Bài giảng

Suy niệm CN I Mùa Vọng, C: "Sống niềm Hy Vọng Cánh Chung" (Damas Hùng)

Tỉnh thức là tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.

 

Lc 21, 25-28.34-36.

"Mùa Vọng, sống niềm Hy Vọng Cánh Chung"

M. Damas Hùng

Trong Tông huấn “Tiến về Thiên niên kỷ thứ ba” (Tertio Millennio Adveniente), Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả cuộc lữ hành đức tin của người kitô hữu như một mùa vọng lớn. Điều này thật hợp lý vì xét choc ho cùng thì ước muốn quan trọng và chủ yếu của đời người kitô hữu gặp được Đấng Tạo nên mình. Đó chính là sống niềm hy vọng cánh chung, chờ đợi ngày Thiên Chúa ngự đến. Để nhấn mạnh vị trí của mùa vọng trong chuyển động của đức tin, bản văn Tin Mừng Chúa Nhật đầu tiên của mùa vọng hôm nay được chọn không phải ở đầu nhưng ở cuối Tin mừng thánh Luca. Bởi vì chúng ta không chỉ đợi chờ ngày Giáng sinh của Đấng Cứu thế, nhưng còn chờ đợi việc Ngài trở lại trong vinh quang, việc này cuối cùng sẽ cho chúng ta nhìn thấy thế giới trong ánh sáng hoàn toàn, “đứng lên trước mặt Con Người”. Bởi vậy, sống niềm hy vọng là sống tỉnh thức và cầu nguyện. Hai điều này sẽ giúp người kitô hữu đối mặt với thực tế của cuộc sống phức tạp với phong thái lạc quan và chủ động hơn.

Đoạn Tin Mừng này, được chia thành hai phần khác biệt: Phần thứ nhất, thánh sử Luca phác họa những hiện tượng lạ lung trong ngày cánh chung: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét…”. Ở đây, thánh sử Luca dùng lối văn khải huyền của Cựu Ước. Thời ấy, mọi hy vọng của các ngôn sứ đều đã đổ vỡ: dân Israel, thay vì được độc lập lại bị tháp nhập và chịu lệ thuộc các đế quốc ngoại giáo liên tiếp, khiến ta có cảm tưởng là lịch sử đã thoát khỏi bàn tay điều khiển của Thiên Chúa. Đó là một chướng ngại, một thử thách cho đức tin. Do đó, trước hết, trào lưu khải huyền muốn phục hồi niềm hy vọng, bằng cách dù gặp thất bại, vẫn lớn tiếng hô lên sứ điệp của các ngôn sứ: Thiên Chúa là chủ tể lịch sử. Ngài sẽ chiến thắng. Thánh Luca nhấn mạnh đến phản ứng của con người trước những biến cố như dấu chỉ: thảm kịch của con người hơn là một xáo trộn có tính vật chất, lo lắng hoang mang. “Khi những biến cố đó bắt đầu xảy ra anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Chúng ta ghi nhận hai thái độ tương phản. Trước những tai họa bên ngoài, là cuộc Quang lâm của Đức Giêsu. Trước sự hốt hoảng của dân ngoại, là thái độ "đứng thẳng" của các tín hữu. "Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc... thì anh em hãy ngẩng đầu lên, vì an hem sắp được cứu chuộc”. Đối với nhiều người, điều xuất hiện như một thứ hủy hoại sự kết thúc cuộc đời của Đức Giêsu trên thập giá, kết thúc thành Giêrusalem, kết thúc đời mỗi người qua cái chết, chấm dứt các nền văn minh, chấm dứt thế giới, nghĩa là mọi "biến cố" đều mang tính chết chóc, thì đối với Đức Giêsu và các tín hữu là những kẻ tín thác vào lời Ngài, lại chính là khởi đầu cho công cuộc cứu độ. Đó là khẳng định trọng tâm của Đức tin: Mầu nhiệm Phục sinh... mầu nhiệm chết đi để được sống. Đây chính là lý do sống niềm hy vọng của các tín hữu. Chính Thiên Chúa sẽ can thiệp vào lịch sử cứu độ và lịch sử của mỗi con người. Dù cuộc sống còn nhiều điều bất trắc, Thiên Chúa sẽ đến vào lúc bất ngờ nhất, khi con người tưởng chừng như không còn niềm hy vọng.

Sau những lời khuyên khơi dậy hy vọng và tin tưởng, bây giờ đến một lời khuyên giúp đề cao cảnh giác. Đừng để Đức Giêsu bất thần hiện đến, nhất là khi Ngài đến lần cuối cùng. Lòng chúng ta có nguy cơ trở nên nặng nề, vì những lo âu và vì đời sống quay cuồng, vì quá bận tâm đến thế trần và vật chất, Đức Giêsu nói như thế: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chèn chén say sưa, lo lắng sự đời kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. (Xem chú giải của Noel Quesston). Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là những giá trị đời này. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Tỉnh thức là tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Và cầu nguyện, trong viễn tượng đó, là một thứ “canh phòng”, chứ không phải là một chạy trốn khỏi các thực tại trần gian.

Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào mùa vọng, một mùa vọng nhỏ trong một mùa vọng khác lớn hơn. Mùa vọng là thời gian chúng ta đi tìm kiếm Thiên Chúa và mong đợi Ngài đến. Chúa sẽ đến để đem ta đi vào vĩnh cửu trong sự hiệp thông và gắn kết trọn vẹn với Ngài. Nhưng, ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Cuộc sống quen thuộc thường làm người ta bị chôn vùi trong những điều lệ thuộc. Ai cũng có những bổn phận phải hoàn thành, những dự phóng phải thực hiện, những điều đó dần dần cuốn cuộc đời trôi đi mà quên mất mầu nhiệm cánh chung. Những người an nhàn thì yên phận, những người vất vả đau khổ thì chiến đấu. Họ không còn nghĩ đến Thiên Chúa và cuộc giáng lâm của Ngài nữa. Những kitô hữu thời sơ khai đã nôn nao chờ đợi. Họ ngỡ rằng chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ trở lại. Nhưng dần dần người ta nhận ra rằng cần phải chờ đợi một cách tích cực, cần phải chuẩn bị thế giới này đón tiếp Chúa khi Ngài đến, để Ngày Chúa quang lâm thực sự là ngày hội vui của cả địa cầu và cả vũ trụ. Mà ngày Chúa đến vẫn là một điều bất ngờ. Đây là một điều dễ hiểu: cha mẹ giàu có thường làm cho con cái tự mãn và lười biếng, người thân có quyền thường làm cho bản thân hách dịch, cũng như linh mục giảng dài thì giáo dân hay ngủ gục…Vì thế, mùa vọng chính là thời gian Giáo Hội đánh thức con người tỉnh dậy, vươn lên khỏi những gì là tầm thường của cuộc sống thường nhật để sống niềm hy vọng cánh chung. Mỗi người, nên đề ra một chương trình tốt đẹp cho Mùa Vọng: đó là thời gian làm cho mình ra nhẹ: không lo lắng sự đời, không ham mê vô độ. Vì thế, mùa vọng là mùa sống chứ không phải chỉ có hy vọng. Đúng hơn là sống niềm hy vọng. Cha Teilhard Chardin, một linh mục dòng Tên cũng đã viết: “ Ngóng đợi là nhiệm vụ hàng đầu của Kitô hữu, và là nét nổi bật nhất để hiển thị đức tin. Người Kitô hữu luôn phải sống trong sự đợi chờ với niềm tin và hy vọng”. Thái độ chờ đợi của người tín hữu không phải là sự mỏi mòn trong tuyệt vọng giống như một tên tử tội. Nhưng chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của một cô dâu chờ đón chú rể đến giữa đêm khuya để tiến vào phòng cưới, tham dự “Tiệc Cưới Chiên Con” cùng với Đấng đã chiến thắng tử thần và khải hoàn trong vinh thắng.

Thiết kế Web : Châu Á