Bài giảng

Suy niệm Tin Mừng CN IV TN, năm C: "Ngôn Sứ: Người vượt lên trên tình cảm cá nhân" (M. Damas)

Ki-tô hữu là người cắm rễ trong lịch sử, nhưng tự bản chất vẫn là người của tương lai, của điều sẽ đến. Thiên Chúa luôn có những đường lối bất ngờ và con người phải chọn lựa, phải đáp lại bằng đức tin.

 

Lc 4, 21-30

"Ngôn Sứ: Người vượt lên trên tình cảm cá nhân"

M. Damas

Những ngày cuối năm, người việt nam dù đang ở trên chính quê hương hay sinh sống ở một nơi nào đó nếu không thể trở về quê hương thì cũng hướng về cội nguồn, hoài niệm quê cũ. Bởi dù đi đâu hay ở đâu thì quê hương vẫn là nơi thiêng liêng mà ai cũng muốn tìm về. Ngày trở về của nhạc sĩ Hoài Linh là ngày gặp lại những kỷ niệm một thời yêu dấu: “Trên con đường thăm nhà gặp cô gái đi qua, da trắng như màu áo, môi hé nụ hoa đào, như quen mà xa lạ, bồi hồi chợt nhớ ra, Ϲô bé ngàу xưa đó chung ngõ ở xóm nhà” (Cô bé ngày xưa). Gặp lại người xưa không những là niềm vui mà nhiều khi còn là hy vọng, tác giả bài hát trên khi gặp được cô gái chung ngõ đã không còn muốn ra đi nữa nên đã: “thưa với mẹ con sẽ, ở nhà đến suốt đời”. Thế nhưng, đối với những người môn đệ Đức Kitô với sứ vụ của mình, nhiều khi những gì là gắn bó, thân thương như quê hương lại là rào cản, là cớ vấp phạm cho sứ điệp của Tin Mừng. Vì thế, người môn đệ phải là người vượt lên trên tình cảm cá nhân. Sự thất bại của Chúa Giêsu ở Nazareth trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ đem lại cho ta nhiều bài học quan trọng cho sứ vụ rao giảng của người môn đệ.

Đức Giêsu rời bỏ quê hương Nazareth đi rao giảng Tin mừng, nhưng Ngài cũng không quên xứ sở của mình, Ngài cũng trở về thăm quê hương Nazareth. TM hôm nay thuật lại cuộc trở về Nazareth lần thứ nhất của Đức Giêsu. Thế nhưng, Ngài không có ý trở về quê quán với tính cách riêng tư cốt chỉ thăm lại ngôi nhà và những người thân cũ. Ngài trở về với các môn đệ của mình, với tư cách giảng sư, một người đi rao giảng Tin Mừng. Chính ở đây, Đức Giêsu bị khước từ do chính bà con lối xóm. Người ta dù có thán phục những lời rao giảng của Ngài nhưng cuối cùng cũng khinh thường theo kiểu: “Ông ta không phải là con ông Giuse đó sao”?  Chuyến đi không thành công. Thất bại của Ðức Giêsu tại chính quê hương của mình cho thấy những giới hạn của một cuộc ra đi như thế. Sự từ chối của dân làng Nadareth báo trước sự từ chối của nhân loại trước mầu nhiệm Thiên Chúa, trước tình yêu của Ðấng muốn trao tặng tất cả. Thái độ này cũng đã hé mở số phận của Ðức Giêsu, tức là mầu nhiệm thập giá. Nỗi kinh ngạc của Ðức Giêsu trước thái độ quyết liệt của những người đồng hương cũng là nỗi kinh ngạc của một vị Thiên Chúa mang đến tất cả và bị từ chối tất cả. Ðó cũng là nỗi kinh ngạc của các sứ giả Tin Mừng, khi lời nói và hành động của họ không chiều theo sở thích của con người thời đại.

Về phần mình, dù bị bà con quê hương từ chối, Ðức Giê-su vẫn tiếp tục công cuộc rao giảng của Ngài, Ngài đi hết chỗ này đến chỗ kia : lời của Người không còn bị đóng khung trong Hội đường hay trong vòng bà con thân thuộc, nhưng vang xa hơn. Lời ấy đến với một người nghèo, một người bệnh và họ được giải thoát. Lời của Người không chỉ là những từ ngữ, nhưng còn là hành động cứu người nghe khỏi tình trạng khốn khổ. Họ tín nhiệm vào Người, họ "tin" vào Người. Họ nhận ra lời Người thật "sống động" và họ hiểu rõ: đó là lời Thiên Chúa. Họ nhận ra tính cách thần linh ẩn giấu nơi một con người bình thường. Nhờ đó, sứ điệp Tin Mừng không ngừng được lan truyền đến khắp cùng cõi đất.

Ki-tô hữu là người cắm rễ trong lịch sử, nhưng tự bản chất vẫn là người của tương lai, của điều sẽ đến. Thiên Chúa luôn có những đường lối bất ngờ và con người phải chọn lựa, phải đáp lại bằng đức tin. Khi con người muốn đóng khung Thiên Chúa vào những thành kiến hẹp hòi của mình, thì cũng là lúc họ đóng lại con đường ân sủng. Trên con đường truyền giáo, Đức Giêsu đem các môn đệ đi theo để huấn luyện các ông. Trong việc huấn luyện cũng cần thấy sự thất bại, chứ không phải chỉ nhìn thấy thành công. Người môn đệ Đức Kitô hôm nay, cũng có thể gặp phải sự coi thường của người khác theo kiểu: “ông ấy không phải là con bác thợ mộc sao”?, ông ấy không phải cùng thuộc về một cộng đoàn, một hệ thống xã hội, một nền đạo đức như chúng ta sao?. Dầu vậy, người môn đệ cũng phải chấp nhận lội ngược dòng, không thể sống theo phong trào hay “hiệu ứng đám đông”, dù biết rằng sống như vậy sẽ phải lẻ loi, cô lập và chống đối. Như nathan với Đavid, như Êlia với vua Akháp, người môn đệ là người phải “lên tiếng lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện”, cho dù những rào cản ấy lại chính là những gì thân thiết với bản thân mình, là bà con thân thuộc hay là quê hương yêu dấu.

Thực trạng về sự thành kiến nơi những người đồng hương với Đức Giêsu khi xưa, hôm nay vẫn còn đây đó nơi chúng ta. Vì thói ích kỷ, kỳ thị, định kiến, ác cảm, nên ta hay giam người anh em mình trong quá khứ và không bao giờ cho họ cơ hội để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta bài học quan trọng: Thiên Chúa gọi chúng ta, ngỏ lời với chúng ta, không phải qua những con người có dáng vẻ siêu đẳng, nhưng qua những con người rất bình thường. Chính Thiên Chúa vẫn hiện diện nơi những con người yếu đuối, mỏng manh. Họ là những sứ giả của Thiên Chúa và chúng ta phải nhận ra sự hiện diện kỳ diệu của Người. Họ có thể là một người bệnh, một người xa lạ, hay là một người thân…Bởi vì, con đường ân sủng vẫn mở rộng nếu chúng ta luôn giữ trong lòng niềm hy vọng sống động. Quả thật, để bày tỏ chính mình, Thiên Chúa cần đến con người. Thiên Chúa đi những bước trước, nhưng Người đợi chúng ta đáp trả. Người gõ cửa, nhưng Người chỉ bước vào khi chúng ta mở cửa.  Cánh cửa của niềm tin là cánh cửa đi vào cõi sống.

Thiết kế Web : Châu Á