Bài giảng

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi: MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI

Cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi thường là điều khó và có vẻ khô khan. Đấy là vì ta không nhìn ngắm Ba Ngôi như một sinh hoạt sống động, mà lại coi như một mầu nhiệm mang tính thần học cao siêu...

 

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI

(Ga 16,12-15)

Damiano Quang

 

Bài Tin Mừng Gioan thuật lại việc Chúa Giêsu nói với các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong mối tương quan giữa Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Kitô hữu. Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Ta không hiểu được mầu nhiệm khi tách biệt nó với cuộc sống của ta. Nhưng ta lại có thể hiểu được một phần mầu nhiệm ấy khi đặt nó trong mối quan hệ với cuộc đời mình. Đó chính là điều Chúa Giêsu đã làm để giúp ta hiểu một phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi Người cho chúng ta thấy mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa Ba Ngôi thực hiện mối tương quan ấy. Bởi vậy, muốn biết gì về Thiên Chúa, ta cứ đến với Chúa Giêsu.

 

Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”, khi khẳng định như vậy, Chúa Giêsu muốn cho ta thấy giữa Người và Chúa Cha có sự thông hiệp toàn vẹn, đến nỗi không còn gì là của riêng một ngôi vị. Động từ “có” chỉ là cách nói của loài người để ta căn cứ vào những gì một người sở hữu mà xác định người ấy thuộc phạm trù nào. Thí dụ một người “có” nhiều tiền bạc của cải thì ta gọi đó là người giầu, nhà triệu phú hay tỷ phú. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể diễn tả được tất cả những gì người ấy sở hữu. Làm người sống giữa nhân loại, Chúa Giêsu cũng bị giới hạn bởi ngôn ngữ. Người cố gắng sử dụng ngôn ngữ loài người cách tuyệt hảo nhất để nói về Thiên Chúa. Người bảo các môn đệ: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Mọi sự thuộc chân, thiện, mỹ đều gặp thấy nơi Chúa Cha. Ta thường đọc trong các kinh nguyện về Chúa:  Người “trọn tốt trọn lành vô cùng, phép tắc vô cùng...”. Đó là những nét chúng ta sẽ gặp thấy nơi Chúa Giêsu giúp ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nào.

 

Nhưng ý của Chúa Giêsu không chỉ là cho ta thấy những đặc tính của Thiên Chúa Cha, mà Người muốn nhấn mạnh rằng Người chia sẻ với Chúa Cha tất cả những đặc tính ấy. Nói khác đi, Người chuẩn bị mở ra cho ta một chân trời mới để ta biết được Thiên Chúa là Đấng nào, nghĩa là Người muốn mời gọi ta: Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy, nên giờ đây Thầy muốn chia sẻ lại cho anh em! Đúng như thánh Phaolô suy diễn, những gì ẩn giấu trong mầu nhiệm Thiên Chúa đều đã được tỏ lộ qua Chúa Kitô, vì “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15).

 

Thánh Thần sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”: Chúa Giêsu muốn chia sẻ với ta hết những gì Người có. “Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi”. Chúa Giêsu đã thấy rõ điều ấy nơi các môn đệ Người. Các môn đệ không có sức chịu nổi cũng có nghĩa là họ chưa đủ lòng tin để nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật. Làm sao tin được đây là Thiên Chúa đang khi họ cũng như nhiều người khác chỉ thấy Chúa Giêsu là người Nadarét, con ông Giuse thợ mộc và bà Maria. Cùng lắm thì Người có thể là một vị ngôn sứ thôi! Tất cả họ đều chưa thể đạt tới được “sự thật toàn vẹn”. Cho nên họ cần phải được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.

 

Vậy sự thật toàn vẹn là gì? Trước hết, đó là chân tính và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã xuống đầy tâm hồn họ. Người ban sức mạnh trợ giúp cho lòng tin của họ. Người ban lửa mến để cho họ biết gắn bó với Chúa Giêsu. Chỉ có lòng tin và lòng mến mới giúp họ nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, vì lý trí con người không thể hiểu nổi việc Thiên Chúa làm người và sống giữa nhân loại. Thánh Thần sẽ giúp họ nhớ lại tất cả những điều Chúa Giêsu đã dạy dỗ họ. Nhớ lại như thế, họ sẽ lãnh hội được sự thật toàn vẹn của giáo lý Chúa Giêsu đã giảng dạy trước đây, được gồm tóm trong khẳng định như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

 

Cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi thường là điều khó và có vẻ khô khan. Đấy là vì ta không nhìn ngắm Ba Ngôi như một sinh hoạt sống động, mà lại coi như một mầu nhiệm mang tính thần học cao siêu, hoặc vì ta chỉ biết thuộc lòng mấy điều sách giáo lý dạy: Thưa, Đức Chúa Trời có ba Ngôi, Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần. Nhất là vì ta không nhớ rằng Chúa Giêsu đã đem ta vào trong sinh hoạt của Ba Ngôi và Chúa Thánh Thần đã dẫn ta tới sự thật toàn vẹn. Bởi vậy, ta chỉ có thể cầu nguyện về Ba Ngôi Thiên Chúa khi ta cảm nhận được tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho nhân loại, khi ta nhận ra những chiều kích dài rộng cao sâu của tình yêu ấy qua cái chết của Con Một Người và khi ta mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần để Người giúp ta càng ngày càng nhận biết sâu xa hơn chân tính và sứ mệnh cứu thế của Chúa Giêsu. Đã có thông đạt thì phải có tiếp nhận. Thiên Chúa Ba Ngôi muốn thông đạt cho ta tình yêu của Người thì ta có bổn phận tiếp nhận thông đạt ấy và cố gắng đáp lại tình yêu Người dành cho ta. Mà phải là tình yêu sống động, được biểu lộ qua cuộc sống làm con cái Chúa. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á