Bài giảng

Suy niệm Tin Mừng CN XXIV TN, C: LỖI NHỊP & LẠC MẤT

Qua những lời người con cả thốt lên, chúng ta biết được anh ta chỉ xem cha mình như một ông chủ, chứ không phải là một người cha nhân từ luôn thương yêu anh, người con cả cũng tự mình làm lỗi nhịp và lạc mất trong tình yêu của người cha.

 

LỖI NHỊP & LẠC MẤT

(Lc 15,1-32)

Minh Nguyên

 

Chương 15 Tin mừng theo thánh Lc được xem như bản tóm gọn của Phúc âm này. Bởi lẽ chương 15 này nói lên nội dung Tin Mừng mà chính chúng ta được đón nhận. Đó chính là tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người, một tình yêu nhưng không, tình yêu đối với những người tội lỗi cần được Thiên Chúa cứu chuộc. Cho dù con người có phản bội Ngài đi nữa thì tình yêu của Ngài dành cho con người vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó qua hình ảnh của hai người con trong gia đình, qua thái độ sống của hai người con, phản ảnh chính con người của chúng ta.

 

Thật vậy, khi đọc qua bài Tin mừng hôm nay, nhiều người thường hay suy niệm và chia sẻ về hình ảnh của người cha giàu lòng thương xót và người con thứ tội lỗi ăn năn hối cải. Bản thân người viết lại thấy hình ảnh của mình qua nhân vật người con cả. Một nhân vật mà xét về bề ngoài tưởng chừng như rất ngoan hiền, vâng lời, hiếu thảo với cha, luôn làm theo ý của cha; nhưng khi đoạn Tin Mừng kể đến cuộc đối thoại của người con cả với người cha thì chúng ta hiểu được suy nghĩ, thái độ và hành động của người con cả đối với cha mình như thế nào.

 

Khi nghe tin người em của mình đã trở về, người cha mở tiệc ăn mừng, người anh cả nổi giận và không chịu vào nhà. Đây là thái độ của một con người nhỏ nhoi, ích kỷ, không muốn có sự hiện diện của người em. Anh ta còn kể lể công trạng của mình với người cha. Qua những lời người con cả thốt lên, chúng ta biết được anh ta chỉ xem cha mình như một ông chủ, chứ không phải là một người cha nhân từ luôn thương yêu anh. Những lời anh nói cho thấy chính người con cả đánh mất chính mình trong ngôi nhà của cha, đồng thời anh cũng tự mình làm lỗi nhịp và lạc mất trong tình yêu của người cha.

 

Từ bài Tin Mừng, soi vào chính bản thân của từng người, liệu chúng ta có tự coi mình là những linh mục, ông thầy, bà sơ hay là những tín hữu tốt lành luôn tuân giữ lề luật một cách đầy đủ có phần giống người con cả này chăng: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh” (Lc 15,29).  

 

Câu chuyện có thể chấm dứt một cách tốt đẹp khi bữa tiệc được chuẩn bị. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại thêm phần này vào dụ ngôn?  Có lẽ đây là điều mà Ngài muốn mạc khải cho chúng ta biết về cách thức Thiên Chúa suy nghĩ, cách thức ấy hoàn toàn trái ngược với con người. Như người anh cả xét đoán đứa em thế nào thì người đời cũng đoán xét kẻ tội lỗi như vậy, dù họ đã ăn năn hối cải.

 

Người đời đâu có vui mừng khi thấy một người tội lỗi ăn năn trở lại với Thiên Chúa như Ngài đã làm. Đối với họ, kẻ tội lỗi là một con người xấu xa và đáng khinh chê. Họ còn chống đối lòng thương xót của Chúa nữa. Và đó cũng là lý do để Chúa nói lên dụ ngôn này. Người bị người ta chê trách vì đã làm bạn với bọn thu thuế và tội lỗi, khi những người này tìm đến để với Ngài để được tha thứ và lãnh nhận ơn cứu độ.

 

Như vậy, dù có vấp phạm, chúng ta đừng bao giờ thất vọng, trái lại hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa mà chỗi dậy, mà trở về để được hưởng nhờ ơn Ngài tha thứ.

 

Khi dừng lại để tìm hiểu thái độ của người anh cả, nhờ đó chúng ta hiểu được ý Chúa muốn dạy chúng ta qua dụ ngôn này. Người anh cả trong thời Chúa Giêsu, ám chỉ dân Do Thái. Họ tưởng rằng chỉ họ là trung thành với Thiên Chúa và đáng được Chúa thương, có quyền hưởng gia tài, họ khinh bỉ các dân tộc khác và những kẻ mà lề luật gọi là tội lỗi.

 

Ngày nay, người Công giáo chúng ta cũng nên thận trọng, kẻo lại có cách nhìn và thái độ tự mãn, tự coi mình là nắm hết chân lý, có sự trọn hảo đạo đức, rồi khinh chê, xa tránh và thậm chí thù ghét những người không cùng chia sẻ niềm tin và lối sống như chúng ta.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm nhường, biết nhận lỗi và tự sửa lỗi để được Chúa xót thương. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á