Giáo Hội Hoàn Vũ

Bài chia sẻ Tin mừng CN VI TN, A: «XƯA & NAY»

Đời sống con người, mỗi ngày mới bắt đầu là một ngày đối diện với những cái cũ và cái mới, là nhìn thấy và cảm nghiệm sự gục ngã và đứng vững trong những băn khoăn, trăn trở của dòng đời, của cuộc đấu tranh để hiện hữu, của sẻ chia để phong phú hơn.

 

«XƯA & NAY»

(Hc 15,15-20; 1 Cr 2,6-10; Mt 5,17-37)

 

 

Lm. Quốc Vũ

 1. Tìm hiểu bản văn

 

«Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…»

 

 Đọc bài Tin mừng hôm nay, chúng ta sẽ bắt gặp điệp khúc này được lập đi lập lại nhiều lần theo thể song đối: xưa – nay, cũ –mới, mà tác giả Matthêu muốn nêu bật lập trường của Đức Giêsu đối với việc sống đạo của người Kitô hữu: đâu là điểm cốt lõi? Theo Luật Cũ được ghi trên bia đá, hay theo Luật Mới được ghi tạc trong lòng?

 

Qua cách nói này, nhiều người lầm tưởng rằng Đức Giêsu muốn hủy bỏ luật Môsê và các ngôn sứ. Chẳng hạn ở một số nơi khác ta đọc thấy các lời dạy tương tự của Người: «Rượu mới phải đổ vào bầu da mới» (Lc 5,37-39); «Con Người làm chủ cả ngày Sabát nữa» (Mt 12,8); «Con Người có quyền tha tội»  (Mt 9,6); và «Người rao giảng Tin Mừng Nước Trời như Đấng có thẩm quyền» (Mt 7,29). Tuy nhiên, nếu đọc kỹ ta thấy ngay đoạn đầu của bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khẳng định rõ lập trường của Người: «Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn» (c. 17).

 

Đức Giêsu đến không nhằm hủy bỏ Luật Môsê, nhưng Người muốn kiện tòan. Người kiện toàn Luật Môsê bằng việc trình bày Lề Luật như là cách thức biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa mà người ta phải giữ với tinh thần “con thảo tôi trung” đối với Thiên Chúa. Người kiện toàn Luật Môsê bằng việc Người đòi những ai muốn vào trong Nước Trời phải tôn trọng Lề Luật và tuân giữ Lề Luật với lòng mến Chúa yêu người, thay vì chỉ giữ Luật chi li theo từng câu chữ và quá chú trọng các việc làm hình thức bên ngoài như các kinh sư và người Pharisêu thường làm.

 

Động từ «kiện toàn» /plêrôô/ (c. 17): Khi nói về một lời nói hay một lời loan báo, nó có nghĩa là “hiện tại hóa”; khi nói về một lệnh truyền, nó có nghĩa là “thi hành”.

 

Thánh sử Matthêu thường dùng động từ này theo nghĩa thứ nhất: “hiện tại hóa” trong biến cố Giêsu, vì biến cố này vén mở cho thấy một ý nghĩa mới của bản văn. Đức Giêsu khẳng định rằng Người hoàn tất Kinh Thánh, có nghĩa là Người đưa Kinh Thánh đến chỗ hoàn chỉnh, nghĩa là Người thực hiện các lời ngôn sứ tiên báo về Đấng Thiên Sai (x. Mt 2,23). Người thực hiện Kinh Thánh không phải bằng cách “thi hành” những khoản luật sát mặt chữ. Chẳng hạn Người rút lại điều Luật Môsê cho phép ly hôn (x. Mc 10,5-12), Người cố tình chữa bệnh trong ngày Sabát như để bổ túc điều khoản cấm làm việc xác trong ngày hưu lễ của Luật Môsê (x. Mc 2,27-28); Người cố tình không rửa tay trước khi dùng bữa để dạy người ta phải rửa sạch tội lỗi trong lòng trí hơn là chỉ lo rửa tay, rửa chén bát hoặc tắm rửa (x. Mt 15,1-9.10-20)… Như thế, Người đã đưa lại cho Kinh Thánh một ý nghĩa mới (x. cc. 20-48), và câu 17 này khẳng định có sự tiếp nối sâu xa từ Cựu Ước sang Tân Ước, đồng thời cho thấy Tân Ước vượt quá những giới hạn và những bất toàn của Cựu Ước.

 

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cho biết ý muốn của Ngài qua Luật Môsê và sấm ngôn của các ngôn sứ. Đức Giêsu tuyên bố rằng ý nghĩa của việc Người đến là đưa Lề Luật và sấm ngôn của các ngôn sứ đến chỗ hoàn tất với tư cách của Người là Đấng được Thiên Chúa cử đến. Không có gì trong Lề Luật và các giáo lý của ngôn sứ lại bị triệt tiêu và loại bỏ, mà cũng chẳng phải chỉ được xác nhận trong hình thức cũ. Đức Giêsu đưa đến sự hoàn tất; nơi Người, Thiên Chúa thực hiện lời Ngài đã hứa (x. Mt 1,22t; 2,15…). Như thế, so với Đức Giêsu, Môsê chỉ là người tiền hô mà thôi.

 

2. Áp dụng trong cuộc sống

 

Với cách nói song đối «Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng […]. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết […]» trong các “cặp đối nghĩa” ((5,22.28.32.34.39.41), diễn tả một đòi hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ phải có một lối sống “phong nhiêu hơn” sự công chính của giới kinh sư và Pharisêu.

 

Đây là một sự trổi vượt về “lượng”: nghĩa là các môn đệ phải “làm hơn”, nghĩa là đi xa hơn trong việc tuân giữ cốt lõi của Lề Luật (x. cc. 38-48: điều răn yêu thương).

 

Đây cũng là một sự trổi vượt về “phẩm”: nghĩa là các môn đệ không hoàn tất Lề Luật theo cách vị luật, nhưng bằng sự yêu mến phát xuất từ con tim (Mt 23,25-28; x. 5,27-28), như những người con của Cha trên trời (5, 45-48).

 

Đời sống con người, mỗi ngày mới bắt đầu là một ngày đối diện với những cái cũ và cái mới, là nhìn thấy và cảm nghiệm sự gục ngã và đứng vững trong những băn khoăn, trăn trở của dòng đời, của cuộc đấu tranh để hiện hữu, của sẻ chia để phong phú hơn.

 

Có nghịch lý chăng khi hiện tại và quá khứ luôn đan xen, giằng co trong tinh thần của người Kitô hữu. Sống hôm nay nhưng lại dùng thước đo cũ, quả là bất lợi và phi lý. Cái cũ và cái mới, hai mặt của một thực tại bao giờ cũng chất chứa một sự đấu tranh, một sự mất còn của quá trình thay đổi liên tục để tìm đến một chân lý đích thực. Thế giới được thay đổi cục diện, được khai sinh và ngập tràn ý nghĩa khi Đức Giêsu nhập thể và sống với con người. Bộ mặt, giá trị truyền thống của con người bị phá vỡ khi Người đem đến cho nhân loại một khuôn mặt mới về Thiên Chúa, giải phóng con người ra khỏi tình trạng nô lệ của luật pháp, của thiên kiến, của những giá trị…«Anh em đã nghe Luật xưa dạy rằng… còn Thầy, Thầy bảo thật anh em…».

 

Đổi mới không có nghĩa là đạp đổ, là chôn vùi và quên lãng hay phủ nhận tất cả những gì của ngày hôm qua; nhưng là đi vào trong một hành trình phân định, gạn lọc để làm cho cái cũ được mới, được đẹp hơn và ý nghĩa hơn. Đức Kitô đến là để đổi mới mọi sự. Ngài không muốn nhìn thấy sự già cỗi trong cuộc sống của chúng ta. Ngài mang lửa đến để đốt cháy nhân loại, để ngọn lửa ấy hủy diệt cái cũ, nhưng đồng thời tái sinh cái mới. Thế nhưng, sẽ chẳng có ngày mới nếu con người vẫn cố sống trong những mảnh đất bảo thủ, thu mình trong quá khứ mà không bước vào một ngày thực của đời mình.

 

Người Kitô hữu thật sự hạnh phúc khi được Thiên Chúa ban cho quyền tự dọ lựa chọn và quyền quyết định vận mệnh của mình: «Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn, mà trung tín làm đẹp ý Người. Trước mặt con, Người đặt lửa và nước, con muốn gì hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con là cửa sinh cửa tử, ai thích gì sẽ được cái đó» (cc. 15-17 – Bài đọc I). Sách Huấn Ca là một tác phẩm trong loạt Sách Khôn Ngoan của Thánh Kinh Cựu Ước. Ngay trong đoạn trích đọc vắn tắt hôm nay, tác giả kêu gọi sự tự do lựa chọn của con người. Không có sự tự do, không thể nói đến triết học và khôn ngoan. Do đó, các Sách Khôn Ngoan không có tính cách giáo điều. Luôn luôn độc giả được kêu mời tự do lựa chọn. Hơn nữa, hạnh phúc mà người ta tìm kiếm nằm ngay ở tầm tay của họ. Giơ tay nắm lấy cái gì, hạnh phúc hay bất hạnh, thì người ta sẽ được ngay cái đó.

 

Như vậy, theo Thánh Kinh thì không có gì là "định mệnh" cả. Chính con người làm chủ vận mạng của mình, tùy thuộc vào sự khôn ngoan chọn lựa, một sự khôn ngoan mà như thánh Phaolô mạc khải cho các tín hữu Côrintô trong bài đọc II: đó là sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, sự khôn ngoan mang lại sự sống và hạnh phúc đời đời cho con người, không phải là Lề Luật và các Tiên tri, nhưng là Ðức Giêsu Kitô, chính Người, và chỉ có Người mới có khả năng để kiện toàn cái cũ trong cái mới, chỉ có Người mới có thể nối kết và dung hòa những luật điều của ngày xưa cho con người hôm nay.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á