Giáo Hội Hoàn Vũ

Bài chia sẻ Tin mừng CN III TN, A: «ƠN CỨU ĐỘ»

Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến, hay đúng hơn hãy sám hối để cho Nước Trời được đến giữa mọi người, liên kết và hiệp nhất mọi người trong cùng một ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

 

«ƠN CỨU ĐỘ»

(Is 8,23b-9,3; 1 Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23)

 

 

Quốc Vũ

 

1. Bài đọc I

 

«Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm» (9, 1-2 – Bài đọc I).

 

Đoạn sách của Tiên tri Isaia mở đầu bằng những lời ca đầy phấn khởi, nối dài niềm hân hoan của mùa Giáng sinh vừa kết thúc. Tác giả viết: «cũng như thời đầu làm suy đốn đất Zabulon và Neptali, thì thời sau sẽ làm rạng rỡ vinh quang» (Is 8,23b). Zabulon và Neptali là hai thành phố thuộc miền bắc Israel. Hai chi tộc này chiếm phần lớn miền Galilê, đã bị đế quốc Átsua thôn tính vào năm 734, và sau đó bị hy-hóa vào thời các triều vua dòng họ Sêlêukhô. Từ đó họ đã bị dân ngoại tràn ngập, vì thế mà đối với dân Do Thái, Galilêa trở thành vùng đất bị khinh miệt, dân cư bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ngôn sứ Isaia (ch. 8 và 9) đã loan báo ngày giải phóng, thời Ðấng Cứu Thế sẽ đổi mới hẳn mặt đất này; trước sự suy đồi, mọi nơi sẽ biến đổi nên rạng ngời. Có điều Isaia không nói đến những thay đổi vật chất, mà ông trực tiếp đi vào hạnh phúc con người: Dân đi trong tối tăm sẽ nhìn thấy một ánh sáng lớn. Thiên hạ sẽ hân hoan như trong mùa gặt hái, như trong buổi thắng trận. Vì mọi ách nô lệ, mọi sức đàn áp sẽ bị đập tan”.

 

2. Bài Tin Mừng

 

Thật ra, Isaia chỉ biết gợi lên như thế, chứ ông chưa hiểu rồi Ðấng Cứu Thế sẽ làm thế nào. Chúng ta nhận ra những lời loan báo này vốn được dùng trong phụng vụ của lễ Vọng Giáng Sinh, và hôm nay còn được lặp lại trong những câu đầu của đoạn Tin Mừng của thánh sử Matthêu. Điều này giải thích rằng “ánh sáng rạng ngời” ấy ám chỉ đến Đức Kitô, và ơn cứu độ vì thế là ơn giải thoát, dẫn đưa con người đến bến bờ tự do, họ sẽ phấn khởi và sáng suốt xây dựng lại cuộc đời, khiến mặt đất trước kia suy đồi, sau này sẽ đổi mới nên đẹp hơn.

 

Riêng Matthêu, ông thấy chính Đức Giêsu sẽ là Đấng phải đến để giải thoát dân, không phải về phương diện chính trị quân sự, mà là về tôn giáo. Thánh Matthêu viết: «Bấy giờ Chúa Giêsu bỏ thành Nagiarét, đến ở Caphacnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Zabulon và Neptali để làm trọn lời tiên tri Isaia: Này đất Zabulon và Neptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn song Giorđan, hỡi Galilêa, miền đất của dân ngoại. Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi» (cc. 13-16).

 

Như thế, “ánh sáng rạng ngời” mà ngôn sứ Isaia tiên báo nay đã được thánh sử Matthêu giải mã, đó chính là Đức Giêsu – là Đấng cứu thế, đến để giải thoát muôn người, không loại trừ ai, không phân biệt giống nòi, tôn giáo, hay giai cấp chính trị và xã hội. Bởi lẽ, Galilêa vốn là vùng đất của dân ngoại (c. 15), đối lại với Giuđê tinh tuyền về giống nòi. Vì thế, Galilêa đã trở thành biểu tượng của cuộc quy tụ phổ quát: đây là Đất Hứa đang mở ra nhờ Đức Giêsu, là Israel chân chính, sau khi Người đã ở trong hoang địa và vượt qua sông Giorđan để loan báo về ơn cứu độ mà thiên Chúa sẽ thực hiện.

 

Tuy nhiên, để đón nhận ơn cứu độ, điều kiện cần là phải sám hối, và điều kiện đủ là phải tin vào Tin mừng. Sám hối là quay đầu trở lại, là tìm về nẻo chính đường ngay, là nối lại giao ước với Thiên Chúa. Tin vào Tin mừng là tin vào Đức Giêsu Kitô, bởi lẽ theo truyền thống Kinh thánh thời Tân ước, Tin mừng không là gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô. Ngài chính là Tin Mừng vĩ đại mà các ngôn sứ đã loan báo cho dân qua bao thế hệ: «Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa» (Dt 1,1-3).

 

Sám hối để tin, sám hối để bước ra khỏi bóng tối mà nhìn lên ánh sáng. Ðức Kitô là ánh sáng muôn dân đến vùng đất suy đồi để chiếu soi bằng sự hiện diện của Người. Nhưng không phải tự nhiên mà người ta có thể nhận ra ánh sáng của Người, nhân loại mọi thời vẫn thích bóng tối hơn ánh sáng. Người ta sợ ánh sáng của Tin mừng và dần dần đánh mất ý thức về tội. Vì thế mà tội lỗi vẫn tràn lan, con người tự làm khổ mình, làm khổ nhau bởi chính những điều gian ác, bất công của mình gây nên. Sám hối nghĩa là đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ tội lỗi sang đời sống là con cái Chúa, từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ chán nản đến vui mừng. Bởi lẽ, lý do của việc sám hối là vì «Nước Trời đã gần đến».

 

Một điều ta cần phân định ở đây là Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai bằng lời kêu gọi sám hối chứ không hề áp đặt. Điều đó cho thấy Người luôn tôn trọng sự tự do của mọi người, cũng như Thiên Chúa luôn chờ đợi sự ưng thuận của con người. Nhưng chính thái độ ưng thuận ấy lại đem đến ơn cứu độ. Như thế, sám hối không chỉ là một tiếng khóc của thất vọng, mà phải là một sức bật mới giúp cho con người vươn lên: «Hãy sám hối vì nước trời đã gần đến». Sám hối là khởi điểm của cuộc hành trình đức tin Kitô giáo. Sám hối còn là chìa khoá để vào Nước Trời. Nói cách khác, Nước trời chính là động lực của lòng sám hối. Lòng sám hối đích thực là phải quyết tâm hướng về thực tại của Nước Trời và những thực tại đó chính là hòa bình, bác ái, yêu thương, quảng đại, cảm thông, tha thứ. Thể hiện lòng sám hối chính là thực thi những giá trị ấy.

 

Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến, hay đúng hơn hãy sám hối để cho Nước Trời được đến giữa mọi người, liên kết và hiệp nhất mọi người trong cùng một ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

3. Bài đọcc II

 

Qua đoạn thư gởi cho các tín hữu thành Côrintô, thánh Phaolô nhấn mạnh đến khía cạnh hiệp nhất này trong Giáo hội. Đối với Phaolô, chỉ có lòng quyết tâm hoán cải và trở về cùng Chúa Kitô, mới là con đường dẫn đưa Giáo hội đến sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn vào thời kỳ Thiên Chúa thiết định. Qua lời khuyến dụ các tín hữu thành Côrintô của thánh Phaolô, chúng ta cũng nhận biết rằng, dù thuộc về Phaolô, Phêrô hay Apôlô cũng chỉ có một Đức Kitô. Mọi con mắt phải hướng về Người, vì chính Người là Đấng Cứu Độ của chúng ta: «Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “Tôi thuộc về Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?”» (cc. 12-13).

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á