Bài giảng

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN, NĂM A (Minh An)

Để chờ đợi ngày cánh chung thì con người không những sẵn sàng tỉnh thức đợi chờ -vì Chúa sẽ đến bất ngờ- nhưng còn phải biết cố gắng làm phát sinh những ơn ích cho mình và cho Thiên Chúa trong khi chờ đợi.

 

Mt 25, 14-30

 

SINH LỢI CHO CHÚA”

 

Ắt hẳn trong cuộc đời của mỗi người, ai ai cũng muốn làm ra những lợi nhuận và đón nhận những phần thưởng xứng đáng với công sức mình đã bỏ công ra làm. Thế nhưng, bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu lại phản ánh một thực trạng khác với suy nghĩ của nhiều người là cũng có người không muốn làm lợi cũng chẳng cần phần thưởng ai ban. Dụ ngôn “những yến bạc” mà Chúa Giêsu đã kể, chứng minh thực trạng đó.

Thánh sử Matthêu đã diễn tả đậm nét hai thực trạng khác nhau của hai hạng người mà Chúa Giêsu đã kể trong dụ ngôn:

Hạng người thứ nhất, được đón nhận những gì của chủ trao ban, họ đã tìm cách làm sinh lợi thêm ra từ những gì có sẵn bằng tài khéo và sự cố gắng của mình: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây” (Mt 25, 20). Kết quả đạt được của sự cố gắng để làm lợi cho ông chủ là được chủ ban thưởng xứng đáng: “Khá lắm! Anh chính là đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25, 21).

Hạng người thứ hai, cũng được đón nhận những gì chủ trao ban theo khả năng, nhưng anh ta đã rất lười biếng, không cố gắng cho đủ, không tìm cách làm phát sinh thêm từ những gì mình đang có, anh biện hộ vì sợ... nên không chịu làm lợi. Hậu quả anh nhận được từ ông chủ là những lời khiển trách và hình phạt nặng nề, bị loại ra ngoài và phải chịu cảnh khóc lóc nghiến răng (Mt 25, 24-30).

Thực ra, tác giả Tin Mừng thứ nhất, không cố ý phê phán hay lên án những kẻ lười biếng, không muốn làm sinh lợi cho chủ của mình, nhưng Matthêu đã rất tài khéo đặt câu chuyện dụ ngôn “những yến bạc” trong bối cảnh Chúa Giêsu đang giáo huấn về ngày cánh chung. Đích điểm cuối cùng của con người ta là ai ai rồi cùng phải trải qua ngày “cánh chung”. Để chờ đợi ngày cánh chung thì con người ta không những sẵn sàng tỉnh thức đợi chờ, vì Chúa sẽ đến bất ngờ, nhưng còn phải biết cố gắng làm phát sinh những ơn ích cho mình và cho Thiên Chúa trong khi chờ đợi. Có như thế, họ xứng đáng đón nhận phần thưởng Chúa ban là vào hưởng niềm vui với Chúa: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh”.

Ông chủ trong bài Tin Mừng đã yêu cầu các đầy tớ thanh tóan sổ sách, tức là nói đến bối cảnh tòan thể của ngày cánh chung. Người thứ nhất, nhận Năm  yến, nhưng sinh lợi thêm Năm yến khác. Người thứ hai, nhận Hai yến và cũng đã làm sinh lợi thêm Hai yến khác... nên ông chủ đã khen ngợi và thưởng công xứng đáng. Còn người thứ ba đã nhận Một yến, anh đã không biết làm sinh lợi mà còn nói lên những lời xúc phạm đến ông chủ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này” (Mt 25, 24-25). Chính thái độ này, đã làm cho anh nhận lấy hậu quả là sự nổi giận của ông chủ và bị lấy lại những gì anh đang có, đồng thời, anh bị loại ra ngoài, nơi anh phải chịu khóc lóc nghiến răng.

Kitô hữu chính là công dân của Nước Thiên Chúa. Những công dân này được Chúa dùng để làm lợi cho Nước Trời. Chúa luôn trao cho họ một khỏan vốn, cho dù là nhiều hay ít, Ngài muốn những khỏan vốn đó được sinh lợi chứ không bị chết nghẹt.

Người Kitô hữu cũng là một người đầy tớ, một quản lý của Chúa, được Chúa tin cậy giao phó, được yêu cầu đầu tư, được mong mỏi làm sinh lợi. Do vậy, Kitô hữu phải dùng tất cả mọi khả năng của mình, để làm cho những gì Chúa ban được sinh lợi nhiều nhất cho Người. Nhưng để được sinh lợi thì kitô hữu phải cần đến công sức, tính toán, sáng tạo, và nhất là làm với tất cả lòng yêu mến, bằng khả năng mình có, bằng ý chí và sức mạnh, bằng sự nhiệt huyết và có trách nhiệm thì mới mong sinh lợi được nhiều. Nếu Kitô hữu là người thích an nhàn, lười biếng nhưng đòi hỏi hưởng thụ thì những đồng vốn được trao cũng sẽ bị thui chột, chết nghẹt và có lẽ Chúa sẽ bắt họ bồi thường cả vốn lẫn lời.

Thiên Chúa luôn ban cho con người những thứ quan trọng, cần thiết... nhưng theo khả năng của mỗi người (thời gian, sức khỏe, tài năng...). Con người phải biết vận dụng thế nào để sinh lợi cho chính mình trước tiên, rồi sau đó mới tính đến sinh lợi cho Chúa và tha nhân.

Thiên Chúa rất hài lòng, khi mỗi kitô chúng ta biết nhận ra những ân huệ Người ban và làm cho những ân huệ đó sinh lợi thật nhiều cho Chúa và tha nhân. Người sẽ căn cứ vào kết quả của việc làm sinh lợi mà ban thưởng phần phúc cho chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nỗ lực phấn đấu từng ngày, từng giờ để chúng con sinh đuợc nhiều hoa trái tốt đẹp cho Chúa, cho Giáo Hội và cho mọi người...

 

Minh An.

 

Thiết kế Web : Châu Á