Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

Truyện: TÌM LẠI TÌNH YÊU

Vẫn là em, mỗi chiều thứ bảy ẵm đứa con đứng trước tượng Đức Mẹ, em làm dấu thánh giá rồi cũng cầm tay con mình vẽ thánh giá cho nó. Bên Thập Giá Chúa Kitô, mỗi ngày em lặp lại lời cam kết ưng thuận của tình yêu cho đến suốt đời…Tất cả là hùng tâm dũng chí của một con người đầy nghị lực và đức tin.

 

 

TÌM LẠI TÌNH YÊU

 

Martin OCist

 

I

 

Nhận bài sai thuyên chuyển, cha Tuấn đang lục đục sắp xếp đồ đạc. Sách vở là thứ nhiều nhất mà cha xếp từ hôm qua đến nay vẫn chưa xong. Cầm trên tay những cuốn sách cũ kỹ, cuốn mỏng cuốn dày, cũng chẳng màng đọc tựa sách, cha nhanh tay xếp vào thùng. Bỗng cha ngừng lại, cầm lên một cuốn sổ đen, phủi bụi, rồi lật ra xem. Đó là cuốn “Hồi ký Mục vụ”. Cha bồi hồi nhớ lại. Đây là cuốn mà khi còn là thầy phó tế, cha vẫn hay ghi lại những câu chuyện tâm đắc. Nhìn từng trang giấy ngả vàng, những nét chữ bút bi đã in dấu thời gian, lật nhanh qua từng trang, mắt cha dừng lại ở tựa đề viết chữ in: ĐỨC TIN VÀ THỬ THÁCH 25/05/2011. Đó là bài hồi ký cuối cùng trước khi cha chịu chức linh mục, và đó cũng là câu chuyện buồn đầy ý nghĩa mà cha từng gặp. Bước ra cửa cho sáng, cha chăm chú đọc lại những nét chữ của mình…

 

ĐỨC TIN VÀ THỬ THÁCH

 

“Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là thứ phù vân mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy chưa thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1,6-9).

 

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Trang thuộc “dân có học” nhưng nhà nghèo em bỏ mộng học cao. Đi may, làm mướn,…miễn sao có tiền, tới khi nào tìm được chỗ dựa. Chưa đầy hai năm Trường xin hỏi cưới – anh chàng đạo Chúa ở gần nhà thờ bên sông, em gật đầu và hết lòng ngoan ngoãn: bỏ đi chùa, theo học đạo và giáo lý hôn nhân…Con đường mới đang chờ em phía trước.

 

Thế nào là Ba Ngôi mà Một Chúa, thế nào là Cứu độ với Phục sinh…Ôi đạo Chúa sao mà rắc rối để cuối cùng em chỉ đáp: “Con Tin!”. Em sốt sắng hơn anh chồng sắp cưới, chưa rửa tội nhưng ngày nào em cũng đi lễ Misa, cầm theo cuốn Kinh mục lục em đọc thuộc hết ráo! “Monica”, một con người mới, em tái sinh trong ân sủng Chúa Trời, ngày Rửa tội ngập tràn bao hạnh phúc, nhưng còn hạnh phúc khác chờ em trong một giọng miền Tây hồi hộp đọc lời đoan hứa: “Anh là ‘Phê-gô’ Nguyễn Xuân ‘Chường’ nhận em Monica Nguyễn Thị ‘Chang’ làm dzợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh dzượng cũng như lúc dzan nan, khi ốm đau cũng như khi mạnh phẻ, để yêu thương và tôn chọng em mọi ngày suốt đời anh”…Nước mắt giọt ngắn giọt dài thi nhau mà chảy xuống, thế là từ nay em có anh suốt đời…Suốt đời!!!

 

Thế là từ nay em có Chúa để thờ, em biết Người hằng trông xuống nhân gian, Chúa dạy em luôn mến Chúa với yêu người, người thứ nhất là anh chồng kề cận. Học làm vợ với em không phải khó, vì em vốn công-dung-ngôn-hạnh đã lâu rồi. Học làm dâu em được lòng dòng họ,…nói chung là tân tòng hay là gái có chồng đều dễ…cho tới khi tiếng sét giáng xuống đầu: - “Chồng mày có vợ bé”

 

Chuyện là... Hai tháng trước Trường chở em xuống thị trấn siêu âm, anh hí hửng vì nôn nao con cái. Kết quả: cái bầu là gái, anh hục hặc bỏ vợ chửa ở lại mà một mạch đi về. Vừa buồn vừa tủi, em đâu làm gì có tội, sao chồng đành hất hủi cả mẹ con. Rồi anh cứ đi nhậu miết, rồi anh ngoại tình, người ta rỉ tai nhau, và em cũng biết, em không tin và vẫn cứ hiền hòa…cho đến khi Trường đi đâu biệt tích, thế là…chồng nhà đạo phụ tình em.

 

Mẹ em qua chửi bới tơi bời đòi rước em về nhà nuôi đẻ. Em khóc và chỉ biết khóc thôi, rồi quả quyết vẫn cứ ở bên chồng, đã là phu thê thì suốt đời không thay đổi. Giáo lý Công giáo đã dạy thế. Má chồng xấu hổ vì con trai, đứa con trai nhà đạo giáo lý đàng hoàng mà đành bỏ xứ theo tình nhân. Bà khuyên em muốn ở đâu thì chọn, má chồng hay mẹ ruột đều cưu mang, em nhỏ nhẹ: “Bên đây con dễ dàng đi lễ, dzề bển rồi con nặng bụng khó đi”. Tới lúc này em vẫn tin có Chúa, em vẫn thờ một Thiên Chúa Xót Thương. Tràng chuỗi hạt em treo ngay ở cửa, đi qua là nhìn, bước lại thì niệm “Ave…”. Em còn nhớ mẹ em từng chửi: - “Đ.* m.* mày ngu, nó bỏ mày mà mày còn đi lễ, chồng có đạo mà có tốt hơn mày đâu!?” Em ngập ngừng tự hỏi: “Chồng bỏ mình, Chúa cũng bỏ mình chăng?”…Chiều thứ bảy em xuống nhà thờ lần hạt rồi nguyện thầm: - “Xin Chúa đừng bỏ rơi con”.

 

Sinh đứa con gái đầu lòng, em vui mừng hạnh phúc, nhưng cũng thương khóc vì đứa trẻ vắng cha. Em nhớ Trường và luôn nhủ lòng hy vọng, em mong chồng về để sum họp với mẹ con. Để giữ lòng chung thủy chờ chồng phải đâu là chuyện dễ, có nhiều người đã ngỏ ý rước mẹ con, “gái một con trông mòn con mắt”, em vẫn đương xuân và dư sức có chồng,…nhưng rồi làm sao chung thủy, làm sao rước lễ nữa đây…? Em kiên tâm trong dây hôn phối đời mình, suốt cuộc đời chỉ có một chồng là Trường thôi.

 

Một buổi chiều lặng lẽ, ngoài đường xe cộ lúc đông lúc vắng, tôi đi dạo ra đài Đức Mẹ và thấy em…Em làm dấu thánh giá rồi cũng cầm tay con nhỏ vẽ thánh giá trên mình nó. Thấy tôi, em lính quýnh đứng dậy

 

  • Thưa thầy!
  • Chào em! Hai mẹ con đi viếng Đức Mẹ đó hả, con bé được mấy tháng rồi há?
  • Dạ được bốn tháng rồi thầy…

 

Cũng như mọi khi, em kể tôi nghe công chuyện của mình rồi hỏi tôi mấy câu giáo lý. Là thầy giúp xứ, tôi dạy giáo lý dự tòng và dự bị hôn nhân cho em. Trong số các học viên, em là học trò sáng trí và cũng đơn sơ. Có lần trong giờ lớp em đứng lên hỏi:

  • Trước khi con rắn bị phạt bò bằng bụng thì nó có chân hả thầy?!

 

Tôi cứng họng! Tôi biết nhiều học viên của tôi đã bỏ nhà thờ, đứa rối hôn phối, đứa nguội lạnh,…tất cả những chuyện đó làm tôi càng cảm phục em.

 

Em chào tôi rồi ẵm con ra về, tôi đứng nhìn theo bóng em khuất dần vào ngõ vắng, mấy bụi dừa nước xạc xào lối em đi…Tôi cúi mặt lẳng lặng bước về phòng, ngồi vào bàn làm việc mà cứ nghĩ về em…Một cô gái đương xuân khát khao tình yêu và hạnh phúc, em những mong có chỗ dựa cuộc đời. Hôn phối với một người có đạo, em kiên cường bỏ lại lề thói bên lương. Lam lũ giữa đời, tất cả cho gia đình nhỏ bé, cứ tưởng rằng: hết lòng thì cũng được đền đáp xứng công, ai nào ngờ sự phản bội ngang trái. Giữa cơn quẫn bách của kẻ bị chồng bỏ, ai ai cũng nghĩ em cũng thẳng thừng đoạn tuyệt, em khiến mọi người lầm vì em vẫn giữ nết na và nhẫn nhục. Mấy chục tiết giáo lý đủ để em biết mình tin ai, thờ ai và sống thế nào, nhưng dường như chưa đủ để em chấp nhận và vượt qua đau khổ, không ít lần em quằn quại giữa oán than. Lần đó em gõ cửa phòng tôi rồi khóc lu bù: - “Sao Chúa của chồng không giữ ảnh thủy chung?”

 

Những sách giáo khoa thần học tôi đem về từ chủng viện, những kiến thức khoa bảng của tôi đứng trước thực tại nhân sinh bỗng dưng câm lặng. Những lời than khóc của em, những câu hỏi của em về Chúa, Thiên Chúa ở đâu khi em đang đau khổ thế này? Tôi chỉ có thể ngồi im nghe em giải bày thổ lộ, vì xem ra em cần đồng cảm hơn những giải đáp giáo khoa. Và cũng bởi vì tôi tin rằng em đã sống một “thuyết thần bí dân gian”, đó là lòng đạo đức bình dân mà em có, là khát khao Thiên Chúa của tâm hồn đơn sơ, là cảm thức đức tin mà em nhận được - “Thiên Chúa không ẩn mình đối với những ai tìm kiếm Người bằng một con tim chân thành dù họ đang mò mẫm”. Em đều đặn đi nhà thờ, rước lễ,…giáo xứ như trạm dừng chân, cho em bóng mát và nước uống để tiếp tục cuộc hành trình. Lời Chúa đã thực sự nhập thể vào cuộc đời em, để em sống như Ý Cha trên trời dù cuộc đời em đầy thử thách.

 

Vẫn là em, mỗi chiều thứ bảy ẵm đứa con đứng trước tượng Đức Mẹ, em làm dấu thánh giá rồi cũng cầm tay con mình vẽ thánh giá cho nó. Bên Thập Giá Chúa Kitô, mỗi ngày em lặp lại lời cam kết ưng thuận của tình yêu cho đến suốt đời…Tất cả là hùng tâm dũng chí của một con người đầy nghị lực và đức tin.

 

Bước đường mục vụ của tôi sẽ còn dài, dù đi đến đâu tôi cũng sẽ nhớ về em và nói về em: cô tân tòng có đức tin mạnh mẽ.

 

“Ôi Chúa siêu vời mắt phàm con chưa thấy

Vẫn cậy tin, tình yêu vẫn nồng say,

Chính Chúa hy vọng đường con đi đến cùng

Chúa và con, cuộc tình mãi tháng ngày.

 

Ai sẽ cho con vui niềm vui trong Chúa

Cõi lòng con, nguyện xin Chúa ngự thăm,

Đốt cháy lửa hồng sưởi con tim giá lạnh,

Lấy Lời Thiêng mà bồi dưỡng tâm hồn.”

(Thánh Thi)

 

 

II

 

 

  • Cha ơi! Cha! Cha…!

Giật mình, cha Tuấn ngước lên thì anh trưởng ca đoàn đã đứng sát bên nhìn cha chăm chăm.

  • Cha đọc gì mà chăm chú dữ dạ, con gọi mấy tiếng rồi cha mới nghe!
  • À, cha đọc một câu chuyện cũ. Có chuyện gì vậy anh Hưng?
  • Con đưa cha tập bài hát lễ nhì Chủ nhật ngày chia tay cha. Cha coi trước rồi muốn thay bài nào thì nói con.

Hưng niềm nở nhanh nhẹn đưa cha tập bài hát. Ngập ngừng một chút, Hưng hỏi tiếp:

  • À, mà cha ơi, cô Trang còn tham gia ca đoàn nữa không hay nghỉ rồi, hai tuần nay không đi tập hát, cổ có nói gì cha không? Cha đừng trách con nhiều chuyện, chứ tụi con nghe nói hết rồi, cô Trang có chồng mới, anh Thiện chạy xe ba gác dưới chợ nè. Người ta thấy ảnh hay ở trên nhà Trang. Dù gì cô Trang cũng là ca viên, nếu lấy thằng Thiện là rối hôn phối à nhen, tai tiếng cho ca đoàn! Thôi, con về đây, cha đừng nói ai là con kể cha chuyện đó hén. Con về ạ.

 

Cha Tuấn chẳng nói câu nào, cha đã biết rõ chuyện Hưng vừa kể…Cha thở dài và ngước nhìn xa xăm lên mấy ngọn dừa lão cao chót vót. Đã nhiều năm trôi qua, em học viên tân tòng tên Trang đó đã khác nhiều, thương tích trong lòng đã quá đủ, lẽ nào đã đến lúc em tìm con đường khác dù phải đánh đổi đức tin mà em từng xác tín?

 

Từ khi Trường đi biệt tăm, người ta đồn anh ta đi theo vợ bé, Trang không tin nhưng rồi cũng phải tin, vì suốt sáu năm nay không về lần nào, chỉ nghe má chồng nói có khi gọi điện hỏi thăm này nọ. Sáu năm qua, Trang vẫn ở bên chồng, đi làm mướn một mình nuôi đứa con gái tên Hồng Ân, dành dụm xây được cái nhà trên cái nền má chồng chia cho. Ở trong cái nhà tường không tô trát xi măng đó, mọi thứ đều gọn gàng, chỉ có cái bóng đèn chữ U treo tạm, cái ống nước bị xì cột bằng ruột xe, cái ghế lỏng đinh yếu xìu,…không có đàn ông cô gái đó cứ ráng làm gì được thì làm, dù sao cũng không thể làm tốt hết mọi việc mà đàn ông hay làm. Một mình nuôi con không quá cơ cực với cô gái đó, nhưng cái khổ nằm sâu trong lòng người bởi đầm đìa tủi hổ của kẻ bị chồng bỏ. Nhưng dù gì ai cũng biết Trang không có lỗi nào ngoài chuyện sinh Hồng Ân là con gái. Với thằng đàn ông mê con trai thì vợ sinh con gái dường như là lý do đủ lớn để ngoại tình và phụ bạc. Thời gian thì cứ trôi qua như chẳng bao giờ ngừng lại, đứa con gái lớn dần trong sự yêu thương của mẹ nó, tất cả nghị lực của Trang là nhờ đứa con mà cha nó đã đành lòng hắt hủi.

 

Ì ạch chở bao xi măng, bữa đó Trang muốn tráng cái sân cho sạch sẽ, cũng không biết phải làm sao, chỉ biết đi mua xi măng cát đá rồi đèo về từng bao một. Chẳng ai kịp để ý quan tâm cô gái đó giữa cái bận rộn của cuộc sống, ấy thế mà có một người xuất hiện. - “Cô để tui chở cho”, chưa kịp trả lời thì người đàn ông chưa biết tên gì nhưng rất quen mặt đó đã nhấc bổng bao xi măng và quăng gọn lên xe ba gác của anh. Anh ta tên Thiện, mới về xứ làm nghề chạy xe ba gác mướn, ai cũng quen anh vì anh chạy xe khắp nơi, khắp mọi con đường trong xóm, chở dừa, chở heo, chở xi măng cát đá,…Anh ta chở xong thì quay lại nói oang oang: - “Cô cứ để đó, mai rảnh tui lên làm giùm cho, đàn bà sao làm được mấy cái này!”. Tình cờ nhưng lại đúng như mơ, Trang vẫn mong có người đàn ông quán xuyến những công chuyện nặng nhọc trong nhà. Tráng xong cái sân, kê mấy chậu cây, đóng lại cái ghế, thay cái bóng đèn,…những việc nhà tự nhiên hôm nay thật chắc chắn cứng cáp. Bàn tay người đàn ông đúng là kỳ diệu, một cánh tay cơ bắp mạnh mẽ có thể đảm đương việc nhà và dĩ nhiên cũng có thể chở che cho người mẹ đơn thân với đứa con nhỏ. Thế là cứ vài ngày một tuần, người đàn ông kia có mặt ở nhà Trang thường xuyên hơn, mặc kệ cho người ta cứ nhòm ngó bàn tán xì xèo. Ngày qua ngày, tuần nọ nối tiếp tuần kia, phút chốc Trang phát giác ra cái yếu đuối của người đàn bà thiếu chồng. Mồ hôi ướt đẫm làm dính đét cái áo thun mỏng vào da người đàn ông đó lộ rõ từng cơ bắp, những dòng mồ hôi chảy xuống trên nước da ngăm đen, Trang ước gì có thể đến và lau đi. Đứng phía sau nhìn anh Thiện làm việc nhà, Trang động lòng, ước gì có thể ôm từ phía sau và tựa đầu vào bờ vai rộng rắn chắc mạnh mẽ ấy. Giữa những cảm xúc rất tự nhiên bộc phát kia tiếng nói siêu nhiên chen giữa: nếu….thì…

 

“Thưa cha, con phạm tội ngoại tình trong tư tưởng”, xưng tội với cha Tuấn vào chiều thứ sáu đầu tháng, Trang khóc thút thít đằng sau tấm vải trong tòa giải tội. Cô nhận ra mình đã ước ao tình cảm từ người đàn ông kia trong khi cô đã có chồng và còn nguyên dây hôn phối. Sau thứ sáu đó, người ta không thấy Thiện bước ra từ nhà Trang nữa, có lẽ họ đã chia tay?!

 

Sáng Chúa nhật người ta thấy chiếc xe ba gác đậu ngay cửa phòng cha phó Tuấn. Thiện bước ra, leo lên xe rồi rồ ga chạy lẹ, cha phó còn đứng ngó theo anh ta. Nãy giờ anh bực dọc nói với cha về chuyện Trang không còn cho anh lên nhà và cũng đã từ chối tình cảm của anh với lý do gì là “hôn phối”, “rước lễ”,… Là người không đạo, Thiện không hiểu thế nào là “rối”, anh chỉ biết Trang không còn ở với chồng, anh thì chưa có vợ, đến với nhau là điều hợp lẽ, nhưng rồi anh vừa mới hiểu ra sau khi cha phó giải thích. Rõ ràng anh biết Trang đã sắp đồng ý cho anh về ở chung, nhưng sau khi gặp cha Tuấn thì cô lại làm lơ với anh. Bức bối trong lòng, anh kiếm cha hỏi cho ra. Giờ thì anh đã mơ màng hiểu, nhưng vẫn chưa hết khó chịu. Anh buồn, nhưng anh không biết Trang còn buồn hơn anh.

 

Trái tim của Trang như mảnh vườn nhiều năm thiếu nước, khô khốc và khát khao. Trang ước ao có được chỗ dựa cho mình và cho đứa con gái cứ hỏi: “Cha con đâu?”. Người phụ nữ nào lại không cần sự che chở ủi an. Đổ vỡ trong hôn nhân, chồng đã biệt tích, trái tim lạnh giá chờ sức nóng yêu đương sưởi ấm, vậy sao không tìm một tình yêu mới? Có điều gì đó cản ngăn con tim cồn cào rạo rực đó…Trang đứng phắt dậy ra khỏi nhà thờ khi đang lần tới chục thứ hai chuỗi Thương Xót. “Chúa đòi hỏi con hơi nhiều rồi đó!” lần đầu cô cảm thấy khó chịu về luật lệ hôn nhân như vậy. Những suy nghĩ ngổn ngang kia như dòng nham thạch bùng nổ tuôn tràn từ lòng Trang làm cô không thể cầm trí và cũng không thể sốt sắng nữa. Dường như không thể tồn tại lâu hơn những sốt mến thiêng liêng vì hàng nghìn nhát chém của cuộc sống đơn chiếc hằng ngày của Trang. Hai tuần sau đó Trang bỏ lễ, bỏ tập hát, trong tâm khảm của cô gái có đức tin bảy tuổi thì Tin mừng và giáo luật đôi khi bị coi là cái ách, nó càng nặng nề hơn khi đi ngược với những ước muốn tự nhiên của lòng cô. Người ta lại thấy Thiện đi rước con dùm Trang, có khi chở Trang đi chợ,…Rồi một ngày họ tình cờ gặp cha Tuấn đang đứng trước cổng nhà thờ. Ánh mắt của Trang va vào ánh mắt của cha phó, đầy lúng túng, gượng gạo, Trang cố gỡ khỏi ánh mắt đó, nhìn vội sang chỗ khác, chạy được một đoạn cô ngoái lại nhìn thì cha vẫn đứng đó nhìn theo cô.

 

Một chiều thứ sáu sau giờ lễ, Trang gặp cha ở băng ghế cuối nhà thờ. Họ nói gì không ai biết, lâu lâu cô lại đưa tay lên quẹt nước mắt…Cha Tuấn đã đồng hành với Trang suốt nhiều năm qua và chẳng có suy nghĩ gì mà Trang không giải bày. Lần này cũng như bao lần khác, Trang biết mình cần nghe lời cha dù cha chẳng yêu cầu cô điều gì ngoài việc lắng nghe tiếng lương tâm và can đảm thực hiện những điều Chúa soi dẫn. Từ hôm đó mãi về sau người ta không còn thấy Trang với Thiện đi chung nữa. Trang lại đi lễ, tiếp tục hát trong ca đoàn và đọc kinh Đức Mẹ chiều thứ bảy mỗi tuần. Chẳng ai biết trong lương tâm Trang đã diễn ra điều gì, nhưng người ta biết không phải dễ để làm mẹ đơn thân.

 

 

III

 

 

Tháng 7 mưa ngâu, hầu như ngày nào cũng mưa, những cơn mưa không hẹn, bất chợt đến và nhanh chóng lướt qua. Con chó đang nằm ngủ lim dim ở cửa tự nhiên ngóc đầu sủa om sòm. Trang đang ở bên nhà má chồng, hai má con đang lặt rau, bỏ bó rau muống cô bước ra ngó coi ai. Đứng trước mặt cô là một người đàn ông thấp thấp, gầy guộc, đôi chân mày rậm, hốc mắt sâu, mái tóc bảy ba, vai mang ba lô, tay ẵm một đứa bé chừng hai tuổi. Họ nhìn nhau, sững ra như trời trồng, không nói không rằng…

 

- “Em!”, người đàn ông nói nhỏ. Trang bật khóc tức tưởi chạy chen ngang giữa cái hàng rào bông râm bụt về nhà. Dù đã nhiều năm không gặp, nhưng không lộn vào đâu cho được, ánh mắt quen thuộc của người đàn ông đã một thời làm lòng cô say đắm, chơi vơi, rồi đau đớn nát tan. Trường, chồng của Trang đã về sau ngần ấy thời gian biệt tích. Tiếng đóng cửa bên nhà của Trang vọng qua tới bên này, một tiếng rầm khô khốc. Có lẽ đó cũng là tiếng động dồn chứa bao uất hận lâu nay. Trang dắt xe đạp ra khỏi nhà, đạp vèo vèo xuống nhà thờ, vừa đạp xe vừa khóc, không xấu hổ không ngại ngùng, cô khóc như chưa bao giờ được khóc, cô khóc cho bao năm cố ém nhẹm nỗi lòng. Chẳng thèm dựng chân chống xe, cô cho nó dựng đại vô gốc bằng lăng trước sân rồi đi vào. Cũng là băng ghế cuối nhà thờ nơi cô hay ngồi cầu nguyện. Trang khóc thành tiếng, khóc thương thân tủi phận, khóc miệt mài thảm thiết, không dứt. Tiếng khóc của cô đủ lớn để vọng vào tới phòng thánh ngay lúc cha Tuấn đang lục sổ Rửa tội trong đó. Nghe tiếng khóc, cha bước ra. Vừa nhìn thấy cha, Trang lại khóc lớn hơn. Cô như một đứa trẻ khóc với cha của mình, người cha quá đỗi thân thương, người cha thấu hiểu mọi nỗi lòng của cô. Nước mắt dàn dụa, cô để mọi tâm trạng uất giận trào tràn. Cha ngồi xuống cạnh Trang, cứ ngồi im lặng đó cho tới khi Trang vừa ôm mặt vừa nói trong nghẹn ngào:  - “Trường về cha ơi”. Cha nghe “Trường về…” nhưng cũng chưa định hình được là ai, cái gì, mãi phút sau cha mới sực nhớ: chồng của Trang tên Trường.

 

 

IV

 

 

Hàng rào bông râm bụt giữa nhà Trang và nhà má chồng đang nở rộ, sắc hoa đỏ rực, nhưng với Trang, chưa bao giờ mọi thứ lại trở nên u ám ngột ngạt như lúc này. Bé Ân cứ chơi bên bà nội và hỏi: “Chú này là ai vậy nội?”. Nội không dám nói đó là cha của nó, nội sợ Trang không bằng lòng. Nhà sát bên, bước ra cửa là thấy, ra sau hè lại gặp, Trường ra sân thì Trang vô nhà. Cô không muốn nhìn mặt anh ta, khuôn mặt rất quen nhưng dường như đã trở nên xa lạ, khuôn mặt đó gợi lên mọi thứ đau lòng về những năm tháng chơi vơi của hai mẹ con Trang.

 

Bữa nọ, má chồng ẵm thằng nhỏ chạy qua: - “Trang ơi, con coi coi sao thằng nhóc nó khóc quá, dỗ hoài không nín”. Trang biết ngay thằng bé là con của kẻ bội bạc, nhưng nhìn má chồng lo lắng, Trang vội đón nó vào lòng. Cô áp mặt nó vào ngực mình, xoa nhẹ trên lưng nó, vỗ về dỗ dành.  - “Chắc nó lạ chỗ má ơi”. Bà ghé tai nói thì thào: “Con của thằng Trường”, bà nói trong sự ấp úng hổ thẹn với đứa con dâu phúc hậu. Đứa bé đã nín. Trang nhìn nó kỹ càng, rồi nựng vào cái gò má ửng hồng của nó…Một khoảnh khắc choáng ngợp yêu thương! Tình cảm tự nhiên từ tấm lòng người đã từng làm mẹ trào dâng khiến phút chốc Trang quên luôn nó là con ai. Cô chỉ biết nó là đứa bé và cô như một người mẹ có thể làm nó nín khóc. Bà nội lại nói lí nhí:

  • Con vợ thằng Trường bỏ đi để lại thằng nhỏ, không biết nuôi con làm sao nên nó tìm về. Nó muốn xin lỗi con nhưng sợ con chửi.
  • Lúc này con không muốn nghe gì đâu má. Má cứ để bé Ân qua chơi với ba nó, khi nào cu Tin khóc thì má bồng cháu lại đây con dỗ cho.

 

Hai tuần trôi qua, mọi thứ cứ diễn ra đều đặn chậm rãi. Không khí của căn nhà như cô đặc lại, lắm lúc những tiếng thở dài thình lình bất chợt buông lơi. Trang chưa biết phải đối diện với những việc này thế nào, chỉ cố sống đơn giản như lâu nay, nhưng thật ra lòng cô đầy suy nghĩ như đống tơ vò. Có bữa, bước ra bên thềm nhà, Trang gọi với qua nhà nội: - “Ân ơi về ăn cơm trễ rồi con, cứ đi chơi miết quên giờ về”. Con bé tức khắc chạy ra trả lời lớn, rõ từng tiếng một: - “Con ăn cơm với ba bên này rồi mẹ ơi!”. Có cái gì vừa bất ngờ, vừa nghẹn ứ ở cổ, Trang tự cảm thấy tủi tủi. Đúng là cùng huyết thống, cha con nó thân với nhau lẹ quá, người cha mà lâu nay mẹ nó chỉ dám kể: ba đi làm xa.

 

Trời bắt đầu nhá nhem tối. Sau một cơn mưa, tiếng ễnh ương ì ộp ngoài ruộng vọng về đều đặn những nhịp buồn, khơi gợi bao nỗi trống trải cô đơn. Bé Ân nép người vào mẹ, nắm tay mẹ nhõng nhẽo: “Sao ba không ở bên nhà mình hả mẹ. Tối nay mẹ kêu ba qua ăn cơm chung với mình nha!”.

 

Trường đang đứng lặng lẽ ngoài hiên nhà Trang, đăm đắm nhìn mẹ con Trang. Nghe bé Ân nài nỉ, anh xót xa. Anh đã bỏ mặc hai mẹ con từ khi bé Ân chưa chào đời. Anh đã có tội với Chúa, có lỗi với Trang và con. Bé Ân thơ ngây, nhưng còn Trang, liệu nàng có dễ tha thứ? “Đàn ông năm bảy lá gan. Lá ở với vợ, lá toan với người”, chuyện thường tình là vậy. Nhưng anh là người Công giáo, lại đạo gốc. Lẽ ra anh phải là một người gia trưởng gương mẫu. Lẽ ra anh phải là một điểm tựa tinh thần vững chắc cho Trang và con. Lẽ ra anh phải trung tín với lời đoan hứa trước bàn thờ Chúa trong lễ hôn phối. Thế mà anh đã làm ngược lại hoàn toàn. Từ khi biết Trang mang thai con gái, anh đã thất vọng não nề. Rồi trái tim nhạy cảm của anh lạc nhịp cùng với một người phụ nữ khác. Bỏ đi biệt xứ, anh muốn chung sống với người đàn bà đó, nhưng rồi chính anh lại bị bỏ rơi như cách anh đã bỏ mẹ con Trang. Từ đó, anh mới thấm thía sự đời, mới thấu hiểu nỗi đau của người bị tình phụ, nhất là khi anh biết Trang vẫn một mình một bóng, nuôi con, giữ tình giữ nghĩa với mẹ chồng.  

 

Bé Ân lại năn nỉ mẹ lần nữa, Trang nín thinh. Rồi bỗng dưng Trang ừ một tiếng, nói với con:

  • Con với ba vô dọn chén, mẹ ra hái trái ớt.

 

Bé Ân vui mừng nhảy cẫng lên, Trường cũng lính quýnh, anh về ẵm luôn cu Tin cùng qua nhà vợ. Anh lúng túng kéo ghế ngồi, bối rối nhìn lên trần nhà, len lén ngó qua cánh cửa sổ, vịn vịn cái bàn gỗ đánh vẹc ni sáng bóng. Trang bới chén cơm đưa cho Trường, anh cầm đũa lên định và cơm thì Trang quay qua nói với bé Ân: - “Làm dấu ăn cơm đi con”. Trường lật đật bỏ chén cơm xuống và làm dấu Thánh giá thật lẹ. Bữa cơm của một gia đình đang còn những khúc mắc thật là gượng gạo, với những ngượng ngùng của người chồng, vẻ trách móc không lời lạnh lùng trên khuôn mặt của cô vợ, chỉ có tiếng cười, tiếng thỏ thẻ của trẻ con là vô tư, vui sướng hồn nhiên.

 

Rửa chén dọn dẹp xong thì trời cũng đã tối, Trang giũ mùng cho bé Ân ngủ. Cô đến bàn thờ đốt cây nhang cho mẹ, lấy tràng chuỗi Mân Côi rồi kéo cái ghế đẩu ngồi lần hạt. Miệng thì vẫn đọc nhưng trong đầu Trang cứ ngổn ngang bao suy nghĩ. Má chồng có kể lại là Trường rất muốn mở miệng xin lỗi nhưng không dám. Làm sao mà dám khi anh ta đã bỏ mặc mẹ con Trang từ hồi bé Ân chưa sinh ra đời! Trang đã từng muốn thà chọn một kết thúc buồn còn hơn là để một nỗi buồn không có kết thúc. Nhưng cô còn muốn đi lễ và rước lễ. Hồi quen Thiện, nếu Trang gật đầu một cái thì Thiện đã rước cả hai mẹ con, nhưng…Miên man suy nghĩ về những điều này, lòng cô nặng trĩu, thở dài liên tục. Có những chuyện nghĩ nhiều thì đau đầu, mà nghĩ thông suốt thì đau lòng. Làm sao Trang quên được sáu năm cơ cực đơn thân nuôi con khi chồng biệt tích. Trang không buồn vì những thứ mình không có, nhưng cô buồn vì thứ mình có cũng như không, có chồng nhưng vẫn đơn côi. Càng khuya muỗi càng nhiều hơn, Trang bỏ dở những suy nghĩ lưng chừng rồi vô ngủ. Trằn trọc mãi tới khuya rồi ngủ lịm đi khi nào không biết.

 

Tiếng chuông 4h30 sáng dồn dập vang lên đánh thức Trang đi lễ Misa như thói quen mọi ngày. Trang đang dẫn xe ra thì bên nhà má cũng có bóng người bước ra đang khép cửa. Ánh đèn tù mù nhưng đủ sáng để họ nhận ra nhau. Trang nghĩ trong đầu: “Ảnh cũng đi lễ sao?”. Cái áo sơ mi đóng thùng của Trường chợt kéo mớ ký ức xuất hiện. Hồi xưa Trường cũng hay mặc áo sơ mi đóng thùng lịch sự chở Trang đi lễ Chúa nhật. “Ký ức là tương lai của quá khứ”, nhưng mớ kỷ niệm xa cũ kia hiện lên lúc này lại làm Trang khó chịu. Trang thẫn người ra đó rồi bất thần đá chân chống, leo lên xe phóng đi trước. Lễ Misa sáng chỉ hai ba chục người dự, bên đàn bà đông gấp đôi đàn ông. Trang cứ liếc mắt nhìn sang xem Trường ngồi đâu, chẳng biết nhìn để làm gì nhưng tự dưng cô muốn xem anh ấy đang ở chỗ nào. Tới lúc lên Rước lễ, Trường vẫn quỳ đó không lên, Trang lại nghĩ trong đầu: “Làm gì mà được rước lễ cơ chứ!”. Gắng cầm lòng cầm trí nhưng bữa nay Trang không thể không lo ra khi chồng đi lễ. Trời vừa sáng, lễ xong ai cũng nhanh chóng ra về. Bước tới cuối nhà thờ, Trang thấy Trường đứng ngay tòa giải tội chờ cha ra. Trang chỉ liếc nhìn rồi bước đi nhanh, cố giấu đi ánh mắt quan tâm của mình.

 

 

V

 

 

Sau giờ tập hát chiều thứ ba, cha phó Tuấn gặp Trang. Cô dẫn xe đi song song với cha dọc theo hông nhà thờ ra cổng. Cả hai đều cúi mặt nhìn khoảng sân với những tấm nền đan giữa cỏ chỉ viền quanh. Cha quay qua hỏi:

  • Con định im lặng dằn mặt Trường đến khi nào? Chắc con cũng biết ảnh hối lỗi rồi mà, phải không?

Trang ngừng lại thở dài thườn thượt:

  • Con không biết nữa, con sợ phải nghe lời xin lỗi vì có lẽ con sẽ yếu lòng và bỏ qua dù trong lòng còn giận lắm cha ơi. Con chỉ tội cho bé Ân, sáu năm qua con cho nó mọi thứ trừ người cha, bây giờ ảnh về rồi con cũng muốn cha con đoàn tụ nhưng…
  • Tha thứ cho những bất công mình phải chịu suốt sáu năm qua là điều không dễ dàng, nhưng cha nghĩ con có thể bỏ qua, vì con cái và vì hy vọng hàn gắn vợ chồng.

 

Cha Tuấn không biết Trang sẽ chọn lựa thái độ nào, cha chỉ biết cô rất kiên cường. Cha đã từng nói với cô rằng tha thứ không có nghĩa quên hết mọi chuyện, tha thứ là mở ra một con đường mới cho điều tốt đẹp. Nhìn Trang đạp xe và khuất dần sau những líp dừa, cha Tuấn thầm cầu nguyện xin Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse giải gỡ cho những khó khăn này. Cha mong trước khi chuyển xứ cha có thể nhìn thấy một cái kết đẹp cho gia đình Trang.

 

Má chồng kêu mẹ con Trang qua ăn cơm chung. Trước khi Trường về, đây là chuyện thường tình, Trang vẫn qua lại bên nhà nội, giúp bà mỗi khi cần thiết. Nhưng hôm nay có Trường, Trang cứ phân vân. Trang hiểu ý mẹ chồng. Bà cũng rất đau khổ khi Trường mê muội bỏ vợ bỏ con đi theo người khác. “Đời cha làm thầy, đời con đốt sách”, một người trong xứ đã nói thẳng vào mặt bà như vậy. Còn đâu niềm tự hào khi chồng bà từng làm chủ tịch hội đồng mục vụ trong giáo xứ. Còn đâu niềm tự hào khi chồng chết rồi, bà vẫn nuôi dạy hai con, Trường và em gái Trường, học hành đến nơi đến chốn. Còn đâu niềm tự hào khi một tay bà dựng vợ gả chồng cho con, rể thảo, dâu hiền. Niềm an ủi hiện tại cho bà là Trang và cháu nội. Trường thì từ khi sa ngã không dám về nhà. Con gái lại lấy chồng xa. Chỉ có Trang ở gần bên cạnh. Con dâu bà tuy là “đạo theo” nhưng luôn nhiệt thành với giáo xứ, giỏi việc nhà. Cháu nội Hồng Ân ngoan ngoãn, lễ phép. 

 

Trang thương má chồng nên ngập ngừng một hồi rồi cũng qua, nhưng không vui vẻ xởi lởi như mọi ngày. Trong bữa ăn, Trang chỉ nói chuyện với má chồng và hai đứa nhỏ.  Nhưng bất chợt, Trang quay sang Trường hỏi một câu Trang bận tâm mãi từ hôm Trường về đến nay:

  • Cu Tin đã được Rửa tội chưa?
  • Uhm…! Anh cũng định kêu má ẵm con đi Rửa tội, nó cũng một tuổi rưỡi rồi, em hỏi cha giùm anh nha!
  • Chúa nhật tới sẽ có Rửa tội cho con nít như thường lệ đó.

 

Trường gật đầu thật nhẹ, thật chậm tỏ dấu đồng ý với Trang. Dù sao Trường cũng vẫn nhớ mình là đạo gốc, cu Tin là đứa con ngoại hôn nhưng anh cũng muốn nó được Rửa tội. Trang nói là sẽ cùng đưa cu Tin đến nhà thờ.

 

Bảy giờ rưỡi sáng Chúa nhật đầu tháng, Trang qua nhà từ sớm thúc giục cả nhà - “Anh lấy xe chở em và con, thay đồ nhanh đi cho kịp”. Sáu năm trước, ngày Rửa tội cho bé Ân chỉ có Trang ẵm con đi với má chồng, nước mắt lặng lẽ rơi, nỗi tủi thân tràn ngập lòng. Bây giờ thì có cả nhà cùng đi dự nghi thức Rửa tội cho đứa con trai của Trường. Nụ cười nở tươi trên môi, niềm hạnh phúc chan chứa tâm hồn mọi người. Trang chưa từng hỏi cu Tin là con người phụ nữ nào. Trang cứ chăm sóc đứa bé như con mình. Ước mong của cô là nó được Rửa tội, và Trường cũng muốn vậy. Họ đã đồng điệu trong đức tin, nhưng trong tình cảm dường như những lằn rãnh khuyết sâu từ lâu vẫn còn đó chờ khỏa lấp.

 

Sau khi dự lễ Rửa tội bé Tin, Trang ghé tai kêu Trường chở xuống chợ mua đồ nấu vài món để cả nhà ăn mừng. Trường nhanh nhẹn thực hiện, anh vui nhưng cũng ngại ngần, lâu lâu ngước nhìn vợ nhưng vội ngó sang chỗ khác. Anh sợ ánh mắt của Trang, ánh mắt như biết nói, ánh mắt trách móc về sự phản bội của anh. Nhưng chính lương tâm của anh mới lên tiếng trách móc anh nhiều nhất. Anh không biết phải làm sao để nói lời xin lỗi. Dù chưa bao giờ Trang lớn tiếng với anh, nhưng có lẽ bây giờ Trang sẽ tức tưởi nếu anh nhắc lại chuyện cũ. Sợ vậy nên Trường vẫn chưa dám nói lời xin lỗi nào. Bây giờ vợ biểu sao anh làm vậy, chỉ hy vọng dần dần sẽ tìm cách khâu lại vết thương lòng cho người vợ thủy chung.

 

 

VI

 

 

Ngày chia tay đến, lễ nhì sáng nay cha Tuấn chào giáo xứ để đi nhậm sở ở Mỹ Tho. Thánh lễ đông nghịt. Bà con yêu mến cha phó nhiều. Tuy bề ngoài cha Tuấn có vẻ lạnh lùng, nhưng cha rất hiền hậu. Cha đã về giúp xứ từ hồi phó tế đến nay cũng đã bảy năm tròn. Với Trang, cha phó như người nhà, cha dạy giáo lý dự tòng cho cô và đồng hành với cô nhiều năm qua như một cha linh hướng…

 

Ngày chia tay này có lẽ Trang là người bùi ngùi nhất. Chiều hôm qua Trang biểu Trường chở mấy mẹ con xuống chào cha. Tụi nhỏ cứ chạy nhảy nên cả nhà đứng ở ngoài đài Đức Mẹ chờ cha ra. Y như thói quen xưa nay, trước tượng Đức Mẹ, Trang làm dấu thánh giá cho mình xong thì cầm tay cu Tin vẽ dấu Thánh giá cho nó, Trường thấy mấy mẹ con làm dấu thì cũng làm theo dù không biết Trang đang đọc kinh gì mà lẩm nhẩm mấp máy môi.

  • Chào cả nhà

Cha Tuấn vui vẻ bước về phía mọi người, niềm nở bắt tay Trường, cười với Trang và xoa đầu hai đứa bé.

Bé Ân chạy lại nép vào người cha: “Thưa Ông cố!”. Trang nhỏ nhẹ:

  • Chào cha, mai lễ xong cha đi sớm nên cả nhà chúng con đến chào cha trước, sợ mai không gặp được”. Trang bịn rịn nghẹn ngào không nói tiếp được câu nào. Thấy Trang chực khóc, cha cười và nói giỡn:
  • Cha đi đến xứ mới chứ có đi chết đâu mà khóc? Sau này rảnh thì ghé Chánh tòa thăm cha, cách đây có 15 cây số thôi mà! Giờ có người sẵn sàng đưa đi rồi đó! Cha đá mắt nhìn sang Trường.

 

Rồi cha bồng cu Tin lên tay. Thằng nhóc có lẽ cảm nhận được tình thân nên chẳng cọ quậy gì, nó trố mắt nhìn cặp kính cận của cha. Nhìn cha yêu thương ôm thằng nhỏ, nước mắt Trang chảy xuống, người mục tử đó không chỉ ôm cu Tin nhưng đã ôm hoàn cảnh của cô suốt bao năm qua, kiên nhẫn và hiền từ, thấu hiểu và cảm thông. Nơi cha quang tỏa Lòng Thương Xót của Chúa. Cũng nhờ cha mà Trang biết xót thương và đang học tha thứ.

 

Trò chuyện hỏi han này nọ về xứ mới rồi họ chào nhau. Cha cũng nhắn Trường mai chở mấy mẹ con đi lễ nhì cầu nguyện cho cha. Trước lúc về, cha đưa cho Trang túi đồ nhỏ, trong đó là một cuốn sách và bức ảnh thánh Monica, bổn mạng của Trang…Cuốn sách đó là “Tông huấn Niềm vui của Tình yêu” của Đức Thánh Cha Phanxico. Trong sách cha kẹp một bức thư ngắn: “Điều mãn nguyện nhất trước khi cha rời xứ đạo này là được nhìn thấy con bình an. Con thật can đảm và kiên cường, chính con đã dạy cha nhiều điều: Tình yêu không phải là tình yêu nếu nó thay đổi khi gặp một đổi thay. Con là tấm gương rõ ràng nhất về sự trung tín hôn nhân mà cha từng biết. Tặng con cuốn Tông huấn này, cha nghĩ con sẽ nhận ra mình trong đó và học thêm được nhiều điều từ lời dạy của Đức Thánh Cha. Đặc biệt cha mong con suy niệm bài ca Đức Mến: “Đức mến thì nhẫn nhục,…đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”. Cha tin là con đã học được nhiều từ tình yêu suốt những năm qua, Chúa thương xót con và con cũng hãy biết thương xót. Chào con, cầu nguyện cho cha, cha cũng sẽ nhớ con trong lời cầu nguyện, Chúa ở cùng con…

 

Đọc lá thư mà Trang không cầm được nước mắt, bao nhiêu ký ức đau khổ cứ ùa về choáng ngợp, quá nhiều khó khăn mà cô đã đi qua nhờ sự hướng dẫn của cha. Bây giờ cha đi rồi, cha tiếp tục đi vào cánh đồng của Giáo Hội, gia đình Trang cũng tiếp tục trên con đường hôn nhân đầy chông chênh. Trang cũng chưa biết phải làm sao để tìm lại sự ưng thuận mới trong hôn nhân với Trường. Nhưng cô đã từng cảm nhận được vẻ đẹp kịch tính của hôn nhân, khát khao rồi hụt hẫng, chung thủy bị phản bội, oán hận và tha thứ, tổn thương và hy vọng chữa lành,…thật đáng để bước tiếp trên con đường đến tình yêu viên mãn. Những ước mong đó rạo rực trong lòng Trang, cô hy vọng: với ơn Chúa, lời nhắn nhủ ân cần của cha Tuấn, cô sẽ vượt qua tất cả và tìm lại tình yêu.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á