Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

Suy niệm Tin Mừng CN XVII TN, C: XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN

Chúa Giêsu dạy rằng, cầu nguyện trước hết là gặp gỡ Thiên Chúa, rồi tạ ơn và cuối cùng cầu xin cho những nhu cầu của chúng ta.

 

XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN

(Lc 11,1-13)

 M. Ambrosio Vũ

 

Trong cuộc đời của mỗi người, đã hơn một lần, chúng ta từng xin cha mẹ cho chúng ta những nhu cầu vật chất như cơm, bánh, tiền bạc hoặc xin được phép làm những việc mà chúng ta mong muốn mong muốn và ưa thích. Cũng vậy, trong lãnh vực tâm linh, các môn đệ xin Đức Giêsu dạy họ cầu nguyện như Gioan đã dạy các môn đệ của ông. Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca trình thuật việc Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha”. Kinh Lạy Cha gồm ba phần, nói về ba khía cạnh của việc cầu nguyện: Khi cầu nguyện phải xin những gì, phải nhẫn nại và tin rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời. Như vậy, khi cầu nguyện chúng ta cần phải xin những gì và chúng ta có xin như Chúa Giêsu đã dạy không?

 

1. Cầu nguyện là nhu cầu của con người

 

Có thể nói rằng, cầu nguyện là tâm tình thưa chuyện với Thiên Chúa, rồi xin ơn và tạ ơn. Bởi vì, hạnh phúc không chỉ xây dựng trên nền tảng vật chất, nhưng còn xây dựng trên giá trị của tinh thần. Do đó, chúng ta khao khát một cuộc bình an và ân sủng của Thiên Chúa.

 

Bài Tin Mừng hôm nay được Matthêu và Luca trình thuật. Đó là Kinh Lạy Cha chúng ta đọc hằng ngày. Chúa Giêsu dạy rằng, cầu nguyện trước hết là gặp gỡ Thiên Chúa, rồi tạ ơn và cuối cùng cầu xin cho những nhu cầu của chúng ta.

 

Khi cầu nguyện, trước hết chúng ta hãy xin cho Danh Chúa được tôn vinh, triều đại Người mau đến. Thứ đến mới xin cho lương thực hằng ngày, tội lỗi được tha thứ và khỏi sa chước cám dỗ. Như vậy trong Kinh Lạy Cha, có năm điều chúng ta phải xin. Trong năm điều đó, chúng ta cầu xin có hai điều thuộc về Thiên Chúa và có ba điều chúng ta cầu xin thuộc về nhu cầu của con người.

 

Trong hai điều chúng ta cầu xin thuộc về Thiên Chúa. Bước đầu tiên là Danh Chúa được tôn vinh, nghĩa là Danh Cha cả sáng, xin cho tất cả mọi người đều nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa. Bước thứ hai là nước Cha trị đến, nghĩa là triều đại Người mau đến, xin cho tất cả mọi người nhận biết và nhanh chóng đón nhận. Bởi vì, một khi chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, thì phàm ai biết Danh Ngài sẽ tỏ lòng tin cậy nơi Ngài (x. Tv 9,10). Đó cũng là điều răn thứ nhất “ngươi phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết trí khôn ngươi”. Như vậy, khi cầu nguyện, chúng ta phải đặt Chúa trong sự vinh hiển và tôn trọng Ngài lên hàng đầu, có như thế chúng ta mới thấu hiểu ý muốn và tấm lòng của Ngài, hết lòng đặt niềm tin tưởng nơi Ngài. Như thế, khi cầu nguyện chúng ta không đến với Đấng như một người miễn cưỡng ban ơn mà là chúng ta đến với một Người luôn vui thích thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái Ngài.

 

Trong bước thứ hai này, chúng ta xin Chúa cho chúng ta ba điều. Trong ba điều chúng ta xin đó, có liên quan đến các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Chúng ta xin cho lương thực hằng ngày đó là điều thuộc về vật chất, xin cho tội lỗi được Chúa tha thứ, xin Chúa gìn giữ con đừng sa chước cám dỗ, trong hai điều này liên quan đến tinh thần.

 

Như đã trình bày trên, chúng ta xếp theo thứ tự những lời cầu xin và số lượng các điều xin. Thánh Luca cho chúng ta thấy được một so sánh Thiên Chúa mới là quan trọng và tinh thần mới là cần thiết. Bởi vì, Thiên Chúa quan trọng hơn con người và tinh thần quan trọng hơn vật chất. Cho nên, trước khi xin bất cứ điều gì cho chính mình, chúng ta cần phải đặt Chúa lên hàng đầu trong sự tôn vinh. Sau đó các điều xin của chúng ta mới được đáp trả và xứng hợp. Khi cầu nguyện cho đẹp ý Chúa, chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ. Cho dù con người có sống tốt đến mấy cũng chỉ là tội nhân trước mặt Ngài, vì Thiên Chúa vô cùng thánh thiện.

 

Khi chúng ta cầu nguyện như thế, tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa mới bao trùm cả tội lỗi chúng ta, cho dù tội lỗi chúng ta có nặng đến mấy, Thiên Chúa không nỡ bỏ chúng ta và mong chúng ta biết sám hối và nhanh chóng quay về với Ngài. Như vậy, Thiên Chúa không những tha thứ tội lỗi cho chúng ta mà chúng ta còn được quyền làm con Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không nỡ để chúng ta phải chết bao giờ.

 

2. Khi cầu nguyện, chúng ta có xin như ý Chúa muốn không?

 

Khi cầu nguyện, xin ơn là chúng ta đặt mình dưới quyền bảo trợ của Người có thẩm quyền ban ơn. Thường thì chúng ta có thói quen xin cho được cơm, áo, gạo, tiền hoặc tiền tài, danh vọng, địa vị, nhưng chúng ta quên xin những điều Chúa Giêsu đã dạy. Cầu cho Danh Cha được thể hiện, nghĩa là cho tất cả mọi người đều nhận biết, hoặc cho Giáo Hội đang gặp khó khăn, hay cho chính mình được Thiên Chúa tha thứ, vượt qua sự sa ngã. Phải thú nhận rằng, chúng ta chưa cầu xin như Chúa Giêsu đã dạy. Bởi vì, chúng ta chưa nghĩ và chưa yêu mến Chúa cho đủ, cho nên chúng ta cứ lo nghĩ và tìm lợi ích cho bản thân chúng ta. Chúng ta cứ lo cho thân xác mà không nghĩ đến linh hồn. Như vậy, chúng ta đã tính toán sai lầm và quên đi rằng có Thiên Chúa là có tất cả. Như lời chép rằng: “Trước hết phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và ăn ở cho công chính, rồi các thứ kia Thiên Chúa sẽ ban cho”. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại thua con người, khi chúng ta lo cho Thiên Chúa và triều đại Người, mà Người lại không lo cho chúng ta? Nhưng thường tình, chúng ta chỉ biết cầu xin cho những nhu cầu hằng ngày mà không nhớ tới dâng lời tạ ơn. Như vậy, chúng ta cầu xin cho mình nhưng đừng quên cầu xin cho mọi người nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa qua ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

 

Tóm lại, cầu nguyện là chúng ta đến với một Đấng giàu lòng thương xót và biết rõ mọi nhu cầu của chúng ta hơn là chúng ta tưởng. Người có lòng yêu thương và rộng rãi đối với mọi người. Nếu khi cầu nguyện, chúng ta không nhận được điều mình xin, không phải Chúa không sẵn lòng ban ơn cho chúng ta, mà Người có ơn phúc tốt hơn để dành cho chúng ta. Không phải Người không nhận lời chúng ta, mà ơn ban của Người có thể không đúng theo điều chúng ta ước muốn và trông đợi. Bởi vì, Người từ chối trả lời điều mong muốn của chúng ta cũng là bình thường và khôn ngoan của Thiên Chúa. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á