Giáo Hội Hoàn Vũ

LÝ DO PHẢI HIẾU VỚI CHA MẸ

Tình yêu giải phóng con người hơn là nô lệ hóa con người. Thật vậy, tình yêu đưa ta ra khỏi chính mình để sống cho người khác, nhất là cho người thân yêu của ta. Mà hiếu kính cha mẹ là một cách nói khác của tình yêu thương mà con cái dành cho các đấng. Tình yêu ấy đưa ta ra khỏi cái tôi ích kỷ để phục vụ cha mẹ với một tinh thần hi sinh quảng đại.

 

 

LÝ DO PHẢI HIẾU VỚI CHA MẸ

 

 

Minh Triệu

 

Chúng ta phải hiếu với cha mẹ vì ba lý do sau đây:

 

1. Công ơn sinh thành dưỡng dục

 

Kinh Thánh dạy chúng ta: Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7,27-29).

 

Lời Tô-bít dạy Tô-bi-a cũng cho ta thấy Kinh Thánh nhấn mạnh đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ:

 

Con hãy chôn cất cha cho tử tế. Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn cất người ngay bên cạnh cha, trong cùng một phần mộ (Tb 4,3-4).

 

Trong Thư của Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II gởi cho các gia đình, số 15, cũng khẳng định:

 

... Hãy thảo kính cha ngươi, mẹ ngươi. Bởi vì với ngươi, một nghĩa nào đó, các Ngài là đại diện Ðức Chúa, những người đã cho ngươi sự sống, đã đưa ngươi vào đời người, trong dòng tộc, trong một quốc gia, một văn hoá. Sau Thiên Chúa, các Ngài là ân nhân đầu tiên của ngươi. Thiên Chúa thiện hảo, Thiên Chúa là chính sự thiện hảo, cha mẹ đã tham gia vào sự nhân hậu cao cả ấy. Bởi đấy, ngươi hãy thảo kính cha mẹ![1].

 

2. Luật Chúa đòi hỏi

 

Trước hết là giới răn thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.

 

Giới răn này nói riêng, cũng như mười giới răn nói chung, xuất xứ từ sách Xuất Hành (20, 2-17) và Đệ Nhị Luật (5,6-21). Mệnh lệnh mà Chúa bắt buộc chúng ta phải thi hành đối với cha mẹ là “hãy tôn (thảo) kính cha mẹ” (x. Xh 20,12; Đnl 5,16). Mục đích là để được sống lâu và hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa hứa ban. Các mệnh lệnh đạo đức này được xây dựng trên nền tảng giao ước. Thiên Chúa vì lòng xót thương, đã tự buộc mình vào nhân loại để nhân loại nhờ Ngài mà được sống và sống hạnh phúc. Nhìn thoáng qua, ta thấy hạnh phúc của con người đã bị điều kiện hóa. Nhưng mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa sẽ không bao giờ bị vật chất hóa, làm cho trở nên tầm thường. Thật sự đây là mối quan hệ tình yêu. Thiên Chúa yêu con người cách vô vị lợi và Ngài cũng đòi hỏi nhân loại phải đáp trả tình yêu của Ngài cách vô vị lợi. Tình yêu ấy được biểu hiện trước hết là lắng nghe, sau là việc tuân giữ Lời Chúa. Một trong những lời mà ta phải tuân giữ đó là thảo kính cha mẹ, không như một lời khuyên nhưng như một mệnh lệnh bắt buộc. Mệnh lệnh ấy được Chúa Giêsu nhắc lại trong Mt 15,4 và trong Mc 7,10.

 

Ngoài giới răn thứ bốn, Kinh Thánh còn nhắc nhở chúng ta rất nhiều về ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ nói: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20); “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Ep 6,1).

 

Lại nữa: Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch. Anh hãy kính trọng các bà goá, những bà goá đích thực. Nếu một bà goá có con có cháu, thì trước tiên con cháu phải học cho biết ăn ở hiếu thảo đối với gia đình mình, và đền ơn đáp nghĩa các bậc sinh thành. Đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa (1Tm 5, 1-4).

 

3. Điều kiện để được hạnh phúc

 

Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng hiếu kính cha mẹ để được hạnh phúc thì cũng không đạo đức gì, vì đây là hành động vị kỷ. Mà vị kỷ thì giả thiết con người không còn tự do, mà không có tự do thì cũng không có đạo đức. Do đó, hiếu để được hạnh phúc không còn ý nghĩa nữa, thậm chí còn bị vong thân, bởi một cách nào đó, con người đang nô lệ cho cái tôi ích kỷ của mình. Nhận thức ấy có lẽ do ảnh hưởng quan niệm về tự do của Immanuel Kant, triết gia nổi tiếng người Đức. Theo triết gia này thì đạo đức giả thiết phải có tự do, mà tự do là sự không lệ thuộc. Ông đòi quyền tự trị cho ý chí để làm nguyên tắc cho mọi quy luật luân lý. Trong định lý IV, Kant viết: “Sự tự trị (Autonomy) của ý chí (Will) là nguyên tắc luân lý duy nhất của mọi quy luật luân lý và của mọi nghĩa vụ phù hợp với chúng...”[2]. Ở đây, hiếu kính cha mẹ đã bị điều kiện hóa bởi hạnh phúc. Và vì vậy, tự do của con người đã bị tổn thương.

 

Nhưng quan điểm tự do của Kant không hoàn toàn đúng bởi vì con người không thể sống mà ít nhiều không phụ thuộc vào nhau. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc Diễm xưa đã nói một câu rất triết lý: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Những tảng đá dù lớn cũng cần có những hòn đá nhỏ chèn dưới chân để có thể đứng lâu hơn trong dòng thời gian và những viên đá cuội cũng cần những tảng đá lớn che chấn để có thể bám lại bên nhau, nếu không sẽ sớm bị bào mòn. Sự vật mà còn cần đến nhau, thì huống chi là con người vốn được coi là yếu ớt, được ví như lau sậy: “Con người chỉ là một cây sậy yếu ớt nhất trong thiên nhiên”[3] phải cần có nhau để tồn tại, phát triển và hơn nữa là để thể hiện chính mình, làm nổi bật tự do tính nơi mình.

 

Hơn nữa, tình yêu giải phóng con người hơn là nô lệ hóa con người. Thật vậy, tình yêu đưa ta ra khỏi chính mình để sống cho người khác, nhất là cho người thân yêu của ta. Mà hiếu kính cha mẹ là một cách nói khác của tình yêu thương mà con cái dành cho các đấng. Tình yêu ấy đưa ta ra khỏi cái tôi ích kỷ để phục vụ cha mẹ với một tinh thần hi sinh quảng đại.

 

Vậy không thể hiểu hiếu kính cha mẹ để được hạnh phúc là vị kỷ, nhưng nên hiểu hạnh phúc trong tương quan với hiếu kính như là kết quả phát sinh từ những tâm hồn hiếu hạnh.

 

Sâu xa hơn, hạnh phúc của con người được xây dựng trên giao ước. Quả vậy, con người sau khi phạm tội đã đánh rơi hạnh phúc địa đàng. Nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi nó, trái lại Người muốn cứu nó bằng cách thiết lập với nhân loại một giao ước và hiện thực hóa giao ước do Ngài thiết lập nơi Đức Giêsu Kitô.

 

Như vậy, hiếu kính với cha mẹ là một phần trong những cam kết của nhân loại đối với Thiên Chúa.

 

 

________________________________________

 

 

[1] Thư của Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II gởi cho các gia đình, http://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&id=2093 xem ngày 11 tháng 12 năm 2015

[2] Immanuel Kant, Phê Phán Lý Tính Thực Hành (bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn 2007), Nxb Tri thức, 60.

[3] Kho tàng danh ngôn (2016) <http://khotangdanhngon.com/cay-say-biet-suy-nghihtml> . xem ngày 13 tháng 11 năm 2016.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á