Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

"UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN"

... theo gương cha Tổ Phụ là người đã khai sinh, bảo tồn và phát triển Hội Dòng Xitô Thánh gia, chúng ta hãy cố gắng thấm nhuần tinh thần của vị Sáng lập, tích cực sống đời thánh hiến với ý thức rằng: giòng máu yêu thương cứu độ vẫn không thôi lưu chuyển khắp thân mình mầu nhiệm Đức Kitô, và đến với bất cứ ai muốn đón nhận giòng máu đó. (Về nguốn, tr 91).
 
 
"UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN"
 
*****************
 
 
 
Fr. Montfort Nguyễn Vinh
I. Nhìn về nguồn cội
 
Trước hết xin được xác định: nguồn cội của Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý trước tiên là Cha Tổ Phụ Henri Denis Benoit, Đấng Sáng lập Hội Dòng Thánh Gia Việt Nam mà trước tiên sáng lập Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn, là nhà Mẹ của Dội Dòng; tiếp đến là Cha Tiên Trưởng Casimir Hồ Thiên Cung; sau cùng là Viện Phụ Stanislas Trương Đình Vang. Đó là ba Đấng trực tiếp liên quan đến việc sinh hạ cộng đoàn Phước Lý chúng ta.
 
Cha Tổ Phụ là nguyên nhân tiên khởi của nhà Mẹ Phước Sơn, khai sinh năm 1918, trên núi Phước Sơn, tỉnh Quảng trị; rồi từ nhà Mẹ Phước Sơn phát xuất ra Đan viện Phước Lý chúng ta năm 1952.
 
Cha Tiên Trưởng Casimir là người hướng dẫn nhóm các cha và các đan sĩ đầu tiên từ nhà mẹ Phước Sơn ra đi vào miền Nam để lập dòng mới ở Tân Thành, Mặc Bắc, Vĩnh Long năm 1950, nhưng rồi phải đổi hướng, vì những khó khăn tại chỗ và vì sức khỏe của cha Tiên trưởng.
 
Viện Phụ Stanislas là người thay thế và tiếp nối công việc của cha Tiên Trưởng với sứ mệnh di chuyển dòng mới từ Tân Thành về Phước Lý năm 1952.
 
Khi nói “Uống nước nhớ Nguồn” thì cũng có nghĩa là trở về nguồn cội, nơi phát sinh mọi hiện hữu, mọi tổ chức, mọi cộng đoàn thánh hiến. Nhưng uống nước nhớ nguồn không chỉ là trở về nguồn cội, mà còn là khơi nguồn để cho sức sống vọt lên mãnh liệt, dồi dào hơn (Về nguồn tr. 3).
 
Sắc lệnh “Đức ái hòan hảo” của Công Đồng Vat II, số 2 viết “ Sự cải tổ thích nghi đời sống tu trì gồm có sự luôn trở lại nguồn mạch của mọi đời sống kitô hữu, cũng như trở lại thiên hứng nguyên thuỷ của Hội Dòng…’, ở đây là của Đấng Sáng lập. Và Công Đồng nói triếp ở số 2.a “Luật tối hậu của đời sống đạo đức là giáo huấn của CX trong Phúc Am. Đó là điều mà các Hội Dòng phải coi là luật tối hậu”.
 
Như vậy chúng ta sẽ có hai hướng để đi vào vấn đề:
 
1/ Giáo lý của Chúa Kitô trong Tin Mừng, là luật tối hậu của mọi đời sống thánh hiến. Đây là hướng chung cho các Hội Dòng trong Giáo Hội.
 
2/ Tinh thần của Đấng Sáng lập. Đây là vấn đề chúng ta sẽ triển khai nhằm ý thức về việc trung thành nhận thức và duy trì tinh thần cũng như những dự định đặc biệt của Đấng Sáng lập.
 
Ở đây chỉ xin giới hạn nêu lên hai điểm thuộc hướng thứ hai:
 
1) Gương sống và giáo huấn của cha Tổ Phụ về đời sống cộng đoàn.
 
2) Bác ái huynh đệ trong đời sống cộng đoàn.
 
Đây có thể được coi là hai trong những điểm trọng yếu nói lên tinh thần của Đấng Sáng lập.
 
1. Gương sống và giáo huấn của Cha Tổ Phụ về đời sống cộng đoàn
 
Cộng đoàn là mối quan tâm hàng đầu của cha Tổ Phụ. Trong đời sống cộng đoàn, cha Tổ Phụ luôn ấp ủ ưu tư là làm sao để mọi anh em sống trong nhà dòng đều cảm thấy được tình thương huynh đệ bao bọc, từ đó dễ dàng đưa đến lòng mến Chúa. Nhiều lần cha Tô Phụ dạy anh em:” Anh em hãy thương yêu nhau… hãy nhịn nhục nhau khi lầm lỗi, lấy tình thương phủ lấp nết xấu… Cha thấy trong chúng tôi còn thiếu nhiều lắm, bởi chúng tôi hay yêu mình quá, cả ngày cứ nghĩ đến mình” (GH 6).
 
Với cha Tổ Phụ đời sống cộng đoàn là một trường học tập làm tôi Chúa, ở đó mọi người yêu thương nhau, làm gương sáng cho nhau”( GH 32).
 
Cha Tổ Phụ hằng xác tín nếu trong đan viện có tình thương ngự trị, thì cộng đoàn sẽ an vui hạnh phúc. Cha nói:” Nếu quả thực trong nhà dòng ai cũng bỏ mình mà lo đến người anh em, thì mọi người đều được an ủi, vui vẻ biết mấy”( GH 16).
 
Khi mọi người có lòng mến Chúa thật thì hậu quả là anh em không bao giờ xét đoán nhau. Cha Tổ Phụ nói: ” Xét ý lành cho anh em là cách bày tỏ tình yêu và lòng kính trọng đối với người anh em mình, cũng như đó là thành quả tất yếu của lòng mến Chúa” (GH 17).
 
Một câu nói để đời của cha Tổ phụ chúng ta không thể quên, và coi như là tóm kết cho luật sống chung trong cộng đoàn :”Cái đạo ăn chay, cái đạo hãm mình, cái đạo chầu Thánh Thể, dễ mà không chắc chi… cái đạo yêu thương anh em mới chắc là đạo thật” (GH 6).
 
Trước khi nói được những điều trên đây, chính cha Tổ Phụ đã từng sống cuộc sống hoàn toàn cho cộng đoàn, yêu thương anh em hết mình, thân thiết gắn bó với cộng đoàn, để qua cộng đoàn, Ngài hiến dâng tất cả cho Thiên Chúa.
 
Như vậy, yêu thương và phục vụ anh em, phục vụ cộng đoàn là một trong những điểm quan trọng trong linh đạo của cha Tổ Phụ.
Tuy nhiên đời sống đan tu không chỉ nói đến hành động yêu thương, những thành quả bên ngoài mà bỏ quên một chiều sâu căn bản. Chúa Giesu đã khẳng định” Không có Thầy các con không làm gì được” (Gn 15,6). Cha TỔ Phụ khẳng định dứt khóat rằng “bổn phận của chúng ta là cầu nguyện, là kết hiệp với Chúa (GH 12). Ngài nói:
 
“Nếu mỗi thầy dòng phài là một người cầu nguyện, thì mỗi cộng đoàn cũng phải là một cộng đoàn cầu nguyện. Nhà này mà không cầu nguyện thì hóa ra một nhà nông phu”( GH 12).
 
Như vậy đời sống đan tu, nơi bản thân mỗi người và trên phương diện cộng đoàn, tất cả sinh hoạt của cuộc sống phải được thêu dệt bằng cầu nguyện, trong cầu nguyện. Đó là cuộc sống ngày càng phải vươn lên trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa… Có vậy khi nhìn vào, người ta sẽ thấy Giêsu, Giêsu thay thảy (GH 30).
 
2. Bác ái huynh đệ trong đời sống cộng đoàn
 
Ở điểm này xin chỉ nêu lên một nét chung: để thực hành bác ái huynh đệ trong cộng đoàn, thì điều đầu tiên là tất cả anh em hãy cầu nguyện cho nhau, cầu nguyện cho cộng đoàn. Đồng thời tích cực trung thành với bổn phận, dấn thân trong cuộc sống, nhiệt thành trong mọi sự, biết thông cảm cho nhau và khi gặp khó khăn, hãy biết nhẫn nại, phấn đấu vượt qua trong cầu nguyện và khiêm tốn nhìn nhận giới hạn, yêu đuối của bản thân.
 
Trong thực tế, muốn yêu thương, phải chấp nhận hy sinh, vì Tình Yêu đòi hỏi hy sinh , vượt ra ngoài cái tôi nhỏ mọn của mình để tiếp nhận anh em. Muốn yêu thương anh em phải ra khỏi mình (GH 6). Bác ái luôn tế nhị trong lối sống, trong lời nói, trong cử chỉ. Điều cha Tổ Phụ nhấn mạnh là yêu thương , nhịn nhục, giúp đỡ nhau để duy trì niềm vui. “ Trên tất cả, vẫn là noi gương Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương và yêu thương đến cùng. Chính Ngài đã hy sinh tính mạng vi nhân loại tội lỗi. Cũng thế cha Tổ Phụ cũng đã yêu thương, đã sống với con cái bằng một tình cha đượm nồng trìu mến; ngày ngày cùng chia sớt niềm vui nổi buồn, như một người tôi tớ phục vụ tận tình. Ước chi Lời Chúa được thực hiện, để mọi người có thể nói lên được niềm hạnh phúc như lời của vịnh gia:
 
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 132,1)
 
 
Thiết tưởng trên đây là những nét quan trọng trong tinh thần cha Tổ Phụ, chúng ta cần suy nghĩ và rút ra những bài học cụ thể cho cuộc sống.
 
Vậy uống nước nhớ nguồn chủ yếu là hướng về nguồn cội, tổ tiên chúng ta , với tâm tình tri ân cảm tạ của con cái đối với nguồn gốc, với những bậc sinh thành, và trung thành thực hiện giáo huấn cũng như tinh thần của tổ tiên. Đó chính là đạo hiếu, đạo làm người của người Việt Nam.
 
Theo thông lệ , cứ vào mỗi cuối năm, hay ở đầu một năm mới, một thập niên mới, một kỷ nguyên mới, Tạp chí Time của Mỹ có thói quen bình chọn một người nổi bật nhất trong lịch sử Nhân loại để làm cái mốc cho thời gian. Có những vị có công hoạt động xây dựng hòa bình cho quê hương đất nước, như Gandhi, Luther King, nhưng cũng có những con người ngược lại gây đau khổ tang tóc cho đồng loại như Stalin, Hitler, Ponpôt, Trần thuỷ Hoàng… cũng được chọn làm người của năm, của thế kỷ.
 
Tương tự như thế, như người ta thường nói: ”Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tiên”. Trân trọng tưởng nhớ đến tổ tiên là một nét độc đáo trong tình cảm cuả người Việt nam, một nghĩa cử cao quí trong tâm thức cũng như trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Do đó câu nói “Uống nước nhớ nguồn” đã ăn sâu vào tâm thức và tình cảm của người Việt Nam, và dân tộc Việt Nam đã lấy chữ “Hiếu”, đạo “ Hiếu” làm đầu trong đạo làm người. Thi sĩ Nguyễn công Trứ đã có câu thơ để đời:
 
“Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,
Không công danh thời nát với cỏ cây”.
 
Uống nước nhớ nguồn, cũng như người ta thường nói “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, mục đích là để ca ngợi công đức sự nghiệp của các bậc tổ tiên với lòng cảm mến tri ân. Hướng về nguồn cội đồng thời là để truyền lại cho thế hệ tương lai truyền thống vẻ vang của cộng đoàn. Lời Chúa trong sách Huấn ca cũng dạy chúng ta: ”Tôi muốn ca tụng những ngừơi nhân đức, cha ông chúng ta, đời đời kế tiếp.Thượng Đế đã để phần họ vinh quang rất mực. Sinh thời hết thãy họ được tôn trọng và được biểu dương ngay ngày đời họ…”(Hc 44,1.2.7). Đây là một tình cảm thiêng liệng cao cả thể hiện lòng hiếu thảo sâu xa của con cái đối với ông bà tổ tiên. Do đó thắp nén hương lòng hướng về nguồn cội là một nghĩa cữ thiêng liêng khẳng định với vong linh của tổ tiên rằng con cháu hiện tại cũng như các thế hệ tương lai sẽ ngàn đời quyết tâm ghi ơn các ngài, để các ngài hân hoan ngậm cười nơi chín suối khi thấy hậu duệ của các ngài vẫn luôn ghi khắc ơn nghĩa sinh thành và tâm nguyện phát huy sự nghiệp các ngài để lại. Thế hệ hiện tại rất tự hào về những sự nghiệp cha ông đã dầy công thực hiện và quyết tâm sống thế nào để góp phần làm rạng ngời công trình của cha ông. Quyết tâm vươn lên một đời tu đắc đạo, chuyên cần tu dưỡng tinh thần, nghiêng mình trân trọng trước bàn thờ vong linh của tổ tiên, với tâm hồn trong sáng hơn để tiến bước trong tinh thần các ngài. Đó phải là nguyện ước ấp ủ trong thâm tâm của cha Tổ Phụ, cũng như những vị tiền bối của chúng ta
 
II. Bí quyết trong hiện tại 
 
Một thoáng nhìn về nguồn cội để ý thức bao quát được cả tiền đồ cuộc sống trong cái nhìn lý tưởng bắt nguồn từ Cha ông, từ cha Tổ Phụ và xuyên suốt đến hiện tại và tương lai.
 
Người ta thường hay nói” Con hơn cha nhà có phúc”, hay “hậu sinh khả úy”. Trong thực tế điều này không phải luôn luôn đúng. Nhưng cũng cần quan niệm như thế, và phải như thế, để giúp cho con cái, giới trẻ của thế hệ hiện tại và tương lai biết phấn đấu vươn lên, phát triển tiềm năng dựa trên tinh thần, lời giáo huấn của Cha Tổ Phụ và của những người đi trước. Đó là một lợi thế rất lớn cho giới trẻ khi tiếp bước theo những thành tựu của cha ông cũng như của đàn anh đi trước. Nếu ngược lại là điều đáng tiếc , đáng trách, vì phần lớn là do thụ động, thiếu sáng tạo, hay nếu vì hoàn cảnh mà thiếu điều kiện, thì có thể thông cảm được.
 
Vậy thì nhìn lại thực tế hiện tại, chúng ta phải phản ứng như thế nào trước hiện trạng cuộc sống chúng ta hôm nay. Phải công nhận ngày hôm nay khoa học và kỷ thuật đã đạt được những tiến bộ kỳ diệu. Và con người hôm nay, cũng như giới tu hành hịên tại đang được phúc hưởng thụ những thành quả của khoa học kỷ thuật.Vậy đây là một lợi thế rất lớn cho cuộc sống đời tu của chúng ta hôm nay.
 
Khi duyệt qua cuộc sống thời dĩ vãng của cha ông, chúng ta đã chứng kiến những công trình kỳ diệu các ngài đã thực hiện và chúng ta phải kính cẩn cảm phục trước những kỳ công của các ngài. Giờ đây chúng ta hãy nhìn lại mình, nhìn lại những gì chúng ta đã ,đang sống và thực hiện và đã phát huy tinh thần cũng như công trình của các ngài như thế nào. Chúng ta có thực sự tiếp bước trong đường hướng và tinh thần của các ngài không và đến mức độ nào. Chúng ta phải thành thật công nhận rằng đời sống của cha Tổ Phụ và những công trình của cha ông thật đậm nét Tin Mừng và bề ngòai tuy không thật bắt mắt đối với đa số chúng ta hôm nay, nhưng các ngài đã rất can dảm sống một thực tại chiều sâu đời tu rất chất lượng. Chẳng hạn ngày trước cha Tổ Phụ đi đường là cuốc bộ trên đôi chân trần, không giầy không dép và lương thực hành trình là cơm tẻ bới trong mo cau với muối ruốc. Oi thật là kỳ diệu, quả là người nghèo của Chúa. Còn chúng ta hôm nay thì sao’. Dĩ nhiên chúng ta có những lý do chính đáng để biện minh. Thực ra thì cung cách này hay cung cách khác không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là cái tinh thần ẩn đàng sau những cung cách đó. Đó mới là linh hồn, là thực tế có khả năng diễn đạt ra bên ngoài bằng những cung cách khác người đời. Chúng ta hôm nay cũng sống và thực hiện đời tu, nhưng với nhiều hình thức đổi mới cho phù hợp với tinh thần của con người thời đại. Nhưng vấn đề đặt ra cho chúng ta hôm nay chính là phải thẩm định chất lượng đời tu của chúng ta. Nhưng đây lại là vấn đề không dễ để thẩm định về chất lượng. Thiết nghĩ đây là vấn đề lương tâm của từng cá nhân: mỗi chúng ta hãy tự lượng định về tình trạng chất lượng đời tu của mình. Có lẽ ngày hôm nay nhiều người trong chúng ta khó có can đảm để mạnh dạn thể hiện ra bên ngoài dung mạo của người chân tu giữa đời như cha ông chúng ta ngày trước.
 
Dù sao chúng ta cũng phải chân thành nhìn lại hiện trạng đời tu của mỗi chúng ta để nếu cần điều chỉnh hay định hướng lại lý tưởng đan tu của chúng ta. Một cái nhìn đối chiếu giữa cha Tổ Phụ hay cha ông ngày trước với chúng ta hôm nay là rất hữu ích thiết thực.
 
III. Nhìn về tương lai
 
Chuyện kể rằng một viên tù trưởng trên giường bệnh biết mình sẽ không còn sống bao lâu trên đời này nữa, nên cho gọi ba con trai đến và nói :”giờ ra đi của cha đã gần. Vậy các con hãy lên đỉnh núi thánh và mỗi người các con hãy mang về cho cha một báu vật. Đứa nào mang về báu vật quí nhất, cha sẽ truyền lại quyền cai quản bộ lạc” Vâng lệnh cha, cả ba cùng lên núi để tìm kiếm báu vật quí nhất. Người con cả trở về với một thỏi vàng ròng quí giá. Đứa con thú hai trở về trình diện cha với một tấm cẩm thạch tuyệt đẹp. Sau cùng đứa con út trở về muộn với hai bàn tay không. Cậu trình với cha: thưa cha, khi con lên đến đỉnh núi thì mặt trời đã đứng ngọ. Con say mê nhìn sang bên kia rạng núi và thấy một cánh đồng xanh bát ngát, cây cối xinh đẹp mượt mà..Con nghĩ nếu chúng ta sang được bên đó lập nghiệp, dân chúng sẽ trù phú sung túc lắm”. Nghe thế, viên tù trưởng liền truyền cho cậu thay quyền cha cai quản bộ lạc.
 
 
Câu chuyện trên cho ta thấy người biết nhìn về tương lại và hoạch định một chương trình cụ thể cho cuộc sống vươn lên, đó là con người khôn, biết nhìn xa thấy rộng. Thật ra khôn ngoan và có kế hoạch xây dựng cuộc sống thì khả năng vươn lên hầu hoàn chỉnh và tô đẹp cuộc đời là rất lớn. Như vậy chúng ta hãy cùng với Thánh Phaolo: ”Hãy chúc tụng Chúa trong mọi nơi mọi lúc, xin Người dạy chúng ta biết theo nẽo chính đường ngay và giúp chúng ta thành công trong mọi điều chúng ta toan tính”( Thes.4,19-20).Ngày hôm nay, chúng ta có nhiều phương tiện và tài liệu phong phú rộng rải để mở rộng kiến thức và tầm nhìn, do đó càng đòi hỏi chúng ta biết tối đa lợi dụng những phương thế này để đào sâu sự hiểu biết về đời tu và sống chất lượng hơn. Cần ý thức với trách nhiệm rằng Chúa Quan phòng đã trao vào tay chúng ta những phương tiện quí hóa này để chúng ta xử dụng mọi khả năng để phát huy đến mức tối đa những gia sản của cha ông. Đây là một trách nhệm không nhỏ của thế hệ hiện tại đối với thế hệ tương lai. Chúng ta rồi sẽ qua đi như cha ông chúng ta, và qua đi với những đóng góp tích cực xây dựng cộng đoàn để truyền lại cho hậu thế. Được vậy, chúng ta hãy cùng tâm nguyện với thánh Pherô“. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ ĐG X“ (1Pr 4,11).
 
Như vậy, theo gương cha Tổ Phụ là người đã khai sinh, bảo tồn và phát triển Hội Dòng Xitô Thánh gia, chúng ta hãy cố gắng thấm nhuần tinh thần của vị Sáng lập, tích cực sống đời thánh hiến với ý thức rằng: giòng máu yêu thương cứu độ vẫn không thôi lưu chuyển khắp thân mình mầu nhiệm Đức Kitô, và đến với bất cứ ai muốn đón nhận giòng máu đó (Về nguồn, tr. 91). 
 
 
 
Thiết kế Web : Châu Á