Bài giảng

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi: THIÊN CHÚA BA NGÔI - MẦU NHIỆM CỦA TÌNH YÊU

Hôm nay lễ kính Chúa Ba Ngôi. Đây là một mầu nhiệm. Một mầu nhiệm mà chắc chắn Thiên Chúa đã mạc khải không nhằm mục đích cho chúng ta đóng khung để thờ, để kính nhi viễn chi mà là để chúng ta sống theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

THIÊN CHÚA BA NGÔI: MẦU NHIỆM CỦA TÌNH YÊU

(Ga 16,12-15)

 

Damasceno Hùng

 

Thánh Thomas Aquino - thần học gia lỗi lạc thời Trung cổ - đã từng nói: “Sống trên trần gian, chúng ta chỉ biết rằng Thiên Chúa vượt lên trên tất cả những gì trí khôn chúng ta có thể mường tượng ra”. Câu nói cho thấy giới hạn của lý trí con người trước các Chân lý Đức tin. Các nhà thần học cổ điển cũng đã từng tranh luận về tương quan giữa tin và hiểu. Quả thực, trước các thực tại của Chân lý thì đức tin là nền tảng, lý trí là đôi cánh để nâng đỡ cho đức tin bay cao. Người Kitô hữu phải tin trước khi tìm hiểu, đó là con đường của thần học. Mầu hhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao vời nhất. Vì Thiên Chúa không phải là kết quả của việc con người suy luận. Sở dĩ con người biết được là vì Thiên Chúa đã tỏ lộ. Thiên Chúa đã mạc khải, đã đến với con người bằng một con đường bí nhiệm: Con đường của tình yêu.

 

Trong Cựu ước, chúng ta không tìm thấy một dấu vết nào về mầu nhiệm cao siêu này. Chỉ mình Đức Kitô mới tỏ lộ cho chúng ta mà thôi. Thực vậy, Tân ước đã trình bày cho chúng ta thấy mối liên hệ mật thiết giữa Ba Ngôi cực thánh. Tín điều này là nền tảng, là khung cửa dẫn chúng ta vào miền đất của đức tin Kitô giáo. Đã có một thời gian dài, Giáo hội muốn dùng các khả năng hiểu biết để suy tư về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Qua sự đóng góp của các thánh Giáo phụ và các vị tiền bối như Origen, Tertullian, Arius, thánh Basil, thánh Gregory of Nyssa, thánh Gregory of Nazienzen và thánh Augustino… Đã mất khoảng hơn 300 năm để suy tư tìm tòi, bàn cãi tranh luận và đôi khi là nguyên cớ gây tù đày, phân rẽ và kết án lẫn nhau. Cho tới khi các Giáo phụ họp Công đồng Nicea năm 325 để định nghĩa về sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Rồi chờ đợi cho tới hơn nửa thế kỷ sau, Công đồng Constantinople (381) mới định nghĩa về Ngôi Thánh Thần. Thế nhưng, như sự việc đã xảy ra cho thánh Augustino khi thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng là một lời dạy cho chúng ta ngày nay. Trí khôn con người hữu hạn làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng, nếu muốn hiểu thì chẳng khác nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ như trò đùa của em bé mà thánh Augustino gặp nơi bờ biển.

 

Nếu lý trí đã không thể hiểu được Thiên Chúa, tại sao ta không dùng con tim như một khí cụ trợ giúp? Tại sao ta không tiếp cận Thiên Chúa bằng con đường chiêm ngắm và cảm nhận? Yêu để hiểu và hiểu để yêu?

 

Quả thực, tình yêu nào cũng muốn bộc lộ, muốn hiệp thông, muốn trao hiến, người yêu nào cũng muốn tỏ tình thì đối với tình yêu Thiên Chúa còn mạnh mẽ gấp bội. Lịch sử cứu độ là đường tình của Thiên Chúa. Qua công trình sáng tạo, Thiên Chúa muốn vũ trụ vạn vật và con người hiệp thông với Ngài để đón nhận tình yêu và sự sống. Để mạc khải về Ngôi Hai, Thiên Chúa đã chuẩn bị hằng mấy mươi thế kỷ bằng việc kén chọn cho mình một dân tộc. Qua dân tộc đó, Ngài biểu dương sức mạnh và tình thương để họ thấy rằng trên trời dưới đất, chính Ngài là Thiên Chúa, chứ không có Chúa nào khác. Qua Đức Giêsu, chúng ta thấy được bộ mặt của Thiên Chúa, Ngài đã dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương. Qua kiếp sống làm người, qua cái chết đau thương, Ngài muốn tỏ ra cho nhân loại thấy rằng Ba Ngôi Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta. Đặc biệt qua biến cố Phục sinh của Đức Giêsu, chính Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu hiệp thông vừa nối kết Đức Giêsu với Chúa Cha, vừa nối kết nhân loại với Thiên Chúa và với nhau. Và vì yêu thương cho đến cùng, nên Giáo Hội là Dân Thiên Chúa được sinh ra từ tình yêu của Chúa Cha, được Chúa Con thiết lập, được nuôi dưỡng và hoàn tất nhờ Chúa Thánh Thần, để qua sự hiện diện của Giáo Hội như một dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại luôn mãi.

 

Trong lá thư thứ nhất của thánh Gioan, vị tông đồ đã định nghĩa về Thiên Chúa qua một hạn từ rất đơn giản và cô đọng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng quyết rằng: “Lòng thương xót” là tên gọi thứ hai của Thiên Chúa, bởi vì thương xót là cách hiển thị rõ nét về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. “Thiên Chúa là Tình Yêu”, vì thế mọi hoạt động bên trong cũng như bên ngoài của Thiên Chúa đều là yêu thương. Để nói Thiên Chúa giống với cái gì, tất cả chúng ta chỉ cần nhìn vào Đức Giêsu. Trong ngôn ngữ của thánh Phaolô: “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”. Vậy Đức Giêsu giống cái gì? Trong tất cả những hình ảnh mà chúng ta có về Đức Giêsu, một hình ảnh đáng yêu nhất là người Mục Tử tốt lành. Chính Đức Giêsu đã dùng hình ảnh ấy. Đức Giêsu là Mục Tử tốt lành, đã thí mạng sống mình cho đàn chiên. Trong Đức Giêsu, chúng ta thấy tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta. Còn về Chúa Thánh Thần? Chúa Thánh Thần là dây liên kết yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con, và giữa hai ngôi Cha và Con với chúng ta. Thiên Chúa đã ban phát, đã chia sẻ tình yêu của Ngài cho loài người chúng ta, và Ngài muốn cho tình yêu ấy tiếp tục tràn lan từ trong lòng chúng ta đến những con người khác: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài nên hoàn tất trong chúng ta”(1 Ga 4,12). Bởi vậy, “Ai không yêu thương anh em thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu thương”.

 

Hôm nay lễ kính Chúa Ba Ngôi. Đây là một mầu nhiệm. Một mầu nhiệm mà chắc chắn Thiên Chúa đã mạc khải không nhằm mục đích cho chúng ta đóng khung để thờ, để "kính nhi viễn chi" mà là để chúng ta sống theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thế nên, mừng lễ Chúa Ba Ngôi không phải là dịp để chúng ta đưa ra những luận điệu, chứng cứ để chứng minh về một Thiên Chúa Ba Ngôi mà là để chúng ta chiêm ngắm về căn tính, về bản chất của Ngài để bắt chước, noi theo.

 

Thực vậy, tất cả mọi yêu thương của chúng ta chỉ là một mảnh nhỏ tách ra từ trái tim ngập tràn yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả mọi yêu thương của chúng ta chỉ là một phản ảnh yếu ớt cho tình yêu của Ngài. Tất cả mọi yêu thương liên kết chúng ta lại trong tình bác ái, rập theo khuôn mẫu của Thiên Chúa, nguồn mạch tình yêu tuyệt vời. Đó chính là đỉnh cao của sự thánh thiện, của địa vị và phẩm giá nơi con người. Người Kitô hữu sống trong thế giới của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế giới ấy không phải là một nơi nào đó ở bên ngoài không gian. Nó cũng là thế giới của mỗi ngày, của yêu thương và đồng cảm. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á