Giáo Hội Hoàn Vũ

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XV TN, C: TẤM LÒNG NHÂN HẬU

Đức Giêsu kể câu chuyện người Samaria nhân hậu cho người thông luật thẩm định lại giá trị làm người của ông. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ cho ông ta biết, anh em của mình, người thân cận của mình chính là những người hiện diện bên mình, những người đang gặp khó khăn hoạn nạn đang cần mình ra tay giúp đỡ.

 

TẤM LÒNG NHÂN HẬU

(Lc 10,27-35)

 

Minh An

 

Có thể nói được rằng, chúng ta đang sống trong một thời đại được xem là “tốt nhất” của mọi thời đại: tốt về phương diện khoa học kỹ thuật, tốt về sự phát triển kinh tế. Thế nhưng, cũng còn đó biết bao nhiêu sự khốn khó đang vây bủa chúng ta, vì còn có “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Có nhiều khi nạn trộm cướp, giết người, tranh dành quyền lực… đưa đẩy đồng loại của mình đến chỗ sống cũng không được mà chết cũng không xong. Nếu một xã hội có nhiều nạn trộm cướp, giết người, tranh giành quyền lực thì đúng là hết tình người!

 

Sống trong một xã hội đầy dẫy những biến loạn như thế, chẳng lẽ không ai trong chúng ta có cảm xúc gì hay sao? Điều làm chúng ta tự vấn chính mình là làm sao phải có một tấm lòng “thật”, phải có một tấm lòng quảng đại, bao dung, một tấm lòng biết xót thương đồng loại? Hay, nói như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không em? Để gió cuốn đi”. Gió cuốn đi đâu? Gió cuốn đi khắp nơi, đi đến với mọi người và làm cho mọi người có cảm giác được an toàn, được bình an và hạnh phúc.

 

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca kể cho cúng ta biết rằng, người thông luật đã hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi”, và được Chúa Giêsu chỉ cho ông biết, người thân cận chính là người thực thi tình bác ái với đồng loại của mình. Và Đức Giêsu đã kể câu chuyện người Samaria nhân hậu cho người thông luật thẩm định lại giá trị làm người của ông. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ cho ông ta biết, anh em của mình, người thân cận của mình chính là những người hiện diện bên mình, những người đang gặp khó khăn hoạn nạn đang cần mình ra tay giúp đỡ: “Chính là người đã thực thi lòng thương xót đối với người khác”.

 

Trong câu chuyện này, Chúa Giêsu đã chỉ rõ bốn nhân vật, đại diện cho mọi tầng lớp của Do thái xưa: người bị hại, đại diện cho những người khốn khổ, bị hãm hại, sống không được, chết cũng không xong; thầy tư tế, đại diện cho chức sắc trong tôn giáo; thầy Lêvi, đại diện cho những nhà luật pháp; và người Samari, đại diện cho những người lạc giáo, người ngoại, người thù nghịch với Do thái giáo. Nhưng, người Samaria mới chính là người nhân hậu, người có lòng yêu thương đồng loại nhất. Ông đã tỏ lộ lòng yêu thương khi ra tay cứu giúp người bị hại. Ông được gọi là người thân cận nhất của người bị hại, chứ không như thầy tư tế và thầy Lêvi, đã né trách, không ra tay giúp người gặp nạn, đang nguy kịch.

 

Như thế, trong ba nhân vật gặp người bị hại thì chỉ có một người được xem là người ngoại, người có thù hằn với những người chính đạo nhưng lại là người biết thực thi trọn vẹn giới luật mến Chúa và yêu người. Anh chính là người đã thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa một các rất thực, và anh cũng chính là người đã diễn tả được lòng thương xót của Thiên Chúa đang thể hiện trong nhân loại. Chính nhà thông luật đã chứng nhận rõ điều này khi nói: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.

 

Thật vậy, khi thực thi tình bác ái, huynh đệ thì người thân cận là bất cứ ai, không phân biệt dân tộc, già trẻ, tín ngưỡng, quan điểm..., nghĩa là tất cả mọi người đều là anh, chị, em, là người thân cận của chúng ta. Khác với quan niệm thông thường, người thân cận là người cùng huyết thống với mình, người gần gũi với mình, hay chỉ là bạn hữu của mình mà thôi.

 

Có thể nói được rằng, người Samari là mẫu mực, là tiêu chuẩn để con người ta so sánh tấm lòng nhân hậu của mình. Anh ta không phải là một một người ưu tuyển của đạo Do thái, thậm chí anh ta còn bị ghét bỏ vì là dân lạc đạo. Thế nhưng, anh lại là người thực thi rất tốt điều răn “yêu người như chính mình”. Đối với người Samari lúc này, anh ta không ngồi xuống để tính toán xem người bị hại là ai, có phải cùng huyết thống với mình, có phải cùng môn phái với mình...để ra tay nghĩa hiệp. Anh đã không suy tính như thế. Anh biết rằng, anh là một con người nhìn thấy một con người khác đang gặp hoạn nạn, nên phải có tình người và anh đã ra tay giúp đỡ.

 

Như thế, điều quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta là thay vì lo đi tìm hiểu ai là người thân cận của mình thì chúng ta nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, khi họ gặp khó khăn hoạn nạn. Đó mới chính là chúng ta thực thi tình bác ái theo gương Chúa Giêsu. Đó chính là chúng ta mang lòng thương xót của Thiên Chúa trong tim mình và trao ban cho mọi người, khi họ cần đến.

 

Khi thực thi bác ái như người Samaria thì chúng ta phải chấp nhận tốn thời gian, tốn công sức, tốn của cải và có khi tổn hại đến sức khỏe, tổn hại đến thân xác của mình nữa. Nhưng, người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu thì không sợ, vì có Chúa cùng làm, cùng chịu, chính Ngài cũng đã an ủi chúng ta rằng: „Chính Thầy đây, đừng sợ” (Ga 6,20). Và như thế, chúng ta sẽ đem đến cho tha nhân của mình niềm vui, sự bình an và hạnh phúc, khi họ gặp hoạn nạn; chúng ta sẽ trở thành người thân cận, người thực thi giới luật mến Chúa yêu người, và là người giàu lòng thương xót theo thánh ý của Thiên Chúa.

 

Ước gì chúng ta sẽ trở thành những người Samaria của thời đại này, để đem tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đến với những người đang gặp đau khổ, bất hạnh, những người đang bị xã hội áp bức, bóc lột. Đó là chúng ta đã thực thi giới luật “ mến Chúa yêu người”, hay thực thi lòng thương xót Chúa như Chúa Giêsu đã nói với nhà thông luật: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”.

 

Lạy Chúa, xin giúp chúng con mang lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa, để chúng con biết chạnh lòng thương xót trước những đau khổ của tha nhân, và sẵn lòng chia sẻ với họ bằng một tình mến yêu chân thành. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á