Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

Suy niệm TM CN Chúa Giêsu chịu phép rửa, A: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, nhớ lại phép rửa đã lãnh nhận, chúng ta tin vào Chúa Giêsu, được làm con Thiên Chúa và được thông phần vào sứ mệnh của Người.

 

“Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”

(Mt 3,13-17)

 

M. Ambrosio Vũ

 

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, mỗi người Kitô hữu có bổn phận truyền giáo, nghĩa là giới thiệu khuôn mặt đích thực của Đức Kitô cho người khác. Mục đích giới thiệu là để biết nhau hoặc giới thiệu một người nào đó. Nếu chúng ta giới thiệu mà không biết rõ về người đó, chắc chắn chúng ta sẽ giới thiệu sai. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Cha giới thiệu Chúa Kitô một cách long trọng bên bờ sông Gio-đan, khi Chúa Giêsu làm phép rửa, có tiếng nói từ trời: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).

 

1. Vai trò Gioan Tẩy Giả khi làm phép rửa

 

Gioan Tẩy Giả xuất hiện, làm phép rửa bên bờ sông Gio-đan, đã thu hút và gây chú ý cho nhiều người. Họ kéo đến với ông vì nhiều lý do khác nhau. Có thể vì họ hiếu kỳ, tò mò hoặc ngộ nhận Gioan là Đấng Kitô. Nhưng chắc chắn rằng có nhiều người thán phục, và xin ông làm phép rửa để tỏ lòng sám hối. Phép rửa Gioan Tẩy Giả đã thực hiện không có giá trị cứu độ, nhưng chỉ mang ý nghĩa thanh tẩy để dọn lòng cho người Do Thái và các Kitô hữu đón nhận một phép rửa khác trong Chúa Thánh Thần. Phép rửa do Đức Giêsu - Con yêu dấu của Thiên Chúa thực hiện mới có giá trị cứu độ. Chúa Giêsu là Đấng Thánh không hề vướng mắc tội lỗi, nhưng Người cũng chịu phép rửa để gánh hết tội lỗi vào mình và để xóa tội trần gian. Gioan Tẩy Giả đã xác nhận Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, phát xuất từ Chúa Cha và được Chúa Thánh Thần sai đến. Chính Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái rằng: “Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ” (Ga 5,33-34). Nghĩa là Chúa Giêsu có Chúa Cha chứng thực và các việc Ngài làm đã chứng thực cho Ngài, nhưng dưới con mắt người phàm, Chúa Giêsu vẫn cần lời chúng của Gioan Tẩy Giả vì mục đích để chúng ta tin vào Chúa Giêsu mà được cứu độ.

 

2. Chúa Giêsu được tôn phong là “Con yêu dấu” khi chịu phép rửa

 

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước, Các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người. Có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Đó là lời của Chúa Cha, lời quan trọng nhất trong bài Tin Mừng này. Bởi vì, được Chúa Cha giới thiệu và được Chúa Thánh Thần xác thực và công nhận rằng Đức Giêsu là Con của Chúa Cha và là Đấng Kitô. Chính lời xác nhận này, Thiên Chúa đã tấn phong Chúa Giêsu là Đấng cứu độ và công bố rằng Người là Con Thiên Chúa: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Tv 2,7). Chúa Cha còn phán rằng: “Ta hài lòng về Người”, nghĩa là Thiên Chúa có một vị tôi trung được Ngài yêu dấu và tuyển chọn để thực thi sứ mệnh, đồng thời sai phái đến với loài người, để rao giảng công lý trước muôn dân và sẽ hiến thân chịu chết cho muôn người (x. Is 53,12).

 

Như vậy khi xưa phép rửa của Gioan mang một ý nghĩa thanh tẩy, có nghĩa kêu gọi sám hối và tha tội để dọn lòng người Do Thái chuẩn bị đón Đấng Messias mà họ không tin, họ còn nghi ngờ, từ chối và bị khước từ. Còn vào thời chúng ta, qua Bí Tích Thanh Tẩy, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là vị tôi trung được tuyển chọn và thực hiện sứ mạng cứu độ nhân loại, cho nên chúng ta không có lý do gì để từ chối và khước từ Người.

 

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, nhớ lại phép rửa đã lãnh nhận, chúng ta tin vào Chúa Giêsu, được làm con Thiên Chúa và được thông phần vào sứ mệnh của Người. Bởi vì phép rửa của Gioan mang tính sám hối, không có giá trị cứu độ. Còn phép rửa của Chúa Giêsu được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, mới có giá trị cứu độ.

 

Vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta cũng học nơi Gioan, luôn sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa, bằng sứ mệnh tiền hô, can đảm loan báo Tin Mừng cho mọi người bằng cuộc sống của mình, để họ nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện ở trên trần gian này. Nhất là sống trung thực với chính mình, dám chết cho tội lỗi, sống cho Thiên Chúa để nhận được ơn cứu qua Con yếu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

 

                                                            

 

Thiết kế Web : Châu Á