Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XXXIII TN, C: «TẬN THẾ»

Chúng ta không biết bao giờ ngày tận cùng của thế giới xảy ra, nhưng chúng ta biết chắc ngày ấy phải đến. Đó không phải là tai họa trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đó là ngày mà Thiên Chúa dọn sẵn cho chỗ ở mới, một thế giới mới cho nhân loại.

 

«TẬN THẾ»

(Ml 3,19-20a; 2 Tx 3,7-12; Lc 21,5-19)

 

Quốc Vũ

 

«Đức Giêsu nói: anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy, đền nói rằng: ‘Chính ta đây’, và: ‘Thời kỳ đã đến gần’; anh em chớ có theo lời họ. khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu. Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, nước này sẽ chống lại nước nọ. sẽ có những trận động đất lớn, và sẽ có ôn dịch và đói ké; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện» (Lc 21,8-11).

 

Khi nghe những lời này của Đức Giêsu, làm chúng ta liên tưởng đến những cảnh tàn phá của chiến tranh, chết chóc, hoặc những thiên tai như động đất, lũ lụt, đói kém… là những dấu chỉ mà người ta cho rằng ngày thế mạt đang đến. Rồi người ta tin, người ta kéo nhau đi hết nơi này đến nơi khác để tìm những vị ngôn sứ giả nói cho họ một câu trả lời xác đáng, chỉ cho họ một chỗ ở an toàn, trong ngày thế giới chìm vào tăm tối. Nhưng, chúng ta hãy nhớ lại lời cảnh báo của Đức Giêsu: «Anh em chớ có nghe lời họ». Bởi ngày đó sẽ đến, nhưng bao giờ xảy ra thì không ai có thể biết trước: «Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Con Người đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi» (Mc 13,32).

 

Chúng ta không biết bao giờ ngày tận cùng của thế giới xảy ra, nhưng chúng ta biết chắc ngày ấy phải đến. Đó không phải là tai họa trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đó là ngày mà Thiên Chúa dọn sẵn cho chỗ ở mới, một thế giới mới cho nhân loại.

 

Thông thường chúng ta thường quan niệm tận thế là lúc tất cả thế giới và vũ trụ này đều biến đổi. Ngày ấy cũng thường được đồng hóa với ngày của Thiên Chúa mà các sách Cựu Ước và nhất là các Sách Tiên Tri thường nói đến, chẳng hạn bài sách Malaki hôm nay: «Này, ngày của Đức Chúa đến, đốt cháy như hỏa lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng. Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành» (Ml 3,19-20).

 

1. Khi nghe Cựu Ước nói đến ngày của Thiên Chúa, thì chúng ta phải đặt mình vào trong tâm thế của người Do Thái mà tìm hiểu. Bởi lẽ, chúng ta sẽ không hiểu đúng, nếu không đặt nó vào khung cảnh của thời bấy giờ. Đó là vào khoảng những năm 450 trước Công Nguyên, ngôn sứ Malaki đã loan báo "ngày của Chúa" sẽ đến, nhằm làm sống lại niềm hy vọng của Dân Chúa sau cuộc hồi hương từ Babylon trở về. Trước tình cảnh đất nước bị dân ngoại chiếm đóng, đền thờ vẫn hoang tàn, tôn giáo bị biến chất, lễ bái trở nên vô vị… thì dân chúng tỏ rõ sự chán nản ngã lòng; nhưng Ngôn sứ đã đem lại cho dân một niềm tin rằng Thiên Chúa không bỏ Dân Ngài. Sự ác không thống trị mãi...

 

Như thế, ngày của Chúa sẽ đến, ngày tiêu diệt tất cả những kẻ kiêu căng sẽ như rơm rạ làm mồi cho ngọn lửa... Trái lại, "ngày của Chúa" sẽ là ngày đầy hy vọng của những người công chính. Bởi vì đó là ngày họ sẽ nối gót đoàn Dân Chúa tiến lên Đền Thánh mới, tiến về miền đất mới. Do đó, lời tiên tri của ngôn sứ Malaki hôm nay không phải là lời tiên báo ngày tận thế, nhưng đó là lời tiên báo thời của Thiên Chúa cứu độ.

 

2. Trình thuật Tin Mừng hôm nay đã minh họa “ngày của Chúa” với những hình ảnh của Cựu Ước: vẫn là cảnh trời long đất lở, lửa cháy phừng phừng, trừng phạt kẻ dữ, thưởng công người lành. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không gắn liền thời gian cùng tận với những hiện tượng xã hội và thiên nhiên xảy ra; và ngay cả những cuộc bách hại mà Giáo hội phải chịu, cũng không phải là dấu hiệu ngày tận thế: «Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào [...] Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình» (Lc 21,12-19).

 

Ở đây, điều mà tác giả Luca nhấn mạnh, là thái độ của các tín hữu phải đương đầu với lịch sử, biết kiên vững qua dòng thời gian; nhất là họ phải can đảm đương đầu với các cuộc bách hại. Vì ngày tận thế bị đẩy vào một tương lai xa vời, vô định, các Kitô hữu phải biết sống trong thời gian, phải sống theo niềm tin đích thực vào Thiên Chúa, phải luôn trung thành trong đức tin của mình và làm chứng cho Nước Chúa, Nước vĩnh cửu, bất diệt ở bên kia thế giới nầy.

 

Nói cho đúng, bài giảng của Đức Giêsu về ngày tận thế, đặt vấn đề mục tiêu và cứu cánh cho mọi nền văn minh. Chúng ta có tưởng tượng được không một nền văn minh sản xuất những công trình tuyệt tác có thể tồn tại mãi mãi, không có gì phá huỷ được? Chừng nào sẽ xuất hiện một nền văn minh không có chiến tranh? Không có nạn đói? Chúa Giêsu trả lời ngay: không. Vậy thì, Kitô hữu mọi thời đại phải mang niềm hy vọng đích thật, phải tin tưởng vào tác động của Thiên Chúa trong tâm hồn mình để có sức mạnh mang hy vọng vào xã hội đương thời. Bởi vì mỗi người chỉ có hôm nay để xây dựng ngày mai và cuộc sống vĩnh cửu.

 

Tóm lại, dòng lưu chuyển của thế giới vẫn cứ tiếp diễn như lâu nay, lịch sử nói chung sẽ mang dấu ấn là các cuộc chiến tranh, những mối hận thù giữa các dân tộc, các trận động đất, các nạn đói, thiên tai,… Từ đó, người ta thích tìm ra các dấu hiệu, các “điềm”, để được an tâm về cuộc sống tương lai.

 

Tuy nhiên, Đức Giêsu không cung cấp một dấu hiệu để trấn an, khiến người ta có thể ỷ y vào đó mà sống thiếu trách nhiệm. Đức Giêsu đã đến, cũng như công trình của Người, không đưa con người đi vào một vườn địa đàng trên mặt đất này. Nhưng với bài diễn từ này, Đức Giêsu xác định lối sống mà các môn đệ của Người phải theo trong thời gian giữa cuộc Phục Sinh của Người và việc Người trở lại vĩnh viễn. Đức Giêsu không còn ở với các môn đệ cách hữu hình nữa. Đây là thời gian của Hội thánh. Các tín hữu cần phải biết sống đức tin diễn tả ra bằng sự bền chí trong mọi tình huống của cuộc sống, đồng thời phải biết đâu là điểm tựa của đời mình.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á