Giáo Hội Hoàn Vũ

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XIV TN, C: «NGƯỜI MÓT LÚA»

Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu ra đi làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh. Chính vì thế, ơn gọi của người Kitô hữu là ra đi làm chứng cho Nước Trời, nước công chính và bình an.

 

«NGƯỜI MÓT LÚA»

(Is 66,10-14; Gl 6,14-18; Lc 10.1-12.17-20)

 

Quốc Vũ

 

Chị Dung, con bác, là người xưa nay tôi rất quý. Chị không phải là người mặt hoa da phấn như các cô gái nơi thị thành, nhưng dáng người và nết na thì lại đẹp như cái tên của chị. Trai trong làng vài anh dòm ngó, mấy kẻ mối mai, hay bao người dạm hỏi, đều bị chị từ chối. Có người chặc lưỡi tiếc rẻ, nhưng cũng có người trách nọ trách kia. Chỉ mình chị biết tại sao như thế. Bởi một lẽ, chị còn phải trách nhiệm gia đình với năm chị em, mà ba chị đã mất sớm, còn mẹ chị thì đau ốm liên miên. Đến nay chị đã ngoài tứ tuần, các em chị đã yên bề gia thất, riêng chị vẫn ở vậy để phụng dưỡng mẹ già. Nghề của chị là nghề mót lúa.

 

Trước đây, ở những làng quê Việt Nam, nghề này sống được. Ngày ngày cặm cụi hai buổi sớm hôm cũng kiếm được mươi ký lúa. Hết làng này qua làng khác, đồng nào lúa chín là có bóng chị lặng lẽ nhặt nhạnh từng bông lúa do các thợ gặt đánh rơi hay cố tình để lại. Mùa gặt là mùa bao người đợi chờ. Với bọn con nít, thì đó là những ngày hè được đắm mình trong những con sông xanh mát, hay tung tăng trên những bờ đê mà thả diều, bắt dế; còn với những người lớn, lại là niềm vui cho một vụ mùa gặt hái sau bao ngày nắng sớm mưa chiều vun trồng, chăm bón. Đó không chỉ còn là niềm vui riêng cho những người chủ ruộng hiền lương chân chất, mà còn là niềm vui cho những người thợ gặt hái ăn công, và cho cả những người mót lúa như chị. Mọi người cùng cười cười, nói nói, rộn rã cả cánh đồng; rồi những câu hát, câu hò đối đáp, đôi khi đã trở thành nhịp cầu trao duyên cho các đôi trai gái nên vợ thành chồng. Vì thế mà những đồng lúa chín bao giờ cũng đẹp, những mùa gặt hái luôn tràn ngập những niềm vui.

 

Với người Do Thái, mùa gặt là mùa lễ tạ ơn, là mùa lễ hội ngập tràn niềm vui, một niềm vui lớn hơn cả niềm hân hoan khi được trở về từ chốn lưu đày: «Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì thành đô mà hoan hỷ» (Bài đọc I). Lễ hội Mùa Gặt có tên là Sukkoth được các gia đình Do Thái cử hành hằng năm vào mỗi mùa Thu.

 

Sukkoth có nghĩa là «cái lều» mà ông Môsê và người Do Thái đã sống trong sa mạc trên hành trình về Đất Hứa, trong suốt 40 năm, sau khi đã được giải thoát khỏi ách nô lệ bên Ai Cập. Lễ Sukkoth kéo dài trong 8 ngày. Dịp này, người Do Thái dựng lên chiếc lều nhỏ bằng các cành lá, gợi lại “lều hội ngộ” của tổ tiên họ. Mái che cũng bằng lá cây và không làm kín hẳn để ánh sáng mặt trời có thể xuyên chiếu. Trong các lều tạm này, người ta treo hoa quả, gồm có táo, nho, bắp ngô và các thứ rau củ. Hai đêm đầu tiên của mùa lễ, các gia đình ăn bữa tối chung với nhau trong lều tạm, để tạ ơn Thiên Chúa luôn chúc phúc và dưỡng nuôi họ suốt cuộc hành trình về Đất Hứa.

 

Trong truyền thống Kinh Thánh, thì «Mùa Gặt lại được sánh ví như ngày tận thế. Thợ gặt là các Thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả người xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước ThiênChúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha họ» (x. Mt 13,36-43). Và Mùa Gặt cũng còn được sánh ví như sứ mệnh truyền giáo «Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít» (Bài Tin mừng).

 

Trong số bốn thánh sử, Luca là người duy nhất thuật lại việc sai phái bảy mươi hai môn đệ đi trước sửa soạn cho Chúa Giêsu đến. Điều này phù hợp với việc Chúa kéo dài cuộc hành trình trên đường về Giêrusalem. Trong lúc Luca viết ra, ngài đã thấy các cộng đoàn Kitô hữu được khai sinh ở giữa các đô thị và vùng đất của dân ngoại. Một số các nhà thờ địa phương ấy được khai sinh không phải do hoạt động của các tông đồ được chính thức ủy nhiệm, nhưng do hoạt động tông đồ của giáo dân, của những người du mục và họ đã loan báo Đức Giêsu (x. Rm 16).

 

Đối với người Do Thái, số bảy mươi hai là con số biểu tượng, là con số không những tượng trưng cho số nhiều, mà còn mang tính toàn thể. Số 72 đây là số các dân tộc của loài người mà chương 10 của sách Sáng Thế đã đề cập đến.

 

«Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt». Đó là hoàn cảnh của thế giới hôm nay, một thế giới đông người, nhưng thiếu ánh sáng Tin Mừng. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: «Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là phải truyền giáo» (Ad Gentes, số 2). Như thế, không một Kitô hữu nào được miễn trừ lệnh truyền của Chúa Giêsu: «Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần» (Mt 28,19). Lệnh truyền của Chúa Giêsu được vang lên không chỉ đối với các môn đệ và các tông đồ khi xưa, mà nó còn vang vọng tới mọi người trong mọi thời đại. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: «Không một ai tin Đức Giêsu, không một tổ chức nào trong Hội Thánh được miễn trừ sứ mạng cao cả: Loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc» (Sứ vụ Đấng Cứu Thế, 3). Chúa Giêsu sai các môn đệ và chúng ta đi rao giảng Tin Mừng. Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu ra đi làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh. Chính vì thế, ơn gọi của người Kitô hữu là ra đi làm chứng cho Nước Trời, nước công chính và bình an.

 

Nếu không phải là một trong số mười hai tông đồ, thì ít nữa chúng ta cũng phải là một trong số bảy mươi hai môn đệ. Nếu không phải là những người thợ gặt, thì ít ra chúng ta cũng là những phu khuân vác hay những người đi mót lúa. Trên cánh đồng bao la giữa mùa thu hoạch, mỗi người cùng chung tay góp sức, mỗi người một việc để gặt về một vụ mùa bội thu. Mùa gặt dĩ nhiên là bội thu đối với những người có con mắt tinh tường và một tâm hồn nhạy cảm đáp lại. Đó là Mùa Gặt trên những cánh đồng là chính gia đình, bệnh viện, học đường, công trường, thậm chí là nhà tù, hay bất cứ nơi nào ta đặt chân đến. Mỗi ngày mới là một ngày gặt hái.

 

Như thế, sứ mạng truyền giáo không phải chỉ là sứ mạng dành riêng cho linh mục và tu sĩ, nhưng còn là bổn phận chung của mỗi người Kitô hữu. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ địa vị nào, làm bất cứ nghề nghiệp nào, ta cũng có thể và có trách nhiệm góp phần vào công cuộc truyền giáo, bằng một đời sống đạo hạnh và nhất là bằng những hành động bác ái yêu thương.

 

Thật vậy, ngay từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, từ khi được gia nhập vào Giáo Hội, người Kitô hữu được trao cho một chiếc áo trắng đánh dấu một cuộc đời mới, đồng thời cũng được trao cho một cây nến được thắp sáng từ cây nến Phục sinh, tượng trưng cho Đức Kitô Phục sinh, để trở nên đèn sáng cho những người chung quanh, bằng sứ mạng ra đi rao giảng Tin Mừng giữa xã hội đang xuống cấp về mọi mặt, nhất là mặt đạo đức. Nhưng "Thà đốt lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối". Vậy ta hãy lên đường đến với cánh đồng lúa đang chín vàng, để cùng nhau thu gặt mùa màng, bằng chính khả năng mình, cho dẫu đó chỉ là sức lực của một thân phận nhỏ nhoi, hèn kém như một người mót lúa. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á