Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

Bài chia sẻ Tin Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: NHỮNG NGƯỜI HIẾU TRUNG

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là một cơ hội chính đáng và phải đạo cho chúng ta cùng chung một niềm vui, cùng chung một niềm tự hào về các Cha Ông của mình. Tự hào về những vinh quang mà Thiên Chúa đã ban thưởng cho các ngài, tự hào về những chiến thắng mà các ngài đã đạt được sau khi đã vượt qua nhiều cuộc bách hại đãm máu, và tự hào về một dòng giống hùng anh, trung trinh trong niềm tin.

 

NHỮNG NGƯỜI HIẾU TRUNG

(Lc 9,23-26) 

 

Quốc Vũ

  

«Hôm nay Giáo Hội Đất Việt mừng kính,

Các Thánh Tử Đạo vinh hiển trên trời,

Non sông máu đào điểm tô thắm tươi,

Viết nên trang sử hung anh sáng ngời».

(Thánh Thi Kinh Chiều)

 

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là một cơ hội chính đáng và phải đạo cho chúng ta cùng chung một niềm vui, cùng chung một niềm tự hào về các Cha Ông của mình. Tự hào về những vinh quang mà Thiên Chúa đã ban thưởng cho các ngài, tự hào về những chiến thắng mà các ngài đã đạt được sau khi đã vượt qua nhiều cuộc bách hại đãm máu, và tự hào về một dòng giống hùng anh, trung trinh trong niềm tin. Để rồi:

 

«Danh thơm các ngài lưu truyền hậu thế,

Nơi nơi vang lừng chiến tích oai hùng,

Nêu gương sáng ngời đoàn người hiếu trung,

Chứng nhân Đất Việt vẻ vang Tin Mừng».

 

Quả thế, nói đến các Thánh Tử Đạo, chúng ta sẽ nhận thấy một trong những điểm nổi trội nhất nơi các ngài đó chính là sự trung hiếu-hiếu trung trong đời sống đạo, đời sống đức tin của mình. Chính vì sự hiếu trung ấy, mà các ngài đã không sợ bất cứ một thế lực hay một hình khổ nào. Cũng chính vì sự hiếu trung ấy mà các ngài đã dám làm chứng cho Đức Kitô, làm chứng cho Tin Mừng, dẫu có phải hy sinh ngay cả mạng sống:

 

«Dù trăng trói, gong cùm tù rạc,

Chén ngục hình, xiềng xích chẳng nề,

Miễn vui lòng cam chịu một bề,

Cho trọn đạo trung thần hiếu tử».

(Thánh Phêrô Quý)

 

Trong Nho học, chữ Tín thường được coi trọng, và là chuẩn mực để đánh giá, để lượng định một con người. Tín là một trong năm điều hình thành nên nhân cách một con người. Người ta gọi năm điều ấy là Ngũ Thường Đạo: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Năm điều này cộng với Ta Cương “Quân, Sư, Phụ” sẽ giúp con người sống tròn đạo làm người, sống có ích cho xã hội, sống có danh thơm tiếng tốt, và sống để đức cho đời con, đời cháu.

 

Đất nước Việt Nam ta ngày xưa, 1000 năm nô lệ giặc Tàu, tinh thần Nho giáo cũng vì thế mà đã ăn sâu vào máu thịt người Việt, đã trở thành văn hóa. Chính vì thế mà ông bà ta vốn rất coi trọng những điều nhân nghĩa, vẫn đánh giá cao sự trung tín. Đến nỗi người ta có thể quên mình vì nước, hủy mình vì dân, hay người ta cũng có thể hy sinh mạng sống mình cho một lời đoan hứa, và người ta cũng có thể đánh đổi hạnh phúc đời mình chỉ vì một lời giao kết. Thế nên, cho dù:

 

«Đông qua tiết lại thì Xuân tới,

Khổ trảm mai sau hưởng phúc an,

Làm kẻ anh hùng chi quản khó,

Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên Đàng».

(Thánh Anrê Dũng Lạc)

 

Tín, là trước sau như một, là thủy chung son sắt một lòng. Đã hứa là phải giữ, và giữ sao cho bằng cả niềm vui, bằng cả tấm lòng.

 

Có một điều hiển nhiên là người sống chữ Tín bao giờ cũng là người đáng tin, nên được mọi người yêu mến. Đó là người nói đến là đến, nói làm là làm. Người sống chữ Tín là người tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác.

 

Chữ Tín, vốn là một trong những yếu tố nền tảng của xã hội. Giả như một xã hội không có chữ Tín, thì chẳng khác nào một ngôi nhà được xây trên nền cát. Tác giả Nguyễn Hữu Tuấn, trong tác phẩm “Giáo dục nhân bản” đã phân tích trong chữ Tín còn có cả tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm về lời nói, trách nhiệm về việc làm. Đã hứa thì phải giữ, đã làm thì phải chịu.

 

+ Trên bình diện nhân bản, để sống xứng danh là một con người, đòi hỏi chúng ta phải tuân giữ được chữ Tín với nhau. Phải sống sao cho mình được mọi người tin cậy, thế thì phải sống thực, không có chút gì mang màu sắc gian lận dối trá. Nguyên nhân của sự gian dối là sợ hãi. Biết bao giờ chúng ta mới có thể đứng thẳng người để thốt lên thành lời như thánh Anrê Thông:

 

«Thánh giá tôi kính thờ,

Tôi giẫm lên sao được».

 

Hoặc như thánh Phaolô Hạnh: «Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được».

 

+ Trên bình diện tôn giáo, là một tín hữu Kitô, chúng ta phải sống thế nào để đừng làm hoen ố danh phận của mình là con cái của Thiên Chúa. Đừng vì một sự nông nổi mà đánh mất phẩm giá Kitô hữu của mình. Và nhất là đừng để cách sống của mình phản nghịch với Tin Mừng của Đức Kitô. Đó là một Tin Mừng của tình yêu thương.

 

Trong thực tế, để có thể sống xứng danh là Kitô hữu, nhiều khi chúng ta phải cần có những sự hy sinh lợi ích cá nhân, phải quên mình để cho Giáo Hội được lan rộng, phải chết đi để cho Danh Chúa được tôn vinh. Và rất nhiều khi chúng ta có thể bị bách hại, bị phân biệt đối xử chỉ vì một lý do rất đơn giản: vì mình là một Kitô hữu. Về điều này, chúng ta có thể xác tín hơn qua lời của thánh Phaolô Khoan: «Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lại lệnh vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết, chỉ vì chúng tôi là Kitô hữu».

 

+ Trong ơn gọi thánh hiến tu trì, lòng trung tín được đề cao hơn bất cứ điều gì khác. Chính vì thế mà người tu sĩ phải sống sao cho được luôn trung thành trong mọi sự và mọi việc, cho dù đó là những chuyện nhỏ nhất: như những qui luật của đời sống chung, những thói lệ của cộng đoàn, và trên hết là những điều mình đã khấn hứa với Thiên Chúa. Vì «ai trung tín trong những việc nhỏ, thì cũng trung tín trong những việc rất lớn» (Lc 16,10).

 

+ Trong ơn gọi hôn nhân gia đình, chính sự chung thủy trong đời sống vợ-chồng đã là một đảm bảo cho hạnh phúc; và hơn nữa, đó còn là một dấu chỉ cho hạnh phúc Nước Trời. Tuy nhiên, để có được sự bền chặt ấy, thì cái giá phải trả không phải dễ dàng. Khi còn trẻ, yêu nhau rất dễ, vì khi đó da mặt còn thẳng còn trơn, má đỏ môi hồng…; nhưng khi về già, tóc bạc da mồi, răng rụng lởm chởm, thì yêu nhau khó lắm. Và nhất là sự va chạm hằng ngày đã làm cho đời sống vợ chồng gặp khó trong sự trung tín. Ấy thế mà vẫn phải tín trung với nhau, vì lúc đó cha mẹ không còn chỉ sống cho mình nữa, mà còn phải sống vì con, vì cháu.

 

Cổ Học Tinh Hoa có ghi lại câu truyện của Tăng Tử như sau:

- Khi vợ của Tăng Tử xách giỏ đi chợ thì đứa con đòi theo.

- Vợ của Tăng Tử nói: “Con ở nhà, khi mẹ về, mẹ sẽ thịt heo cho con ăn”

- Lúc vợ trở về, Tăng Tử liền đi bắt heo làm thịt.

- Cô vợ nói: “Em chỉ nói đùa thôi mà”

- Nhưng Tăng Tử bảo: “Nói đùa là thế nào. Đừng khinh trẻ con không biết gì. Cha mẹ làm gì, nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình đang dạy nó nói dối ư?” Nói xong, Tăng Tử liền làm thịt heo cho con ăn.

 

Người ta thật có lý khi gọi nhân loại là một đại gia đình. Nếu như đời sống gia đình được xây dựng trên chữ Tín, nghĩa là trên sự chung thủy giữa vợ-chồng, trên sự tín nhiệm giữa cha mẹ và con cái, thì quan hệ giữa các quốc gia cũng phải được nuôi dưỡng bằng sự trung tín trong các lời hứa và những hiệp định.

 

Nói đến sự xuống cấp của xã hội, chúng ta nghĩ ngay đến sự bội tín. Có biết bao hiệp ước ngang nhiên bị phá bỏ, và thế là chiến tranh lan rộng. Đã có một thời người ta đòi phải có thời gian cho đôi bạn trẻ sống thử trước hôn nhân, nhưng rồi nó cũng bị phá sản, bởi con người không thể xây dựng hạnh phúc trên sự dối trá, lọc lừa. Quả nhiên, khi người ta có thể lường gạt được người phối ngẫu của mình, thì thử hỏi có ai còn đáng để họ trung tín hơn? Có trung tín trong việc nhỏ, thì người ta mới có thể trung tín trong việc lớn.

 

Ngày nay, chúng ta sẽ không thể có cơ hội “tử đạo” như các thánh ngày xưa; nhưng chúng ta lại được mời gọi sống chứng nhân ngay trong đời sống hằng ngày. Làm chứng bằng sự chân thành, sự trung tín, sự chung thủy, bằng bác ái yêu thương… Chúng ta không còn bị gươm đâm, giáo cắt, nhưng chúng ta sẽ bị chất vấn bởi Tin Mừng của Đức Kitô. Chúng ta không còn bị đòn roi hay voi dày, ngựa xé, nhưng chúng ta sẽ bị sâu xé bởi lời mời gọi dấn thân làm chứng cho Đức Kitô giữa đời thường.

 

Tục ngữ Việt Nam ta có câu: «Con nhà tông, không giống lông, cũng giống cánh». Ước gì cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành một lời chứng cho nhân loại rằng mình là dòng giống của những con người hiếu trung, của những người trung can nghĩa đản, đã dám «giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu của Con Chiên» (Kh 7,14), để rồi có được kết quả là:

 

«Cái chết các ngài như một của lễ,

Thơm tho, ngọt ngào dâng kính Chúa Trời,

Cho quê hương này đẹp mùa lúa vui,

Nở hoa cứu độ rạng danh giống nòi». Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á