Giáo Hội Hoàn Vũ

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA LÒNG HIẾU KÍNH

Tình thương yêu đưa ta ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình để sống gắn bó với người thân yêu của ta; giúp ta hiểu được tình thương vô vị lợi và công lao trời bể của các bậc sinh thành.

 

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA LÒNG HIẾU KÍNH

 

Minh Triệu

 

Con cái hiếu kính với cha mẹ thì luôn yêu thương, biết ơn, kính trọng, vâng lời và đặc biệt là phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu. Dưới đây người viết chia sẻ hai điều: yêu thương và biết ơn.

 

1. Yêu thương Cha Mẹ

 

Bổn phận đầu tiên của con cái là yêu thương cha mẹ. Cũng như tất cả những liên hệ khác giữa con người với con người, phải có tình yêu thương thì chúng ta mới có thể làm tròn bổn phận đối với nhau, và những điều chúng ta làm cho nhau mới có ý nghĩa. Hơn nữa, chúng ta yêu thương cha mẹ vì ngoài Chúa ra, không ai yêu thương chúng ta bằng cha mẹ.

 

Tình yêu thương khiến ta gắn bó mật thiết với cha mẹ. Tôbia là một con người như thế. Chàng thương cha mẹ đến độ cứ xoắn xuýt bên cạnh chẳng khi nào rời nửa bước. Mẹ của Tôbia là người đã nói lên điều đó trong bối cảnh cha muốn sai đi, mẹ muốn giữ lại: “Sớm chiều nó chẳng phải là nơi nương tựa cho chúng ta! Chẳng sống quấn quýt bên chúng ta đó sao?” (Tb 5,18). Tình cảm này còn được thể hiện nơi nàng dâu Rút đối với bà Naômi, mẹ chồng của cô. Mặc cho mẹ chồng khuyên lơn đủ điều, Rút vẫn không chịu rời xa mẹ. Rút nói với mẹ chồng: “Mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó… mẹ chết ở đâu con chết ở đó” (R 1,16). Ngay cả cái chết cũng không chia cắt được hai mẹ con thì tình thương yêu mà Rút dành cho mẹ quả là rất lớn. Lại nữa, đó còn là tình thương yêu chan chứa mà Chúa Giêsu dành cho cha mẹ của Người.

 

Tình thương yêu đem lại niềm vui sướng cho cha mẹ, cho bản thân và những người xung quanh (x. R 4,14-17; Tb 11,1-18) là thuộc tính làm cho con người trổi vượt hơn các loài vật khác, là động lực giúp ta chu toàn bổn phận và thành đạt trong cuộc sống. Ta thường mượn câu nói của thánh Augustino, Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm” để khuyên bảo nhau, đó cũng là nhờ nhận ra sức mạnh biến đổi của tình yêu.

 

Tình thương yêu đưa ta ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình để sống gắn bó với người thân yêu của ta; giúp ta hiểu được tình thương vô vị lợi và công lao trời bể của các bậc sinh thành. Nhờ đó, ta không chỉ yêu thương mà còn biết bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các người.

 

2. Biết ơn Cha Mẹ

 

“Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy gì đáp đền cho cân xứng” (Hc 7,28). Đó là lời Kinh Thánh nói với chúng ta với tất cả sự ngọt ngào sâu lắng, vừa thôi thúc, vừa gợi mở cho chúng ta hồi tưởng và chiêm ngắm tình thương yêu như trời bể của cha mẹ dành cho chúng ta. Một tình thương không thể đền đáp cách cân xứng mà chỉ có thể thay vào đó là thái độ biết ơn các người.

 

Cha mẹ là người phải chịu nhiều đau khổ vì chúng ta. Thánh Luca đã nói lên điều đó trong bối cảnh Đức Maria và thánh Giuse tìm kiếm thiếu niên Giêsu dọc đường suốt ba ngày trời. Lúc vừa gặp con, Đức Mẹ đã thốt lên: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Đây là lần duy nhất Kinh Thánh cho ta thấy Đức Mẹ nặng lời với Giêsu, con của Mẹ. Nhưng lời khiển trách ấy lại lột tả được tình thương và nỗi cực khổ mà cha mẹ thường phải chịu đựng vì con cái.

 

Hiểu rõ những gì cha mẹ đã làm cho con cái, chúng ta ghi nhớ tất cả vào trong lòng. Nó sẽ nuôi dưỡng tình cảm và hình thành nên thái độ tôn kính và tùng phục cha mẹ.

 

Thiết kế Web : Châu Á