một dáng vóc,…thân gần với chúng ta chứ không ở ngái tận trên trời như Thiên Chúa thời Cựu Ước nựa! Vị Thiên Chúa Tối Cao ‘do cha ông kể lại’ đã nhập cuộc, Ngài quyết định đi vào trần thế. Từ ni Thiên Chúa không chỉ hiểu con người bằng quyền năng Đấng Tạo Hoá nhưng bằng chính con người và cuộc sống của Ngài, Ngài biết rét, biết nóng, biết rung động bằng suy nghĩ và trái tim nhân loại,…Thiên Chúa bước vào, hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, với thánh Giuse và Mẹ Maria, với các mục đồng,...cuộc sống của họ quá đỗi bình thường và hoàn toàn tương phản với bao bậc học thức hay giàu sang lúc bấy giừ mẹ ạ. Thế mà họ là những người được Thiên Chúa cho chộ trước hết. Ngài đến và ở giữa họ, Ngài không dùng chút quyền năng nào để thay đổi tức khắc hoàn cảnh của họ, Ngài không dẹp đi cái nghèo nàn đau khổ, điều duy nhất Ngài làm là Ở ĐÓ GIỮA HỌ - thông cảm và chia sẻ những bất hạnh của họ. Thiên Chúa nơi Hài Nhi đã cho con người hy vọng và xác tín: có Thiên Chúa, còn Thiên Chúa và Ngài đang ở ni!

Con đã phần nào được trở nên thân tình, gắn bó với Chúa khi chiêm ngắm cuộc sống của Ngài nơi Chúa Hài Đồng, nhờ vậy mà lòng đạo đức trở nên dịu dàng và nghĩa thiết hơn mà không bao giừ bị coi là tình cảm uỷ mị, xốc nổi. Và khi con nghĩ về cuộc sống của mình, chúng con – những thầy dòng Xitô cũng có lối sống đơn giản, từ những sinh hoạt cho đến nơi sống. Các mục đồng, cuộc sống của họ cũng rứa, đầy vất vả và xem ra buồn tẻ, nhưng họ là những người đơn sơ, nghèo hèn và luôn tỉnh thức, nhờ rứa mà họ được Thiên Chúa tỏ ra. Con cũng tin tưởng rằng, cuộc sống đan tu của mình, trong sự tỉnh thức, đơn sơ, khó nghèo,…một lúc nào đó cũng sẽ được “gặp” Chúa! Mẹ biết cuộc sống của thầy dòng Xitô chúng con mà, đan viện đơn sơ bởi một màu xám, không hoa hoè như những chốn vui chơi. Nơi chúng con gắn bó cũng là nương, là vườn, cái ao,…Sinh hoạt của chúng con thì đều đều êm ắn…Nhưng cũng như các mục đồng luôn mong chờ Đấng Cứu Độ, chúng con cũng tỉnh thức trong tâm hồn, hy vọng nghe tiếng Chúa, nhận ra Ngài. Dù rằng, khi Chúa đến Ngài chẳng làm phép mầu cải hoá ngoại cảnh. Nhưng điều thật sự quý giá mà Chúa cho các mục đồng cũng như cho chúng con chính là SỰ HIỆN DIỆN. Ngài thân gần với chúng con. Cuộc sống chúng con, có Chúa hiện diện, Ngài cùng đọc kinh, cùng lao động, cùng học, cùng ăn, cùng đá bóng, và cùng nhảy nhạc sàn với chúng con nựa! Chúa của chúng con đơn sơ rứa đó mẹ! Các mục đồng từ Belem trở về vẫn phải tiếp tục đương đầu với những cực nhọc, lắm lúc ảm đạm, nhưng giừ họ bình an vì họ tin rằng Thiên Chúa đã đến với họ. Dù cuộc sống của chúng con có đều đều, bình lặng, đôi khi bức bối bởi những hy sinh khổ chế,…nhưng con tin rằng: Thiên Chúa ở đây, với chúng con. Và cũng như các mục đồng nhận ra Chúa nhờ các thiên thần chỉ dẫn, thì chúng con cũng đang cần lương  tâm, cần Tu luật, cần Bề trên, cần anh em,…để chỉ cho nhận ra Chúa. Vấn đề còn lại là ‘tìm đến Belem’ mẹ à…

Giáng Sinh ni con cảm nhận và muốn nói cám ơn mẹ nhiều lắm. Vì con hiểu rằng: chính qua người nọ người ni con gặp gỡ, qua các tương quan mà Thiên Chúa nhập thể vào cuộc đời con. Chúa không hành động trong chân không, nhưng qua những con người cụ thể, các tương quan là phương tiện đầu tiên để con nhận ra Thiên Chúa. Con thấy rằng: chính trong các tương quan được xây dựng trên tình yêu thương mà Thiên Chúa hiện diện, bởi lẽ mỗi tình yêu nhân loại đều là bóng hình sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa mẹ à. Vào nhà dòng, con càng hiểu điều đó hơn. Vì Chúa đã làm người, qua con người Chúa có thể đến gần ta, mầu nhiệm Giáng Sinh cho con cảm-tưởng này đó mẹ! Chúa sáng tạo, nuôi nấng, giáo dục, quở trách, an ủi…qua cha mẹ, thầy cô, bề trên. Chúa vui cười, Chúa giúp đỡ…qua anh em, bạn bè…Chúa hành động trong mỗi tương quan được chân thành chia sẻ.

Bựa tê con có nhận được tấm thiệp của O Thi, o chúc mừng Noel, hỏi thăm và nhắn nhủ với con nhiều điều. Nhưng điều con nhớ nhất là sự khích lệ của o, o nhủ con phải tu cho đàng hoàng, bỏ cái tính ngất ngất đi!!! Con cũng đã gắng nhiều, nhất là những tháng đầu của năm tập I ni. Dù vậy, con nghĩ rằng: Chúa Giêsu khi giáng thế Ngài cần thời gian để lớn lên, Ngài cũng bị giới hạn bởi những điểm rất người. Vì thế, cần phải chấp nhận những yếu đuối bản thân. Đôi khi con buồn bực vì những thói quen lâu nay không chỉnh được, mẹ biết con cũng cục tính lắm, nhưng rồi con ngẫm lại, con không nóng vội tiến đức, không ép một bông hoa nở trước thời hạn được đâu mẹ à, điều đó không có nghĩa con  ù lì hay dung túng khuyết điểm của mình. Ai cũng có những giới hạn, cũng có những cái rất người đặc trưng, nhưng vấn đề là hiểu và thông cảm, cũng như giúp đỡ khi có thể để cùng tiến lên mẹ à. Con tâm đắc lời dạy của Đức Giáo hoàng Phanxico cách đây không lâu, ngài mong mỏi chúng ta nhìn nhau “không như họ ‘phải là’ nhưng những gì họ ‘đang là’ và những gì họ ‘đang cần’, không dự đoán và đưa ra những công thức nhưng quảng đại rộng mở…”. Con xin mẹ cầu nguyện cho chúng con và cả các bề trên của con nựa, vì chúng con sống chung như một gia đình.

Đến đây thư cũng đã dài, dù muốn tâm sự với mẹ nhiều hơn nhưng đành tạm ngưng. Con hau háu đợi đến ngày gặp lại mẹ, ít là hơn một năm rưỡi nựa, con đợi mẹ…! Bức thiệp và lá thư này giúp làm dịu mát phần nào nỗi nhớ thương trong lòng, con nhớ mẹ và nhà ta nhiều lắm…Mẹ cũng đọc thư này mà đỡ lo, đỡ buồn nha, con sẽ sống tốt… Giáng sinh này, con mong mẹ được tràn đầy niềm vui và mạnh khoẻ. Cũng xin mẹ cầu nguyện cho anh em tập viện của con, xin cho chúng con cũng sống khiêm nhường, đơn sơ, nghèo khó như Hài Nhi Giêsu.

Mẹ à! Năm tập của con vẫn tiếp tục trong sự hồ hởi đổi mới, năng động tiến triển: nhân bản, tinh thần và tâm linh, như sự lớn lên dần dần của Chúa Giêsu Hài Đồng vậy! Noel rồi sẽ qua, tấm thiệp sẽ nhạt màu, dòng chữ rồi phai dần nét mực nhưng nguyện xin những tâm tình Giáng Sinh nâng đỡ con và mẹ trên hành trình cuộc sống.

Cuối cùng, xin Chúa ban dồi dào sức khoẻ cho mẹ và ơn an lành các thầy dòng chúng con, cũng xin Hài Nhi Giêsu lôi kéo mọi nhịp đập trái tim nhân loại đến với ân sủng của Mẫu Tâm Maria rất thánh…

Chào mẹ quý yêu…!

Con của mẹ…

 

Thiết kế Web : Châu Á