Bài giảng

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm C (M. Isidoro An)

Ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu khi xưa vẫn luôn là một thách đố cho mỗi người chúng ta hôm nay. Cách mà Chúa Giêsu vượt thắng các cơn cám dỗ ấy, đó là Người nghiền ngẫm lời Kinh thánh, áp dụng lời Kinh thánh và hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.

CHÚA GIÊSU CHỊU CÁM DỖ

(Lc 4,1-13)

M. Isidoro An

Mùa Chay là mùa ăn năn sám hối, tỉnh thức và cầu nguyện. Mùa Chay nhắc nhớ chúng ta biết trở về với cõi lòng mình, nhìn nhận những thiếu sót yếu đuối và cầu xin ơn Chúa để canh tân sửa đổi đời sống, hầu sống xứng đáng là con Thiên Chúa hơn.

Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay năm nay, Giáo hội cho chúng ta nghe bài Tin mừng của thánh Luca, về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Có đến ba cuộc cám dỗ, cám dỗ đầu tiên là cám dỗ về vấn đề lương thực.

Thánh Luca kể lại: Khi hết thời gian 40 ngày trong hoang địa và trong những ngày đó, Người không ăn uống gì cả và Người cảm thấy đói. Lợi dụng điều đó quỷ đã dụ dỗ Chúa Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi” (c.3). Câu nói nghe có vẻ đơn giản, hợp tình hợp lý nhưng đó là một sự cám dỗ rất tinh vi, đánh vào nhu cầu thiết yếu hằng ngày của con người là lương thực. Quỷ đã dùng nó để tìm cách làm cho Chúa Giêsu lạc xa chương trình của Thiên Chúa, không tuân theo thánh ý và đánh mất đi ý nghĩa sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa. Quỷ nhấn mạnh: “Nếu ông là Con Thiên Chúa”. Nói như vậy để Người ý thức về tư cách của mình, đồng thời nó xúi Người dùng quyền năng của Thiên Chúa để giải quyết tạm thời nhu cầu trước mắt.

Để chống trả cơn cám dỗ ấy, Chúa Giêsu đã trích lời Kinh thánh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4), “mà còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Tất nhiên, nhu cầu lương thực hằng ngày là chính đáng, con người cần có nó để tồn tại, nhưng Chúa Giêsu còn đi xa hơn, vượt qua những gì là tạm bợ. Người cho ta biết con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, là lương thực có thể nuôi sống con người trong hiện tại, mà con người còn sống nhờ lời Thiên Chúa như của ăn linh thiêng, đem lại cuộc sống vĩnh cửu.

Cám dỗ thứ hai là cám dỗ về quyền lực, danh vọng, về những vinh hoa lợi lộc của thế gian. Để thực hiện cám dỗ này, quỷ đem Chúa Giêsu lên núi cao và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ, rồi nói: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (c.6-7).

Quyền lực, danh vọng, vinh hoa phú quý là những cám dỗ lớn nhất đối với con người, ai cũng muốn có nó, không ai khước từ. Có nó để thể hiện cái tôi, cái uy của mình và có nó để thỏa mãn các nhu cầu tham vọng của mình. Quỷ đã dùng nó để cám dỗ Chúa Giêsu, hứa ban cho Ngài hết thảy chỉ với một điều kiện duy nhất là phục lạy nó. Nếu phục lạy nó thì đồng nghĩa với việc phải tôn kính thờ phượng nó, điều mà vốn dĩ chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi, và nếu như bái lạy nó, tức là đã khước từ chính Thiên Chúa và hướng con người đến chỗ kiếm tìm quyền lực danh vọng.

Để đáp trả lại, Người nói: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng Người một mình mà thôi” (c.8). Như thế, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất để cho chúng ta thờ phượng, tìm kiếm và yêu mến Người mà thôi.

Cám dỗ thứ ba, là cám dỗ về sự quan phòng, về chương trình của Thiên Chúa. Để thực hiện cám dỗ này, quỷ đưa Chúa Giêsu lên nóc đền thờ và bảo Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đứng đây mà gieo mình xuống đi” (c.9). Hơn nữa, quỷ còn tinh vi hơn khi trích dẫn lời Kinh thánh để làm chỗ dựa cho cho lời cám dỗ đó: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (c.10-11). Quỷ dùng Kinh thánh để dụ dỗ Chúa Giêsu, một điều rất nguy hiểm nếu như không sáng suốt phân định các tiếng nói đó. Nếu như cứ luôn lấy hoàn cảnh của mình đang lâm phải mà cột chặt vào lời Kinh thánh, lấy Kinh thánh để biện hộ hay cụ thể hóa cho hành động của mình, thì con người đang lèo lái lời Chúa theo ý mình, chứ không phải để cho lời Chúa hướng dẫn đời mình, như thế cũng đồng nghĩa với việc không tuân theo thánh ý Chúa. Đáp trả lại, Chúa Giêsu nói: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (c.12). Chúa Giêsu luôn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Người không nghe theo lời cám dỗ, không tìm cho ý riêng của mình được hiện thực, nhưng Người phó thác và trung thành vâng theo thánh ý Thiên Chúa.

Ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu khi xưa vẫn luôn là một thách đố cho mỗi người chúng ta hôm nay. Cách mà Chúa Giêsu vượt thắng các cơn cám dỗ ấy, đó là Người nghiền ngẫm lời Kinh thánh, áp dụng lời Kinh thánh và hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Khi lấy lời Kinh thánh để chống lại các cơn cám dỗ, đó là lúc Chúa Giêsu cho chúng ta biết lời Kinh thánh có sức mạnh dường nào. Vịnh gia đã cảm nghiệm được điều đó nên viết rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi tỏ con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Và Chúa Giêsu cũng đã nói: “Vậy ai nghe lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7,24-25). Khi chúng ta noi gương Chúa mà làm được như thế, đó là lúc chúng ta đang từng bước đẩy lui dần các cơn cám dỗ và ngày càng hoàn thiện hơn ơn gọi Kitô hữu của mình.

Lạy Chúa, giữa một cuộc sống đầy những thử thách và cám dỗ luôn rình rập chúng con, xin Chúa cho chúng con có thêm niềm tin, thêm lòng say mến lời Chúa và biết lấy lời Chúa ra thi hành, để chúng con có thể vượt thắng được các cơn cám dỗ, hầu sống xứng đáng là con cái Chúa hơn. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á