Bài giảng

Suy niệm Tin Mừng Ga 6,22-29

Ơn gọi làm đan sĩ là ơn gọi bước theo Chúa Giêsu, con đường tìm kiếm Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Nhìn vào cuộc đời mỗi người, chúng ta có thể tự đặt câu hỏi cho mình: Tôi bước vào đời tu vì muốn đi tìm Thiên Chúa hay đi tìm cái gì khác, vì yếu tố dâng hiến hay vì sợ lập gia đình, vì tình yêu Thiên Chúa hay vì ham hố lợi lộc chức quyền; vì tình yêu Thiên Chúa hay vì cơ hội thoát nghèo, vì yêu mến hay vì động lực thấy người ta đi thì tôi cũng đi?

 

M. Phaolô TG Bùi Văn Dư

Hans Urs von Balthasar là một trong những nhà thần học vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Tuy sinh ra và lớn lên trong một đất nước Thuỵ Sĩ bình yên và giàu có, Hans Urs von Balthasar đã chọn cho mình ơn gọi làm linh mục dòng Tên, sau này vì những hiểu lầm, ngài đã xin ra khỏi Dòng nhưng vẫn ở lại trong thiên chức linh mục.

Sau khi du học ở nhiều trường đại học lớn của Đức và Áo, năm 1928 ông về trường đại học Zürich trên quê hương mình làm luận án tiến sĩ với đề tài: “Geschichte des eschatologischen Problems in der modernen deutschen Literatur” (Lịch sử những vấn đề thế mạt học trong nền văn chương tiếng Đức hiện đại). Là một thần học gia viết rất nhiều sách nhưng ngài chưa bao giờ giảng dạy ở một trường đại học nào, mặc dù được rất nhiều trường đại học nổi tiếng mời về làm trưởng khoa nhưng ngài đều từ chối. Ngài có công rất lớn trong việc chuẩn bị tài liệu cho Công đồng Vatican II, nhưng không được mời làm cố vấn cho công đồng. Thấy được những đóng góp to lớn của ngài cho giáo hội, Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II đã gọi ngài lên làm hồng y, nhưng ngài đã chết trước khi được vinh thăng hồng y hai ngày.

Một trong những điều nổi bật nơi Hans Urs von Balthasar là ngài đã tạo được một nền thần học mang tên Thần học QUỲ (Knieende Theologie). Điều mà nhiều người đã dịch không được phù hợp lắm đó là là thần học đầu gối. Bởi vì Balthasar cũng đã đưa ra một nền thần học đối lập với Thần học Quỳ là Thần học NGỒI (Sitzende Theologie). Ngài cho rằng một số các nhà thần học chỉ biết ngồi trong thư viện hay trong thư phòng đọc sách, nghiên cứu và suy tư về thần học, viết ra những bài luận, những bài suy tư đầy tính lịch sử, logic và biện giải nhưng thiếu đi yếu tố căn cốt của thần học là yếu tố TÂM LINH. Những nhà thần học thuộc nhóm Thần học Ngồi chỉ đạt được chữ HỌC chứ chưa đạt được chữ THẦN trong hai chữ Thần học trọn vẹn. Vì thế, ngài đề ra nền thần học Quỳ để nhấn mạnh đến một khía cạnh quan trọng rằng, muốn làm thần học thì phải biết quỳ xuống cầu nguyện, phải đạt yếu tố tâm linh, phải có khả năng kết hợp với Thiên Chúa trong cầu nguyện và chiêm niệm, thẩm thấu được những yếu tố tâm linh trong biến cố của cuộc đời, khi ấy nhà thần học mới thật sự là những nhà thần học đúng nghĩa. 

Soi chiếu vào bài Tin Mừng (Ga 6,22-29), chúng ta thấy đám đông kéo đi tìm Chúa Giêsu và các tông đồ. Nhìn bề ngoài, đó là một sự thành công của Chúa Giêsu vì đã lôi kéo được nhiều người tin theo, nhưng Chúa Giêsu không xét ở bên ngoài như vậy, Ngài nhìn vào nội tâm bên trong, nhìn vào động lực chính thúc đẩy họ tìm Ngài. Động lực ấy không phải vì lòng yêu mến, không phải vì đức tin, không phải vì đời sống vĩnh cửu, không phải vì những dấu lạ mà chỉ vì miếng ăn: “Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Balthasar đã nhìn và đã thấy khung trời thần học trong Giáo hội quá nhuốm màu trần thế, nhuốm màu lí luận, nhuốm màu lôgic mà quên đi cái chính của thần học là yếu tố tâm linh, yếu tố kết hợp với ơn linh ứng của Thiên Chúa được chuyển tải qua cầu nguyện và chiêm niệm. Hay nói cách khác, Balthasar nhìn thấy mọi người làm thần học chỉ vì họ được no nê những yếu tố mang tính trần thế, chứ không phải vì khám phá thánh ý của Thiên Chúa. 

Ơn gọi làm đan sĩ là ơn gọi bước theo Chúa Giêsu, con đường tìm kiếm Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Nhìn vào cuộc đời mỗi người, chúng ta có thể tự đặt câu hỏi cho mình: Tôi bước vào đời tu vì muốn đi tìm Thiên Chúa hay đi tìm cái gì khác, vì yếu tố dâng hiến hay vì sợ lập gia đình, vì tình yêu Thiên Chúa hay vì ham hố lợi lộc chức quyền; vì tình yêu Thiên Chúa hay vì cơ hội thoát nghèo, vì yêu mến hay vì động lực thấy người ta đi thì tôi cũng đi? Nếu ai đi tu chỉ vì sợ lập gia đình, chỉ vì ham hố lợi lộc chức quyền, chỉ vì cơ hội thoát nghèo… người đó đang bị Chúa Giêsu hôm nay chỉ mặt đặt tên, hay nói theo kiểu ngôn ngữ hiện đại, họ đang bị Chúa Giêsu bóc phốt, bóc mẽ: “Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Nói khác đi, Chúa Giêsu có thể nói: Các anh tìm tôi không phải vì ơn gọi tu trì, vì lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng vì ý muốn trần tục của riêng mình. Nếu ai đang bị như thế thì hãy định hình lại ơn gọi, định vị lại ý hướng tu trì, để ý nghĩa cuộc đời không bị phí phạm và trả lại cho đan viện không khí tu trì thật sự.

Nếu chúng ta bước vào đời tu với những ý nghĩa cao đẹp ban đầu là tình yêu dâng hiến, là lời đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu, là ý hướng yêu mến phục vụ thiên ý của trời cao… nhưng do dòng thời gian xô đẩy, lòng nhiệt huyết và những ý tưởng cao đẹp ban đầu ấy bị xói mòn, bị xao lãng hay mai một, chúng ta hãy trở về và mở tai mở lòng như thánh Biển Đức nói trong câu đầu tiên của Tu luật: “Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ”, để lắng nghe tiếng Chúa Giêsu đang thiết tha mời gọi: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường sinh” (Ga 6, 27).

Lạy Chúa Giêsu, Ngài là thầy dạy đường khôn ngoan và đối tượng của chúng con yêu mến và tôn thờ. Xin dạy chúng con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan (Tv 90,12). Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á