Giáo Hội Hoàn Vũ

Bài chia sẻ Lời Chúa Thứ 6, Tuần IV MC: NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Các tác giả Tin mừng nhận biết hình ảnh “người công chính bị bách hại” là chính Đức Giêsu. Người bị chống đối vì khẳng định rằng mình biết Thiên Chúa, thậm chí là Con Thiên Chúa. Người bị giết vì đời sống của Người hoàn toàn khác với mọi người, và vì Người còn lên án những hành vi xấu xa của họ. Người bị nhạo báng vì đã phó thác hoàn toàn vào ơn trợ giúp của Đấng có thể giải thoát (x. Mt 27,43).

 

 

NGƯỜI CÔNG CHÍNH 

(Kn 2,1.12-22; Ga 7,1-2.10.25-30)

 

 

Quốc Vũ

 

1. Bài đọc I

 

Người “công chính” bị bách hại bởi những người “không nhận biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa” và không tin vào sự thưởng phạt đời sau.

 

Đoạn sách Khôn ngoan hôm nay phản chiếu lại tình trạng của những người “Israel đạo đức” sống trong cộng đồng người Do Thái, giữa dân ngoại và những người đồng hương chối bỏ đức tin của họ.

 

Sở dĩ người công chính bị bách hại, là vì sự hiện diện và việc làm của họ càng làm lộ rõ sự gian ác của những kẻ bất chính, cũng như ánh sáng soi rõ những chỗ dơ bẩn xấu xa của bóng tối.

 

2. Thánh vịnh đáp ca: Tv 33 (34), 17-18.19-20.21-23

 

Thánh vịnh đáp ca là câu trả lời xác thực cho số phận của những người công chính trong bài đọc I: Cộng đoàn phụng vụ công bố rằng Thiên Chúa là Đấng giải thoát người công chính, chính Người cứu thoát những người bị bách hại – mọi thời – kêu xin Người. Thật vậy, cuộc thương khó của Đức Giêsu vẫn luôn tiếp diễn trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Người, là Giáo hội qua mọi thời đại.

 

3. Bài Tin Mừng

 

Các tác giả Tin mừng nhận biết hình ảnh “người công chính bị bách hại” là chính Đức Giêsu. Người bị chống đối vì khẳng định rằng mình biết Thiên Chúa, thậm chí là Con Thiên Chúa. Người bị giết vì đời sống của Người hoàn toàn khác với mọi người, và vì Người còn lên án những hành vi xấu xa của họ. Người bị nhạo báng vì đã phó thác hoàn toàn vào ơn trợ giúp của Đấng có thể giải thoát (x. Mt 27,43).

 

Mỗi lời nói và mỗi hành động của Đức Giêsu tố giác sự trống rỗng trong sự hiểu biết của những người Pharisêu, cũng như vạch trần sự lệch lạc trong cách sống của họ. Vì thế, họ tìm Người không phải để học hỏi hay muốn đối thoại với Người, nhưng là để bắt và giết Người.

 

Nhưng giữa họ luôn có sự khác biệt, sự nghi ngờ nhau và bất đồng chính kiến. Họ không biết Người từ đâu mà đến. Họ cảm thấy nơi Người có điều gì bí ẩn. Người tự do và làm chủ được sự sống chết, Người chỉ bị trao nộp khi “Giờ” của Người đến.

 

Trong đời sống Giáo hội, mọi thời, vẫn luôn tiếp diễn sự xung đột giữa Đấng được Chúa Cha sai đến để mạc khải chân lý yêu thương và những người gieo rắc sự gian dối, sự chia rẽ và sự bất hòa.

 

Chính sự tự phụ nơi mỗi người khi cho rằng mình biết Thiên Chúa, mình biết Đức Kitô, đã ngăn trở chúng ta hiểu biết về Người trong mầu nhiệm sâu thẳm khi Người hạ mình trong kiếp nghèo hèn của thân phận con người.

 

Tuy nhiên, phải công nhận rằng thật khó để người Kitô tránh khỏi sự lôi kéo của xã hội đương thời, trong cách suy tư cũng như cách sống. Ít nhiều họ luôn bị ảnh hưởng bởi những xu thế của thời đại. Nhưng Đức Kitô thì vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Người không là một người chạy theo mốt. Sự nhập thể của Người không phải là mặc lấy những trang phục để nhập vai vào một nhân vật của vở hát, nhưng là Người chấp nhận đi vào lịch sử của mỗi con người trong lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ.

 

Chính chúng ta, chúng ta là con cái của Người khi chúng ta tin và nhận biết Người. Nhưng chúng ta là vật cản, khi chúng ta không loại bỏ tất cả những thái độ bất xứng trước sứ điệp của Người. Chúng ta sẽ là những người tìm bắt và giết Người, nếu chúng ta không can đảm nhận biết và tin vào Người.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á