Bài giảng

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm C (M. Phêrô Bình)

Qua trình thuật của thánh Luca, chúng ta thấy Đức Giêsu chịu cám dỗ theo nhịp độ tăng dần và quyết liệt hơn, thế nhưng Người không bị nao núng. Người đã làm cho ma quỉ phải chịu thất bại cay đắng.

ĐỨC GIÊSU CHỊU CÁM DỖ

(Lc 4,1-13)

 

 M. Phêrô Bình

Thánh Gioan Kim Khẩu đã từng quả quyết rằng: “Trên đời này không ai mà không bị cám dỗ”. Thật vậy, con người thường chịu tác động của ba thù: ma quỉ, thế gian và xác thịt. Những cám dỗ mà con người thường gặp là ham muốn vật chất, quyền bính và danh vọng. Đức Giêsu cũng là con người, Người cũng từng chịu cám dỗ như chúng ta. Bài Tin mừng hôm nay, thánh sử Luca đã cho chúng ta thấy Đức Giêsu vào hoang địa, ở đó Người chịu cám dỗ (x. Lc 4,1-13). Vậy Đức Giêsu đã chịu cám dỗ như thế nào?

Sau khi Đức Giêsu ăn chay và cầu nguyện trong sa mạc 40 đêm ngày, Người chịu cám dỗ. Trước hết, ma quỉ cám dỗ Đức Giêsu về cơm bánh. Đó là cám dỗ rất thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của con người. Con người muốn sống thì phải ăn. Đặc biệt khi Đức Giêsu ở trong sa mạc 40 đêm ngày không ăn uống gì, chắc Người rất đói. Ma quỉ biết được điều đó nên đã cám dỗ Đức Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4,3). Đối với Đức Giêsu, việc biến hòn đá thành bánh là hành động hết sức đơn giản, vì Người là Thiên Chúa quyền năng, có thể làm được tất cả mọi sự. Chính Đức Giêsu đã từng hóa bánh ra nhiều (x. Lc 9,16) để nuôi dân chúng, và biến nước thành rượu ngon cho tiệc cưới có niềm vui trọn vẹn (x. Ga 2,7). Thế nhưng, Đức Giêsu đã không chiều theo ý của ma quỉ. Người đã dùng lời Kinh Thánh để hướng tới một loại bánh khác cao trọng hơn, đó là bánh Lời Chúa: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4), “mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Qua đó, Đức Giêsu cho thấy, con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn phải sống bằng lời của Thiên Chúa nữa. Vì thế, vượt xa hơn những đòi hỏi của sự sống thế tạm và vật chất, là sự sống thiêng liêng được nuôi bằng lời Thiên Chúa.

Thứ đến, ma quỉ cám dỗ Đức Giêsu về quyền bính thế gian. Đây là một cám dỗ rất dễ dãi, chỉ cần bái lạy hay chiều theo ma quỉ thì sẽ được tất cả những lợi lộc, vinh hoa phú quý ở đời này: “Nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,7). Đây là cạm bẫy khá hấp dẫn, con người rất dễ sa ngã. Trong thực tế, đã không ít người vì tham lam lợi lộc trần thế, họ đã đánh mất chính mình, bán rẻ linh hồn cho ma quỉ. Còn với Đức Giêsu thì không, Người đã dứt khoát không chiều theo ý của ma quỉ, và Người dùng Lời Chúa để đáp trả lại: “Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ một mình Người mà thôi (Lc 4,8). Qua đó, Chúa Giêsu muốn khẳng định con người chỉ thờ một mình Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra, không còn chúa nào khác. Bởi vì, không có quyền lực nào có thể cứu độ được thế gian, nhưng chỉ có quyền lực của Thiên Chúa, qua Người Con yêu dấu của Ngài, thế gian mới được cứu độ. Nhờ Đức Giêsu tử nạn và phục sinh, tất cả những ai cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ (x. Rm 10,13).

Cuối cùng, ma quỉ cám dỗ Đức Giêsu về danh vọng. Khi nói đến danh vọng ai chẳng ham, chẳng muốn? Con người muốn có quyền cao chức trọng để khẳng định mình trong xã hội. Bởi vậy, ma quỉ đã đánh trúng điểm yếu của con người, đó là sự tò mò, kiêu ngạo và háo danh. Nguyên tổ Adam và Evà cũng đã bị khuất phục và sa chước cám dỗ, vì muốn bằng Thiên Chúa. Ma quỉ cũng cám dỗ Đức Giêsu như vậy, khi đem Người lên nóc Đền Thờ và thử thách Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi” (Lc 4,9). Ma quỉ đã khiêu khích Đức Giêsu nhưng đã không thành. Người không chiều theo ý muốn của ma quỉ, nhưng đáp lại: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi!" (Lc 4,13).

Qua trình thuật của thánh Luca, chúng ta thấy Đức Giêsu chịu cám dỗ theo nhịp độ tăng dần và quyết liệt hơn, thế nhưng Người không bị nao núng. Người đã làm cho ma quỉ phải chịu thất bại cay đắng.

Cũng vậy, ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn, con người lại sống buông thả. Đó là môi trường, là cơ hội thuận tiện cho ma quỉ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ, nhưng chung quy về ba mục tiêu: danh, lợi, thú. Sự cám dỗ bao giờ cũng đi từ những nhu cầu rất thực tế, và thời điểm rất phù hợp. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Marta, ngày 8/5/2018: “Ma quỉ quyến rũ chúng ta, biết cách chạm vào sự hư danh phù vân của ta, biết cách khơi dậy sự tò mò của ta, và thế là chúng ta sa vào cơn cám dỗ”.

Do đó, chúng ta phải rất cẩn thận với chước cám dỗ của ma quỉ. Chúng ta đừng để cho ma quỉ có cơ hội cám dỗ. Trong “Binh Pháp Tôn Tử” có câu: “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” - tức là trong ba mươi sáu kế, chạy là kế hay nhất. Nhưng nếu phải đối diện với cơn cám dỗ, chúng ta hãy học Đức Giêsu cách thức để chống trả và lướt thắng. Mặc dầu là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu không cậy sức mình. Khi bị cám dỗ, Ngài luôn luôn bám lấy và sử dụng Lời của Thiên Chúa để làm vũ khí chiến đấu với ma quỉ. Hơn nữa, chúng ta hãy sống tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng, như lời của Chúa Giêsu: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ" (Mt 26,41).

Như vậy, đã là con người, ai cũng phải đi qua thử thách cám dỗ. Tuy nhiên, bị cám dỗ chưa phải là tội, nếu chúng ta không thỏa hiệp với ma quỉ, nhưng biết thành tâm cậy nhờ ơn Chúa, cầu nguyện với Chúa, như trong Kinh Lạy Cha chúng ta đọc: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Hơn nữa, chính trong những cám dỗ và thử thách mà Đức Giêsu đã trải qua, Người liên đới sâu xa với tất cả những con người chịu cám dỗ và thử thách để cứu giúp họ: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,18). Như vậy, Người tự gánh lấy những cám dỗ, và mang trên thân mình sự yếu hèn của chúng ta, để đánh bại sự dữ và mở ra cho chúng ta con đường hướng về Thiên Chúa. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á