Bài giảng

LINH ĐẠO XITÔ

Khi nói đến đời sống tâm linh hoặc khi đề cập đến một phương cách tu trì người ta nghĩ ngay đến hai từ “linh đạo” (spiritualité), như: linh đạo Kitô giáo, linh đạo đan tu, linh đạo Đaminh, linh đạo Ignatio... Linh đạo hiểu cách đơn giản là “con đường tâm linh” hoặc “con đường thiêng liêng”, là một phương cách tìm gặp Chúa, sống với Chúa và thánh hoá bản thân. Hiểu theo nghĩa hẹp, linh đạo là con đường tu đức mà các vị sáng lập dòng hoặc tu hội đã vạch ra và đã sống theo sự soi sáng của Thánh Linh

 

 

LINH ĐẠO XITÔ

 

Lam Bích

 

Khi nói đến đời sống tâm linh hoặc khi đề cập đến một phương cách tu trì người ta nghĩ ngay đến hai từ “linh đạo” (spiritualité), như: linh đạo Kitô giáo, linh đạo đan tu, linh đạo Đaminh, linh đạo Ignatio... Linh đạo hiểu cách đơn giản là “con đường tâm linh” hoặc “con đường thiêng liêng”, là một phương cách tìm gặp Chúa, sống với Chúa và thánh hoá bản thân. Hiểu theo nghĩa hẹp, linh đạo là con đường tu đức mà các vị sáng lập dòng hoặc tu hội đã vạch ra và đã sống theo sự soi sáng của Thánh Linh.

 

Có thể nói, linh đạo của mọi linh đạo là Đức Kitô - con Đường duy nhất đến với Thiên Chúa Cha (x. Ga 14, 6). Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận và bước đi trên con đường đó và nhiều bậc thầy tu đức đã khám phá ra nhiều cách thế giúp các môn sinh đạt tới đích cuối cùng là Thiên Chúa. Các phương pháp đó đều dựa trên Thánh Kinh và áp dụng vào cuộc sống thường nhật, qua việc suy tư và hệ thống hoá hầu xây dựng một đạo thuyết cho các thế hệ tiếp nối.

 

Lịch sử đan tu ghi lại nhiều linh đạo tu trì với lần lượt các bậc thầy kiệt xuất như thánh Antôn, thánh Pachomio, thánh Basilio, thánh Augustino, thánh Gioan Kim Khẩu, Jean Cassien… Đặc biệt, hai nền linh đạo được xem là quân bình, đầy đủ và có ảnh hưởng đặc biệt cho đến ngày nay dành cho chiêm niệm, song song với sự tồn tại và sự phát triển của các dòng tu đan tu, là linh đạo Biển Đức và linh đạo Xitô. 

 

1. SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ CÁC LINH ĐẠO ĐAN TU

 

Đan tu xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ III, tại Ai-cập, Syria và Palestina rồi tràn qua Châu Âu dưới nhiều hình thức khác nhau. Nổi bật trong việc khai sinh tu trào đan tu trước hết phải kể đến thánh Antôn (250-356), tấm gương ngài đã tác động lên biết bao tâm hồn đã lên đường tìm Chúa: có những vị suốt đời sống một mình trong chiêm niệm và lao tác, có những vị đứng lên quy tụ các người cùng chi hướng thành những cộng đoàn và từ đó tổ chức thành một linh đạo sống đời chiêm niệm áp dụng chung cho mọi người.

 

Đời đan tu cộng đoàn được chính thức hình thành bởi thánh Pachomio (năm 325), khi có nhiều người tìm vào sa mạc hoặc vào rừng hay những nơi xa đô thị, cũng như nhiều tâm hồn tìm đến với các bậc chân tu để được thụ huấn gương nhân đức và những cảm nhận thiêng liêng về Thiên Chúa, từ đó làm phát sinh nhiều bất cập, nên cần một sự hiệp nhất và trật tự cần thiết. Thánh Pachomio đã đi tiên phong trong việc thành lập đan tu cộng đoàn, nhằm đáp ứng cho việc quy tụ và hiệp nhất các tâm hồn tìm Chúa, thực hiện một giấc mơ như lời ngài thú nhận, là sẽ lập một tu viện theo mẫu cộng đoàn Giêrusalem của giáo hội sơ khai, tại Thébaide, trong đó ngài đặc biệt đề cao đời sống chung: Mỗi người tự lực mưu sinh và hoa lợi để chung. Trong cộng đoàn, viện phụ đóng vai trò đại diện cho Chúa và là điểm nối kết mọi thành phần trong cộng đoàn. Mọi người phải mau mắn vâng lời và chấp nhận anh em với mọi đức tính cá biệt của họ. Nhưng vì chỉ quy tụ thành một cộng đoàn duy nhất nên số thành viên quá đông như một “làng ấp”, mà một mình viện phụ không thể quản và đồng hành với từng người trong đời sống thiêng liêng được.

 

Tiếp bước thánh Pachomio, thánh Basilio đã thiết lập tu viện tại Iris vào năm 359 theo nhóm ít thành viên hơn và cố gắng hoàn thiện mô hình được coi là còn thiếu sót của thánh Pachomio, đặc biệt đề cao tình huynh đệ. Thánh nhân muốn cộng đoàn của ngài trở nên như một gia đình thân mật, trong đó ai cũng tích cực tham dự vào nếp sống chung. Nơi đây, bề trên có thể săn sóc từng người theo tình thương của một người cha và mọi người vui hưởng bầu khí huynh đệ ấm cúng. Đối với thánh Basilio, chỉ có tình huynh đệ mới bảo đảm một đời tu chân chính. Qua cộng đoàn, đan sĩ cảm thấy gần gũi Giáo Hội hơn, vì ở đó các nhân đức Kitô Giáo được sống triệt để hơn. Vì thế, tất cả những gì mang tính lập dị đều bị dẹp bỏ.

 

Tiếp nối các bậc tiền bối, còn rất nhiều những khuôn mặt nổi bật khác Đông cũng như Tây, trong đó có Jean Cassien (360-432) đã có công phổ biến linh đạo đan tu và được xem như trung gian ráp nối hai tu trào Đông – Tây giữa thời Thượng Cổ, với việc thu thập được nhiều kinh nghiệm của các bậc thầy thiêng liêng để viết cuốn “Đối Thoại”“Qui chế các Đan Viện”. Trong hai tác phẩm này, Jean Cassien tóm tắt con đường tiến đức qua ba giai đoạn từ bỏ: Từ bỏ những gì thuộc thế giới hữu hình (gia đình, hôn nhân, của cải); từ bỏ của trái tim (nói không với những đam mê); từ bỏ những gì chóng qua (chấp nhận trả giá bằng hy sinh). Để có thể từ bỏ, Jean Cassien giới thiệu cộng đoàn như là môi trường thích hợp nhất.

 

Cuối cùng, thánh Biển Đức (480-547) được tặng danh hiệu là “cha các đan sĩ” (Pater monachorum), đã viết cuốn Tu Luật thời danh, trong đó, ngài tổng hợp đạo lý tu đức của các bậc thầy Đông – Tây, cộng thêm gần bốn mươi năm kinh nghiệm trong chức vị đan phụ, linh đạo của ngài mang tính thực tiễn và quân bình, đề cao đời sống phụng vụ và đức khiêm nhường, nhấn mạnh vai trò giáo dục cộng tu và coi đan viện như trường học phụng sự Thiên Chúa (Schola Dominici servitii). 

 

2. LINH ĐẠO BIỂN ĐỨC

 

- Khởi đầu linh đạo là một ơn gọi: Không ai bước theo Chúa Kitô nếu chưa nhận được tiếng gọi của Ngài. Tiếng gọi đó được vang lên qua Thánh Kinh, qua ánh sáng thần hoá (lumen deificum), qua tác động Thánh Thần (Spiritus dicat). Tiếng gọi này vang lên không chỉ một lần mà là trong suốt cả cuộc đời. Muốn nghe được tiếng gọi đó phải lắng tai lòng và cảm nhận (inclina aurem cordis) rồi hăng hái vươn tới. Muốn đạt tới hoàn thiện, đan sĩ phải sống ơn gọi trong niềm hân hoan. Thánh tổ quan niệm đời tu như một chuỗi ngày hồ hởi (dilatato corde) vì cảm nếm được bao dịu ngọt của tình yêu (inerrabili dilectionis dulcedine), đan sĩ hăng hái như vận động viên chạy tới đích.

 

- Môi trường thực hiện ơn gọi là cộng đoàn đan tu: Đối với thánh Biển Đức, đan sĩ chỉ tìm gặp Chúa trong cộng đoàn, trung tâm điểm của cộng đoàn là Chúa Kitô mà viện phụ là vị đại diện Ngài, thánh nhân nêu rõ đời sống huynh đệ, đặc biệt là sự liên đới trách nhiệm giữa các thành phần trong cộng đoàn và vì thế, mọi người có bổn phận xây dựng đời sống chung.

 

- Phương thế thực hiện ơn gọi: Muốn dấn bước trên đường đức ái cần phải kín múc nghị lực và ánh sáng nơi Lời Chúa (Kinh Thánh - Lời Chúa được trích tới 72 câu ý nghĩa nhất để làm sáng tỏ Tu Luật và làm khí cụ thiêng liêng cho việc khám phá chân dung Chúa Kitô). Vâng lời, im lặng và khiêm tốn là những yếu tố thiết yếu nơi những ai muốn tiếp nối công trình cứu chuộc của Đức Kitô.

 

- Sống đức khiêm nhường: Tư tưởng chủ đạo của thánh Biển Đức là đưa đan sĩ về với Thiên Chúa (si vere Deum quaeris) và hết lòng tìm Thiên Chúa. Nhưng tìm kiếm Thiên Chúa hệ tại sống với sự hiện diện của Người, nghĩa là ngày càng đặt mình an trú trong ánh sáng của Người. Trước sự sáng tỏ đó, đan sĩ sẽ luôn luôn khám phá chân lý về cái tất cả của Thiên Chúa và cái hư vô nơi con người. Như thế, đan sĩ mới có được sự khiêm nhường đích thực.Thánh Biển Đức dành một chương trong Tu Luật để nói về 12 bậc khiêm nhường được diễn tả nơi tác phong con người: trong lời ăn tiếng nói, trong nụ cười và trong cách đi đứng… Có thể nói như D. Godefroid Belorgey: “Tất cả phương pháp tu đức của thánh Biển Đức được gồm tóm trong việc thực thi đức khiêm nhường”. Nhờ đức khiêm nhường, đan sĩ chu toàn được mọi nghĩa vụ đối với Chúa và tha nhân. Hai nghĩa vụ nổi bật trong đời tu Biển Đức là cầu nguyện lao động (Ora et labora), mặc dù không do ngòi bút thánh tổ viết ra nhưng diễn tả rất đúng linh đạo của ngài. 

 

3. LINH ĐẠO XITÔ

 

Xitô xuất hiện cùng với những cuộc cải cách tìm về với đan tu nguyên thủy. Cần xác định rằng Xitô không phải là một cuộc cải cách riêng lẻ hay duy nhất. Thật vậy, thế kỷ XI cả một phong trào cải tổ đời sống đan tu được thực hiện trong nhiều nước tại Âu Châu: Tại nước Ý, với thánh Romualdo thành Ravene (1027), thánh Gioan Guabert miền Florence (1073), thánh Damiano (1007-1072). Tại nước Pháp, có Robert Arbris-sel (1117), Bernard de Tiron (1117), Vital de Mortain (1122) và Raoul de Futaire (1129). Những cuộc cải tổ này mang đậm dấu ấn của một sự tìm kiếm mãnh liệt khuôn mẫu sống đời đan tu, có khả năng đáp ứng những khao khát của những tâm hồn anh hùng… Cũng trong trào lưu cải cách này, viện phụ Roberto và 21 anh em khác đã rời đan viện Molesme đến thiết lập “Tân Đan Viện” tại miền hoang vắng Citeaux (lau sậy), nhằm thực hiện một ước mong sống đời đan tu một cách triệt để, trở về với nét tinh tuyền của tu luật Biển Đức.

 

Như vậy, khi nhìn lại lịch sử xuất phát dòng Xitô, thiết nghĩ Xitô không mang một linh đạo biệt lập hoàn toàn khỏi các nền linh đạo của các linh phụ đan tu, đặc biệt là linh đạo Biển Đức, vì Xitô vẫn giữ luật Tu Luật Biển Đức. Tuy nhiên, trên nền tảng chung ấy, Xitô cũng có những nét đặc thù riêng, bắt đầu từ những lần “về nguồn” trong lịch sử, những thích nghi với thời đại và đặc biệt qua sự suy tư và hoàn thiện dần nền linh đạo bởi các bậc thầy kiệt xuất trong Xitô như thánh thánh Robert Molesme (+1112), thánh Alberic (+1109), thánh Stephen Harding (+1136), thánh Damiano(+1072)… trong đó thánh Bernard được Mabillon tặng danh hiệu là “giáo phụ cuối cùng” vì nơi giáo lý của ngài kết tinh toàn bộ tu trào đan tu, vừa trở về với linh hứng nguyên thuỷ của thánh tổ Biển Đức, vừa có cái nhìn mới mẻ về linh đạo Kitô Giáo. Vì thế, khi tìm hiểu về linh đạo Xitô, chúng ta tập chú tìm hiểu qua giáo thuyết của thánh Bernard:

 

Thao thức của thánh Bernard là đưa đan sinh vào cuộc sống luật dòng một cách linh động phong phú theo hoàn cảnh thời đại, nghĩa là sống tinh thần tu luật Biển Đức một cách toàn vẹn với hoàn cảnh xã hội của mình. Nét nổi bật trong linh đạo là kính Đức Kitô trong nhân tính và sùng kính Thánh Mẫu Maria. Thánh nhân đưa ra một đường hướng rõ rệt là: cần có một sự lựa chọn dứt khoát (không thể làm tôi hai chủ), nhận thức rõ về giá trị của tạo vật, nhưng không dừng lại ở tạo vật mà vượt lên trên và hướng toàn thể về với Chúa. Điều kiện để đạt tới hoàn thiện là cộng tác với ơn Thánh Thần (Conv. 8, 16-17), khiêm tốn thống hối về dĩ vãng (Cant. 36,6; 37,4), tìm lắng mình trong thinh lặng nội tâm (div. 23,7), sống đơn nghèo thanh thoát và luôn khát khao tiến hơn nữa trên đường hoàn thiện.

 

Cùng với thánh tổ Biển Đức, thánh Bernard quan niệm đan sĩ như một người đi tìm Thiên Chúa, đòi hỏi phải vượt qua nhiều chặng đường trong sự trợ giúp của ơn thánh. Các chặng đường này theo thánh Bernard là tương đương với cấp độ yêu mến của đan sĩ:

 

Khởi điểm là một tình yêu vị kỷ: yêu mình vì mình. Lý do phát xuất tình yêu này là vì con người bị những nhu cầu tự nhiên gần hơn và cấp bách hơn thúc ép. Muốn tiến lên, con người phải thoát ra khỏi tình yêu vị kỷ để hướng về Chúa và anh em (De dili. 23). Mặt khác, sở dĩ con người yêu mến Thiên Chúa là vì Ngài cung ứng cho mọi nhu cầu, đó là yêu Chúa vì mình. Tình yêu này vẫn mang tính ích kỷ. Tuy nhiên, nhờ thường xuyên đến xin Chúa giúp đỡ, càng ngày con người càng kháp phá ra Chúa đáng mến. Từ chỗ đó, con người bước lên cấp độ yêu Chúa vì Chúa, nhưng khi yêu Chúa vì Chúa, con người gặp lại chính mình, bởi lẽ một khi thông hiệp với Chúa trong tình bạn, con người thần hóa (deificatio) bản thân. Linh hồn được thần hoá là được hiệp thông trọn vẹn trong Thiên Chúa khác nào giọt nước khi rơi vào trong thùng rượu sẽ hoà tan và mang màu sắc hương vị của rượu. Đạt tới tình trạng đó, con người đã đưa mình tới chỗ tuyệt đỉnh hạnh phúc và như thế con người đã yêu mình cách hoàn hảo là yêu mình vì Chúa.

 

Có thể liệt kê một số tư tưởng chủ đạo trong linh đạo xitô như sau:

 

Ham mộ tìm lại sự nguyên tuyền của Luật. Không phải giữ theo chữ, nhưng tôn trọng bản văn vì nó hàm chứa tinh thần đấng lập luật. Vả lại các đan sĩ Citeaux đầu tiên cẩn thận đối chiếu Luật trong toàn thể truyền thống đan tu và sẵn sàng tham chiếu tư tưởng các tổ phụ trong sa mạc.

 

Các vị sáng lập Dòng Citeaux muốn lập nghiệp trong hoang vắng nhưng không khai trừ đời sống chung; trái lại, những đan sĩ Citeaux đầu tiên đã gắn bó với đời sống huynh đệ cách sâu xa. Tuy nhiên, sự xa cách thế gian, rất chặt chẽ đối với cộng đoàn, và sự thinh lặng giữ cách nghiêm nhặt cho phép mỗi người tạo cho mình một sự cô tịch trong lòng. Mối ưu tư biểu hiện cách rõ ràng những dây đức ái và nhất trí tinh thần liên kết mọi phần tử của gia đình Citeaux. 

 

Sùng mộ nếp sống đơn sơ khó nghèo là nét chung cho những công cuộc lập Dòng đan tu khác nhau thuộc mọi thời, được diễn tả bằng sự đơn giản về y phục, lối kiến trúc, trong các đồ thờ và bằng việc từ khước các lãnh địa của Giáo Hội.

 

Không đề cao kiểu hãm mình hành xác của một số trào lưu ẩn tu (như đánh tội, mặc áo nhặm), nhưng những việc luyện tập thể xác (dậy sớm, chay tịnh và kiêng khem, nhất là lao động chân tay) được thực hành cách nghiêm túc.

 

Tôn sùng Thánh Mẫu: đây không bàn về sự “tôn sùng riêng tư” như một số linh đạo hiện đại chủ trương. Cũng như mọi đan sĩ khác đương thời, các đan sĩ Citeaux không bao giờ tách rời mầu nhiệm Mẹ Chúa ra khỏi cái nhìn toàn bộ nhiệm cục cứu độ. Nhưng với một lòng nhiệt thành phi thường, họ hài lòng chiêm ngưỡng nơi Rất Thánh Nữ Đồng Trinh mẫu gương hoàn bị của tạo vật đã được khôi phục trong Đức Kitô, và nhờ sự cầu bầu từ mẫu của Người, họ mong chờ Ơn Thánh làm nên hình dạng Đức Kitô trong họ. 

 

Tóm lại, thiết lập nên một nền linh đạo mới không phải là để nhằm tạo ra một sự khác biệt riêng chống lại những con đường thiêng liêng đã có trước, nhưng là làm một cuộc trở về nguồn cội và khao khát tìm ra những phương thế khả dĩ mới nhằm mưu ích cho các tâm hồn muốn tìm kiếm sự hoàn thiện trong Thiên Chúa. Cũng thế, linh đạo Xitô là một nỗ lực giúp các đan sĩ trở lại với lý tưởng ban đầu của Tu Luật Biển Đức, vừa làm sao quân bình và thích ứng với thời đại mới. Ý định của các Đấng Sáng Lập Citeaux không hề muốn thiết lập một hình thức mới cho đời sống tu trong Giáo Hội, nhưng chỉ làm sống lại truyền thống cổ truyền với tất cả lòng nhiệt thành. Giáo huấn của thánh Bernard và của các bậc linh sư thuộc những thế hệ thứ hai hoặc thứ ba Dòng Citeaux, là tiếng vọng sống động và cá biệt của truyền thống đan tu và giáo phụ.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á