Bài giảng

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM B (Minh An)

Phải tỉnh thức, vừa là một lời mời gọi, nhưng cũng là một mệnh lệnh quan trọng của Đức Giêsu dành cho các môn đệ của Người.

 

"TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA"

 Mc 13, 33-37

 

Chúa Nhật đầu tiên của Năm Phụng Vụ năm B, Giáo Hội cho chúng ta đọc bài Phúc Âm Marcô 13, 33-37, nhằm mời gọi con cái của mình phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng để chờ đợi ngày Chúa đến, như các đầy tớ đợi ông chủ về. Không phải chúng ta chỉ chuẩn bị tâm hồn cho thanh sạch, trang hòang bên ngoài cho lộng lẫy… để mừng kỷ niệm ngày Con Chúa Giáng Sinh (Noel), nhưng sâu xa hơn thế nữa là tỉnh thức, sẵn sàng trong mọi tư thế, trong mọi hoàn cảnh để đón chờ ngày Chúa quang lâm (tận thế) chung và riêng của từng người.

Không phải chỉ riêng các môn đệ theo Chúa, hay những người được mang danh “tuyển chọn” mới phải tỉnh thức, nhưng tất cả mọi người, không trừ một ai đều được mời gọi phải tỉnh thức và luôn luôn trong tư thế sẵn sàng như người tôi tớ trung thành đang tỉnh thức chờ đợi chủ về: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức!” (c.37).

Phải tỉnh thức, vừa là một lời mời gọi, nhưng cũng là một mệnh lệnh quan trọng của Đức Giêsu dành cho các môn đệ của Người. Lý do phải tỉnh thức là bởi vì con người ta chẳng biết ngày nào, giờ nào Chúa sẽ đến: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (c. 34). Lý do thứ hai cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phải tỉnh thức là ông chủ sẽ trở về ban đêm, nhưng không biết sẽ về giờ nào trong đêm tối đó: Vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” (c. 35). Ban đêm, hay bóng tối tưởng trưng cho sự ác, sự dữ và tội lỗi… Trong bóng tối con người ta dễ bị sa ngã hơn khi ở trong ánh sáng như: say sưa, ngoại tình, cướp bóc… Do vậy, người môn đệ theo Chúa Giêsu nói riêng và mỗi kitô hữu nói chung cần phải tỉnh thức, canh chừng để không bị bóng tối này lôi kéo theo nó, và khi ông chủ trở về sẽ không sẵn sàng để đón tiếp.

 Để chứng minh cho sự bất ngờ ngày Chúa đến, Đức Giêsu đã kể cho các môn đệ của Người cũng như cho mọi kitô hữu chúng ta nghe câu chuyện dụ ngôn về ông chủ trẩy đi phương xa, nhưng không hẹn ngày về. Chính vì không hẹn ngày về mà các tôi tớ của ông chủ không thể tiên liệu những gì theo ý riêng mình. Bởi thế, các tôi tớ của ông chủ buộc phải canh thức để đợi chủ, nhất là người giữ cửa. Thật ra, người môn đệ theo Chúa Giêsu vừa là gia nhân, vừa là người giữ cửa, nên họ phải là người vừa làm việc, vừa canh thức. Hay, nói cách sâu xa hơn, những gia nhân của ông chủ ở đây, được hiểu như là các nhà lãnh đạo trong các cộng đoàn kitô hữu, còn Đức Giêsu mới là ông chủ đích thực. Khi Đức Giêsu lìa bỏ thế gian này để về với Cha, Người đã giao tòan quyền cho các môn đệ của Người, nên các ông có nhiệm vụ phải làm sao sinh lợi cho Nước Chúa, nhưng cũng phải trong tư thế sẵn sàng chờ đợi ngày Người đến đem các ông đi (x. Mt 28, 16-20). Mỗi kitô hữu cũng được mời gọi luôn làm lợi cho Chúa, sinh ích cho Giáo Hội, cho tha nhân qua việc phục vụ tận tâm, nhưng luôn phải ở trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng, để đón ngày Chúa đến với mình, nếu chỉ lo cho lợi ích của người khác thôi mà chính mình phải thiệt mạng sống thì nào có ích lợi chi! (x. Mc 8, 36-38).

Khi Chúa Giêsu nói đến việc các môn đệ của Người phải tỉnh thức như các đầy tớ trong dụ ngôn, là Người muốn nhấn mạnh đến thái độ sống của các môn đệ, cũng như mỗi kitô hữu chúng ta luôn luôn phải gắn kết cuộc sống của mình với Đức Giêsu và sẵn sàng trả lời với Người về những công việc đã thực hiện mà Người đã giao phó cho mình, chứ không phải là một sự đòi hỏi canh thức về phương diện thể lý. Tuy nhiên, nếu xét về việc tỉnh thức theo phương diện thể lý thì đó cũng là một điều xứng hợp, vì chỉ có tỉnh thức, hay canh chừng theo phương thế này, thì con người ta mới có thể nhận diện ra được những sự kiện đang xảy ra bên mình và tìm  cách tốt nhất để đối phó.

Như thế, lời mời gọi có phần khẩn thiết của Chúa Giêsu là phải tỉnh thức và sẵn sàng dành cho các môn đệ nói riêng và với mỗi kitô hữu chúng ta nói chung, nhằm nói đến một sự thật đúng nghĩa ngày cánh chung giúp các môn đệ có cái nhìn sáng suốt hơn về những gì xảy đến để giải thích một cách đúng đắn các thực tại và không bị lừa gạt bởi những thế lực đang ẩn náu trong bóng đêm.

Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng để đón chờ ngày Chúa đến không còn phải là thái độ riêng của người môn đệ trung thành với Đức Giêsu, nhưng họ còn có bổn phận phải loan truyền cho thế giới đồng loại biết rằng, sẽ có biến cố Chúa giáng lâm lần nữa. Tuy nhiên, cuộc giáng lâm lần thứ hai này chẳng ai biết ngày nào, giờ nào, chính Chúa Giêsu cũng không biết ngày đó, chỉ có Chúa Cha mới biết mà thôi: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13, 32). Do vậy, người môn đệ trung tín của Đức Giêsu, phải nói cho mọi người biết và ở trong tư thế tỉnh thức, sẵn sàng để khi Chúa đến, họ cũng được vui vẻ ra đi vào hưởng hạnh phúc với Người.

Tắt một lời, thái độ tỉnh thức và sẵn sàng ra nghênh đón Chúa, không còn phải là thái độ chỉ dành riêng cho những người được “tuyển chọn”,  nhưng là thái độ chung của mỗi người. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó:“Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức!” (c.37). Chúng ta hãy chú tâm đến lời mời gọi và cũng là lệnh truyền của Chúa Giêsu về việc “hãy tỉnh thức và sẵn sàng để khi Chúa đến bất ngờ, chúng ta vẫn ra tiếp đón Người trong niềm vui, bình an… và theo Người vào hưởng hạnh phúc Người ban.

 

Minh An

 

Thiết kế Web : Châu Á