Bài giảng

Tản mạn: TÌM TƯƠNG LAI CHO QUÁ KHỨ

Theo lẽ tự nhiên, tâm hồn chúng ta quý chuộng những điều tốt đẹp và ước ao họa lại nó nơi mình. Để thực hiện điều đó thì đòi hỏi nhiều cố gắng, thấu cảm và giục ý chí, một con đường từ khối óc đến con tim và hành động, con đường dài và hẹp của đời sống.

 

 

TÌM TƯƠNG LAI CHO QUÁ KHỨ

 

 

Martin OCist

 

[...] Tập I xưa nay luôn được coi là giai đoạn sốt sắng nhất của đời tu, Tập I là thời gian chăm chú nhất vào đời sống tâm linh (gặp gỡ Thiên Chúa), dành tất cả mọi thời gian, mọi ưu tiên cho nhiệm vụ học hỏi, suy niệm, chiêm nghiệm Lời Chúa và thực hành các nhân đức của tiền bối để lại (sống giá trị đời tu). [...]

 

Tôi rất thích câu nói: “Ký ức là tương lai của quá khứ”, tôi đã trích nó nhiều lần trong nhiều bài viết khác nhau để diễn giải giá trị của ký ức trong dòng chảy lịch sử. Đối với người có tính cách “hoài cổ” như tôi, quá khứ không bao giờ là quá khứ, nó luôn hiện tồn. Tôi không nhớ tất cả những gì của quá khứ nhưng tôi có một ký ức mạnh mẽ đủ khả năng lưu giữ rất nhiều thứ, nhất là những thứ gây ấn tượng mạnh về tâm linh.

 

Sau khi thầy Anton, thầy Duy Sinh, thầy Robert qua đời, đời sống của họ vẫn ẩn hiện trong tâm trí tôi, ấn tượng mạnh mẽ về sự sốt sắng đơn giản, kiên trì, bền bỉ của họ. Đối với người trẻ, những điều người già hay nói hay làm, đôi khi là một áp lực bức bối, có lẽ vì chúng tôi không thể làm theo nổi, không đủ ý chí, không đủ nhiệt thành? Một thực hành đạo đức thường trực đều đặn đơn giản là cầu nguyện mỗi khi tròn giờ: 6h, 7h, 8h,...nguyện tắt lúc 9h sáng, 5s cho tâm nguyện lúc 10h, đọc 1 câu thương xót lúc 15h, đi dạo ban đêm trước lúc đi ngủ,...những thứ quá đơn giản nhưng xem ra là khó khăn đối với tôi bây giờ. Yêu thiên nhiên trong việc trồng cây, nuôi chó, nuôi chim, cá cảnh,...những thứ làm tâm hồn thanh thoát hơn mà các thầy già hay làm ngày xưa đối với tôi cũng khó rồi. Cả những thứ giải trí theo kiểu U50 thì quá khác với thời @, 4.0 của tôi. Hàng tá việc đạo đức và thói quen tốt của các thầy già càng lúc càng khó! Thế là khi thế hệ ấy qua đi, tôi lại càng thấy sự mai một của những điều bình dị từng có. Chỗ trong nhà nguyện mà thầy hay đứng đọc kinh lúc 9h vắng bóng rồi, dãy hành lang mà thầy hay đi dạo với tràng chuỗi trong tay, tôi không thấy nữa, cái hòn non bộ mà thầy hay trồng cây nuôi cá đã bị bỏ phế ở góc hành lang,...mai một, mất dần, tan biến, trống rỗng làm sao,...tiếc! Tôi đã muốn, tôi rất muốn và tôi đã thử giữ lại bao nhiêu có thể những gì tốt đẹp của các thầy nhưng...chẳng kiên trì được. Tôi buồn vì điều đó...nhưng có một hy vọng lướt qua tâm hồn tôi.

 

Cách đây hai tháng tôi có việc về đan viện, có qua Nhà tập một chút và tôi hết sức bất ngờ khi thấy cái hòn non bộ của thầy Anton được đặt ở dãy Tập I, đúng cái hòn non bộ có cái hoa đăng mày xi măng, xanh tươi với cây cảnh và mấy con cá bảy màu lội tung tăng bên dưới. Tôi hỏi ngay một em tập sinh: “Ai đang chăm sóc cái này?”. Đây là một sự kế thừa, một sứ tiếp nối quá quý giá, nó khiến tôi xúc động mạnh mẽ. Tập 1 xưa nay luôn được coi là giai đoạn sốt sắng nhất của đời tu, Tập I là thời gian chăm chú nhất vào đời sống tâm linh (gặp gỡ Thiên Chúa), dành tất cả mọi thời gian mọi ưu tiên cho nhiệm vụ học hỏi, suy niệm, chiêm nghiệm Lời Chúa và thực hành các nhân đức của tiền bối để lại (sống giá trị đời tu). Tôi cứ nghĩ những giá trị xưa cũ đã mai một nhưng thật ra nó vẫn đang được kế thừa theo những cách thức khác nhau qua từng thế hệ.

 

Theo lẽ tự nhiên, tâm hồn chúng ta quý chuộng những điều tốt đẹp và ước ao họa lại nó nơi mình. Để thực hiện điều đó thì đòi hỏi nhiều cố gắng, thấu cảm và giục ý chí, một con đường từ khối óc đến con tim và hành động, con đường dài và hẹp của đời sống.

 

“Ký ức là tương lai của quá khứ”, quá khứ không chết, nó được bảo tồn nhờ ký ức, quá khứ có một tương lai nhờ hoạt động của ký ức. Ký ức hoạt hóa những giá trị và thúc đẩy lương tri hiện tại hóa dĩ vãng. Hãy nhớ những điều tốt đẹp mà ta từng được học từ các bậc tiền bối, những gì họ nói với ta và những gì họ làm cho ta thấy,...quá quý giá, quá sốt mến. Ông bà của chúng ta đi lễ, đọc kinh sáng tối chung, làm dấu khi ăn, đọc kinh ở Đất Thánh vào tháng 11, quan tâm người nghèo trong xóm,...Có rất nhiều điều quý giá mà ông bà cha mẹ chúng ta đã làm...chúng ta có nhiệm vụ họa lại cuộc đời và ký ức của người thân về đức tin cũng như các việc tốt lành khác, đó là sự hiếu thảo tối thiểu. Đức Thánh Cha Phanxico cũng nhiều lần nói đến: Đánh mất quá khứ và truyền thống là đánh mất gốc rễ của mình.

 

Hiện tại sẽ thật là buồn tẻ nếu chỉ hấp thụ những điều mới mẻ mà xem thường giá trị của quá khứ, tôi chợt nghĩ như thế. Tôi trách mình đôi khi quá bận tâm vào hiệu năng của công việc hiện tại mà quên lãng những vẻ đẹp mà dĩ vãng đã từng. Các thầy già, các ông bà của chúng ta, họ đã mất hút vào quá khứ nhưng cuộc sống của họ vẫn còn có thể tiếp tục nhờ ký ức của chúng ta.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á