Giáo Hội Hoàn Vũ

Bài chia sẻ Tin Mừng Thứ 3, Tuần XXVII TN, C: CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

Bài Tin mừng hôm nay diễn tả hai thái độ đón tiếp Đức Giêsu. Marta niềm nở đón tiếp Đức Giêsu vào trong nhà. Maria đón nhận Đức Giêsu vào tâm hồn qua việc lắng nghe Lời Người.

 

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

 (Lc 10,38-42)

 

 

Lam Châu

 

Bài tin mừng hôm nay được trích từ Tin Mừng theo thánh Luca (10,38-42), ngài cho biết, trên hành trình lên Jerusalem, Đức Giêsu dừng lại ở một làng nọ và ghé thăm hai chị em Marta và Maria. Theo Tin mừng Gioan, Maria, em gái của Marta (x. Ga 11,1), là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người (x. Ga 12,3), nhưng bà không phải là Maria Magdala (Lc 8,2). Hai chị em đều đón Chúa, nhưng mỗi người theo một cách thức khác nhau. Cô Marta đón Người vào nhà và tất bật lo việc phục vụ. Còn Maria thì cứ bình thản ngồi bên chân Đức Giêsu mà nghe Người giảng dạy (c.39).

 

 „Ngồi bên chân Chúa“ là vị trí của người môn đệ, sẵn lòng lắng nghe giáo huấn của thầy mình (x. Cv 22,3; Lc 8,35). Maria muốn làm môn đệ của Đức Giêsu và lắng nghe Người giảng dạy. Trong Tin mừng Luca, „lắng nghe Lời Thiên Chúa“ là một thái độ rất quan trọng. Ngay từ đầu, Luca đã cho thấy Lời của Đức Giêsu rao giảng có sức thu hút nhiều người (x. Lc 5,1.15). Lời Thiên Chúa ở đây có nghĩa là „giáo huấn“ (x. Lc 4,22.32), là lời mạc khải về Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu. Như vậy, lắng nghe là đón nhận Nước Thiên Chúa do Đức Giêsu hay các tông đồ rao giảng. Lắng nghe là mở lòng ra để tin vào Đức Giêsu, để cho Lời Chúa đi vào tâm hồn, tác động, giúp người nghe biết thực thi thánh ý của Thiên Chúa. Ngược lại, từ chối lắng nghe là từ chối tin vào Nước Thiên Chúa.

 

Trong khi đó, cô Marta thì tất bật lo việc phục vụ (c. 40a). Có hai từ nói lên lòng hiếu khách của Marta: „đón vào nhà“ và „phục vụ“. Marta tất bật phục vụ khách, nhưng sự bận rộn này làm cho cô phân tán. Marta làm quá nhiều việc đến nỗi bị cuốn hút bởi công việc và quên mất mục đích việc Đức Giêsu đến nhà bà. Marta còn gợi ý để xin Đức Giêsu can thiệp, nói với Maria giúp bà trong việc phục vụ.

 

Đức Giêsu phê bình sự lo lắng thái quá của Marta. Sự lo lắng này được Luca diễn tả trong nhiều trường hợp: Không biết phải nói gì khi ra trước tòa (x. Lc 12,11), hoặc lo lắng không có gì ăn và mặc (x. Lc 12,22.25.26). Thái độ lo lắng của con người trong những trường hợp này không làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì coi thường sự chăm sóc và quan phòng của Ngài. Tuy nhiên, Đức Giêsu không phê bình nhằm bác bỏ bên này hoặc thừa nhận bên kia, nhưng Người hướng dẫn để người nghe tìm điều tốt nhất.

 

Như vậy, Đức Giêsu không đến nhà Marta để lắng nghe bà hay làm theo lời bà, mà để được bà và người trong nhà lắng nghe Đức Giêsu. Chỉ „duy một điều cần thôi“, „ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe Lời Người“, đó mới là phần tốt nhất. Phần „phần tốt nhất và không bị lấy đi“ ở đây mang ý nghĩa cánh chung, tức ngày Tận thế, những người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa sẽ được Ngài cứu độ, nghĩa là phần thưởng Nước Trời và không một thế lực nào có thể đánh cắp phần thưởng đó được.

 

Như hạt giống được gieo vãi vào nơi đất tốt, đón nhận Lời Chúa trong một tâm hồn thánh thiện sẽ sinh được hoa quả tốt lành (x. Lc 8,15). Lắng nghe Lời Chúa còn được trở nên „mẹ và anh em“ của Đức Giêsu (x. Lc 8,21). Vì Lời Chúa ở đây chính là Đức Giêsu.

 

Qua bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng không những Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, mà Người còn là Đức Chúa (HL: κύριος). Gọi Đức Giêsu là Chúa, đây chỉ có thể là cách gọi của các môn đệ của Đức Giêsu sau khi Người phục sinh. Những trích dẫn sau đây chứng minh cho điều đó. Thánh Thomas, sau khi thấy dấu đinh ở tay Đức Giêsu và đặt tay vào cạnh sườn của Người, đã thốt lên: „Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con“ (Ga 20,28). Hoặc khi Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ ở Biển hồ Tiberia, các ông không còn hỏi Người là ai, vì biết rằng đó là Chúa (x. Ga 21,12). Còn Maria Magdala, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, đã được diện kiến Đấng Phục Sinh, rồi thờ lạy Người (x. Mt 28,9). Sự thờ lạy này người ta chỉ được thực hiện trước một mình Thiên Chúa. Vì thế, mới có lời chép: „Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi“ (Mt 4,10).

 

Có một điều mà những người giải thích trình thuật Tin Mừng hôm nay thường mắc phải đó là nhấn mạnh đời sống chiêm niệm và coi nhẹ những người hoạt động tông đồ. Khi viết 10,38-42, thánh Luca không hề muốn phân biệt giữa đời sống đan tu chiêm niệm và đời sống hoạt động tông đồ, cũng không hề coi nhẹ việc phục vụ người khác. Ngài chỉ muốn nhấn mạnh đến „phần duy nhất cần thiết“ là: làm môn đệ Đức Giêsu, lắng nghe giáo huấn của Người, để Người hướng dẫn và làm chủ cuộc đời của mình. Maria trong bài Tin mừng hôm nay đã thực hiện điều đó một cách xuất sắc.

 

Một điều nữa mà Đức Giêsu đã thực hiện cũng làm cho chúng ta suy nghĩ. Theo truyền thống của các kinh sư, chỉ phái nam mới có quyền giảng dạy, giáo huấn và được nhận làm đồ đệ (x. 1 Cr 14,34-35), trong khi đó, các phụ nữ bị loại ra ngoài. Nhưng trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nhìn nhận phụ nữ cũng có một phẩm giá như nam giới, nên Người ngỏ lời với cả phụ nữ. Ở đây, thánh Luca đã không ngần ngại mô tả một người nữ - Maria - như là môn đệ ngồi bên chân Đức Giêsu.

 

Về phần chúng ta, khi nghe bài Tin mừng hôm nay, là những Kitô hữu, chúng ta phải làm gì? Mặc dù, hàng ngày, chúng ta bận rộn với trăm công ngàn việc, nhưng chúng ta có dành thời gian yên tĩnh để suy tư và cầu nguyện, đã thường xuyên lắng nghe Lời Đức Giêsu qua Kinh Thánh, và để Người hướng dẫn đời mình hay chưa? Chúng ta có đặt việc lắng nghe Lời Chúa vào vị trí ưu tiên, nghĩa là đặt vào chỗ nhất trong mối bận tâm của chúng ta chưa? Khi đã lắng nghe Lời Chúa rồi, chúng ta đã tuân giữ và vâng phục thánh ý Thiên Chúa chưa? Những câu hỏi này giúp chúng ta xét lại thái độ của mình trước việc lắng nghe và ưu tiên cho Thiên Chúa trong cuộc đời.

 

Tóm lại, bài Tin mừng hôm nay diễn tả hai thái độ đón tiếp Đức Giêsu. Marta niềm nở đón tiếp Đức Giêsu vào trong nhà. Maria đón nhận Đức Giêsu vào tâm hồn qua việc lắng nghe Lời Người. Vậy, hôm nay, nếu Đức Giêsu viếng thăm chúng ta, mỗi người sẽ đón tiếp Người theo cách của Marta hay Maria?

 

Thiết kế Web : Châu Á