Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XX TN, C: «LỬA»

Lửa là chính Đức Giêsu. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh Cựu ước, Lửa chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa như khi ông Môsê được Thiên Chúa mạc khải nơi bụi gai dưới hình thức lửa bốc cháy (Xh 3,1-8). Đức Giêsu chính là lửa ấy, bởi khi Người đến trần gian, không mục đích nào khác hơn là để mạc khải Thiên Chúa cho con người.

 

«LỬA»

(Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53)

 

 

Quốc Vũ

 

Lửa hay sự cháy là quá trình biến đổi hóa học (thường là phản ứng ôxy hóa) nhanh của vật liệu, tỏa ra nhiệt, các sản phẩm phản ứng và phát ra ánh sáng.

 

Lửa đã được người tiền sử phát hiện ra từ cách đây hàng nghìn năm. Sự phát hiện ra lửa, và sử dụng chúng cho mục đích của cuộc sống, được coi là một bước tiến quan trọng trong văn minh của loài người. Nhờ có lửa, con người ăn các thức ăn được nấu chín, đã tiệt trùng, giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Cũng nhờ có lửa, con người biết đốt nóng kim loại để rèn, đúc các dụng cụ bằng kim khí, tăng năng suất lao động. Lửa được xem là một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại trong quá trình tiến hóa và phát triển của lịch sử loài người, mặc dù nó cũng gồm cả hai mặt phải-trái, rất hữu ích nhưng cũng đầy rủi ro nguy hại.

 

Trong Kinh Thánh, lửa nhiều lần được nói đến. Đó là lửa trong bụi gai bốc cháy mà Thiên Chúa dùng để mạc khải cho Môsê biết Danh của Ngài (Xh 3,1-8), là lửa trời đã thiêu hủy thành Sôđôma (St 19), là ngọn lửa trong tim Giêrêmia, thúc bách ông phải nói Lời Chúa dạy (x. Gr 20,9); hay thứ lửa mà Giacôbê và Gioan định sai xuống để thiêu hủy một ngôi làng ở Samari (Lc 9,55); nhất là thứ lửa kinh khủng của ngày phán xét, là lửa mà cây không trái (Mt 3,10), hay những cành nho khô héo (Ga 15,6) và cỏ lùng bị quăng vào, đó là nơi đầy tiếng khóc than và rên xiết (Mt 13,42).

 

Tuy nhiên, trong cái nhìn của thánh Luca, lửa mà Đức Giêsu muốn làm bùng lên trên toàn cầu, chắc là thứ lửa của Phép Rửa trong Thánh Thần (Cv 1,5). Lửa này đã ngự xuống từng người vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3). Rồi trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại lời của chính Đức Giêsu nói với các môn đệ: «Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên» (c. 49 – Bài Tin Mừng).

 

Các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng đây là một trong những đoạn khó nhất trong các trang Tin Mừng, vì Chúa Giêsu đã sử dụng những từ ngữ mà xem ra có một ý nghĩa khác với ý nghĩa chúng ta thường hiểu. Đức Giêsu nói đến Lửa nào đây? Nếu đọc tiếp đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ có chút ánh sáng soi hiểu. Lửa ở đây được Đức Giêsu liên kết với các cụm từ: Phép Rửa (c. 50) và sự Chia Rẽ (c. 51). Như thế, có thể hiểu, Lửa ấy là chính Người, Phép Rửa là cuộc thương khó Người sẽ trải qua, và sự Chia Rẽ là cái giá mà Người phải trả trong cuộc thương khó và cho cả những người môn đệ bước theo Người sau này.

 

+ Lửa là chính Đức Giêsu. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh Cựu ước, Lửa chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa như khi ông Môsê được Thiên Chúa mạc khải nơi bụi gai dưới hình thức lửa bốc cháy (Xh 3,1-8). Đức Giêsu chính là lửa ấy, bởi khi Người đến trần gian, không mục đích nào khác hơn là để mạc khải Thiên Chúa cho con người. Người chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa Nhập Thể: «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta» (Ga 1,14), «Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa» (Dt 1,3) bằng cuộc sống, lời rao giảng và nhất là bằng chính cái chết và sự phục sinh vinh thắng của Người, hầu mạc khải quyền năng của Thiên Chúa vượt lên trên quyền lực của âm phủ và sự chết (x. Mc 5,35-37).

 

+ Phép Rửa Người sẽ trải qua. Phép Rửa mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay là cuộc thương khó của Người: «Thầy còn một Phép Rửa phải chịu» (c. 50). Đức Giêsu phải đi vào cuộc thương khó, phải thực hiện cuộc hy sinh trên thập giá để có thể gieo lửa tình yêu Thiên Chúa vào trần gian, nhất là gieo tình yêu đó vào trong tâm hồn con người. Đây không phải là sứ mạng dễ dàng, nhưng là một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh, một sứ mạng đòi Chúa phải hy sinh chính mạng sống mình và đổ máu mình ra trên thập giá và Người mời gọi các môn đệ hãy đi qua, đi ngang con đường này. Đó chính là con đường của sự “Chia Rẽ”.

 

+ «Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ» (c. 51). Sự Chia Rẽ xảy ra trước hết nơi chính bản thân Đức Giêsu khi mà Người bị loại trừ ngay tại quê hương mình, bởi: «Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình» (Lc 4, 24), và rồi chính họ cũng là những người đã kết án và treo Người lên cây gỗ mà giết đi, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy (x. Cv 5,30).

 

Sự Chia Rẽ vẫn tiếp diễn với những người nói lời Thiên Chúa, như ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I, với những người môn đệ Đức Giêsu, với những người tin theo Người, và với cả các Kitô hữu ngày nay. Bởi vì, rất nhiều khi vì đức tin mà người tín hữu phải lìa cha mẹ, phải xa gia đình: «Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba…» (c. 52). Thậm chí vì đức tin mà người tín hữu phải từ bỏ chính mình: «Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Ai không vác lấy thập giá mà theo Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta» (Lc 9, 23). Đây mới chính là sự chia rẽ lớn nhất và đau thương nhất.

 

Theo Chúa, sống trung thành với Lời Chúa, lãnh nhận lửa tình yêu của Chúa trong tâm hồn và chấp nhận hy sinh do những sự mất mát, thiệt thòi, kỳ thị, khước từ, ghét bỏ hay bị bách hại. Nhưng những hy sinh đó dầu sao cũng có được bảo chứng nơi chính Đức Giêsu, như lời tác giả thư gửi tín hữu Do thái khuyên dạy: «Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí» (c. 3 – Bài đọc II) trong cuộc chiến đấu với tội lỗi” (c. 4) và trên con đường theo Chúa, với sứ mạng mà Chúa muốn mọi người đồ đệ là đem Lửa vào trần gian, trong bối cảnh mà trái đất này mỗi lúc càng nóng lên, nhưng lòng người lại ngày càng nguội lạnh và trốn tránh Lời Chúa.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á