Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

Suy niệm Tin mừng CN II TN, A: LỜI CHỨNG THIẾT THỰC

Lời giới thiệu của Gioan Tiền Hô không chỉ dừng lại và nhằm xác tín về danh tính của Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng, Con Chiên đó còn phải mang trách nhiệm xóa bỏ tội trần gian, nghĩa là Người gánh hết tội lỗi của nhân loại và chịu sát tế để làm của lễ dâng lên Chúa Cha.

 

 

LỜI CHỨNG THIẾT THỰC

(Ga 1,29-34)

 

 

Minh An

 

Có thể nói được rằng, Tin mừng Chúa Nhật hôm nay là Tin mừng của lòng can đảm và sự trung tín của vị Gioan Tiền Hô. Ông đã can đảm vì dám nói lên sự thật về chính mình, trong lúc ông đang là người nổi danh: “Tôi chỉ là tiếng người hô trong hoang địa; hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (c. 23). Nhưng lòng can đảm hơn hết chính là Gioan đã đưa ra “lời chứng thiết thực” về Chiên Thiên Chúa. Lời chứng thiết thực đó của Gioan Tiền Hô diễn ra trong bối cảnh có nhiều người được cử đến từ Giêrusalem để hỏi ông về vai trò và sứ vụ của ông (x. Ga 1,19-28), kể cả các môn đệ của ông nữa (x. Ga 1,37-35). Gioan chỉ chấp nhận mình là chứng nhân cho Chúa, dọn đường cho Chúa, chứ ông không nhìn nhận mình là đấng phải đến để cứu thoát muôn dân. Ông chỉ thẳng về phía Đấng phải đến và giới thiệu cho người ta biết rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29a).

 

Chính Gioan đã được Chúa Cha ban cho khả năng để nhận ra Con Thiên Chúa đang đến với mình, nên ông đã giới thiệu cho mọi người biết rằng chính Đức Giêsu, thành Nazareth là người được Thiên Chúa tuyển chọn, xức dầu và đã đến thế gian để thi hành thánh ý của Ngài: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: có người đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,29-30).

 

Lời giới thiệu của Gioan Tiền Hô không chỉ dừng lại và nhằm xác tín về danh tính của Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng, Con Chiên đó còn phải mang trách nhiệm xóa bỏ tội trần gian, nghĩa là Người gánh hết tội lỗi của nhân loại và chịu sát tế để làm của lễ dâng lên Chúa Cha. “Con Chiên” mà ngôn sứ Isaia đã loan báo từ trước rằng: “Người như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín như bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng kêu ca…Bởi vì Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra Người đã mang lấy tội của muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (x. Is 53, 8.12). Và thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng, sau này cũng đã chứng thực rằng “Con Chiên” này đã thi hành tác vụ đó khi nói: “Tội lỗi của chúng ta, Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành." (1 Pr 2, 21-24).

 

Quả thực, Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, đã đến thế gian, nhưng có nhiều người đã không nhận ra Người: “Có một vị đang đến giữa các ông mà các ông không biết” (c. 26), và kể cả Gioan, trước khi được Chúa Cha mặc khải, ông cũng không biết về vai trò của Chiên Thiên Chúa: “Tôi đã không biết Người, nhưng để Người tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước” (c. 31). Gioan Tẩy Giả đã mạnh dạn giới thiệu cho dân chúng biết về sứ vụ của “Chiên Thiên Chúa” là vì ông đã được Chúa Cha mặc khải qua dấu chỉ “Thần hiện”: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người ấy chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (c. 33). Cả Gioan Tẩy Giả và nhiều người không nhận biết Đấng Thiên Chúa sai đến, có lẽ bởi vì Người đến trong âm thầm, không “bày binh bố trận”, không lính tráng dẹp đường…nên Người dễ bị lãng quên như con chiên hiền lành đã bị bỏ quên.

 

Con Chiên Thiên Chúa đã đến với loài người và gánh lấy mọi tội lỗi của nhân loại, nhưng Người không đến cách rầm rộ, không khí cụ hiện đại, cũng không cần đến quyền lực hay sức mạnh của thế giá nào trong xã hội Do thái. Người chỉ đến bằng sức mạnh của tình yêu nhân loại và vâng phục Chúa Cha (x. Pl 2,6-11). Nhờ thế, Người đã chinh phục được lòng tin và sự ưng thuận của nhân loại. Người không ép buộc ai, cũng không lôi cuốn ai đến với Người bằng những phương thế áp đặt, nhưng Người kêu gọi họ đến với Người bằng ý thức tự do và đồng thuận với Người. Do vậy, vai trò làm Chiên Thiên Chúa của Người rất có giá trị và được Chúa Cha sủng ái:“Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài” (x. Mt 17,5).

 

Trong tư cách là Chiên Thiên Chúa và được Chúa Cha sủng ái, Đức Giêsu luôn hành động theo thánh ý Cha là tìm cách “cất đi” tội lỗi của nhân loại và trao cho nhân lọai “khí cụ” của ơn tha thứ và bình an từ Cha như ngày giáng sinh nơi Bêlem, tuy chật hẹp, tanh hôi, nhưng các thiên thần vẫn ca vang lời bình an cho nhân loại: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Chính bằng cách vâng phục và thi hành ý Cha, Chiên Thiên Chúa mà Gioan Tẩy Giả giới thiệu, sẽ tỏ bày rõ ràng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại cách cụ thể. Hay nói khác đi, chính Thiên Chúa, qua Người Con yêu dấu của Ngài, là Đức Giêsu Kitô, đã tỏ bày hết lòng thương xót và tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại, trong khi nhân loại đang còn mang thương tích của tội lỗi và sự chết, nhưng lại thiếu sót trong việc tìm kiếm và đến với Người: “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

 

Khi suy nghĩ về vị Gioan Tiên Hô, Chúng ta nhận ra rằng, cung cách làm chứng của ông về Chiên Thiên Chúa quả đúng là “vi diệu”. Ông biết mình và nhìn nhận mình chỉ là “phàm nhân”, không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Chúa Giêsu, nhưng ông vẫn luôn chu tòan mọi công việc của vị ngôn sứ mà mình đã đón nhận từ Thiên Chúa. Được Thiên Chúa mạc khải qua dấu chỉ “Thần Hiện”, ông đã nhận ra “Chiên Thiên Chúa” cách rõ ràng và chính xác. Ông trở thành nhân chứng hùng hồn cho Đức Giêsu và giới thiệu Người cho dân chúng. Ông là vị ngôn sứ đáng được tán dương.

 

Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi học đòi, bắt chước vị Gioan Tiền Hô, luôn làm chứng cho Chúa trong mức độ hiểu biết của mình và dần dần qua thời gian, được Thiên Chúa đào tạo, hướng dẫn, chúng ta trở nên những nhân chứng rõ nét và sắc bén hơn trong sứ vụ của mình, để “Chiên Thiên Chúa” là Đức Giêsu được xuất hiện rõ ràng trong tâm hồn của mọi người.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á