Bài giảng

SUY NIỆM CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH NĂM B LỄ CHÚA LÊN TRỜI: “ĐẾN VỚI MUÔN DÂN” (M. Beda)

... việc rao giảng Tin Mừng phải là mỗi bận tâm hằng ngày, là một chương trình sống và họat động của Giáo Hội.

 

LỄ CHÚA LÊN TRỜI (Mc 16, 15-20)

 

“ĐẾN VỚI MUÔN DÂN”

(M. Beda)

 

Trong tuyên ngôn “Nostra Aetate” liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo đã khẳng định: “Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân lý, Chân lý chiếu soi cho hết mọi người” (NK 2). Như vậy, Giáo Hội nhìn nhận nơi các Tôn Giáo bạn có những tia sáng chân lý. Vậy tại sao chúng ta còn phải đi loan báo Tin Mừng?

 

Thiết tưởng, đây là câu hỏi muôn thuở làm nhiều người kitô hữu phải day dứt. Tuy nhiên,Tin Mừng của Thánh Máccô hôm nay cho chúng ta thấy lý do tại sao Giáo Hội phải đi rao giảng Tin Mừng. Chúng ta biết, trước khi Chúa Giêsu về trời, Người không để lại sứ điệp nào khác ngoài sứ điệp: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (Mc 16,15). Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thuờng thấy các bậc làm cha, làm mẹ, trước khi qua đời, thường để lại cho con cái của mình ngoài những gia sản vật chất như: Vàng bạc, nhà cửa, đất đai... còn có gia sản thiêng liêng: Đó là những lời trăn trối. Và bổn phận của con cái là phải trân trọng, gìn giữ và thi hành để làm vui lòng các ngài khi họ đã nhắm mắt xuôi tay. Và Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta trước khi về trời cũng để lại cho Giáo hội một gia sản thiêng liêng, buộc Giáo Hội phải đón nhận và thi hành. Tuy nhiên, để ơn cứu độ đến được với mọi người, Trước hết, Thiên Chúa thực hiện chương trình một cách tiệm tiến, Người chọn dân tộc Israel làm đối tượng mặc khải, để qua dân tộc đó, Thiên Chúa cũng được thông truyền cho các dân tộc khác (Gr 3,17). Tiếp đến, khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã mặc khải trọn vẹn Ngài qua Người Con duy nhất là Đức Kitô (Dt 1,2). Và cuối cùng, Chính Đức Kitô đã thực hiện những gì đã hứa từ ngàn xưa bằng cách thiết lập Giáo Hội, để qua Giáo Hội ơn cứu độ đến với mọi người (Mc 16,15-16). Vì thế, Giáo Hội sẽ đánh mất chính mình nếu như Giáo hội ngưng nghỉ việc loan báo Tin Mừng. Cũng vậy, sau biến cố Chúa Tử Nạn, Phục Sinh và Lên Trời kết thúc sứ vụ của Người ở trần thế, nhưng Tin Mừng của Người vẫn được tiếp nối qua mọi thời đại và cho đến muôn đời. Có thể nói, việc đem Tin Mừng đến cho người khác là một ơn gọi minh nhiên của Giáo Hội, là căn tính sâu xa nhất mà qua mọi thời Giáo Hội phải thực hiện. Và khi thực hiện việc đem Tin Mừng thì giáo hội phải mặc lấy tâm tình nào, nếu không phải là tâm tình của thánh Phaolô: “Khốn cho tôi, Nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (1Cr 9,16). Và thánh nhân còn căn dặn mọi người: Phải rao giảng Lời, lúc thuận cũng như lúc nghịch” (2Tm 4,1-2). Nghĩa là việc rao giảng Tin Mừng phải là mỗi bận tâm hằng ngày, là một chương trình sống và họat động của Giáo Hội. Do đó, việc rao giảng Tin Mừng không phải là một đóng góp tùy thích, cũng không phải là một điều lễ xin cho, mà là một bổn phận, một nhiệm vụ của Giáo Hội do lưu truyền của Chúa Giêsu, để nhờ đó con người tin tưởng mà được cứu độ. Sứ điệp này thật sự cần thiết, đến nỗi Giáo Hội không được dửng dưng, trộn lẫn hay dung hợp. Nó là vấn đề phần rỗi của con người. Mà theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong Thông điệp “Sứ mạng Đấng Cứu Thế”  là: Quyền của con người được biết sự thật. Giáo Hội cần phải tôn trọng quyền đó, nghĩa là phải nói cho con người biết sự thật về phẩm giá cao quý của mình. Phẩm giá ấy hệ tại việc Thiên Chúa yêu thương con người, mời gọi con người thông dự vào sự sống của Ngài, nhờ hồng ân cứu rỗi qua Đức Kitô.

 

Tóm lại, cùng với Giáo Hội,  mỗi người chúng ta hôm nay cũng được mời gọi tham dự vào sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa. Nhờ Bí Tích Rửa Tội làm cho chúng ta trở thành chi thể của Chúa Giêsu, thông phần vào vai trò ngôn sứ của Người, nên chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa. Ngoài ra ,đứng trước một thế giới mà con người dường như muốn chối bỏ Thiên Chúa, tình yêu bị liệt kê vào hàng thứ yếu, “tha nhân được xem là hỏa ngục, con người được xem là sói dữ của nhau”, thì hơn bao giờ hết, người kitô hữu phải là những chứng nhân đem tình yêu của Chúa đến với mọi người, là men, muối ướp đời và là ánh sáng chiếu soi trần gian. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn kết hiệp mật thiết với Chúa trong tâm tình cầu nguyện, cũng như sống bác ái yêu thương, để qua đó, chúng ta chu toàn sứ mạng Chúa trao.

 

M. Beda Phùng Bá Mỹ

Thiết kế Web : Châu Á