Giáo Hội Hoàn Vũ

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XXVI TN, C: «GẦN-XA»

Dụ ngôn người phú hộ và Lazarô trong bài Tin Mừng hôm nay mô tả một bức tranh tương phản, một khoảng cách rất gần mà lại rất xa của hai con người với hai cuộc đời, hai hoàn cảnh trái ngược nhau.

 

«GẦN-XA»

(Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31)

 

Quốc Vũ

 

Sáng sớm, ngồi bên tách cà phê, đâu đó vọng lại giọng hát của ca sĩ Tuấn Vũ những lời ca thật đẹp trong nhạc phẩm “Nhà anh nhà em” của Hà Tiến Lũ và Anh Sơn: «Nhà anh nhà em, cách hai đoạn đường dài, tuy xa mà gần, tuy gần mà xa... Rồi còn xa mấy nữa khi em đi lấy chồng một chiều thu thay lá...».

 

Nghe, cảm, rồi ngẫm thấy hay, thấy lạ. Cái lạ cái hay của những nhạc phẩm mà giới trẻ ngày nay đã ưu ái đặt cho cái biệt danh là “nhạc sến” ấy, là dễ đi vào lòng người hơn những nhạc phẩm thời @ bây giờ. Cũng chỉ là một hình ảnh, cũng chỉ là một câu chuyện tình tan vỡ: yêu người – người phụ, trong khi các tác giả trẻ bây giờ thường chọn lối viết thể hiện sự đớn đau, chua xót, giận hờn và đôi khi có cả hận thù; thì các tác giả xưa lại viết theo lối nhẹ nhàng bằng chất thơ cùng lời văn đầy ý nhị, gợi hình và gợi tình khiến người nghe dễ cảm và dễ gần hơn: “Tuy xa mà gần, tuy gần mà xa”. Xa-gần ở đây không phải là một khoảng cách của không gian hay thời gian, xa-gần không phải bởi “cách hai đoạn đường dài”, nhưng là bởi “khi em đi lấy chồng”, là bởi không còn sợi dây tình nối kết, không còn chỗ để cho con tim lên tiếng mà ngỏ lời yêu thương.

 

Đến đây, ta nhận thấy có một sự đồng điệu rất rõ rệt, khi mà tác giả Luca cũng bằng lối viết tinh tế, bằng lời văn thâm thúy đã ghi lại trọn vẹn tâm ý của Đức Giêsu muốn nói với các môn đệ và những ai muốn đi theo Người, qua một loạt 16 dụ ngôn khuyến thiện, nhằm giúp độc giả nhận thấy cái nghịch lý của cuộc đời và nhận ra đâu là cùng đích của đời người.

 

Một trong số đó, dụ ngôn người phú hộ và Lazarô trong bài Tin Mừng hôm nay, đã mô tả một bức tranh tương phản, một khoảng cách rất gần mà lại rất xa của hai con người với hai cuộc đời, hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Đó là một lối so sánh thật ấn tượng, hai phân cảnh đã hiển hiện rõ rệt, hai tình trạng của một đời người được phân định bởi cái chết, và được phán xét bởi một điều duy nhất là tình yêu.

 

Đọc dụ ngôn này có lẽ ta cũng cảm thấy xót xa chua chát, xót xa cho người giàu và chua chát cùng kẻ nghèo. Cuộc đời của họ tuy diễn ra cùng chung một thời gian và không gian, nhưng xem ra họ lại qúa cách xa nhau. Một bên là kẻ ăn không hết, còn bên kia là người lần chẳng ra. Một người sống trong nhung lụa, một kẻ đói rách bần cùng. Khoảng cách giữa họ rất gần, từ nhà ông phú hộ đến chỗ người ăn mày Lazarô chỉ là vài bước chân, chỉ cách nhau bằng một cánh cổng. Tuy nhiên, cánh cổng nhà ông chỉ mở để cho ông thỏa thích đưa người cửa trước, rước người cửa sau, mà cùng nhau đàn hát tiệc tùng; nhưng cánh cửa lòng ông thì lại luôn khép kín khiến ông không thể bước đến để cảm thương và giúp đỡ cho người hành khất luôn nằm chờ đợi.

 

Thế mới biết tại sao tuy gần mà xa. Đó là cái xa của tình người, xa của con tim đã trở nên chai lỳ và khô cứng, xa vì sự ích kỷ, để rồi dửng dưng không quan tâm đến người thân cận, rồi hình thành hai vũ trụ, hai thế giới song song. Một bên là thế giới cực kỳ xa hoa dư thừa «mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình» (c. 19 – Bài Tin Mừng). Bên kia là thế giới thiếu thốn đến thảm hại của người nghèo khó «mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của viên phú hộ rơi xuống ăn cho no cũng không được. Chỉ có mấy con chó đến liếm ghẻ chốc anh ta» (c. 20 – Bài Tin Mừng). Thật là một cảnh trái ngược giầu và nghèo. Cảnh đó vẫn diễn ra trên thế giới, trong mọi quốc gia, tại các thành phố và xóm làng ngày xưa cũng như ngày nay quanh ta.

 

Tuy nhiên, văn cảnh của Luca không nhằm đả phá sự giàu sang, và cũng không khuyến khích sống nghèo đói. Giàu có hay nghèo khó không phải bởi tội. Không chỗ nào nói, Lazarô là một con người nhân đức, anh chỉ được giới thiệu là "một người nghèo", Lazarô nghĩa là “người được xót thương”. Cũng vậy, không chỗ nào nói, ông nhà giàu là kẻ ác ôn, đã vơ vét của cải một cách mờ ám, đã chiếm đoạt, đã bóc lột một cách bất chính, đã lợi dụng hay ngược đãi Lazarô. Cái tội của người phú hộ chỉ là tội dửng dưng với mảnh đời bất hạnh của đồng loại, ông đã đi qua họ với thái độ bàng quang lạnh lùng. Ông chẳng khi nào muốn bước qua cánh cổng nhà mình để đi vào thế giới người nghèo. Một sự mù quáng đến thiếu trách nhiệm liên đới với tha nhân. Ông có nhiều cơ hội để làm việc lành phúc đức, thế mà ông đã bỏ lỡ cơ hội mua lấy hạnh phúc đời sau. Hậu quả là khi chết rồi, người phú hộ đó bị ném vào vực sâu hoả ngục, xa cách thiên đàng.

 

Tiên tri Amos với lối nói cay độc chua chát đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giàu có đang hưởng thụ nếp sống xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ: «Khốn cho những kẻ nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ. Chúng đàn hát nghêu ngao, uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ. Vì thế giờ đây chúng sẽ bị lưu đày» (Bài đọc 1). Lời cảnh cáo của Amos thật nặng nề dành cho những kẻ giàu có và quyền chức ăn chơi: "Chúng sẽ bị lưu đày, đi đầu những kẻ lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phởn".

 

Lời cảnh cáo này như vẫn còn nghe đâu đây trong thế giới hôm nay. Đó là những lối sống vô tâm đã đưa tới cực hình vô tận. Đời này và đời sau làm nên hai thứ khoảng cách gần-xa nghìn trùng. Khi còn sống ở đời này giữa hai phận người đó có một khoảng cách rất gần, nhưng ở thế bên kia khoảng cách giữa hai bên đã thành xa vời vợi. Hai thứ khoảng cách đó liên hệ mật thiết với nhau, là một sự đảo chiều rõ rệt. Khoảng cách gần nơi trần thế làm nên khoảng cách xa trong thế giới tương lai. Thế mới biết thế nào là tuy gần mà xa, xa đến nỗi bên này không thể nào đến bên kia, vì bị ngăn cách bởi một vực thẳm quá lớn (c. 26).

 

Một nhà tư tưởng đã chỉ ra hai nguy cơ của sự giàu có thiếu tình thương như sau: Một là nó khiến người ta xa lìa Thiên Chúa, khiến người ta bằng lòng với những lạc thú trần gian mà quên đi đời sống vĩnh cửu. Hai là nó khép kín lòng mình với tha nhân, khiến người ta không còn nhìn thấy người nghèo nằm trước cổng nhà mình.

 

Hoả ngục chính là sự kéo dài của tình trạng khép kín này: người ta vẫn mãi xa cách Thiên Chúa và tha nhân. Đời này người ta đào sâu hố ngăn cách bao nhiêu, đời sau người ta sẽ không còn đường trở về bấy nhiêu. Thế nên thật chí lý khi nói rằng: "Con người đã tự phán xử chính mình ngay ở đời này" (Noel Quesson). Mỗi người chúng ta đang kiến tạo Thiên đàng hay Hỏa ngục cho mình. Mỗi lần ta mở lòng cho Thiên Chúa hoặc cho những người khác, là chúng ta bước một bước lên thiên đàng. Mỗi lần ta khép kín mình trong chính mình, là ta bước một bước xuống hoả ngục. Trần gian này là nơi rèn luyện bước đầu của Thiên đàng và Hỏa ngục.

 

Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Tôi luôn luôn nói rằng yêu thương bắt đầu từ nhà mình: trước hết ở nhà bạn rồi đến thị trấn hoặc thành phố của bạn. Yêu thương một người ở xa thì dễ, nhưng không dễ khi yêu thương những người sống với chúng ta hoặc ở gần chúng ta”.

 

Chúng ta sẽ dễ đồng ý với mẹ Têrêxa, để rồi một lúc nào đó ta nhìn lại đời mình mà tự hỏi: tôi đang sống thế nào với vợ tôi, với chồng tôi, với cha mẹ, với anh chị em và với bà con lối xóm của tôi? Với anh em đồng bạn của tôi? Trong quá khứ, có lẽ không ít lần ta đối xử với họ như những người xa lạ, muốn tránh xa họ bởi sự nhàm chán, bởi sự quấy rầy hay bởi một điều gì đó... Vì thế mới có đồng sàng dị mộng, mới có chia cách phân ly, mới có gia đình tan vỡ, mới có cắt đứt họ hàng, mới có từ mặt cách lòng,... Người phú hộ trong Tin Mừng không bị phán xử dựa trên sự sa hoa giàu có, nhưng dựa trên thái độ sống khép kín cửa lòng, và đóng chặt bàn tay. Bài dụ ngôn khuyến cáo chúng ta đừng dại dột như thế, nhưng hãy biết thu hẹp cái tôi của mình để sống quảng đại hơn, bao dung hơn với mọi người, khởi đi từ gia đình, làng xóm, đất nước mình, hầu kiến tạo mối tương quan trong tình yêu thương như sợi dây liên kết chúng ta nên một trong đức ái, để mà tuy xa nhưng vẫn rất gần cả đời này lẫn đời sau.  

 

   

  

Thiết kế Web : Châu Á