Giáo Hội Hoàn Vũ

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XVI TN, C: «PHẦN TỐT NHẤT?»

Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định với mọi người rằng lắng nghe và thi hành Lời Chúa là điều tối cần thiết và quan trọng nhất. Lắng nghe Lời Chúa là chuyện cần thiết nhất vì Lời Chúa là đèn soi trong đêm tối, là ánh sáng dẫn đường vượt qua bao giông tố cuộc đời.

 

«PHẦN TỐT NHẤT?»

(St 18,1-10; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42)

       

Quốc Vũ 

 

Người Việt ta có câu «một người nói hay không bằng một người nghe giỏi».

 

Quả nhiên, trong cuộc sống, nghệ thuật giao tiếp không chỉ đơn thuần là biết cách nói, mà đòi hỏi cả hai kỹ năng biết nói và biết lắng nghe. Lắng nghe, là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà mỗi người cần có, là một yếu tố kỳ diệu giúp con người tạo dựng được mối tương quan bền lâu và hạnh phúc. Biết lắng nghe, giúp ta có thể giải mã được những sở thích, những mong muốn, cũng như những nhu cầu của người khác. Vì vậy, có thể xem nói là gieo, nghe là gặt. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà khi sinh ra, con người chỉ có một cái miệng để nói, nhưng lại có đến hai cái tai để lắng nghe. Hơn nữa, để nghe giỏi, để có thể lắng nghe hiệu quả nhất, thì phải biết lắng tai lòng mà nghe cách chăm chú và thành tâm.

 

Hãy thử tưởng tượng bạn đang chủ trì một cuộc họp, bạn đang thao thao bất tuyệt, và khi nhìn xuống thì mọi người đang “thả hồn theo mây gió”: Người thì đang viết, người khác đang thảo luận, vài người đang lắng nghe bạn nhưng họ không có biểu hiện gì là hiểu bạn cả… Khi đó bạn cảm thấy thế nào?

 

Các bài đọc trong Chúa nhật hôm nay thuật lại những mẫu gương về sự lắng nghe.

 

Ở bài đọc I, thái độ lắng nghe của Abraham, là sự thành tâm đón tiếp khách đến nhà, và nhất là bằng niềm tin vào một lời hứa tưởng như không thể thực hiện: «Độ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai»; nhưng không có gì là không thể đối với Thiên Chúa. Như thế, sự tiếp đón và niền tin của ông Abraham có thể xem là cầu nối cho lời hứa của Thiên Chúa thực hiện nơi ông.

 

Trong bài đọc II, Thánh Phaolô tự nhận mình là người phục vụ Hội Thánh, chịu mang lấy những đau khổ, để thực hiện điều Thiên Chúa ủy thác là lắng nghe và rao giảng LỜI. Với Phaolô, LỜI - Đức Kitô là Tin Mừng, là mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở, nay được mặc khải cho con người. Đức Giêsu Kitô là tất cả đối với Phaolô, Ngài sẵn sàng bỏ tất cả để được biết Người. Nhờ đó, một đàng Ngài đón nhận những đau khổ, đàng khác kiên trì nhẫn nại rao giảng, dạy dỗ để cho mọi người đón nhận Lời của Thiên Chúa và giúp mọi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô. Cả cuộc sống của Phaolô sau khi trở lại, là rao giảng, phục vụ Tin Mừng. Ngài được gọi để được sai đi rao giảng, và Ngài đã thực hiện sứ mạng của Ngài trong mọi hoàn cảnh, bất chấp những khó khăn và nguy hiểm. Ngài rao giảng trong mọi hoàn cảnh, cho cả người Do Thái lẫn người ngoại, cho người bình dân cũng như cho những người có địa vị và thế lực. Ngài vui ngay cả trong những khổ đau, và Ngài muốn "hoàn tất" những gì còn thiếu trong thân thể Giáo Hội, Ngài làm tất cả để Chúa được tôn vinh hơn.

 

Bài Tin mừng là sự đề cao thái độ yên lặng của cô Maria để lắng nghe Chúa nói. Thánh Luca thuật lại: hôm ấy, Chúa Giêsu đến thăm gia đình hai chị em cô Mácta và Maria. Mácta tất bật lo việc nấu dọn, hy vọng Chúa sẽ rất hài lòng về sự tiếp đãi ân cần, chu đáo và tận tình như thế. Vậy mà Chúa Giêsu lại đề cao thái độ chăm chú lắng nghe của Maria hơn và trách Mácta: «Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi» (Lc 10, 41-42).

 

Tĩnh từ «tốt nhất» nói lên sự tối ưu của việc biết lắng nghe, nhất là biết lắng nghe Lời Chúa. Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định với mọi người rằng lắng nghe và thi hành Lời Chúa là điều tối cần thiết và quan trọng nhất. Lắng nghe Lời Chúa là chuyện cần thiết nhất vì Lời Chúa là đèn soi trong đêm tối, là ánh sáng dẫn đường vượt qua bao giông tố cuộc đời. «Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi» (Thánh vịnh 119,105). Nhờ ánh sáng của Lời Chúa, người lầm lạc thấy được chân lý, người tội lỗi được hoán cải để sống đời thánh thiện, người thất vọng được tìm thấy niềm tin và hy vọng tràn trề... Thiếu Lời Chúa, nhân loại như đang chìm trong tối tăm.

 

Trong cuộc sống hằng ngày, lắng nghe là một kỹ năng mà nếu cố gắng trau dồi chúng ta sẽ thu được những lợi ích to lớn. Bằng cách trở thành một người lắng nghe tốt, bạn sẽ cải thiện được năng suất làm việc của mình, gây ảnh hưởng, thuyết phục và thương lượng thành công với đối tác. Hơn nữa, bạn cũng sẽ tránh được những mâu thuẫn và hiểu nhầm đáng tiếc.

 

Một thương gia giàu có tâm sự trên trang Hạnh phúc gia đình như sau: Tôi luôn ao ước có nhiều tiền để sắm sửa cho vợ con tôi mọi thứ mà tôi từng mơ ước. Nhưng vì quá mải mê với công việc làm ăn, nên tôi đã quên mất một điều mà vợ con tôi đang cần đến, đó là họ cần một người cha, một người chồng để yêu thương và nâng đỡ họ. Thực tế, ông vốn là một nhà thầu khoán nên nhiều lúc rất bận rộn. Có ngày ông phải làm việc 16 giờ, nên ông thường xuyên vắng mặt trong gia đình, rồi dần dần những người thân yêu cũng trở nên xa cách.

 

Thế giới ngày nay không hiếm những ông bố, bà mẹ như thế. Có những người vì mải mê công việc mà bỏ bê việc nuôi dạy con cái, chỉ đến khi nhận ra con mình đã bị lôi cuốn sa lầy vào những tệ nạn xã hội thì đã quá muộn. Hay có những cặp vợ chồng vì mải mê kiếm tiền mà đánh mất hạnh phúc gia đình. Từ câu chuyện trên, chúng ta hiểu được phần nào chủ đích của đoạn Tin Mừng hôm nay:

 

- Chúng ta có thể vì quá mải mê công việc làm ăn, đến nỗi quên mất lý do khiến chúng ta phải vất vả như thế.

- Chúng ta có thể vì quá mải mê kiếm sống, đến nỗi quên mất chính mục đích của cuộc đời.

- Chúng ta trang bị những vật dụng mà đồng tiền có thể mua sắm được, để rồi quên mất tất cả những gì mà đồng tiền không thể mua sắm được.

 

Chúa không trách Mácta vì lòng nhiệt thành của bà, nhưng trách vì bà quá đam mê công việc mà đánh mất sự cân bằng cuộc sống, để rồi trở nên bẳn gắt với những người thân. Từ những lời chê trách, Chúa đã phản tỉnh Mácta và đưa bà về thế cân bằng; bởi cuộc sống có nhiều điều cần thiết, mà sự lắng nghe người khác là mấu chốt tạo dựng hạnh phúc vững bền trong mỗi gia đình: giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái; ngoài xã hội: với bạn bè và với đối tác nghề nghiệp.

 

Thực tế chúng ta nghe được bao nhiêu phần trăm điều người khác nói? Với những mục đích như để thu thập thông tin, hiểu được điều người khác muốn nói, giải trí và học hỏi... các nhà khoa học cho biết người ta chỉ có thể nhớ khoảng 25% đến 50% những gì đã nghe.  Cách để trở thành một người lắng nghe tốt là bạn thường xuyên thực hành “lắng nghe chủ động”. Nghĩa là ước muốn và sẵn sàng vui vẻ lắng nghe người khác. Thậm chí nhiều khi để lắng nghe ta còn phải “bỏ mình”, phải hy sinh bản thân, phải mất thời gian để ngồi lắng nghe người ta “tâm sự”, mà hiệu quả của nó không hề nhỏ, bằng chứng là khoa tâm lý học vô cùng cần thiết đối với con người trong thế giới ngày nay, cho dẫu công việc của các nhà tâm lý học chỉ là ngồi để lắng nghe bệnh nhân nói. Còn đối với việc lắng nghe Lời Chúa thì sự đòi hỏi lại càng khắt khe hơn. Đó là sự lắng nghe để hiểu, để sống, để từ bỏ mình, nhất là để hoán cải cuộc đời và bước theo Người. Chính vì thế mà Đức Giêsu mới nói: «Maria đã chọn phần tốt nhất».

 

 

Thiết kế Web : Châu Á