Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

Suy niệm Lời Chúa CN XXIV TN, A: LỜI XIN LỖI VÀ ƠN THA THỨ

Tha thứ đúng là một ơn phúc Chúa ban. Không ai có thể tha thứ cho người khác khi lỡ xúc phạm đến mình quá nhiều, nếu không có ơn Chúa. Khi có ơn Chúa, sự tha thứ sẽ được thực hiện cách dễ dàng, và đương nhiên sự tha thứ đến vô hạn định cũng không có gì khó khăn.

 

 

LỜI XIN LỖI VÀ ƠN THA THỨ

(Hc 27,30-28,7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35)

 

Minh An

 

Trong cuộc đời làm người, có ai lại không dưới một lần phạm lỗi? Vì, đã làm người thì có lỗi lầm, đã làm người thì lầm than… Nhưng, làm sao để hết lỗi? Muốn hết lỗi phải nhận thức mình đã lỗi lầm, hối lỗi, xin lỗi Chúa, xin lỗi người người mình đã lỗi phạm và quyết tâm sống tốt hơn. Hết lỗi rồi thì đừng tái phạm nữa. Đó mới thật sự là người đang tiến dần đến sự hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,48).

 

Khi có lỗi thì mình muốn xin lỗi để được tha thứ. Vậy cớ sao tha nhân có lỗi với ta thì ta lại không tha? Chắc là tha rồi. Nhưng tha làm sao, tha cách nào mới là điều cần thiết, để đạt đến ý hướng của Tin Mừng?

 

Giáo huấn Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay sẽ chỉ rõ cho chúng ta biết về cách thức tha thứ cho người xúc phạm đến ta, và chính mình cũng biết xin lỗi.

 

Ở bài đọc trích sách Cựu Ước, tác giả Khôn Ngoan chỉ vẽ cho chúng ta con đường tiến dần đến sự hoàn thiện là biết nhận ra lỗi lầm của mình để xin ơn tha thứ. Đồng thời, chính mình cũng phải biết mở rộng con tim để thứ tha cho đồng loại khi họ có lỗi với mình: “Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?... Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác” (Hc 27,3-28,9).

 

Không dễ dàng để tha thứ cho người đồng loại, nếu con người cũng mang trong mình những lỗi phạm, tính tự ái quá cao. Tính tự ái càng cao thì con người không dễ dàng hạ mình, hay cúi đầu xuống để xin lỗi tha nhân khi họ lỡ gây nên lỗi. Khi không khiêm nhường hạ mình thì làm sao họ có thể biết tha thứ cho tha nhân những lỗi phạm? Tác giả Khôn Ngoan tiếp tục cảnh báo: “Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó” (Hc 27,33).

 

Tha thứ chính là một ơn phúc, chứ không phải chỉ là một hành vi tự nhiên ai cũng có được. Người ta tha thứ cho đồng loại một, hay hai lần đã thấy khó khăn lắm rồi, nói gì đến chuyện phải tha thứ đến nhiều lần. Thế mà Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ tha thứ nhiều lần thì đương nhiên Người sẽ ban cho họ được thêm nhiều ơn phúc, tức là ơn tha thứ.

 

Đúng vậy, ở bài Tin Mừng, chúng ta nhận thấy Phêrô cũng là con người, nên khi ông đưa ra tiêu chuẩn của sự tha thứ chỉ bảy lần là quá tuyệt đỉnh rồi, là quá hoàn hảo rồi. Nhưng, đối với Thiên Chúa, tiêu chuẩn của tha thứ mà chỉ dừng lại ở con số quy định thì không còn phải là tiêu chuẩn nữa. Tiêu chuẩn của tha thứ đối với Thiên Chúa phải là tha thứ không mức độ, tha thứ không có hạn định, nghĩa là tha nữa, tha mãi, tha không có đích điểm: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

 

Tha thứ đúng là một ơn phúc Chúa ban. Không ai có thể tha thứ cho người khác khi lỡ xúc phạm đến mình quá nhiều, nếu không có ơn Chúa. Khi có ơn Chúa, sự tha thứ sẽ được thực hiện cách dễ dàng, và đương nhiên sự tha thứ đến vô hạn định cũng không có gì khó khăn. Và như thế, giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tha thứ đến bảy mươi lần bảy, không phải là định mức bằng con số, hay là một con số hoàn hảo. Nhưng, đó chính là sự tha thứ không có giới hạn và là tiêu chuẩn tối ưu của người môn đệ theo Chúa, mang trái tim yêu thương của Chúa.

 

Người mang trái tim của Chúa thì không phải chỉ sống cho chính mình, nhưng là luôn sống cho Chúa và tha nhân. Sống cho Chúa thì luôn hướng đến sự thiện, sự lành thánh. Sống cho tha nhân thì cũng sống như cho Chúa, nhưng còn cao cả hơn nữa là biết đồng lao cộng khổ với họ, biết thông cảm với con người yếu đuối của họ, biết tha thứ cho những thiếu sót của họ. Chính thánh Phaolô, trong bài đọc 2, đã có ý hướng lành thánh như thế nên khuyên nhủ tín hữu Roma, cũng như khuyên nhủ chúng ta rằng: “Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.

 

Ấy thế mà, bao nhiều lần phạm lỗi, là bấy nhiêu lần chúng ta đã xúc phạm đến Chúa. Bao nhiêu lần chúng ta xưng thú với Chúa, là bấy nhiều lần Chúa lại thứ tha cho chúng ta. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta khác Chúa nhiều quá, có nhiều khi không biết xót thương cũng chẳng có lòng vị tha, để rồi hình ảnh Chúa đã bị phai nhòa trong tâm hồn của chúng ta. Nếu chúng ta không có lòng tha thứ thì có lẽ Chúa cũng sẽ nói với chúng ta như tên đầy tớ kia: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi? Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ”

 

Vậy nên, xin Chúa cho chúng ta có trái tim của Chúa, để biết yêu thương, thứ tha, cho dù tha nhân là những người tìm cách quấy phá, lọc lừa, xúc phạm, vu khống, cáo gian… thì chúng ta cũng nên tha thứ không ngừng nghỉ. Có như thế, chúng ta mới trở nên dấu chỉ tình yêu không giới hạn của Thiên Chúa luôn thể hiện cách cụ thể trong đời sống đức tin của mình.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á