Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

Học hỏi Giáo Lý : HÀNH VI NHÂN LINH

Giáo huấn luân lý của Kitô giáo phân biệt 3 yếu tố: một là chính hành động, hai là mục đích hay ý hướng của hành động, ba là những hoàn cảnh chung quanh hành động.

 

HÀNH VI NHÂN LINH

Không phải tất cả những gì chúng ta làm đều được gọi là hành vi “nhân linh”. Chẳng hạn, khi đối diện với những bất công, độc ác, gian giảo, chúng ta gọi là “phi nhân”. Như thế, con người đã có một vài ý niệm nào đó về cái gọi là nhân linh và phi nhân. Do đó, để phán đoán xem hành động của mình là đúng hay sai về mặt luân lý, điều quan trọng là phải xem nó có phải là hành vi nhân linh không, nghĩa là nó nâng cao hay ngược lại, nó phá hủy và hạ giá nhân tính nơi chúng ta. Nhưng làm thế nào để biết “nhân linh” là gì?

Trước khi bàn đến vấn đề này, cần có sự phân biệt: không phải tất cả những gì chúng ta làm đều nhất thiết là “hành vi nhân linh”. Có những hành động chẳng tốt cũng chẳng xấu vì nó không hoàn toàn tùy thuộc ý muốn của chúng ta, không nằm trong khả năng của chúng ta. Ví dụ, tiến trình sinh hóa trong cơ thể con người như tiêu hóa hay nhịp tim, hoặc những phản ứng tự nhiên như sợ hãi. Chúng ta chỉ có thể tác động trên tiến trình tự nhiên này ở mức độ nào đó, chẳng hạn phải chịu trách nhiệm về bệnh tim của mình do lối sống thiếu lành mạnh, thế nhưng quả tim (về mặt thể lý) không hoàn toàn tùy thuộc sự điều khiển của ý chí, nó là hoạt động tự nhiên, tự động.

Thánh Tôma Aquinô phân biệt “hành động của con người” và “hành vi nhân linh”. Chỉ có hành vi nhân linh mới được lượng giá về mặt luân lý, nghĩa là nó tốt hay xấu, vì con người thực hiện những hành vi đó cách tự do và ý thức (GLHTCG 1749).

Vậy, tính chất luân lý của một hành vi nhân linh hệ tại điều gì? Giáo huấn luân lý của Kitô giáo phân biệt 3 yếu tố: một là chính hành động, hai là mục đích hay ý hướng của hành động, ba là những hoàn cảnh chung quanh hành động (số 1750).

Ngày nay nhiều người cho rằng ý hướng là yếu tố quyết định. Điều này cũng đúng. Một người cầu nguyện chỉ nhắm mục đích “cho thiên hạ thấy mà khen” thì người đó đã làm biến chất một công việc vốn ở tự nó là tốt. Dù vậy chăng nữa, yếu tố phải quan tâm đầu tiên là chính hành động chứ không phải ý hướng. Cầu nguyện “tự nó” là tốt; giết người “tự nó” là xấu. Làm thế nào để biết một hành động “tự nó” là tốt hay xấu? Lý trí và lương tâm mách bảo chúng ta nếu biết lắng nghe (số 1751). Mười Điều Răn chỉ cho chúng ta biết đâu là những hành động xấu, do đó không thể nào trở thành tốt dù có ý hướng tốt hoặc ở trong hoàn cảnh nào chăng nữa. Những hành động đó là phủ nhận, xúc phạm Thiên Chúa, giết người, trộm cắp, ngoại tình, gian dối. Những hành động đó không thể được gọi là tốt dù có nhắm đến mục đích tốt nào đó (mục đích không biện minh cho phương tiện). Dĩ nhiên có những áp lực có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm, nhưng vẫn không thể làm cho một hành động xấu thành tốt được (số 1754).

Cuối cùng, cái gì làm cho hành động của chúng ta thực sự là “người” và “nên người” hơn? Thưa, quả tim thanh khiết, nghĩa là ý chí ngay lành (Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch). Điều chính yếu là làm những gì tốt và đúng với tâm hồn ngay chính. Chúng ta biết quá rõ là có những con sâu (ví dụ, sự háo danh) có thể ẩn núp trong những hành động của mình và làm biến chất những việc tốt lành của mình. Vì thế, phải thường xuyên vun đắp một tâm hồn ngay thẳng.

 

ĐHY Christoph Schönborn

 

Thiết kế Web : Châu Á