Giáo Hội Hoàn Vũ

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XXXII TN, C: «NHÓM XA-ĐỐC KHÔNG TIN CÓ SỰ SỐNG ĐỜI SAU»

Đối với người Xa-đốc, vì họ là nhóm người quí tộc giàu có, nên thiên đàng đã thực sự hiện hữu ngay tại trần gian này. Họ đề cao quyền lực, tiền tài và thể xác. Họ sống xa hoa, hưởng thụ mọi thú vui trần gian, nên chẳng cần phải tin vào một điều gì đó sau cái chết.

 

«NHÓM XA-ĐỐC KHÔNG TIN CÓ SỰ SỐNG ĐỜI SAU»

(2 Mcb 7,1-2.9-14; 2 Tx 2,16-3,5; Lc 20,27-38)

 

Quốc Vũ

 

«Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại» (Lc 20, 27).

 

Nhóm Xa-đốc là những người thuộc dòng dõi và con cháu của ông Sadôq (2 Sm 8, 17; Ed 40,46; 43,19), đa số họ là những người quý tộc tôn giáo tại Giêrusalem. Bên cạnh các nhóm Thông Luật và Pharisêu, nhóm Xa-đốc là một trong những người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Tuy nhiên, khác với nhóm người Pharisêu, những người tin có sự sống đời sau, thì nhóm Xa-đốc lại không tin có các Thiên thần và cũng không có sự sống đời sau. Chính vì thế, giữa các nhóm người này luôn có sự chống đối ngầm và bất đồng về các đường hướng tôn giáo, cũng như chính trị. Chẳng hạn như, người Xa-đốc sống phóng khoáng hơn, không quá phụ thuộc vào lề luật như người Pharisêu; họ dễ thích nghi với văn hóa ngoại lai đến từ Hy-lạp, và Ba-tư; họ cũng dễ thỏa hiệp với chính quyền Rôma về nhiều quyền lợi, nên dân Do Thái không ưa nhóm người này. Về mặt tôn giáo, họ chỉ chấp nhận bộ Ngũ Thư của Môsê, và ưa chuộng việc giải thích theo mặt chữ, nên họ thường cứng nhắc trong các nghi thức phụng vụ. Từ bức phông nền tảng này, ta sẽ dễ hiểu bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay.

 

Đối với người Xa-đốc, vì họ là nhóm người quí tộc giàu có, nên thiên đàng đã thực sự hiện hữu ngay tại trần gian này. Họ đề cao quyền lực, tiền tài và thể xác. Họ sống xa hoa, hưởng thụ mọi thú vui trần gian, nên chẳng cần phải tin vào một điều gì đó sau cái chết. Họ quan niệm chết là hết, con người phải lo vun đắp và hưởng lạc ngay tại đời này mà thôi, và sự sống đời sau là một điều quá xa xỉ đối với họ. Với quan niệm như thế, họ thực sự cảm thấy chướng tai và bực tức khi thấy Đức Giêsu ngả theo quan điểm của phái Pharisêu: tin có sự sống đời sau. Họ đã đến và đưa ra một nố về quyền thế huynh trong luật hôn nhân Do Thái giáo (Dnl 25,5; St 38,8) để gài Đức Giêsu. Tuy nhiên, bằng lối trả lời thông minh và thẳng thắn, Đức Giêsu đã bẻ gãy lập trường sai lạc của họ dựa trên hai điểm then chốt: có các Thiên Thần và có sự sống đời sau: «Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng. Quả thế, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các Thiên Thần» (Lc 20,43-35).

 

Niềm tin vào sự sống lại đời sau thực sự là một thách đố đối với con người mọi thời đại. Nói là thách đố, bởi nào ai có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra bên kia cái chết? Có chăng chỉ là sống trong niềm tin và niềm hy vọng. Tuy nhiên, đó cũng là một câu trả lời thỏa đáng cho mọi bất công của cuộc sống này. Chỉ có cái chết và sự sống đời sau mới có thể san lấp những bất công đầy dẫy ở đời này, về sắc tộc màu da, về địa vị xã hội, về chênh lệch giàu nghèo…

 

Đối với con người hôm nay, nói chung người ta tin vào một thế giới linh thiêng nào đó đằng sau thế giới đời này. Mặc dầu có nhiều phong trào vô thần, nhưng xét cho cùng đó chỉ là một mớ lý thuyết. Bởi trong thực tế, có những người tự xưng là vô thần, nhưng họ vẫn hằng tưởng niệm hương hồn của những người quá cố; thậm chí họ còn tưởng niệm và suy tôn những vị đã chết cả hằng bao thập kỷ. Trái lại, có những người tự xưng là hữu thần, nhưng họ lại sống như thể không có sự hiện hữu của Thiên Chúa, không hề quan tâm đến sự sống đời sau. Cách riêng đối với các Kitô hữu, có bao giờ chúng ta tự nghĩ và tự hỏi xem mình đang sống thế nào, mình đang tin điều gì và mình đã sống niềm tin đó như thế nào?  

 

Chuyện kể rằng, lần kia ông Voltaire - một triết gia vô thần đã gặp Pascal và nói rằng: vì ông tin linh hồn bất tử và có sự sống lại đời sau, nên trong đời sống hiện tại ông sống khắc khổ và đạo hạnh, chịu thua thiệt với người khác. Giả sử nếu không có đời sau, thì ông là kẻ dại dột.

 

Pascal đã trả lời: ông nói đúng. Ông không tin linh hồn bất tử, và cũng không tin có sự sống đời sau, nên ông sống hưởng thụ thác loạn. Nhưng nếu có đời sau thì ông là kẻ dại dột và ngu xuẩn hơn tôi, vì tôi chỉ thiệt thòi đời tạm này, còn ông, ông mất cuộc sống đời đời.

 

Con người được Thiên Chúa dựng nên để sống trường sinh, nhưng chính vì sự đố kỵ của ma quỉ mà cái chết đã thâm nhập vào thế gian. Thánh ý của Thiên Chúa không thể mãi mãi bị ngăn chặn bởi quỉ ma, con người phải tìm lại được quyền bất tử của mình, nhờ Đức Giêsu Kitô. Quả thật, là Kitô hữu, tin có sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của thể xác, bởi chúng ta tin vào Đức Giêsu – Đấng đã chết và sống lại để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Chính Người là niềm hy vọng và là lời hứa vững chắc về sự sống lại cho những ai sống và tin vào Người. Chính niềm tin vào sự sống mai sau, nên chúng ta có niềm vui và hy vọng; và cũng chính niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của chúng ta hôm nay, như Lời than thở của thánh Augustinus đã nói lên nỗi khát khao của con người: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con, hướng về Chúa, nên lòng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”.

 

Lời Chúa hôm nay khẳng định có sự sống đời sau trong cõi vĩnh hằng. Thế giới vĩnh hằng không phải là thế giới trần gian kéo dài để tiếp nhận con người từ cõi chết sống lại. Thế giới ấy là "Trời mới Đất mới" mà những con người đã được thanh luyện và sống lại trong Đức Kitô mới hiểu được và vào được: «Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem mới, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm đến đón tân lang […] Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất» (Kh 21,1-4).

 

Những điều cũ đã biến mất, nên không có sự tồn tại của câu chuyện "người đàn bà có bảy đời chồng". Tất cả đã trở nên tinh tuyền trong Đức Kitô, và tất cả chỉ còn là niềm hạnh phúc vô tận trong Tình Yêu Thiên Chúa. Sự sống đó không còn lệ thuộc bởi việc dựng vợ gả chồng, vì con người đã tham dự vào sự sống bất diệt như các Thiên Thần của Đấng hằng sống. Sự sống đó cũng không còn lệ thuộc bởi vật chất, hay bởi danh lợi thú, vì con người không còn cảm thấy thiếu thốn, mà đã đạt đến sự sung mãn trong sự sống thần linh của Thiên Chúa. Đây chính là niềm vui, là sự khích lệ cho cuộc đời chúng ta. Đau khổ cuộc đời này sẽ hết. Những khốn khó trần gian sẽ qua đi. Cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ. Sự sống thần linh mới là vĩnh cửu. Ước gì niềm tin nầy thôi thúc chúng ta sống theo đường lối Chúa Giêsu, để không là những người hữu thần nhưng lại quan niệm cách vô thần như nhóm Xa-đốc; cũng không là những người hữu thần nhưng sống giả hình như nhóm Pharisêu; mà là những Kitô hữu đích thực, sống những gì mình tin vào Đức Kitô, ngõ hầu chúng ta sẽ đạt đến nơi mà Người đã đến.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á