Bài giảng

Suy niệm Tin Mừng CN XXIV, C: THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Niềm hạnh phúc vô biên của người cha cũng chính là niềm hân hoan vui mừng của Thiên Chúa khi tìm lại được người tội lỗi. Qua đó, Thiên Chúa muốn người con cả là những người Pharisêu và các kinh sư hãy cảm thông, tha thứ và chia sẻ niềm vui với Ngài và với người em là những người thu thuế và người tội lỗi.

 

THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

(Lc 15,1-32)

 

Raphael Dũng

 

Chúa Giêsu Kitô là Vị Cứu Tinh quyền thế được Chúa Cha sai xuống trần gian ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Muôn vàn dân nước trên thế giới này đều là đối tượng cần được đón nhận Tin Mừng cứu rỗi. Đặc biệt, Ngài rất để ý lưu tâm đến những người tội lỗi: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Quan niệm của Thiên Chúa về tội nhân hoàn toàn khác hẳn quan niệm của con người. Sự khác biệt này chúng ta gặp thấy trong đoạn bài Tin Mừng Chúa Nhật XXIV thường niên, năm C (Lc 15,1–32). Chúa Giêsu có thái độ cảm thông, tha thứ và muốn người tội lỗi ăn năn sám hối. Bởi vì, đối với Chúa, tội nhân nào cũng có tương lai. Còn thái độ của những người Pharisêu và kinh sư thì coi thường khinh miệt người tội lỗi và thậm chí họ còn lên án cả Chúa Giêsu. Vậy qua cuộc tranh luận giữa những người Pharisêu và kinh sư, Chúa Giêsu đã giải thích cho họ về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa như thế nào?

 

 Có thể nói Chúa Giêsu là nhà sư phạm kiểu mẫu. Ngài rất khéo léo trong vấn đề hội nhập văn hóa và loan báo Tin Mừng, bởi vì các bài giảng của Ngài đều sử dụng những hình ảnh rất quen thuộc, bằng những dụ ngôn phản ánh cuộc sống thường nhật. Cụ thể như bài Tin Mừng hôm nay, Chúa không dùng những lời lẽ hùng hồn hay triết lý cao siêu để giải thích về mầu nhiệm của lòng thương xót và ơn cứu độ, mà Ngài lại dùng ba dụ ngôn để giải thích. Dụ ngôn con chiên lạc, một hình ảnh thân quen trong văn hóa nông nghiệp Do thái thời đó, dụ ngôn đồng tiền bị mất và dụ ngôn người cha nhân hậu. Chủ đề xuyên suốt của cả ba dụ ngôn là “lạc mất và tìm thấy”. Tỉ lệ mất thì tăng dần theo tương quan tiệm tiến. Một trăm con chiên, lạc mất một con, tỉ lệ mất là 1%. Mười đồng tiền, mất một đồng, tỉ lệ mất là 10%. Dụ ngôn thứ ba, tỉ lệ mất là 100%. Mới đọc qua dụ ngôn thứ ba, chúng ta tưởng chừng tỉ lệ mất là 50% nhưng thực tế là mất 100% vì thái độ của người con cả tỏ ra không hài lòng khi người cha hạnh phúc vì người em của anh ta trở về. Anh ta đã bất mãn nổi giận không chịu vào nhà nhưng khi người cha năn nỉ thì anh trả lời: “Cha coi đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con lấy được một con bê để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản với bọn điếm, nay trở về, cha lại giết bê béo để ăn mừng” (Lc 15,29-30). Người cha ân cần trả lời: “mọi sự của cha đều là của con”. Tuy người con cả không bỏ nhà ra đi, luôn ở nhà với cha nhưng anh đã không nhận ra tình thương của cha. Anh đã vô tình đánh mất tư cách làm con, đánh mất tính tự do của ân sủng.

 

Qua ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, trọng tâm là dụ ngôn thứ ba “người cha nhân hậu”. Hình ảnh người cha là điểm nhấn quan trọng. Thông qua nhân vật người cha, thánh sử Luca đã phác họa một hình ảnh Thiên Chúa là Cha - Đấng giàu lòng thương xót. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi tội nhân sám hối trở về để được tha thứ và hưởng ơn cứu độ. Sự hối cải trở về của tội nhân là niềm hạnh phúc vô bờ bến của triều thần thiên quốc như lời loan báo của Chúa Giêsu: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Dòng sông ân sủng của Thiên Chúa luôn tuôn mạch nước trường sinh cho những ai lầm đường lạc lối biết thức tỉnh để quay về với nẻo chính đường ngay. Sự dồi dào của ân sủng Thiên Chúa được thánh Phaolô nói đến trong thư gửi tín hữu Rôma: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

 

Toàn thể nhân loại là con cái Chúa và tất cả mọi người đều có tội, như lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tất cả chúng ta đều là tội nhân”. Do đó, những người Pharisêu và các kinh sư, các người thu thuế và người tội lỗi mà bài Tin Mừng hôm nay nói đến đều là con cái Chúa và đều là tội nhân. Người con cả trong dụ ngôn thứ ba là đại diện cho nhóm nhân vật: những người Pharisêu và các kinh sư. Người con thứ là đại diện của nhóm nhân vật: những người thu thuế và người tội lỗi. Người cha trong dụ ngôn thứ tha thiết mời gọi, thậm chí năn nỉ người con cả: “Chúng ta ăn mừng, phải vui vẻ vì em con đây đã chết và nay sống lại, đã mất và nay lại tìm thấy” (Lc 5,32).

 

Niềm hạnh phúc vô biên của người cha cũng chính là niềm hân hoan vui mừng của Thiên Chúa khi tìm lại được người tội lỗi. Qua đó, Thiên Chúa muốn người con cả là những người Pharisêu và các kinh sư hãy cảm thông, tha thứ và chia sẻ niềm vui với Ngài và với người em là những người thu thuế và người tội lỗi. Sự công chính của những người Pharisêu và các kinh sư mới ở mức độ dựa trên mặt chữ qua việc tuân giữ lề luật. Còn sự công chính mà Thiên Chúa đòi hỏi phải nằm ở con tim, ở cõi lòng, một con tim quảng đại, một tấm lòng bao dung biết cảm thông và tha thứ. Chính thái độ coi thường khinh miệt mà họ dành cho người tội lỗi là thiếu bác ái, mà thiếu bác ái là chưa chu toàn huấn lệnh của Thiên Chúa là mến Chúa và yêu người.

 

Tóm lại, Lời Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay, qua ba dụ ngôn, thánh sử Luca trình bày hai vấn đề quan trọng nòng cốt. Điểm nhấn thứ nhất qua hai dụ ngôn đầu đề cập đến việc Thiên Chúa đi tìm kiếm người tội lỗi qua hình ảnh người mục tử đi tìm con chiên lạc và người phụ tìm cho kỳ được đồng tiền bị mất. Vấn đề thứ hai nằm ở dụ ngôn thứ ba nhấn mạnh đến thái độ Thiên Chúa đón nhận người tội lỗi trở về qua thái độ, cử chỉ âu yếm của người cha khi người con thứ trở về: “Anh ta còn đứng đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,21).

 

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay là bài học quý giá cho mọi Kitô hữu qua mọi thời đại, là tấm gương phản chiếu soi rọi lương tâm của mỗi người Kitô hữu. Bởi vì trong thâm tâm của mỗi Kitô hữu chúng ta có khi mang tâm trạng bất mãn ghen tỵ của người con cả, có khi nhìn tha nhân với thái độ khinh miệt coi thường như những Pharisêu và các kinh sư. Đồng thời, lắm lúc cũng sa ngã tội lỗi như người con thứ. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận mình yếu đuối sai lỗi nhiều để được Chúa tha thứ. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á