Bài giảng

Suy niệm Tin Mừng CN XXV TN, C: TIỀN LÀ ĐẦY TỚ TỐT VÀ LÀ ÔNG CHỦ XẤU

Tiền bạc không bao giờ nói, nhưng người ta thường nói về tiền bạc. Tiền bạc không bao giờ biết suy nghĩ, nhưng người ta suy nghĩ nhiều về nó. Tiền bạc không bao biết sai khiến, nhưng con người đã biến nó thành một ông chủ „vạn năng“.

 

TIỀN LÀ ĐẦY TỚ TỐT VÀ LÀ ÔNG CHỦ XẤU

(Lc 16,1-13)

 

Bảo Hạnh

 

Tiền bạc là vật trao đổi để đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống, nhưng nó cũng là một con dao hai lưỡi sắc bén, khiến cho bao người phải điêu đứng và khổ đau. Thật vậy, tiền bạc có thể đem lại cho chúng ta sự thịnh vượng, hạnh phúc và là tôi tớ tốt của ta, khi ta biết sử dụng hợp lý và không lệ thuộc vào nó. Nhưng tiền bạc cũng có thể phản lại ta, biến ta trở thành nô lệ cho nó, khi ta quá bám víu, lệ thuộc và ham muốn chiếm đoạt nó bằng  mọi giá. 

 

Tiền bạc là ông chủ xấu

 

Tiền bạc không bao giờ nói, nhưng người ta thường nói về tiền bạc. Tiền bạc không bao giờ biết suy nghĩ, nhưng người ta suy nghĩ nhiều về nó. Tiền bạc không bao biết sai khiến, nhưng con người đã biến nó thành một ông chủ „vạn năng“.

 

Dĩ nhiên, chúng ta không thể phủ nhận giá trị của tiền bạc, vì nó là phương tiện tốt cho cuộc sống chúng ta; nó đem lại cho chúng ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Không có tiền bạc, có thể cuộc sống ta sẽ rơi vào khó khăn, bần cùng, túng quẫn. Tuy nhiên, không vì thế mà bằng mọi giá chúng ta phải tìm kiếm nó cho kỳ được, thậm chí là bán cả lương tâm, dạnh dự. Bởi vì, chính tiền bạc dễ lôi cuốn ta đi vào con đường của bóng tối, con đường của tội lỗi.

 

Thật vậy, sự lôi cuốn của tiền bạc rất ghê gớm; nó thu hút chúng ta chạy theo nó, nó sai khiến chúng ta làm những việc xấu xa trái với lương tâm, và có khi cả cuộc đời chúng ta chạy theo nó để mong chiếm hữu được nó. Bởi vậy, người ta mới ví von và tôn sùng tiền bạc như thần thánh: “Đồng tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân…” Người ta coi tiền là trên hết, vô tình biến nó thành ông chủ sai khiến ta hành động theo nó và vì nó. Thậm chí, người ta sãn sàng chết vì tiền, người ta dùng mọi mưu mô chước quỷ và hành động gian xảo cũng vì tiền…, tất cả là vì họ quá phụ thuộc vào tiền bạc, xem tiền bạc là con đường duy nhất đem tới hạnh phúc.

 

Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay, mãnh lực đồng tiền đang chi phối lên mọi hoạt động trong cuộc sống của con người. Thật vậy, con người ngày nay đang chạy theo chủ nghĩa duy vật, với tư tưởng hưởng thụ, nên xem tiền bạc là trên hết, có tiền là có tất cả, có tiền mua tiên cũng được, vô tình họ biến tiền bạc trở thành một ông chủ bậc nhất, cái gì cũng có thể mua được: mua quyền, mua chức tước, mua danh vọng, mua bằng cấp… Và nơi đâu có ông chủ “tiền” hiện hữu, ở đó giải quyết được hết mọi mọi vấn đề: đổi trắng thành đen, đổi đen ra trắng. Ở đâu có ông chủ “tiền” ngự trị, ở đó có đủ mặt bá quan văn võ. Tiền trở thành ông chủ quyền lực, một tay che kín bầu trời, nên cứ theo ông chủ “tiền” sẽ được bênh đỡ chở che, được người khác kính nể và phục vụ tận tình. Chính vì thế, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã gọi tiền bạc là bất chính, nó là đầu mối khơi dậy lòng tham của con người, dù có bao nhiêu cũng không thỏa mãn. Và chính sự tham vọng của con người đã đưa đẩy họ vào sự cạnh tranh, ganh đua để dành giật những đồng tiền bất chính.

 

Tiền bạc là ông chủ lừa gạt, nó có thể dụ dỗ con người làm những chuyện bất chính, bất nhân, bất nghĩa và độc ác. Cũng chính tiền bạc làm cho nhiều người sống trong sự bất công, oan trái… Quả thế, vì đồng tiền mà người ta buôn gian bán lận, xảo trá, lường gạt, trộm cắp… Cũng vì tiền mà người ta cướp giật, giết người và làm những việc ghê tởm... Cũng vì đồng tiền mà cha con từ nhau, vợ chồng xa cách, con cái hư hỏng, huynh đệ tương tàn, cộng đoàn xáo trộn, xã hội bất an…nên người ta gọi tiền là ông chủ bạo chúa, nó có thể biến thành lưỡi dao vô hình chém tan hạnh phúc chính mình và người khác.

 

Tiền bạc là đầy tớ tốt và hữu dụng

 

Nói đến tôi tớ tức là nói đến sự thấp kém, sự phụ thuộc và chịu sự sai khiến của chủ. Người tôi tớ luôn luôn ở trong tình trạng lo sợ và phải tuân phục chủ mình. Một khi “tiền” được xem là tôi tớ của ta và ta là chủ của nó, tiền bạc sẽ trở nên hữu dụng trong cuộc sống, nếu ta biết cách điều khiển nó và sử dụng nó một cách hợp lý và trung tín.

 

Thật vậy, tiền bạc là phương tiện cần thiết cho cuộc sống nếu chúng ta biết cách điều khiển và sử dụng nó một cách khôn ngoan như: không xài hoang phí, không hà tiện, không tham lam nhưng trung tín trong trong cách sử dụng, tiền bạc sẽ là đầy tớ tốt và trung thành.

 

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã dùng một dụ ngôn rất gần gũi với cuộc sống chúng ta, để nói về cách sử dụng tiền bạc. Ngài kể chuyện về một người quản lý, vì phung phí tài sản của chủ nên bị đuổi việc. Nhưng trước khi bị sa thải, anh ta nghĩ ngay đến bản thân mình sẽ làm gì sau khi bị đuổi việc, vì cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Với sự khôn ngoan, anh ta đã tập hợp các con nợ của ông chủ lại, bảo họ ghi giảm lại số nợ, để mong rằng sau này họ sẽ trả ơn mình. Hiển nhiên, ta không thể hiểu dụ ngôn này theo nghĩa đen để bắt chước, nhưng ở đây chúa Giêsu muốn giáo huấn cho chúng ta rằng: phải biết sử dụng tiền bạc sao cho khôn ngoan và trung tín, để tiền bạc trở nên đầy tớ hữu ích cho mình ở đời này và đời sau.

 

Ở đời này, chúng ta phải dùng tiền bạc để đổi lấy bạn hữu, đổi lấy tình thương, đổi lấy sự tương thân tương ái giữa người với mình và giữa mình với người. Ở đời sau, ta dùng của cải như một phương tiện để mua lấy Nước Trời. Nghĩa là ngay giây phút hiện tại này, ta  phải biết chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo, giúp đỡ những người cô thế, cô thân, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh…đó là khi ta đang dùng tiền bạc để đổi lấy Nước Trời. Vì “thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn” (Cn 19,17), ngày sau Ngài trả công ban thưởng cho ta được hưởng hạnh phúc đời đời. Và ai chia sẻ, ai thương giúp người đói khát, thiếu thốn, ngày phán xét Chúa sẽ nói: “Hỡi những kẻ cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc, dành cho các ngươi, ngay từ lúc tạo thành trời đất” (Mt 25,34).

 

Như vậy, tiền bạc là đầy tớ tốt, nó sẽ có lợi cho ta cả đời này lẫn đời sau, nếu ta biết cách điều khiển nó, biết sử dụng nó một cách hợp lý, khôn ngoan, trung tín và không ham muốn lợi lộc thấp hèn. Nhưng để lòng không dính bén đến tiền tài, đòi hỏi chúng ta phải sống tín thác vào Chúa, lấy Chúa làm gia nghiệp đời ta, đồng thời không quá xem trọng và phụ thuộc vào tiền bạc. Bởi vì, một khi ta phụ thuộc vào tiền bạc, nó sẽ trở thành ông chủ của ta. Một ông chủ xấu xa và nham hiểm

 

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con lương thực hàng ngày dùng đủ và dạy chúng con biết chia sẻ với những ai gặp cảnh túng thiếu, ngặt nghèo. Xin cho mỗi người chúng con luôn trung tín trong việc sử dụng tiền bạc, không bám víu vào nó, nhưng luôn bám víu vào Ngài, vì chính Chúa mới là gia nghiệp đời con. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á