Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

Suy niệm Lời Chúa CN XXII TN, A: ƠN GỌI - KHỞI ĐẦU BỞI TÌNH YÊU VÀ KẾT THÚC TRONG TÌNH YÊU

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng đích đến của mọi ơn gọi hay sứ vụ đều khởi đầu bởi tình yêu và kết thúc trong tình yêu Thiên Chúa. Điều đã là động lực, cuốn hút, thiêu đốt tâm can ngôn sứ Giêremia thì nó vẫn mãnh liệt đau đáu trong tâm khảm của thánh Phalô trong bối cảnh ngài khích lệ giáo đoàn Rôma.

 

 

ƠN GỌI - KHỞI ĐẦU BỞI TÌNH YÊU VÀ KẾT THÚC TRONG TÌNH YÊU

(Gr 20,7-9; Rm12-2; Mt 16,21-27)

 

 

Đình Ủy

 

Con người được sinh ra, lớn lên, hiện hữu trong thế giới và vũ trụ là hạnh phúc khôn vơi. Thế nhưng để sinh mệnh sống có ý nghĩa, thành toàn thì tình yêu Thiên Chúa luôn luôn là nguyên lý khởi đầu, thúc đẩy và kết thúc cho cuộc nhân sinh của con người. Trong cái nhìn như thế, Lời Chúa hôm nay soi dọi cho chúng ta biết “từ bỏ mình vác thập giá” cũng đi từ khởi đầu và kết thúc bởi tình yêu Thiên Chúa đối với người Kitô hữu.

 

Tình yêu đến thánh Giá

 

Không chỉ đến vị ngôn sứ Giêrêmia con người mới biết đến Thiên Chúa yêu thương. Lịch sử cứu độ là những trang sử viết lại lời hứa và hành ​​động tình thương của Thiên Chúa với dân Israel cũng như với t​oàn​ thể nhân loại. Thiên Chúa vì yêu thương đã kêu gọi, quyến rũ, mà ngay cả ngôn sứ Giêrêmia cũng đã không cưỡng được lại lời Ngài: “Lạy Đức Chúa, Ng​ài​ đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Tình yêu vốn dĩ được con người thường sánh ví như ngọn lửa bùng cháy, thiêu đốt tất cả những gì nó bén tới, thì đây còn hơn thế nữa, tình yêu Thiên Chúa thiêu đốt tâm can vị ngôn sứ đến nỗi làm ngôn sứ như tan ch​ả​y ra nh​ư​ l​ửa​: “Nh​ư​ng lời Ngài cứ như ngọn l​ử​a bừng cháy trong tìm, âm ỉ trong xương cốt” (Gr 20,9).

 

Qua chứng từ của vị ngôn sứ, chúng ta càng thấy rõ hơn tình yêu Thiên Chúa ​đã​ khởi đầu và thúc đẩy ngôn sứ cũng như những người được tuyển chọn thi hành sứ vụ. Sứ vụ ngôn sứ vinh dự loan báo ý định cứu độ của Thiên Ch​úa​, nhưng cũng đón nhận những nghịch cảnh bi thương. Đó là thánh giá, cái giá phải trả cho ơn gọi của vị ngôn sứ. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu kêu gọi, tuyển chon các môn đệ (x. Mt 10,1-4) để sai các ông ra đi loan giảng Tin mừng, nhưng với sứ vụ ấy cũng là những thánh giá thử thách đang chờ đời  họ. Nếu tình yêu Thiên Chúa đã kêu gọi, tuyển chọn các môn đệ, thì tình yêu cũng làm cho các môn đệ nên đồng hình, đồng  dạng với Đức Ki​​tô. Tình yêu ấy nối kết, biến đổi, hòa lẫn và biến đối tượng được Thiên Chúa yêu thương cũng sẽ đi qua con đường của Đức Kitô. Con đường thánh giá cũng sẽ không ngoại lệ đối với các môn đệ.

 

Thật vậy, kinh nghiệm của các nhà linh đạo Kitô giáo như thánh Têr​ê​xa Hài Đồng Giêsu cho chúng ta biết tình yêu Thiên Chúa được sánh ví như đại dương bao la, mà ở đó con người như hạt nước bé nhỏ, cả hai có thể hòa lẫn nên một với nhau. Khi đọc lại thư thánh Phêrô, chúng ta nhận thấy xác tín của đức tin: “Anh em đã được Thiên Chúa thông phần bản tính Ngài” (2 Pr 1,4). Với xác tín như vậy, chúng ta có thể biết rằn​g ​Thiên Chúa thông ban bản tính Ngài để con người thông dự vào Tình Yêu. Sự thông dự nên một, gắn kết mà Thiên Chúa thương tặng ban cho con người, được Chúa Giêsu sánh ví tựa nhựa sống của thân nho và cành nho: “Thầy là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15,5b). Tất cả những diễn tả của chân lý đức tin của Kinh Thánh cũng như kinh nghiệm linh đạo Kitô giáo để nói rằng tình yêu Thiên Chúa luôn là khởi đầu cho một ơn gọi, một sứ vụ và thánh giá sẽ đến cũng sẽ là điều tất yếu cho người được tuyển chọn.

 

Thánh giá đến tình yêu

 

Nếu như hạt nước khởi đi từ đại dương bát ngát, thành mây, thành suối, thành sông, để cuối cùng cũng trở v​ề​ đại dương, thì hơn thế nữa tình yêu Thiên Chúa đã khởi đầu đặt để vào con người sẽ trở về lại với Thiên Chúa. Kitô​ ​hữu, hay những người thiện lương và tất cả mọi người được Thiên Chúa yêu thương: “Vì Thiên Chúa muốn muôn loài muôn vật và con người được cứu độ” (Pl 2,18), thì bằng nhiều hình th​ức khác nhau, Thiên Chúa đã kêu gọi và tuyển chọn mỗi người phù hợp với khả năng và sứ vụ. Bởi đó, có thể hiểu mệnh lệnh của Chúa Giêsu “ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24), ngoài ý nghĩa theo Chúa, từ bỏ chính mình và vác thập giá, chúng ta có thể hiểu ai muốn theo Chúa phải yêu ​mế​n Ngài. Đây có thể như là khởi điểm, động lực và hướng tới của mỗi người người Kitô hữu. Chúa Giêsu khi kêu gọi các tông đồ, Ngài cũng chỉ yêu cầu có thế thôi: “Hãy ở lại trong tình yêu Thầy” (Ga 15,9).

 

Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng đích đến của mọi ơn gọi hay sứ vụ đều kh​ở​i đầu bởi tình yêu và kết thúc trong tình yêu Thiên Chúa. Điều đã là động lực, cuốn hút, thiêu đốt tâm can ngôn sứ Giêremia thì nó vẫn mãnh liệt đau đáu trong tâm khảm của thánh Phalô trong bối cảnh ngài khích lệ giáo đoà​n​ Rôma. Có lẽ thánh nhân đã gào thét với những người anh chị em giáo đoàn, anh em đã được đón nhận tình yêu khởi đầu từ thiên Chúa, anh em hãy kết thúc với tình yêu đó: “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Ở đây khi nối kết Tin mừng của thánh Matthêu và thư Roma, chúng ta nhận ra vác thập giá mà trên thánh giá là hy lễ của Đức Kitô h​iế​n tế làm của lễ sống động tiến dâng cho Thiên Chúa Cha. Cũng như giáo đoàn Rôma, người Kitô hữu hiến dâng thân mình làm hy lễ. Như thế, hy lễ Cựu ước bằng chiên cừu, đến hy lễ tự hiến của Đức Kitô, nay là chính mạng sống của người Kitô hữu. Mạng sống này mà tâm can luôn được thiêu đốt, ấp ủ bởi tình yêu Thiên Chúa như vị ngôn sứ Giêrêmia đã trải qua.

 

Khi nghĩ suy về hiện hữu của con người và đời người, chúng ta nhận thấy dù muốn hay không, dù có bằng lòng hay bàng quan, thì người ta vẫn chân nhận mỗi hiện hữu đều có bởi nguyên nhân tác thành. Với người Kitô hữu, họ đến trong cuộc nhân sinh dẫu rằng mang thân phận cát bụi mỏng manh thì hạt cát được phát xuất bởi tình yêu Thiên Chúa và sẽ trở về kết thúc trong Tình Yêu. Bởi đó, dẫu là hạt cát bụi khi ta  kết thúc cuộc đời trở với Chúa nhưng sinh mệnh con người vẫn mang được bản chất tình yêu, để sinh hoa kết trái. Để từng bước đi trên đường theo Chúa có ý nghĩa, ta ung dung tự tại gieo những hạt mầm của tình yêu, xuất phát từ tâm can và hiến thân​ ​toàn thân mình làm nên của lễ sống động. Đó cũng là “vác thập giá mình mỗi ngày theo Chúa”.

 

Lạy Chúa xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu thương hải hà của Chúa để mỗi ngày chúng con vác thánh giá​ theo Chúa bằng tất cả với tình yêu mến. Amen.​

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á