Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

ĐỊA BÀN CỦA MỘT TẬP SINH

Tập sinh khi gia nhập đan viện cũng phải chấp nhận nếp sống của Hội Dòng và nhà Dòng mình gia nhập, để học lấy cái nghề cao quý nhất: Tôn vinh Thiên Chúa, thánh hóa bản thân cũng như đồng loại. Đan viện là xưởng thợ, là học đường phụng sự Thiên Chúa. Trong đó có sẵn các khí cụ thiêng liêng thích hợp (R.B, ch. IV).

 

ĐỊA BÀN CỦA MỘT TẬP SINH

 

Lm. Casimiro Hồ Thiên Cung

 

I. Định hướng

Theo gương thánh phụ Bênađô, người tập sinh hãy luôn nhắc nhở mình mỗi ngày ít nhất khi vừa thức dậy, câu vấn nạn bất hủ này: Tôi vào dòng để làm gì?

Lời giải đáp có thể là:

- Để làm vinh danh Chúa hơn - Ad majorem Gloriam Dei – (RB ch. LVII)

- Để trở nên một vị đại thánh (RB. ch. IV)

- Để theo Chúa Kitô (RB, prol)

- Để cứu rỗi nhiều linh hồn (HPHD Xitô Thánh Gia)

→ Thiên Chúa lấy làm sung sướng (vinh danh) khi con người yêu mến Chúa. Con người được hạnh phúc khi yêu mến Chúa (san sẻ hạnh phúc của Thiên Chúa hay là nên thánh cũng là một).

→ Con người chỉ có thể làm vinh danh Chúa và đạt hạnh phúc đầy đủ nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô.

→ Yêu mến Thiên Chúa cũng thúc đẩy ta hoạt động để làm cho anh em khác cũng yêu mến Chúa như ta.

* Tất cả các lời giải đáp trên là những bình diện khác nhau, liên hệ với nhau của một sinh hoạt siêu nhiên duy nhất: Đức ái hoàn hảo (LG và PC).

 

II. Khái niệm tổng quát về sinh hoạt siêu nhiên

Sinh hoạt siêu nhiên là liên hệ tâm thần của con người với Thiên Chúa Ba Ngôi ngụ trong mình nhờ các thần đức: tin - cậy - mến. Chót đỉnh là mến và mến hoàn toàn. Nhưng các thần đức phải triển nở và hoàn hảo theo ơn thiên triệu riêng biệt của từng người trong chương trình Thiên Chúa đã phác họa từ đời đời.

 

* Mọi người đều được mời gọi nên thánh

Đây là chân lý đã được mặc khải (Lv 11,44; 24,8; Mt 5,58; Ep 1 và Tx 4,3; LG). Môi trường để thực hiện ơn kêu gọi hay là sự thánh thiện rất sai biệt đối với từng người và không được mặc khải nào đảm bảo rõ rệt cả. Việc tìm kiếm môi trường hay cũng gọi là ơn thiên triệu riêng biệt, được Thiên Chúa dành cho tự do con người. Thiên Chúa cho con người những dấu hiệu quan phòng. Khám phá ra những dấu hiệu quyết định một ơn thiên triệu cá biệt không phải là chuyện dễ trong khoảnh khắc. Cầu nguyện, suy xét, tìm hiểu và thời gian là những điều kiện khuyết bất khả.

Nói chung, đời sống siêu nhiên được xây dựng trên ba yếu tố căn bản này:

 

1. Vâng Phục:

- Phụng sự Chúa tức là hòa hợp ý Ngài.

- Cộng tác tích cực với những ý định của Ngài.

Lý tưởng đời sống là thực hiện được họa đồ Thiên Chúa có sẵn về mình. Sứ mạng con người khi được Thiên Chúa sai đến trần gian là thế.

- Lạy Chúa này con đây, đến để thực hiện ý Chúa.

- Của ăn nuôi tôi là làm theo ý Đấng đã sai tôi.

 

2. Yêu Mến:

Con hãy kính mến Thiên Chúa con và thương tha nhân như chính mình con. Tất cả sự trọn lành là ở đó (Mt 22,40). Thiên Chúa là tình yêu, Ngài dựng nên con người vì yêu. Ngài chờ đợi con người một tình yêu đáp ứng. Tình yêu mà con người hiến dâng cho Thiên Chúa là dấn toàn thân phụng sự Ngài. Cho nên vấn nạn đặt ra cho một tập sinh:

- Không phải chỉ:

+ Tôi làm gì?

+ Cái gì bó buộc tôi phải thực thi?

+ Và buộc tới đâu?

- Nhưng:

+ Tôi sẽ làm được những gì cho Thiên Chúa?

+ Làm thế nào để chứng minh tôi yêu Thiên Chúa là Cha tôi?

+ Tôi sẽ làm được những gì cho anh em tôi?

Tình yêu Đức Kitô thúc đẩy tôi (Caritas Christi urget…)

Tôi vào dòng không phải chỉ để đủ cứu rỗi, nhưng để nên một vị đại thánh. Không phải chỉ đủ mến Chúa nhưng để mến Chúa hơn. Không phải chỉ để vừa đủ làm hài lòng Thiên Chúa, nhưng để làm cho Thiên Chúa hoàn toàn thỏa mãn” (St Francois de Sales).

Vâng phục và yêu mến hoán vị cho nhau, đôi khi hợp nhất: “Để thế gian biết ta yêu mến Cha ta nên ta vâng phục Ngài” (Ga 14,31).

 

3. Tiến triển:

- Người tập sinh lớn lên trong đức ái và vâng phục bằng các nhân đức thể hiện một tình yêu hành động.

- Đời sống thiêng liêng cũng như bất cứ đời sống nào, phải:

+ Linh động, vươn lên và triển nở.

+ Ngừng lại là điềm báo già cỗi và chết yểu.

Hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48)

Trọn lành ở trần gian này chỉ là vươn lên mãi mãi” (St. Bernard).

 

III. Thực dụng

1. Người Kitô hữu tốt

Trước khi là một đan sĩ thánh thiện phải là môt Kitô hữu tốt. Vì thế:

 

a. Vun trồng:

- Ý thức trách nhiệm: Bổn phận bậc mình

- Các đức tính tự nhiên: thẳng thắn (droiture), thành thực (loyauté), tự trọng, lương tâm lịch sự, thanh nhã.

- Tinh thần cởi mở, phán đoán quân bình, say mê lý tưởng.

- Ý chí cương quyết: biết muốn, biết quyết định, biết hành động với sáng kiến và phương pháp, biết chiến đấu, chiến thắng, kiên trì trước thử thách.

- Con tim: Diệu hiền nhưng không ủy mị, biết rung cảm trước những tình cảm cao đẹp, biết khước từ những lôi cuốn giác quan.

- Các đức tính Kitô giáo: khiêm tốn, trong sạch, hy sinh, bác ái, siêng năng cầu nguyện.

 

b. Ý thức:

- Về Thiên Chúa: (siêu nhiên) Đấng Tạo thành, Hiền Phụ.

- Về tội lỗi: thác loạn tâm thần, nguyên nhân của mọi đảo lộn. Khước từ vâng phục Thiên Chúa, khước từ tình yêu: Đại Họa.

- Về vận mệnh vĩnh cửu của mình: hạnh phúc bất diệt chỉ có đời sau trên thiên quốc.

→ Bởi thế: không thiết tha thụ tạo. Chấp nhận thử thách.

- Về địa vị Chúa Kitô trong chương trình cứu rỗi: Liên kết với Ngài, Đấng cứu chuộc; Nguồn Mạch sự sống và ân sủng; nguyên nhân, nguyên mẫu thánh thiện, Người Bạn Đường, Vị Lãnh Đạo. Cố gắng thực hiện các mầu nhiệm của Ngài trong đời sống mình nhờ:

+  Các nhiệm tích

+ Phụng vụ; chu kỳ phụng vụ là môi trường thích hợp nhất để sống các mầu nhiệm đời sống Chúa Kitô, Phục Sinh, thăng thiên vinh quang.

- Về địa vị đồng công của Đức Maria trong công trình cứu thế: tình yêu Chúa Kitô không trọn vẹn, khó đứng vững nếu thiếu lòng yêu kính Mẹ Maria, Người là:

+ Mẹ trong chế độ siêu nhiên.

+ Đồng công cứu chuộc nhân loại.

+ Là mô phạm thánh thiện

- Về Giáo hội: Giáo hội là Chúa Kitô trải rộng và thông ban ra; là huyền thể Chúa Kitô. Không có cá nhân chủ nghĩa trong Kitô giáo, bởi thế cần:

+ Tinh thần cộng đồng, hiệp thông với toàn diện và từng chi thể trong Giáo hội.

+ Phục tùng hiếu thảo, hãnh diện vì Danh Chúa Kitô và được phục vụ Giáo hội.

+ Tinh thần truyền giáo: Giáo hội là môi trường hoạt động của Thánh Linh nên:

-  Về địa vị Thánh Linh:

+ Nhờ Ngài mà chúng ta trở nên con Thiên Chúa, em Chúa Kitô; đền thờ Ba Ngôi Thiên Chúa; Ngài tôn thờ Chúa Cha, cầu nguyện với ta và trong ta.

+ Ngài ban đức ái để ta mến Thiên Chúa và yêu anh em.

+ Ngài hoạt động trong ta bằng bảy ơn của Ngài.

 

2. Người đan sĩ tập sinh

Cũng như Chúa Kitô chấp nhận ý định của Chúa Cha: nhập thể. Ngài chấp nhận mọi điều kiện của thân phận con người ngoại trừ tội lỗi (Pl 2,7; Dt 4,15). Ngài học lấy đức vâng lời trong điều kiện con người (Dt 5,8): đau khổ, nhục nhã, nghèo nàn, khinh miệt, chết trên thập giá.

Tập sinh khi gia nhập đan viện cũng phải chấp nhận nếp sống của Hội Dòng và nhà Dòng mình gia nhập, để học lấy cái nghề cao quý nhất: Tôn vinh Thiên Chúa, thánh hóa bản thân cũng như đồng loại. Đan viện là xưởng thợ, là học đường phụng sự Thiên Chúa. Trong đó có sẵn các khí cụ thiêng liêng thích hợp (R.B, ch. IV).

 

a. Những dấu chỉ ơn thiên triệu chiêm niệm đích thực theo thánh Biển Đức:

- Thực tâm tìm một mình Chúa (tôn vinh Thiên Chúa)

- Ham thích thần vụ

- Sẵn sàng vâng phục (R.B, ch. LVIII)

 

b. Ơn thiên triệu một đan sĩ Hội Dòng Xitô Thánh Gia là một đời:

- Tận hiến chuyên về chiêm niệm, thể hiện sự thông phần mầu nhiệm thánh giá, tuyên xưng sức mạnh và hoan lạc ơn phục sinh.

- Tham gia sứ mệnh cứu chuộc bằng cách làm chứng tá tình yêu Thiên Chúa giữa nhân loại, bằng sự thông hiệp với Chúa Giêsu cứu thế, trong hy sinh thầm lặng và cầu khẩn thiết tha, cứu giúp các người chưa nhận biết Chúa (T.N.T.H).

 

c. Để thực hiện ơn thiên triệu này người tập sinh cố gắng thực tập:

* Tinh thần phụng vụ:

- Học các thánh vịnh các giờ kinh, áp dụng các tâm tình của thánh vịnh vào:

+ Tâm tình Chúa Kitô

+ Tâm tình Giáo hội

+ Tâm tình Đức Maria

+ Tâm tình riêng … (R.B, ch. XIX – XX)

- Học hiểu mầu nhiệm thánh lễ.

- Học hiểu các nhiệm tích, nhất là nhiệm tích Tái sinh, Cáo giải và Thánh Thể.

 

* Tinh thần cầu nguyện:

- Thực tập yên tĩnh nơi lời nói, giác quan, tưởng tượng, tư tưởng, tình yêu (R.B, ch. VI -VII).

- Thực tập với Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong tâm hồn nhờ suy niệm, tâm sự, nguyện tắt.

- Thực tập các nhân đức riêng của tập sinh: vâng phục, khiêm tốn, bác ái (R.B, VII; LXXII – XXII).

 

* Học hỏi tinh thần:

- Thánh phụ Biển Đức (thánh luật)

- Các tổ phụ dòng Xitô (lịch sử dòng)

- Đấng sáng lập H.D. Xitô Thánh Gia (Hạnh tích cha Benoit Henri Denis Thuận; bản tuyên ngôn, hiến pháp của hội dòng.)

- Ý nghĩa các thói lệ thực hành của hội dòng.

 

d. Học hành và lao động

Tất cả đời sống của đan sĩ Xitô Thánh Gia hướng về chiêm niệm, nên sách vở là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất nâng tâm hồn đan sĩ tới ơn chiệm niệm (Lectio Divina; R.B, XLVIII). Nhưng đời sống chiêm niệm đòi một sự quân bình giữa tâm thần và thể xác, mặt khác thánh Biển Đức chủ trương tự lực mưu sinh (R.B, XLVIII), và Công đồng Vatican II nhấn mạnh đến giá trị công việc tay chân trong chương trình sáng tạo và cứu rỗi của Thiên Chúa, nên người tập sinh cố gắng luyện tập cho mình:

* Tập quán ham đọc sách: những sách báo xây dựng tinh thần chiêm niệm (do cha tập sư chỉ định, giới thiệu hay hỏi ý kiến ngài trước (R.B, LXXII)

* Sẵn sàng thích thú những công việc bình dân trong đan viện

Tập sinh mới bước vào đan viện còn chập chững trên đường tu đức nên cần phải được hướng dẫn. Cha Tập Sư là người bạn đường. Ngài có nhiệm vụ khai quang, hướng dẫn, nâng đỡ. Ngài cung cấp cho tập sinh tìm hiểu ý Chúa và giúp tập sinh thực hiện ý Chúa (R.B, LXIII). Vì thế tập sinh: tín nhiệm, cởi mở, thành thực, đón nhận, sẵn sàng thực thi những chỉ dẫn của ngài.

 

IV. Những bước tiến trong đời sống thiêng liêng

Mỗi linh hồn có một lịch sử riêng biệt và độc đáo, nhưng các nhà tu đức xưa cũng như nay đánh dấu bước đường tiến đức của một tâm hồn bằng ba giai đoạn hay ba đoạn đường. Tuy nhiên nên nhớ rằng: Đời sống thiêng liêng cũng như bất cứ đời sống nào, không luôn thẳng tiến luôn đâu. Thế nào cũng chen bước chậm bước lùi, có khi ngã là khác.

Ba giai đoạn đó không được hiểu theo nghĩa kế tiếp, hết giai đoạn này rồi đến giai đoạn khác mà không bao giờ trở lại giai đoạn trước. Nhưng hiểu là mức hơn kém của sinh hoạt thiêng liêng, khi thì thiên về thanh tẩy, khi thì thiên về tiến đức, khi thì thiên về kết hợp.

Cách sắp xếp trên là do kinh nghiệm của các vị chiêm tu.

 

1. Giai đoạn I: Thanh Tẩy

a. Sau một cuộc trở lại từ một cuộc đời bê bối, ta khởi sự đường tu đức bằng:

- Tinh thần thống hối đời dĩ vãng (R.B, ch. XX).

- Chế ngự các thói hư: ích kỷ, kiêu căng, tìm khoái (prol và ch. VII; LXXIII).

- Chiến đấu với cám dỗ, tránh dịp tội (R.B, ch. VII; bậc I Đức khiêm nhường, ch. IV),

- Kiểm thảo: về các tính hư, đặc biệt tính hư chủ chốt.

- Đọc sách thiêng liêng: tìm hiểu các chân lý nền tảng để có xác tín vững mạnh.

- Học hiểu và thực tập cầu nguyện: kinh nguyện, suy niệm, nguyện tắt, tâm sự với Chúa.

b. Những cám dỗ của giai đoạn này:

Tự phụ khi thành công hay lúc sốt sắng. Thất vọng, buông trôi lúc gặp khó khăn, khô khan hay thất bại. Bối rối, bất an về lỗi lầm dĩ vãng. Cám Dỗ: dâm dục, tiếc đời.

 

c. Can thiệp của vị linh hướng:

Dạy dỗ: Huấn luyện lương tâm, củng cố niềm tin tưởng và những xác tín sẵn có. Khích lệ để vững lập trường và kiên trì chiến đấu. Hướng dẫn bước vào giai đoạn tiến đức.

 

d. Dấu hiệu qua giai đoạn I:

- Đã đạt được một mức tinh tuyền trong tâm hồn. Ít nhất là không dễ phạm tội nhẹ kịp suy.

- Yêu mến Chúa Kitô, ước muốn biết Ngài hơn để theo bước Ngài.

- Khó khăn trong việc suy gẫm.

- Ưa thích cầu nguyện bằng tâm tình

- Thử thách: cám dỗ, khô khan, bệnh tật. Những thử thách này hạ tính tự phụ, luyện khiêm tốn: biết nghi nan về những khả năng của mình, phó thác vào Chúa hơn, tìm lại được bình an tâm hồn.

 

2. Giai đoạn II: Tiến đức

a. Tình trạng linh hồn trong giai đoạn này

- Người tiến đức hướng về Chúa Kitô nhiệt liệt hơn, gắng công theo gương Ngài bằng cách thực thi những nhân đức Kitô giáo theo ơn soi sáng và sự hỗ trợ của Ngài.

- Đối tượng của việc kiểm thảo là gương Chúa Kitô phải theo.

- Lời cầu nguyện hướng về tâm sự với Thiên Chúa đượm màu sắc tâm tình hơn là suy luận, mau lẹ hơn, ý tứ việc cầu nguyện bao trùm cả Giáo Hội hơn là vị kỷ.

- Tiến trên đường từ bỏ, trong tinh thần tin cậy vào Chúa.

- Tâm hồn tông đồ sâu đậm.

- Cảm thấy cầu nguyện và sống nội tâm hơn. Vì hoạt động tông đồ là do sự tỏa sáng đức ái và đức khiêm tốn ra chung quanh.

- Tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào cuộc sống thường nhật.

- Đức ái trở nên tinh tuyền hơn, vì vượt trên những cảm tình tự nhiên, trở nên phổ quát và siêu thoát hơn.

 

b. Những cám dỗ trong giai đoạn này

- Tự mãn tự tôn

- Ảo tưởng một thứ cám dỗ dưới bóng những mơ ước thánh thiện: hoạt động tông đồ, liên lạc anh chị em thiêng liêng.

- Ươn ái: thả lòng tầm thường, chủ bại cho nên bắt đầu xống dốc dần dần.

Những cám dỗ dĩ vãng có dịp trở lại: thô kệch hay tinh tế bởi vì quỷ đã bị xua đuổi nay trở lại có bảy quỷ khác nguy hiểm hơn.

 

c. Can thiệp của vị linh hướng

- Vạch rõ ảo tưởng, tự ái, những lý thuyết viễn vông không thực tế, thiếu căn bản.

- Khích lệ ước muốn tiến đức, tránh thứ nhân đức dậm chân.

 

d. Để ý đến những dấu hiệu mời gọi vào đời kết hiệp:

- Tâm hồn tinh tuyền, gớm ghê tội lỗi.

- Thực thi thường xuyên những nhân đức người Kitô hữu.

- Tự chủ bền bỉ ở một mức độ bình thản.

- Cảm thấy một sự cần thiết, một sự thúc đẩy năng nghĩ tới Thiên Chúa.

- Thử thách mới: thất bại, vỡ mộng (trong việc tông đồ, nghề nghiệp chẳng hạn) tình bạn bè tan vỡ, nghi nan, chán nản.

 

3. Giai đoạn III: Kết hợp

Đặc điểm của giai đoạn này:

- Đơn giản của sinh hoạt thiêng liêng

- Không ưa rườm rà, vòng vo khi tiếp xúc với Thiên Chúa.

- Cầu nguyện trở nên đơn sơ: những tâm tình nồng nhiệt dồn dập nhường chỗ cho những cái nhìn đơn giản nhưng thắm thiết.

- Đời sống thường nhật tỏ ra quân bình, ôn hòa: kết quả của một tâm hồn sống đức tin linh động, biết phán đoán và nhận xét theo ánh sáng vĩnh cửu. Kết hợp với Chúa trở nên thường xuyên, ý tứ trong khi nguyện cầu, không còn rõ ràng chi tiết như trước, cũng không cầu kỳ vào những công thức nữa.

- Các nhân đức được thực thi ở mức độ cao, anh hùng nữa là khác, nhất là đức mến Chúa yêu người.

- Nhãn giới siêu nhiên mở rộng theo chiều hướng nhãn giới của Chúa Kitô và Giáo hội. Vì thế sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ và hành động để mở rộng nước Chúa.

Con đường đã mở rộng cho những hồng ân huyền bí (R.B, LXXIII).

 

 

ĐIỀM BÁO MỘT TÂM HỒN KHÔ KHAN

St. Ignace de Loyola

(Ses exercies spirituel)

1. Bất chấp tội nhẹ, chỉ tránh sao khỏi phạm tội nặng

2. Thi hành việc đạo đức chiếu lệ để che mắt người chung quanh, bất đắc dĩ, uể oải, ươn lười.

3. Cầu nguyện máy móc, thiếu hồn. Khi xưng tội: dĩ nhiên là các tội nhẹ quen phạm, thiếu ý chí quyết định sửa chữa, xa tránh. Rước lễ máy móc, thiếu lòng mộ mến mà cũng không buồn cố gắng để lấy lại lòng mộ mến này.

4. Hành động thường nhật máy móc, thiếu trật tự, thiếu phương pháp.

5. Hướng ngoại, thiếu sống nội tâm, ít khi sống với sự hiện diện của Thiên Chúa.

6. Không chăm chú thực thi những nhân đức căn bản thuộc bậc sống của mình. Sống tầm thường, tránh tiếp xúc với những ai chăm chỉ tiến đức, ưa liên lạc với những người hướng ngoại, ít kỷ luật, ít nhiệt tâm; tránh gặp vị linh hướng; tránh gặp bề trên.

7. Tự tạo cho mình một lương tâm lệch lạc, thiếu tế nhị. Dựa vào những ngụy biện để che lấp tiếng cảnh cáo của lương tâm.

8. Mặc dầu chịu các nhiệm tích mà vẫn nuôi ác cảm, kiêu căng, những cảm tình riêng rẽ, nguy hại cho đức trong sạch, tâm trạng cay chua, dèm pha lộ liễu bằng những ngôn từ châm biếm, gây gỗ.

9. Nuôi lòng tự ái.

10. Ươn hèn trước những gì đòi phải nỗ lực, từ bỏ mình. Luôn tìm dễ dãi, cầu an, hư vinh.

Đó là điềm báo chắc chắn của một tâm hồn ươn lười. Nếu tôi nhận ra nơi tôi, tôi phải can đảm nhìn nhận tình trạng linh hồn tôi mà thẳng thắn tố cáo trước lương tâm và tìm phương sửa chữa.

 

__________________________

 

Bản vi tính: M. Alexis 9/2019

 

 

Thiết kế Web : Châu Á