Bài giảng

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXX Thường Niên, Năm B (M. Pacômiô)

Điều quý giá nhất mà anh mù đã nhận chính là anh đã gặp Đức Giêsu Kitô.

 

 Mc 10,46-52

“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavit, xin rủ lòng thương tôi” (Mc 10,47)

Đan sĩ: M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh

Nếu cuộc sống con người là một cuộc hành trình thì vẫn còn đó có biết bao người phải sống bên lề cuộc hành trình đó. Đó là những người kém may mắn vì phải mang trong mình tật nguyền về thể lý hay tâm linh, những con người mà xã hội bỏ rơi không thèm để ý đến. Thế nhưng, chính những con người xấu số đó, lại được Đức Giêsu quan tâm đến nhiều hơn cả. Bằng chứng là phần lớn các phép lạ Đức Giêsu làm đều xảy ra cho những người què quặt đui mù.

Nói đúng hơn, Chúa thương hết thảy mọi người, nhưng phép lạ chỉ xảy đến cho những ai cần đến lòng thương xót của Người. Người mù ăn xin được Đức Giêsu chữa lành trong đoạn Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng cho thấy tình thương của Chúa đối với những ai đặt niềm tin vào Người.

Chắc hẳn cuộc đời của người mù ăn xin đã phải trải qua biết bao tủi nhục. Vì mù nên anh không thể sống cuộc sống bình thường như bao người khác. Vì mù nên anh bị xã hội khinh thường và phải sống nhờ vào sự bố thí của những nhà hảo tâm. Vì mù nên anh phải sống bên lề xã hội. Trong khi có biết bao người đang hành hương lên Giêrusalem thì người mù ăn xin chỉ “ngồi bên vệ đường”. “Ngồi bên vệ đường” chính là ngồi ngoài con đường. Điều đó cho thấy anh mù không cùng chung con đường với những lớp người đang hành hương lên Giêrusalem. Điều này đồng nghĩa với việc anh không được tham dự vào những sinh hoạt về đời sống tôn giáo, một nhu cầu căn bản của con người. Sự khiếm khuyết thể lý đã ngăn trở anh hoà nhập với xã hội.

Hơn nữa, dường như xã hội không muốn đón nhận con người bất hạnh này vào cuộc hành trình của họ. Khi người mù kêu cầu danh Đức Giêsu thì đám đông ngăn cản anh. Đám đông không những không thèm để ý đến sự bất hạnh của anh, nhưng khi anh lên tiếng kêu cứu thì họ ngăn cản. Họ ngăn cản anh vì sợ tiếng kêu cứu của anh làm phiền đến tập thể. Tiếng nói của những kẻ thấp hèn quá nhỏ bé so với đám đông. Chính vì vậy, họ không muốn anh lên tiếng. Phải chăng tiếng nói của những người thấp hèn không có giá trị, hay con người không muốn nghe tiếng kêu của những người cùng cực?

Mặc dầu đám đông đã ngăn cản tiếng kêu cứu của người mù nhưng Đức Giêsu vẫn thấu hiểu được nỗi đau đó. Bằng chứng là khi nghe lời cầu cứu của con người đang cần đến tình thương xót, Đức Giêsu đã đứng lại. “Đức Giêsu dừng lại và nói: ‘Gọi anh ta lại đây’”. Người đứng lại để chờ đợi những ai muốn chạy đến với Người. Người không thể làm ngơ trước tiếng kêu cứu của con người bất hạnh. Chính tiếng kêu cứu của người mù mà Đức Giêsu phải tạm dừng cuộc hành trình để đợi anh ta. Khi đứng lại, Đức Giêsu đã cho anh mù cơ hội để mở ra một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Thật vậy, cuộc đời của người mù được đổi mới từ khi anh ta gặp được Đức Giêsu. Sự đổi mới đầu tiên nơi người mù thể hiện qua nếp sống bên ngoài của anh ta. “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng dậy và đến gần Đức Giêsu”.  

Về hành động bên ngoài, anh đã vất bỏ áo choàng. Áo choàng là tài sản, là vật bất ly thân của người ăn xin. Nó là vật che chở anh những lúc trời nắng, hay mang hơi ấm trong những đêm lạnh giá buốt. Cũng có những lúc anh dùng áo choàng để cất những của bố thí. Thế nhưng, anh mù lại dám vất lại tất cả để đến với Đức Giêsu. Tại sao anh lại vứt áo choàng đi trong lúc anh ta đang còn mù? Nếu Đức Giêsu, người mà anh mong đợi sẽ cứu anh, không đáp ứng được nguyện vọng của anh thì sao? Dường như ở nơi người mù này không có chữ nếu. Khi quyết định đặt niềm tin vào Đức Giêsu, anh hoàn toàn tin tưởng vào Người. Sự tin tưởng đó được thể hiện qua việc anh từ bỏ tất cả những nếp sống cũ để đến với Đức Giêsu. Quả thật, người mù này muốn từ bỏ nếp sống cũ đi, để bước vào cuộc sống mới, một cuộc sống theo anh ta phải tươi đẹp hơn và người có thể mang lại cho anh cuộc sống mới đó không ai khác hơn đó là Đức Giêsu.

Sự đổi mới của anh còn được thể hiện qua tính cách của anh. Nếu trước khi Đức Giêsu xuất hiện, anh chỉ “ngồi”, một thái độ bị động, khép kín thì nay anh ta “đứng dậy” và “đến gần Đức Giêsu”. Từ lúc Đức Giêsu xuất hiện, người mù không còn khép kín nữa, nhưng đã có một sự can đảm hơn. Anh dám lên tiếng giữa đám đông, đồng thời anh dám đứng dậy và bước đi, một hành động như muốn hoà nhập vào đời sống của xã hội.

Nói tóm lại, chính niềm tin của người mù vào Đức Giêsu mà anh đã nhận món quà quý giá, đó là đôi mắt anh được sáng, và anh được hoà nhập với đoàn người đang tiến về Giêrusalem. Nhờ đôi mắt được sáng, anh không còn mặc cảm vì mang trong mình khiếm khuyết nữa, nhưng được sống bình thường như bao người khác. Cuộc sống bình thường đó được thể hiện khi anh được hoà nhập với đoàn người hành hương. Từ nay anh không còn phải xa lánh người khác nữa nhưng đã được xã hội chấp nhận anh gia nhập vào đoàn của họ. Nhưng chắc hẳn điều quý giá nhất mà anh đã nhận chính là anh đã gặp Đức Giêsu Kitô. Chắc hẳn, anh không chỉ được mở con mắt về thể lý, nhưng con mắt tâm hồn anh cũng được sáng. Điều đó khiến cho anh dám bước theo Đức Giêsu sau khi được chữa lành. Như vậy, chỉ có Đức Giêsu mới thực sự mang lại cuộc sống tươi sáng cho những ai chạy đến với Người.

Thiết kế Web : Châu Á