Bài giảng

SẼ CÒN CÓ AI ĐÓ…(Martin OCist)

…sẽ còn có người tiếp tục sống đời đan tu…

SẼ CÒN CÓ AI ĐÓ…

Chút hồi ức về thầy Antôn trong ngày giỗ 100 ngày...

Martin OCist

 

07/11/2016

 

Thầy Antôn sống ở Phước Lý gần 60 năm (09/11/1957 – 26/07/2016), thầy chứng kiến bao thế hệ tu sinh đến và đi…Tôi vào dòng lúc thầy đã quá tuổi 70, với tôi lúc đó hình dáng lom khom của thầy với cặp chân mày rậm sợi trắng sợi đen, làm tôi sợ sệt, một thầy già cau có và dễ quạu quọ chăng? Ừ thì…cho đến lúc qua đời mọi người đều biết rằng thầy Antôn rất nghiêm khắc trong mọi sự, quả là trong mọi việc thầy rất kĩ lưỡng, trái con mắt là thầy nhắc nhở liền!

Nhưng rồi, không biết vì lý do gì mà thằng Nghị miền tây lại được thầy “để ý” và rất hạp, nên thầy đề cử với Viện phụ để tôi được làm phòng thánh cùng thầy. (Cái việc phòng thánh nhiều người rất thích nhưng hình như ai cũng ‘ngán’ thầy Antôn!)… Dĩ nhiên tôi không kĩ lưỡng tỉ mỉ như thầy nhưng ít ra tôi cũng lọt qua “vòng khảo sát” để được vào phòng thánh, ấy thế mà cũng không ít lần bị thầy “nẹt”… Đốt nến mà để nhểu sáp xuống sàn là có chuyện, xếp bánh lễ dư quá nhiều cũng “toi”, mà thiếu bánh thì càng te tua, cây nến cắm nghiêng chút xíu thầy lại đi sửa cho thẳng, cái ghế để chưa thẳng hàng thì thầy lại chỉnh cho ngay,…ối ôi thời gian làm phòng thánh không biết bao nhiêu lần thót tim với thầy…Nhưng tới giờ tôi mới dần nghiệm ra, đằng sau cái khó tính ấy là gì. Một người không nhiệt tâm, không hết lòng với công việc thì sẽ xuề xòa, qua loa,…Thầy khó vì đó là dấu hiệu của sự hết lòng vì việc Chúa, tất cả là nhiệt huyết, dốc hết tâm lực làm cho đàng hoàng tử tế. Còn những lời khuyên nặng lời về đàng tu đức càng làm tôi hiểu rỏ cái “khó tính” mà thầy đã sống đời đan sĩ thế nào…

Số là có những khi hai thầy trò gọt nến hay lau chén lễ tôi rảnh miệng hỏi thầy: “Thầy cảm thấy đời tu thế nào há thầy?” Tôi chỉ hỏi một câu mà lại gợi mở để thầy kể một lèo đủ thứ chuyện từ xưa tới nay, những việc thầy làm, những gì thầy suy nghĩ,…rồi kết luận: “Tu mà không lo giữ luật dòng thì ở ngoài với mẹ cho rồi!”. Tôi nhớ mãi câu đó, thầy cứ hay nhắc tới mấy chữ ‘ở với mẹ’. Không biết là thầy có ấn tượng gì mà sao thầy hay nhắc đến mấy chữ đó…nhưng tôi hiểu là thầy muốn nói: “Cơm người khó lắm ai ơi / Đâu như cơm mẹ chỉ ngồi xuống ăn”.

Hi. Đúng trong hoàn cảnh nào thì cũng đúng với đời tu, đời tu không có sướng như hồi ở với mẹ, mẹ chăm, mẹ hứng, mẹ đón, mẹ đưa, nói chung mẹ chiều thay thảy. Ờ thì có lẽ châm ngôn tu đức mà thầy hay nói đến cũng chính là cốt lõi của di ngôn mà cha tổ phụ dòng Xitô đã từng nói: “Muốn nên thánh phải giữ luật dòng”. Thầy Antôn cứ hay nói “luật dòng”, lần nào hỏi chuyện vui vui thầy nói chỗ này chỗ nọ rồi cũng móc qua cho bằng được tới chữ: “Tu là giữ luật”. Tuổi trẻ như tụi tôi nghe tới chữ luật là thở dài thở ngắn, méo cái mặt phòng cái má, một cái cười to cũng e dè sợ bị nhắc, hai đứa gọi ới nhau là coi chừng bị phạt, đi lạng qua lạng lại thể nào cũng bị gọi lại chỉnh ngay,…ờ thì luật dòng từng li từng chút…Ráng sức làm được, chưa được thì ráng thêm…Thầy vẫn ‘giảng’ cho tôi như thế. Tu là sửa, xưa nay vẫn phải vậy cơ mà!


Bữa rồi tôi về dòng, đi ngang phòng thầy thì bây giờ đã có thầy khác ở, tôi cũng có thấy đôi dép tổ ong để trước cửa y như thói quen khi thầy còn sống. Tới hành lang chỗ ngã 4 đó tôi nghiêng mình ra ngoài nhòm mấy cái chậu cây, thầy Antôn đã thích và chuyên về xương rồng, sao biển và păng-xê xưa nay…lần này về nhìn mà không thấy nữa. Con chó Su – ‘cục cưng’ của thầy cũng đã chết trước khi thầy ngã bệnh, con chó mà anh em hay chọc là con chó xấu nhất nhà dòng, vừa lùn vừa lé lại còn chảnh…Thầy cưng nó rất nhiều, rất nhiều, phải nói là thầy cưng nó còn hơn cưng thằng đệ tử phòng thánh làm việc với thầy như tôi! Thầy đút cho nó ăn, bắt ve, tắm rửa cho nó…Nó cứ tò tò theo thầy chỉ trừ khi thầy vào nhà nguyện, thì nó nằm ngoài hiên.

Nói tới cây cối và con chó con mèo thầy nuôi, điều làm tôi suy nghĩ là tính yêu thiên nhiên, lòng cảm thương sinh vật của thầy. Các đan sĩ thời xa xưa rất nổi tiếng với tinh thần hòa điệu với thiên nhiên, họ quen với cả sư tử và gấu đen, thầy Antôn thì thân thiện với chó mèo, bồ câu, gà vịt, cây cối như vậy… Cũng là tính quá dễ mủi lòng với thiên nhiên của thầy mà bọn nhà tập chúng tôi từng bị quở trách, vì thầy mét với Viện phụ: Tụi nó không biết thương chim, bắt con chim gõ kiến con, tóm luôn con chim mẹ…!”. Thế là tụi tôi phải thả chim về tổ thôi!

Sự gần gũi với thiên nhiên chắc chắn sẽ làm cho lòng người mềm mại và cũng giúp cho lòng thương cảm với con người càng thêm sâu sắc, các tu sĩ và cả các triết gia đã nói nhiều đến điều đó như theo lời triết gia A. Schopenhauer: "Sự tương cảm đối với động vật gắn bó chặt chẽ với lòng nhân hậu đến mức có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, con người không thể là tốt được nếu tàn nhẫn đối với động vật". Khi mới đưa thi hài thầy về nhà dòng tôi có để ý mấy con chó mà thầy từng chăm sóc, tụi nó cứ lẩn quẩn quanh phòng thầy, có khi cản chân của mấy thầy, phải đuổi đi cho trống đường làm việc…Bây giờ thì…chó con ai đang nuôi, tôi không biết, chậu hoa păng-xê tím ở tượng Thánh Tâm đã tàn tự bao giờ, khuất bóng và khuất bóng…
Ngày an táng thầy, mọi nghi thức cứ diễn ra đều đặn khơi gợi nổi lòng người tham dự, cho tới khi mọi công thức phụng vụ phải chào thua trước lá thư cuối cùng mà thầy Antôn viết cho mọi người, đây mới là lúc mọi tâm tình người ở lại dành cho thầy Antôn bừng lên…Người ta cứ sụt sịt khóc, Viện phụ thì nấc lên nấc xuống, phải gián đoạn hồi lâu mới đọc nổi lá thư cuối cùng này... “Kính thưa Viện phụ và cộng đoàn, hôm nay Chúa gọi con về, con xin vĩnh biệt Viện phụ và cộng đoàn…”. Mấy thanh niên tập viện, mấy thầy trung niên nhà khấn sao lại cúi mặt xuống đất, lâu lâu lại gỡ kiếng quẹt dòng nước mắt đang trào ra… Cái gì đã làm bừng lên bao tâm tình như thế?

Hối hận vì những hiểu lầm về thầy, ray rứt vì những trách móc chưa thông cảm đủ,…hay vì cái gì mà lòng anh em ra tê buốt? Dù có nhiêu tâm tình, lúc đó chắc chắn là tình yêu thương mà thế hệ trẻ đương thời dành cho một vị cao niên dày dặn…Sẽ chẳng có gì cho chúng tôi nếu không có bao thế hệ cha anh đi trước…Thầy đã gắn bó với anh em trong mọi sự; mọi giờ kinh thầy đều đi sớm nhất, chuông chưa dứt thì thầy đã mở cửa nhà thờ, cuối giờ kinh, anh em ra hết thầy đứng lại đóng cửa tiền đường, răng giả thầy cũng ăn cá khô với anh em, già từng ấy vẫn là căn phòng nhỏ tẹo không tiện nghi là mấy,…thầy đã gắn bó với cái thanh tịnh cô tịch của nhà dòng, từng viên gạch, góc hành lang,…tất cả đều in bóng thầy…Thầy ra đi, hoàn thành đời đan sĩ trước cái nhìn đầy ngưỡng mộ của lớp trẻ tương lai. Bọn thanh niên trẻ tuổi như chúng tôi làm sao giữ luật kỹ lưỡng như thầy, có khổ chế hơn cũng thua thầy nhiều lắm, nhiệt tâm bao nhiêu so với cái kiên trì của thầy hơn nửa thế kỷ đời người sống chết với đan viện…“Con xin vĩnh biệt…” thổn thức làm sao, buốt cắt dường nào…nhưng cũng phải chào vị thầy đáng kính…


Thầy không còn ở với chúng tôi, hơn 100 ngày rồi bóng thầy mất dạng…nhưng trong lòng người hẳn còn giữ bóng dáng người thầy đơn sơ. Hình ảnh thầy Antôn hiện lên là gương mẫu và còn hơn cả gương mẫu về một nếp sống âm thầm, khổ hạnh trong tịch liêu đan viện. Vâng, thầy đi rồi…chỗ thầy ngồi, phòng thầy ở, đã có người khác thế vào,…và chắc chắn sẽ còn có người tiếp tục thực hiện nếp sống mà thầy đã từng sống…Sẽ còn ai đó gõ cửa xin tu, sẽ còn có ai đó bước lên tuyên khấn, sẽ còn có ai đó nghiêm chỉnh tu phục tham dự các giờ thần vụ, sẽ còn có ai đó vào nhà nguyện sớm trước mỗi giờ kinh, sẽ còn có ai đó nguyện gẫm riêng trước đài Đức Mẹ, sẽ còn có ai đó viếng Chúa lúc 3h chiều, sẽ còn…thưa thầy…sẽ còn có người tiếp tục sống đời đan tu…

Fr. M. Martin Nguyễn Thanh Nghị OCist.

 

Thiết kế Web : Châu Á