Bài giảng

Suy Niệm Tin Mừng Tuần XXXII TN, Năm B: "Đạo đức giả và bác ái thật" (M. Baptista)

Người ta nghèo không phải là người ta không có cái gì để cho, nhưng người ta nghèo vì người ta không biết cho ai cái gì, hay không dám cho ai cái gì.

 

Mc 12,38-44

 

Đạo đức giả và bác ái thật

 

Bài Tin mừng Chúa nhật năm B theo thánh sử Máccô hôm nay được chia làm hai phần. Phần đầu tác giả cho chúng ta thấy sự giả hình giả bộ của nhóm biệt phái kinh sư mà Chúa Giêsu nói cho họ biết, họ sẽ bị kết án. Phần hai thì ngược lại, đó là một gương mẫu tuyệt vời của một bà góa túng nghèo mà bà đã thực thi hành động bố thí tất cả con người và gia tài của mình.

Trước hết, Chúa Giêsu cho chúng ta biết con người thật của những người kinh sư họ ham chuộng hư vinh trong cách ăn nết ở: “Ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi. Chiếm chỗ danh dự trong hội đường, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc”. Rồi đến những hình thức “bóc lột tài sản các bà góa”, và hình thức đạo đức giả “làm bộ đọc kinh lâu giờ”. Bộ trang phục tự nó không có gì là xấu cả, người ta chỉ cười khi một người nào đó ăn mặc không đúng cách đúng chỗ. Nếu như ăn mặc xấu quá cũng không được mà đẹp quá cũng không nên, nhưng phải tùy thuộc vào mỗi bối cảnh. Bởi thế Lev Tolstoi có câu rằng: “Giản dị là nét chủ yếu của vẻ đẹp đạo đức”. Những người Pharisêu họ khoác trên mình những bộ đồ như vậy không phải là một sự làm cho người khác tôn trọng, đáng kính nể, nhưng đây là một sự khoe khoang, hình thức của bề ngoài mà bên trong con người họ thì họ lại không sống ra gì. Người ta thường nói về người tu rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu” là vậy. Chính con người của mình, con người sống thật, không giả hình giả bộ ấy mới là người kinh sư thật, thầy tu thật. Như vậy, nếu sống không còn uy tín về tôn giáo hay để tìm kiếm vinh dự thì không nên.

 

Một cái xấu khác của những người kinh sư nữa là “thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng” và “ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc”. Những cái ‘thích’ này mà tác giả Tin Mừng dùng đến tự nó làm cho người ta nên mặt kiêu căng, và làm cho người ta cảm thấy mình là lớn nhất, quý nhất. nhưng ngược lại đối với Chúa Giêsu, người làm lớn thì phải nhỏ lại. Người đi ăn tiệc thì phải ngồi sau hết để được người khác mời lên. Mình phải chào hỏi và thăm viếng người ta trước chứ không phải để cho người ta phải chào mình. Ghế danh dự không phải là ghế ngồi bên hữu hay bên tả nhưng là phải chiếm cho được ghế trong Nước Chúa. Đó chính là tinh thần của Chúa. Là cách mà Chúa muốn không phải chỉ nơi những kinh sư, biệt phái, mà đến cả chúng ta nữa.

Những hình thức phô trương giả hình giả bộ ở trên của những người kinh sư thực ra không đáng trách cho bằng những hành động bóc lột tài sản của các bà góa, mà câu 40b Chúa Giêsu đã lên án. Các bà góa là những người ở trong tư thế “mẹ góa con côi”. Họ sống trong sự thiếu thốn, trong sự đơn sơ và dễ tin. Bởi thế, những người Pharisêu có thể họ dễ líu kéo và lợi dụng. Họ nhận ra được đó là những con mồi nuôi sống họ.

 

 

Phần hai của bài Tin mừng thì ngược lại với lời chê trách là một tấm lòng đáng khen của một thiếu phụ, mà Tin Mừng gọi là bà góa nghèo. Người ta nghèo không phải là người ta không có cái gì để cho, nhưng người ta nghèo vì người ta không biết cho ai cái gì, hay không dám cho ai cái gì. Chúng ta nhớ lại đoạn Sách Công Vụ Tông đồ ở chương thứ 3 nói về người què ăn xin, khi anh què thấy hai ông Phêrô và Gioan sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. “Anh nhìn chúng tôi đây: vàng bạc thì chúng tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Na-da-ret, anh đứng dậy mà đi”. Người què ăn xin, anh ta chỉ xin hai ông về tiền hay một thứ vật chất gì để sống, nhưng trái lại anh ta lại được cái lớn lao gấp bội phần. Cái cao quý của tình yêu là biết cho đi người khác. Cho đi bằng tấm lòng đối với những người không có của cải. cũng có thể cho đi cả tinh thần lẫn vật chất. Chúa Giêsu từng nói “hãy dùng tiền của mà mua lấy bạn bè”. “Tiền bạc là một thứ kiếm được bằng một biển hồ mồ hôi nước mắt, nhưng lại tan biến trong một nháy mắt” (Colette). Đồng tiền của bà góa này bỏ vào thùng để cho việc dâng cúng Đền Thờ là một đơn vị cực nhỏ so với những thứ tiền của người khác dâng cúng. “Một phần tư đồng xu Rôma”, nghĩa là 8 lần nhỏ hơn khẩu phần bánh phát mỗi ngày cho người nghèo. Một số lượng bánh thời bấy giờ. Bà đã bỏ vào thùng tất cả, “tất cả những gì để nuôi thân”. Người có niềm tin vững chắc thì không thể bị chết đói. Bài đọc 1 trích từ sách các Vua quyển thứ nhất cho chúng ta thấy điều đó. Và “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,33-34)

 

Trong con người chúng ta thường có những thói đời khoe khoang và ham muốn để cho người khác để ý đến mình. Từ chỗ muốn được người ta để ý về mình nên thường có những hành động như là nuôi bản thân, nhác làm mà lại siêng ăn. Tệ hơn là ăn những thứ không phải của mình làm ra nhưng là của người khác.

 

Thói ham thích của cải mà không muốn bố thí là một con người chỉ biết nuôi phần xác mà không biết tìm ích lợi cho phần hồn và người khác. Hãy biết khám phá trong những của cải dâng cúng rất khiêm tốn như bà góa nghèo kia. Thật vậy, sức mạnh của một tình yêu anh dũng dấu ẩn bên trong của bà và chúng ta, nên chúng ta hãy noi gương như bà góa để được Chúa nhìn đến và khen thưởng.  

 

M. Baptista

Thiết kế Web : Châu Á