Giáo Hội Hoàn Vũ

Một số nét về Bộ Talmud của Do Thái Giáo, tiếp

Việc chỉ trích bộ Talmud rất phổ biến, phần lớn qua Internet. Báo cáo của Liên đoàn Chống Phỉ báng về chủ đề này nói rằng các nhà phê bình bài Do Thái chống bộ Talmud thường sử dụng các bản dịch sai hoặc trích dẫn có chọn lọc để làm sai lệch ý nghĩa của bản văn Talmud, và đôi khi còn chế tác nhiều đoạn văn. Ngoài ra, những kẻ tấn công hiếm khi cung cấp bối cảnh đầy đủ của các trích đoạn và không cung cấp tư liệu thuộc ngữ cảnh về nền văn hóa trong đó bộ Talmud được soạn tác, gần 2000 năm trước đây.

 

 

Một số nét về Bộ Talmud của Do Thái Giáo, tiếp

 

 

Chỉ trích

 

Nhà sử học Michael Levi Rodkinson, trong cuốn Lịch sử Talmud, đã viết rằng những kẻ phỉ báng Talmud, cả trong lẫn sau khi nó hình thành, "khác nhau nhiều trong tính cách, đối tượng và hành động của họ". Cuốn sách này cung cấp tài liệu về một số người chỉ trích và bách hại đối với Talmud, trong đó có Nicholas Donin, Johannes Pfefferkorn, Johann Andreas Eisenmenger, những người theo Jacob Frank và August Rohling. Nhiều cuộc tấn công phát xuất từ các nguồn chống Do Thái, đặc biệt là các Kitô hữu như Justina Pranaitis, Elizabeth Dilling hay David Duke. Các lời phê bình cũng phát xuất từ các nguồn Hồi giáo, các nguồn Do Thái, và những người vô thần và hoài nghi. Các cáo buộc chống lại Talmud bao gồm những điều bị coi là:

 

1. Nội dung chống Kitô giáo hoặc chống người ngoại giáo

2. Nội dung vô lý hoặc vô luân về tình dục

3. Làm sai lệch Kinh thánh

 

Những người bảo vệ Talmud lập luận rằng nhiều chỉ trích này, nhất là những chỉ trích từ các nguồn bài Do Thái, đều dựa vào các trích đoạn bị lấy khỏi đồng văn của chúng, và do đó làm sai lệch ý nghĩa của bản văn Talmud. Đôi khi việc trình bày sai này có chủ ý, trong khi những lần khác, chỉ đơn giản là do không có khả năng nắm bắt được những câu chuyện tinh tế và đôi khi khó hiểu trong Talmud. Một số trích dẫn được các nhà phê bình cung cấp đã cố tình bỏ qua một số đoạn nhằm tạo ra các trích dẫn rõ ràng có tính xúc phạm hoặc nhục mạ.

 

Thời Trung Cổ

 

Chính vào lúc các bậc thầy (savoraim) ở Babylon đang đưa ra những kết thúc hoàn hảo cho việc soạn thảo bộ Talmud, thì Hoàng đế Justinian ban hành sắc lệnh chống lại việc deuterosis (việc sao y, lặp lại) bộ Kinh thánh Do Thái. Trong bối cảnh này, người ta tranh cãi liệu deuterosis có nghĩa "Mishnah" hay "Targum" (bản dịch Kinh Thánh Do Thái qua tiếng Aram): trong văn chương giáo phụ, từ này được sử dụng theo cả hai nghĩa.

 

Các cuộc tấn công toàn diện vào Talmud diễn ra ở thế kỷ 13 tại Pháp, nơi việc nghiên cứu Talmud rất nở rộ. Lời buộc tội chống lại Talmud của người tân tòng Kitô giáo là Nicholas Donin đã dẫn đến cuộc tranh luận công khai đầu tiên giữa người Do Thái và người Kitô giáo và tới việc đốt bản sao Talmud đầu tiên ở Paris năm 1242. Việc đốt các bản sao Talmud sau đó vẫn tiếp diễn.

 

Talmud cũng là chủ đề cuộc Tranh luận ở Barcelona năm 1263 giữa Nahmanides (Giáo sĩ Do Thái giáo Moses ben Nahman) và người tân tòng Kitô Giáo Pablo Christiani. Cũng một Pablo Christiani này đã thực hiện một cuộc tấn công Talmud khiến có sắc chỉ Giáo Hoàng chống lại Talmud và trong cuộc kiểm duyệt đầu tiên, được thực hiện tại Barcelona bởi một ủy ban các Cha Dòng Đa Minh; ủy ban này đã ra lệnh hủy bỏ các đoạn bị coi là đáng chê trách theo quan điểm Kitô giáo (1264).

 

Tại cuộc Tranh luận ở Tortosa năm 1413, Geronimo de Santa Fé đã đưa ra một số lời buộc tội, trong đó có lời quả quyết có tính định mệnh rằng các việc kết án "những kẻ ngoại đạo", "ngoại giáo" và "bội giáo" tìm thấy trong Talmud thực sự có ý nói bóng nói gió tới các Kitô hữu. Những lời quả quyết này đã bị cộng đồng Do Thái và các học giả của họ phủ nhận; những người này cho rằng tư tưởng Do Thái giáo phân biệt rõ rệt giữa những người được xếp loại ngoại giáo hoặc ngoại đạo, là những người đa thần và những người nhìn nhận một Thiên Chúa đích thực (như Kitô hữu) ngay cả khi họ tôn thờ Thiên Chúa độc thần đích thực một cách không chính xác. Do đó, người Do Thái coi các Kitô hữu như những người bị hướng dẫn sai lầm và hiện sống trong sai lạc, nhưng không phải trong số những "người ngoại giáo" hay "dân ngoại" được thảo luận trong Talmud.

 

Cả Pablo Christiani và Geronimo de Santa Fé, ngoài việc chỉ trích Talmud, cũng coi nó như nguồn gốc của các truyền thống đích thực, mà một số trong các truyền thống này có thể được sử dụng làm lý lẽ bênh vực Kitô giáo. Các thí dụ về những truyền thống như vậy là những lời tuyên bố cho rằng Đấng Mêxia được sinh ra vào khoảng thời gian Đền thờ bị phá hủy, và Đấng Mêxia ngự bên hữu Thiên Chúa.

 

Năm 1415, Ngụy Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII, người đã triệu tập cuộc tranh luận ở Tortosa, đã ban hành một chiếu chỉ (tuy nhiên, không cho thi hành) cấm người Do Thái đọc Talmud, và ra lệnh phá hủy mọi bản sao của nó. Điều còn quan trọng hơn nhiều là những cáo buộc được đưa ra vào đầu thế kỷ 16 bởi tân tòng Julian Pfefferkorn, vốn là người đại diện của dòng Đa Minh. Kết quả của những lời buộc tội này là một cuộc tranh đấu trong đó hoàng đế và Đức Giáo Hoàng đóng vai trò thẩm phán, còn người biện hộ cho người Do Thái là Johann Reuchlin, người bị phái ngu dân (obscurantists) phản đối; và cuộc tranh cãi này, phần lớn được thực hiện bằng các sách nhỏ, đã, theo quan điểm của một số người, trở thành tiền thân của Phong trào Cải cách.

 

Một kết quả bất ngờ của sự việc này là ấn bản in hoàn chỉnh của Talmud Babylon, phát hành năm 1520, bởi Daniel Bomberg tại Venice, dưới sự che chở của một đặc ân giáo hoàng. Ba năm sau, tức năm 1523, Bomberg đã xuất bản ấn bản đầu tiên của Talmud Jerusalem. Sau ba mươi năm, Vatican, định chế đầu tiên cho phép Talmud được in ấn, đã thực hiện một chiến dịch nhằm hủy diệt nó. Vào ngày đầu năm mới, tức ngày Rosh Hashanah (ngày 9 tháng 9 năm 1553), các bản sao bộ Talmud bị tịch thu theo một sắc lệnh của Toà án dị giáo và đã bị đốt tại Rôma, tại Campo dei Fiori. Các vụ đốt khác cũng diễn ra ở các thành phố khác của Ý, như vụ đốt tại Cremona năm 1559 do sự xúi giục của Joshua dei Cantori. Việc kiểm duyệt bộ Talmud và các tác phẩm tiếng Do Thái khác được dẫn khởi bởi một sắc chỉ Giáo Hoàng ban hành năm 1554; năm năm sau, bộ Talmud bị đưa vào Danh bạ Triệt hạ (Index Expurgatorius); và năm 1565, Đức Giáo Hoàng Piô IV đã ra lệnh tước bỏ chính tên Talmud của bộ sách. Quy ước gọi tác phẩm là "Shas" (shishah sidre Mishnah) thay vì "Talmud" có từ thời điểm này.

 

Ấn bản đầu tiên của bộ Talmud bị cấm, mà trên đó hầu hết các ấn bản tiếp theo đều dựa vào, đã xuất hiện tại Basel (1578 - 1581) với việc bỏ toàn bộ chuyên luận của 'Abodah Zarah và các đoạn bị coi là thù nghịch đối với Kitô giáo, cùng với nhiều sửa đổi một số cụm từ. Một cuộc tấn công mới đối với Talmud đã được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII (1575 -85) ra lệnh, và năm 1593, Đức Clementê VIII đã phục hồi lệnh cấm cũ đối với việc đọc hoặc sở hữu nó. Việc gia tăng nghiên cứu bộ Talmud ở Ba Lan đã dẫn đến việc phát hành một ấn bản đầy đủ (Kraków, 1602-5), với việc phục hồi bản văn gốc; như chúng ta được biết, có một ấn bản chỉ chứa hai chuyên luận đã được xuất bản trước đó tại Lublin (1559 - 76). Năm 1707, một số bản sao bộ Talmud đã bị tịch thu ở tỉnh Brandenburg, nhưng đã được khôi phục cho sở hữu chủ của chúng bởi lệnh của Frederick, vị vua đầu tiên của Phổ. Một cuộc tấn công tiếp theo đối với bộ Talmud đã diễn ra ở Ba Lan (tại nơi bây giờ là lãnh thổ Ukraine) vào năm 1757, khi Đức Giám Mục Dembowski, dưới sự xúi giục của phái Jacob Frank, đã triệu tập một cuộc tranh luận công khai tại Kamianets-Podilskyi, và ra lệnh cho mọi bản sao của tác phẩm tìm thấy trong giáo phận của ngài bị tịch thu và đốt cháy.

 

Lịch sử bên ngoài của bộ Talmud còn bao gồm các cuộc tấn công văn học được thực hiện bởi một số nhà thần học Kitô giáo sau Cải cách, vì những cuộc tấn công vào Do Thái giáo này chủ yếu được điều hướng chống lại tác phảm đó, thí dụ hàng đầu là cuốn Entdecktes Judenthum (Lột Mặt nạ Do Thái giáo), xuất bản năm 1700, của Eisenmenger. Ngược lại, từ thời Phục hưng trở đi, bộ Talmud là chủ đề nghiên cứu khá thiện cảm hơn đối với nhiều nhà thần học, luật gia và nhà Đông phương học Kitô giáo, trong đó có Johann Reuchlin, John Selden, Petrus Cunaeus, John Lightfoot và cha con Julian Buxtorf.

 

Thế kỷ 19 và sau đó

 

Ấn bản Talmud của Vilna chịu sự kiểm duyệt của chính phủ Nga, hoặc tự kiểm duyệt để đáp ứng các đòi hỏi của chính phủ, mặc dù điều này ít nghiêm trọng hơn so với một số nỗ lực trước đây: tiêu đề "Talmud" đã được giữ lại và chuyên luận của Avodah Zarah được bao gồm. Hầu hết các ấn bản hiện đại một là bản sao hai là dựa nhiều vào ấn bản Vilna, và do đó, vẫn bỏ hầu hết các đoạn gây tranh cãi. Mặc dù không có sẵn trong nhiều thế hệ, nhưng các phần bị loại bỏ của Talmud, tức các phần Rashi, Tosafot và Maharsha vẫn được bảo tồn qua các bản in hiếm hoi danh sách các sách sai lạc (errata), được biết dưới tên Chesronos Hashas ("Những phân bị loại bỏ của Sách Talmud"). Nhiều phần trong số những phần bị kiểm duyệt này đã được phục hồi một cách nghịch lý nhờ các bản chép tay không bị kiểm duyệt tại Thư viện Vatican. Một số ấn bản hiện đại của bộ Talmud có chứa một số hoặc tất cả các tài liệu này, hoặc ở bìa sau của cuốn sách, ở lề sách hoặc ở vị trí ban đầu của nó trong bản văn.

 

Năm 1830, trong cuộc tranh luận tại Phòng Qúy Tộc Pháp liên quan đến việc nhà nước công nhận đức tin Do Thái, Đô đốc Verhuell tuyên bố mình không thể tha thứ cho những người Do Thái ông đã gặp trong các chuyến du hành khắp thế giới một là vì họ từ chối việc công nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu thế hai là vì họ sở hữu bộ Talmud. Cùng năm đó, Linh mục Chiarini xuất bản tại Paris một tác phẩm đồ sộ mang tên "Théorie du Judaïsme" (Lý thuyết của Do Thái Giáo), trong đó ngài đã công bố một bản dịch bộ Talmud, đầu tiên để ủng hộ một phiên bản có thể làm cho tác phẩm nói chung có thể tới tay mọi người, và sau đó, được dùng để tấn công Do Thái giáo: chỉ có hai trong số sáu tập dự kiến của bản dịch này ra đời. Trong một tinh thần tương tự, những kẻ kích động chống Do Thái ở thế kỷ 19 thường thúc giục để một bản dịch được thực hiện; và lời yêu cầu này thậm chí đã được đưa ra trước các cơ quan lập pháp, như ở Vienna. Do đó, bộ Talmud và "Người Do Thái Talmud" trở thành đối tượng của các cuộc tấn công chống Do Thái, thí dụ như trong cuốn Der Talmudjude (1871) của August Rohling, mặc dù, mặt khác, họ được bảo vệ bởi nhiều Kitô hữu nghiên cứu Talmud, đặc biệt là Hermann Strack.

 

Các cuộc tấn công tiếp theo từ các nguồn chống Do Thái bao gồm cuốn Lột Mặt Nạ Talmud của Justinas Pranaitis: Các Giáo huấn Rabbi Bí mật Liên quan đến Các Kitô hữu (1892) và cuốn Âm mưu chống Kitô giáo (1964) của Elizabeth Dilling. Những lời chỉ trích bộ Talmud trong nhiều cuốn sách nhỏ và trang web hiện đại thường có thể được nhận dạng như các trích dẫn nguyên văn từ một trong các tác phẩm này.

 

Cáo buộc đương thời

 

Việc chỉ trích bộ Talmud rất phổ biến, phần lớn qua Internet. Báo cáo của Liên đoàn Chống Phỉ báng về chủ đề này nói rằng các nhà phê bình bài Do Thái chống bộ Talmud thường sử dụng các bản dịch sai hoặc trích dẫn có chọn lọc để làm sai lệch ý nghĩa của bản văn Talmud, và đôi khi còn chế tác nhiều đoạn văn. Ngoài ra, những kẻ tấn công hiếm khi cung cấp bối cảnh đầy đủ của các trích đoạn và không cung cấp tư liệu thuộc ngữ cảnh về nền văn hóa trong đó bộ Talmud được soạn tác, gần 2000 năm trước đây.

 

Gil Student, một tác giả Internet viết rất nhiều, tuyên bố rằng nhiều cuộc tấn công bài Do Thái chống Talmud chỉ đơn thuần tái chế các tài liệu bị bác bỏ bắt nguồn từ các cuộc tranh luận ở thế kỷ 13, đặc biệt là của Raymond Marti và Nicholas Donin, và những lời chỉ trích này dựa vào các trích dẫn xa khỏi bối cảnh và đôi khi hoàn toàn chế tác.

 

Nhận định thay lời kết

 

Các trình bầy trên đây dựa vào các Từ điển Bách khoa Công Giáo bộ cũ đầu thế kỷ 20 và bộ mới cuối thập niên 1960 và từ điển mở Wikipedia. Có điều đáng chú ý là các chỉ trích và phê bình Bộ Talmud trên đây phần lớn được dựa vào Từ điển mở Wikipedia. Hai bộ bách khoa Công Giáo đều không đề cập gì tới các lời phê bình chỉ trích Talmud.

 

Ngoài các điểm chung chung ở trên, trong mục Chúa Giêsu trong Talmud, từ điển mở Wikipedia nói đến những đoạn trong Talmud có thể đã nói về Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu không phải nhân vật lịch sử mà một người bị họ bóp méo, nhất là các đoạn nói về Người như một loại phù thủy có môn đệ, người con hay người môn đệ đã kết cục một cách xấu xa, như một học trò tội lỗi đã thực hành ma thuật và thờ ngẫu tượng, ...

 

Sanhedrin 43a, chẳng hạn, tường thuật phiên xử và hành hình Chúa Giêsu. Ở đây, ngài là thầy phù thủy rù quyến các người Do Thái bỏ đạo. Nên đã bị ném đá và treo cổ vào ngày vọng Lễ Vượt Qua.

 

Trong Sanhedrin 107b và Sotah 47a, Chúa Giêsu được mô tả là học trò của Joshua ben Perachiah, được thầy sai đi để giải thích một từ ngữ, trong bối cảnh ấy, đáng lẽ phải được hiểu là Quán Trọ, thì lại hiểu là vợ chủ quán vì chữ này vừa chỉ quán trọ vừa chỉ nữ chủ nhân. Ông thầy bảo “đó là một quán trọ tươm tất”, trò Giêsu lại bảo “mắt bà ta không thật thà”. Thầy biết ý quở “đồ mất nết! Đó là điều ngươi bận tâm hay sao? ” (nhìn người đàn bà là có tội)...

 

Một bản văn Talmud thời Trung cổ thuật lại “tình tiết Giêsu” được biết dưới tựa đề Maaseh Yeshu, trong đó, nhân vật Giêsu được mô tả là do Miriam (Maria) vợ của người tên Yohanan bị người tên Giuse lợi dụng lúc đêm hôm có mang mà sinh ra. Lớn lên thành kẻ lừa đảo tự xưng là Đấng được xức dầu!

 

Như trên đã nói, phần lớn các nhà thức giả Do Thái Giáo cho rằng Talmud không có ý ám chỉ Chúa Giêsu. Họ nói rằng: tên Giêsu (Yeshu) tìm thấy trong Talmud là một tên rất quen thuộc của người Do Thái, có thể chỉ bất cứ ai. Có điều, những người quả quyết Talmud có nói đến Chúa Giêsu phần lớn là những người từ Do thái giáo gia nhập Kitô giáo như Ramón Martí, Pablo Christiani và Nicholas Donin thời Trung cổ.

 

Từ điển mở Wikipedia cho rằng qua thế kỷ 20, chủ đề Chúa Giêsu trong các trước tác Do Thái giáo ít thiên kiến hơn, dựa vào nghiên cứu bác học nhiều hơn. Các học giả thời kỳ này phần lớn quả quyết rằng không có bằng chứng nào về một Chúa Giêsu lịch sử trong Talmud, phần lớn có tính dã sử và phản ảnh cố gắng của Do thái giáo nhằm phản công các chủ trương và trách móc của Kitô giáo. Năm 2007, Peter Schafer, trong Jesus in the Talmud, cho rằng các điều nhắc đến Chúa Giêsu (như Đấng được xức dầu của Kitô giáo) đã được đưa vào các ấn bản Talmud từ rất sớm (thế kỷ thứ 3, thứ 4), và là những lời chế nhạo các trình thuật Tân Ước.

 

 

 

Vũ Văn An

Nguồn: Vietcatholicnews

 

 

Thiết kế Web : Châu Á