Bài giảng

Đọc và suy niệm Tin Mừng TUẦN II PHỤC SINH (Hiền Lâm)

Khi thánh Thomas được Chúa bảo đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa Giêsu đã bị đâm thủng, chính là lúc thánh nhân đã đụng chạm vào tận cùng của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho con người...

 CHÚA NHẬT II PHỤC SINH  Hình ảnh có liên quan

 

THỨ HAI: LỄ TRUYỀN TIN

 

THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH

THỨ TƯ TUẦN II PHỤC SINH

THỨ NĂM TUẦN II PHỤC SINH

THỨ SÁU TUẦN II PHỤC SINH

THỨ BẢY TUẦN II PHỤC SINH

 

 

Các bài chia sẻ: Hiền Lâm 

 

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,19-31

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! "

Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

 

+ SUY NIỆM

THẤY VÀ TIN

Bài Tin Mừng hôm nay làm nổi bật lên niềm tin của một vị Tông Đồ trước và sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Hình ảnh của thánh Tôma tông đồ phản ảnh mọi thái độ tin của chúng ta ngày hôm nay: Có người đòi thấy mới tin, có người tin vì không thể chối cãi, có người không thấy mà tin.

 

* Thấy mới tin.

Có thể nói, Tôma trước hết là mẫu người của khoa học thực nghiệm, cái gì cũng phải được thí nghiệm và kiểm chứng. Ông thuộc nhóm những kẻ cứng lòng, dù toàn bộ anh em trong nhóm môn đệ Chúa Giêsu chứng nhận, nhưng ông vẫn không tin. Đối với ông chân lý không phải cái mình chưa thấy, không phải theo số đông, nhưng là một sự mục kích bằng giác quan.

Cái dở của Tôma còn ở chỗ là cả một cộng đoàn đồng môn với mình, ai cũng chứng nhận là đã thấy Thầy sống lại, nhưng Tôma dứt khoát không tin. Như vậy, không những ông không tin Chúa mà còn không tin nhau, ông thuộc tuýp người tự kỷ và sống khép kín với cộng đoàn. Ông không tin ai cả và chỉ tin cái gì “bất đắc dĩ không cãi được nữa”. Một sự dè dặt và luôn sợ sệt người khác lừa mình.

Có lẽ vì những môn đệ khác đã được thấy Chúa; còn Tôma, ông cũng muốn được hân hạnh đó, nếu có thể được. Và hơn nữa, ông muốn có bằng chứng xác thực hơn kiểu cách anh em mô tả. Ông muốn được mắt thấy tay sờ. Tin Mừng mô tả thái độ của ông như vậy để khẳng định rằng: niềm tin của các Tông đồ vào việc Chúa sống lại căn cứ vào những cơ sở thật chắc chắn.

Cách nào đó, chúng ta cũng giống như thánh Tôma xưa, tinh thần khoa học ngày nay làm cho chúng ta đặt lại tất tất cả các vấn đề, phê bình, phân tích, thí nghiệm, kiểm chứng trước khi chấp nhận. Từ đó, trong lãnh vực đức tin chúng ta đòi hỏi phải có những lý lẽ hợp lý, xác thực như những sự kiện của khoa học… để rồi nghi ngờ và thậm chí chối bỏ những chân lý mặc khải đã được Giáo Hội minh định.

Phải thừa nhận, khoa học đem lại nhiều hiểu biết cho nhân loại về vũ trụ quan và nhân sinh quan, đưa ra hàng ngàn khám phá mới có ích cho cuộc sống hôm nay, mà người của năm thế kỷ trước không tưởng tượng ra được hoặc gán cho thần minh. Nhưng khoa học mãi mãi không thể lý giải được cái kết của đời người ở bên kia cái chết, không thể lý giải được những kỳ công trong vũ trụ… Chỉ có đức tin dựa trên mặc khải mới trả lời được những gì bí ẩn mà thôi.

Thật vậy, chân lý khoa học là những gì biết được bằng thí nghiệm kiểm chứng thuộc phạm vi vật chất. Còn chân lý đức tin là những gì thuộc siêu nhiên mà giác quan thể lý không thể mục kích được, mà chỉ biết bằng mặc khải và sự cảm nhận những chân lý khả dĩ đem lại cho con người sự giải thoát. Chân lý đức tin dựa trên uy quyền của Lời Đức Kitô, uy tín của các Tông Đồ và sự minh định của Giáo Hội. Khoa học chỉ có thể biến đổi cái thế giới vật chất bên ngoài, nhưng đức tin sẽ biến đổi cái thế giới tâm linh bên trong của mỗi người chúng ta.

 

* Thấy rồi tin.

Tin Mừng kể rằng, khi Chúa Giêsu hiện đến, lần này có Tôma, nhân vật đầu tiên mà Chúa cần nhắc nhở vì sự hoài nghi của ông. Tôma quỳ sụp xuống tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Tất cả mọi nghi ngờ đều tan biến, ông chấp nhận toàn bộ thực tế và nhìn nhận Đức Kitô, người đã chết mà nay lại đang sống. Sự sự hiện diện của Người, một sự hiện diện đầy yêu thương và uy quyền đã củng cố niềm tin và thay đổi hẳn con người Tôma.

Có thể chúng ta không đồng tình với thái độ nghi ngờ Chúa và nghi ngờ anh em của Tôma, nhưng chúng ta phải hoan nghênh lời tuyên xưng đức tin của ông.  Giờ đây, khi đã gặp Đấng Phục Sinh, Tôma không còn nhìn thấy một vị Thầy như trước đây sống lại nữa, mà bây giờ ông là người đầu tiên tin Thầy là Thiên Chúa và là Chúa của ông.

Nghĩa là khi đã gặp được Đấng Phục Sinh, Tôma nhận Thầy là Chúa và Thầy là một Thiên Chúa, chứ không đơn thuần là một vị Thầy bình thường nữa. Các môn đệ chỉ kể cho ông nghe đã gặp Thầy sống lại, còn nay Tôma gặp một vị Thiên Chúa và là Chúa của ông. Và nhờ đó mà Tôma hoàn toàn biến đổi, ông không còn là người khép kín tách mình khỏi cộng đoàn nữa, ông tin tưởng đồng môn và cùng với các anh em mình nhận lấy “hơi thở Thần Khí” và sứ vụ đi rao giảng Tin Mừng.

Trong phạm vi đức tin, chúng ta cần tìm tòi, cần đào sâu để có được một đức tin kiên vững. Đó mới chỉ là bước thứ nhất. Bởi vì có đức tin mà thôi chưa đủ, điều quan trọng hơn là phải sống đức tin. Hay nói một cách khác liệu đức tin có đủ mạnh để làm chuyển biến cuộc đời, cũng như đổi thay chính con người chúng ta hay không? Muốn được như thế, không gì hơn là hãy sống gắn bó và tiếp xúc thân mật với Đức Kitô. Sự tiếp xúc này, ngày xưa đã biến đổi các môn đệ từ những người u mê dốt nát, hèn nhát và sợ sệt trở thành những người thông suốt giáo lý Tin Mừng và nhất là can đảm loan truyền và làm chứng cho Tin Mừng đó.

Chuyện lòng riêng của Tôma cũng là chuyện lòng chung của muôn lòng tín hữu. Từ sự cứng lòng của Tôma, ngày nay người ta hiểu hơn rằng niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân. Chỉ dựa vào ơn thánh, người ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu tìm hiểu nữa. Nhưng nếu chỉ dựa vào lý trí, người ta lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại và tiêu chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận: những gì không hiểu, không đo lường sờ chạm, đều bị chối từ. Nếu chỉ dựa vào cộng đoàn thôi, người ta còn có thêm một nguy cơ nữa là thái độ tiêu cực. Bên ngoài có vẻ ngoan, nhưng thực chất là dấu hiệu của một niềm tin hời hợt.

 

* Không thấy mà tin.

Chúa nói: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!", không thể làm Tôma buồn, vì ông thuộc thế hệ các Tông đồ, những người đã thấy và đã tin. Ai dám bảo thế hệ ấy không có phúc? Chính Chúa đã có lần nói với họ: Phúc cho chúng con vì được xem thấy, nghe thấy bao điều mà các tiên tri vua chúa không được thấy và nghe. Họ có phúc vì đã thấy và đã tin, đang khi có bao kẻ cũng thấy mà không tin. Ðức tin không chỉ căn cứ vào những điều đã thấy. Nên Tôma đã thấy và đã tin, thì đã có phúc rồi. Câu nói kia không nhắm ông nữa, nhưng hướng về độc giả sách Tin Mừng và chúng ta hết thảy. Chúng ta không thuộc thế hệ những người mắt thấy, mà chúng ta tin, thì chúng ta là những người có phúc. Có phúc vì đã được ơn Chúa ban, vì đức tin, cuối cùng, là ơn ban của Chúa.

Phúc thay những người không thấy mà tin Là một mối phúc thật, mối phúc cuối cùng. Người ta không thể trông thấy những thực tại cao cả nhất của Thiên Chúa. Chỉ có đức tin mới đưa chúng ta tới đó. Đó chính là hạnh phúc đích thực.

Niềm tin chỉ có thể đạt được kết quả khi có yếu tố quyết định chính là hồng ân Thiên Chúa, như một bao trùm từ khởi sự cho đến hoàn thành. Nguyện vọng của Tôma xem ra ngược ngạo, nhưng đã được Đức Giêsu thanh luyện, để cuối cùng khi dâng lời tuyên tín, cũng là lúc ông được dẫn vào một nhận thức mới mẻ hoàn toàn. Thay vì phải thấy mới tin, ông nhận ra rằng phải tin mới thấy trọn vẹn: thấy Đấng Phục sinh và con người Giêsu cũng là một, thấy Đấng Phục sinh rốt cuộc là Chúa và là Thiên Chúa của mình, và thấy niềm tin vượt lên tất cả sẽ trở thành hạnh phúc.

“Phúc thay những người không thấy mà tin”. Lời này như được ngỏ với chúng ta, những người tín hữu Kitô hôm nay mà lòng tin dựa trên chứng từ của các Tông đồ, chứ không dựa vào kinh nghiệm giác quan: sống cách xa biến cố Chúa Phục Sinh gần 2000 năm, chúng ta hãy khiêm tốn lãnh nhận đức tin. Tin nơi Thánh Kinh, tin nơi Giáo Hội, những bảo chứng đáng tin nhất, không còn cách nào khác. Với ơn đức tin, chúng ta có thể gặp Chúa và tiếp cận với Ngài. Đó là một hạnh phúc thật sự.

Con đường của lòng tin chúng ta hôm nay là con đường của lòng mến. Càng yêu mến nhiều, càng tin vững chắc. Và những người có lòng mến Chúa thường không cần phải tin mà mình thấy, bởi:

Chính tình yêu hoạ hình Đấng Hằng Hữu,

Là thực tại, nhưng cũng rất cao sâu,

Là hiện sinh, nhưng cũng rất nhiệm mầu,

Không thể nói, nhưng biết bằng cảm nghiệm.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là thế hệ không thấy Chúa bằng mắt phàm, nhưng thấy Chúa bằng sự cảm nghiệm đức tin qua Thánh Kinh, qua các Bí tích và qua Giáo Hội. Chúng con có đức tin nhưng đức tin chúng con còn non kém lắm, nên xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.

 

 

THỨ HAI: LỄ TRUYỀN TIN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1, 26-38

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"

Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

+ SUY NIỆM

"XIN VÂNG"

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về một cuộc đối thoại quan trọng nhất cho vận mạng loài người - cuộc đối thoại giữa Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel với cô thôn nữ làng Nazareth là Đức Maria. 

Cuộc truyền tin này mang một ý nghĩa sống còn khi tạo vật nín thở chờ tiếng “xin vâng” của Đức Maria để Con Thiên Chúa nhập thể đi vào trần gian.

Nơi biến cố này, chúng ta có nhiều điểm đặc biệt để suy tư, như: “Nữ Tỳ Khiêm Hạ, Đấng Đầy Ơn Phúc, Đấng đầy Thánh Thần và đặc biệt là lời “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ.

Ở đây, chúng ta chỉ tập chú suy niệm về đức vâng phục của Mẹ qua lời “Xin Vâng”:

 

Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

Như thế, Mẹ đã ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.

 

- Lời xin vâng – xác tín

Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, mà Giuse không biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23).

 

- Lời xin vâng – phó thác

Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa .

 

- Lời xin vâng - tự do

Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Người được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Thật vậy, ý định của Thiên Chúa luôn được thi hành và chương trình của Thiên Chúa luôn được thực hiện, nhưng không phải bằng cách cưỡng bách hay ép buộc. Khi chương trình Thiên Chúa liên can đến con người mà Thiên Chúa trang bị cho được tự do, thì có thể nói, chương trình ấy phần nào lệ thuộc vào sự cộng tác của con người. Nếu Thiên Chúa sử dụng con người như những “con tốt” trên bàn cờ hay như những vật vô tri trong vũ trụ, thì mọi sự sẽ diễn ra trong trật tự và ổn định, nhưng Thiên Chúa đã không muốn thế, vì như vậy sẽ tước đi sự tự do -điều quí giá nhất trong tình yêu- con người, làm cho sự đáp trả mất đi ý nghĩa và giá trị của nó. Cũng thế, Đức Maria, với cả “nhân vị” của mình, Người đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu không mức độ.

 

Như vậy, qua lời “xin vâng”, Đức Maria để lại cho chúng ta một mẫu gương chói ngời về sự vâng phục và tín thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa, với cả ý thức tự do tận hiến cho Chúa. Mẹ trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Mẹ đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt Mẹ đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người.

 

Lạy Mẹ Maria, xin mẹ cầu bầu cho chúng con luôn bước đi trong ân sủng, khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chuá trong sự vâng phục thánh ý Người, để nên hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa hầu mưu ích cho các linh hồn. Amen

 

 

THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 3,7b-15

Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."
Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được? " Đức Giê-su đáp: "Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? " Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

 

+ SUY NIỆM

Triết học cổ đại Hi-lạp, đặc biệt Socrate, Platon và Aristote, thường sử dụng lối văn đối thoại để chuyển tải tư tưởng. Tin Mừng thứ IV cũng từng sử dụng lối văn đối thoại này, khi kể lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, hầu chuyển tải ý nghĩa về ơn cứu độ.

 

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ minh họa về đặc tính của Thần Khí Thiên Chúa, được ví như gió: Gió tuy không ai thấy được nhưng không có nghĩa là không có, gió tự do thổi đâu thì thổi, không ai biết gió đến từ đâu và đi đâu. Thần Khí Thiên Chúa vốn thiêng liêng không ai thấy được, nhưng mọi người biết được nhờ kết quả của Thần Khí tác động và biến đổi trên những con người đã được tái sinh.

 

Nicôđêmô không thể hiểu được nên ông đã thắc mắc làm sao có thể xảy ra. Xét theo mạch văn, có lẽ ông vẫn chưa hiểu được về ý nghĩa Tân Sáng Tạo, nghĩa là nhờ Ơn Cứu Độ là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, con người được sinh ra lần nữa không phải theo huyết nhục mà là qua Phép Rửa con người trở thành thụ tạo mới nhờ nước và Thần Khí.

 

Điều này không riêng gì Nicôđêmô, mà hết mọi người, kể cả các môn đệ Chúa Giêsu, chỉ khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, Người dùng Thánh Thần mở trí cho mới hiểu được ơn tái sinh này. Ơn tái sinh trong nước và Thần Khí xuất phát từ trời mà không ai đã lên trời để có thể thấu hiểu, mà chỉ có Đấng đến từ trời xuống mặc khải cho.

Điều Chúa Giêsu mặc khải thật rõ ràng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. 

Có lẽ đây là nét độc đáo nhất chỉ gặp thấy nơi Tin Mừng thứ IV, con đường linh đạo này có một mức độ quyết liệt hơn, vì trong khi 3 Tin Mừng Nhất Lãm nói đến việc muốn đạt đến Ơn Cứu Độ phải vác lấy thập giá, còn đối với Tin Mừng thứ IV đòi phải được “giương cao lên” nghĩa là không chỉ vác mà còn phải bị treo lên, chịu đóng đinh vào khổ giá.

 

Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất Lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Chúa Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng Thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được “giương cao lên” (x.Ga 3,14; 8,28; 12,32).

Con Người được giương cao lên, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.

Theo chiều ngang, với cách nói nơi Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là phải cùng đóng đinh chính mình vào thập giá như Chúa Giêsu.

Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến Ơn Cứu Độ.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chấp nhận được giương cao lên, là chấp nhận đóng con người tội lỗi của mình vào thập giá Chúa, để sau khi chết đi cho tội lỗi, chúng con được trở nên con người mới. Xin cho chúng con cũng biết “giương cao lên” là vượt lên trên mọi sự thấp hèn xấu xa của thế gian, để sống cho Chúa và cho mọi người. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN II PHỤC SINH

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 3,16-21

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."

 

+ SUY NIỆM

Hôm nay, tiếp tục là cuộc đối thoại của Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, khi ban Con Một để cứu thế gian:

 

* Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một

Trong cách nhìn nhân loại, ai trong chúng ta nếu chỉ có một đứa con trai duy nhất, thì chúng ta sẽ coi nó như là tất cả của đời mình, của cả cuộc sống mình, của cả giống nòi mình, nên chúng ta sẽ hết sức cung phụng nâng niu, bằng mọi giá phải bảo vệ nó, và chỉ chấp nhận san sẻ khi cho đứa con xây dựng gia đình với một người con gái để duy trì dòng tộc.

Trong mầu nhiệm Thiên Chúa, Chúa Cha đã đản sinh ra Chúa Con, và Chúa Con là đứa Con Duy Nhất của Chúa Cha từ đời đời. Nhiều lần Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện đã thân thưa rằng: Con yêu Cha và như Cha đã yêu Con… Và vì yêu thương con người, Chúa Cha đã cho đứa Con Duy Nhất của mình đến với thế gian

Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua hành vi tự hiến của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16a). Từ “đến nỗi” ở đây cho thấy Thiên Chúa yêu đến tột cùng, yêu “đến nỗi” không còn gì để diễn tả, để trao ban hơn được nữa, vì thế chỉ còn cách duy nhất là trao ban chính Con của mình đến để diễn tả tình yêu cho nhân loại bằng chính cái chết mà thôi.

Nơi cái chết của Đức Giêsu – Con Thiên Chúa là chính Thiên Chúa. Ngài đã ban và sai Con của Ngài đến vì yêu thương toàn thể nhân loại, để họ được cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa có một cường độ và mộtchiều kích to lớn đến nỗi, nếu có thể, hẳn ta phải nói: Thiên Chúa yêu thương thế gian, yêu thương chúng ta, hơn chính Con của Ngài. Ngài không bỏ mặc thế gian, mà lại còn ban cho chúng ta món quà là Người Con vẫn sống trong một tương quan duy nhất với Ngài.

Chỉ khi chúng ta xác tín rằng Đấng chịu đóng đinh là Con Một, Con yêu dấu của Thiên Chúa, thì quyền năng của tình yêu này của Thiên Chúa mới có thể thực sự đến với chúng ta và chúng ta mới có thể hoàn toàn mở ra với ánh sáng và sức nóng của Người. Đời sống chúng ta tùy thuộc đức tin của chúng ta.

Nhưng, tại sao Thiên Chúa yêu thế gian lại trao ban Con Một đến để chịu chết mà cứu độ?

Bởi vì tình yêu cần đến sự ở với nhau, cần chính thân thể của nhau và trao ban cho nhau, nhất là dám chết cho người mình yêu. Nếu Chúa Giêsu ở trên trời nói vọng xuống rằng: “Thiên Chúa yêu con người” thì liệu con người có cảm nhận được tình yêu không; nhưng chắc chắn họ sẽ cảm nhận được tình yêu khi Con Một Thiên Chúa đến ở với con người, hi sinh để cứu con người và trao ban chính mình cho họ.

Lại nữa, loài người đã phạm tội xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối nên tự loài người không thể tự đền được sự xúc phạm này cách cân xứng, nên cần tới Đấng là Con Thiên Chúa tuyệt đối thánh thiện mới có thể đền thay cách tương xứng. Giống như dân đen xúc phạm đến vua thì mang tội chết, phải cần đến thái tử của vua mới có khả năng xin phụ hoàng tha thứ cho người mà thái tử yêu được.

Tình yêu chân chính là mong sao người mình yêu được hạnh phúc hơn cả bản thân mình. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thế gian cách tuyệt đối và mong sao cho chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối là được vào ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” Ga 3,17).

 

* Thiên Chúa sai Con của Người đến không phải để lên án nhưng là để cứu độ thế gian.

“Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ". Thật vậy, sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu đến là để dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian. Đó là niềm hy vọng lớn lao của nhân loại.

Người tôi tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, hay người dân đen cùng khốn chết cho hàng vua chúa cao sang… là điều dễ chấp nhận; Đằng nầy Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể trời đất lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là điều vượt quá trí tưởng tượng con người. Chỉ vì quá đỗi yêu thương loài người, Thiên Chúa mới có thể hy sinh đến thế.

Đức Kitô đã đến với tư cách là Đấng Cứu Độ chứ không là Thẩm Phán: Ngài dẫn đưa con người đến “sự sống đời đời.” Sự sống đời đời, theo Tin Mừng Gioan, không chỉ là cuộc sống tương lai của một thế giới sắp đến, nhưng còn dự phần vào cuộc sống Thiên Chúa ngay từ thế giới hiện nay.

“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15, 13) và không có tình yêu nào sánh ví được với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Ý định Thiên Chúa cứu độ con người không thể nào được thực hiện nếu không có sự đồng thuận của con người; họ phải chọn lựa, “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi.”

Mục tiêu của sứ mạng Chúa Con đảm nhận khi được gửi vào trần gian: không phải để lên án, nhưng để cứu độ. Thế nhưng, dù điều duy nhất Thiên Chúa muốn, đó là cứu độ thế gian; nhưng biến cố Con của Người đến cũng nhất thiết đưa loài người đến chỗ phải lấy quyết định; quyết định trọng yếu nhất của đời người, là gắn bó với Con Một Thiên Chúa bằng đức tin, hoặc ngược lại, từ chối tin vào Người.

Đây là một xác tín cho hết mọi Kitô hữu và là điểm căn bản phải nắm chắc: Thiên Chúa là Cha nhân từ giàu lòng thương xót chứ không phải là Người chờ để giáng phạt con người. Chúa Giêsu đến cứu những gì đã hư mất chứ không phải đến để lên án thế gian. Vì thế, hãy loại bỏ những quan niệm sai lầm, cứ hễ thấy điều tai họa là gán cho Thiên Chúa phạt. Như thế là đã làm méo mó dung mạo đầy yêu thương của Thiên Chúa.

 

* Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án.

Thiên Chúa đã khởi xướng trước, Người đã “yêu thương đầu tiên”. Mọi sáng kiến đến từ phía Người. Nhưng để có tình yêu, nếu chỉ có lời tuyên bố, bày tỏ, trước những bước, dấu chỉ từ một trong hai phía chưa đủ mà phải có sự tương ứng, đón nhận, đáp trả. Đức tin là lời đáp lại của con người đối với lời tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nói rõ cho chúng ta biết, ý Thiên Chúa Cha muốn mọi người chúng ta là tin vào Con Thiên Chúa, tức là tin vào Chúa Giêsu, để nhờ đó họ sẽ được mãi mãi chiêm ngưỡng thánh nhan Người và được sống lại trong ngày sau hết.

Như thế, điều kiện tiên quyết để được cứu độ là phải tin và sống niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa.

Cái được mất của đức tin ấy vô cùng quan trọng: vấn đề là chết hay sống: “Ai tin thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Hoặc người ta chấp nhận “sự ban cho của Thiên Chúa” và đi đến sự sống muôn đời là đặc tính của Thiên Chúa hoặc người ta ở lại với nhân tính của mình và dĩ nhiên là phải chết. Không thể có thái độ nghiêng ngả quanh co. Phải nói “có” hoặc “không” trước sự ban cho của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cho thấy rằng đức tin phải dựa trên bằng chứng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi sai phái Con của Ngài đến. Cuộc tái sinh bởi Thiên Chúa và lòng tin vào Con Thiên Chúa đưa chúng ta đạt tới ý nghĩa và sự viên mãn của cuộc sống chúng ta, đưa đến sự sống đích thực không qua đi.

Mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Nghĩa là hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”).

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa được sai đến thế gian là để cứu độ thế gian chứ không phải lên án thế gian. Xin cũng sai chúng con đến với mọi người, đem đến cho họ sự cứu vớt, chứ không phải đến để lên án đồng loại. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN II PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 3,31-36

Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy."

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh nội dung mạc khải về Ơn Cứu Độ của Chúa Giê-su, và điều kiện tiên quyết để được cứu độ là phải tin vào Con Thiên Chúa:

 

* Tin để được cứu độ.

Chúa Giê-su lặp đi lặp lại điều kiện này với Ni-cô-đê-mô:

- Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3,14-15).

- Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16).

- Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi (Ga 3,17-18).

Một con bệnh không thể được chữa lành nếu không tin vào thầy thuốc có thể chữa mình, Chúa không thể cứu độ nếu con người không tin vào Ngài, qua Con Một Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô. Nghĩa là, muốn đức tin có đủ mạnh để làm chuyển biến cuộc đời, cũng như đổi thay chính con người, thì hãy sống gắn bó và tiếp xúc thân mật với Đức Kitô. Sự tiếp xúc này, ngày xưa đã biến đổi các môn đệ từ những người u mê dốt nát, hèn nhát và sợ sệt trở thành những người thông suốt giáo lý Tin Mừng và nhất là can đảm loan truyền và làm chứng cho Tin Mừng đó như trong bài đọc I sách Tông Đồ Công Vụ đã ghi nhận điều đó.

Niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân. Chỉ dựa vào ơn thánh, người ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu tìm hiểu nữa. Nhưng nếu chỉ dựa vào lý trí, người ta lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại và tiêu chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận. Tin được coi như là một mối phúc thật, mối phúc cuối cùng (Phúc cho những ai không thấy mà tin: Ga 20,29). Người ta không thể trông thấy những thực tại cao cả nhất của Thiên Chúa. Chỉ có đức tin mới đưa chúng ta tới đó. Đó chính là hạnh phúc đích thực.

 

* Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa.

Chúa Giê-su xác định, người được Thiên Chúa sai đi thì nói lời Thiên Chúa, Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến thì nói lời của Thiên Chúa Cha, đến lượt những ai được Chúa sai đi cũng phải nói lời Thiên Chúa, chứ không phải nói lời của mình hay lời vị này tác giả nọ, hoặc những tác phẩm của nhân vật này danh nhân nọ. Giảng dạy là giảng Lời Chúa, và lời đó ở ngay trong Thánh Kinh mà mỗi ngày được đọc lên trong các thánh lễ, chứ không phải nơi những châm ngôn hay tư tưởng nhân loại. Thế nhưng, trong Giáo hội, không thiếu những vị lên tòa giảng, Lời Chúa thì không giảng mà là lời mình hoặc lời của kẻ khác, thay vì nhằm tới mưu ích cho người nghe thì tìm cách nói sao để đem lại lợi cho mình.

Ông Ni-cô-đê-mô hay các môn đệ sợ hãi là vì chưa đủ niềm tin, chưa tin là vì chưa được Chúa mở trí cho am hiểu Thánh Kinh, chưa am hiểu Thánh Kinh là vì các ngài đã và đang tìm kiếm một Đấng Kitô khác với những gì Thánh Kinh tiên báo. 
Chúa dạy các môn đệ am hiểu Thánh Kinh viết về Người như thế nào rồi mới sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng. Rao giảng một Đấng đã chịu tử nạn và phục sinh như Thánh Kinh chép về Người, chứ không phải rao giảng một vị chúa nào đó theo những gì suy luận ra.

Ngày nay, một số người dù mang danh Công Giáo, nhưng sự mộ mến Lời Chúa còn rất hạn chế, và vì không quan tâm đến Thánh Kinh, nên họ hiểu biết các méo mó về Thiên Chúa, tôn thờ một Thiên Chúa theo ý họ, tìm một Thiên Chúa dễ dãi, kiếm một Thiên Chúa trong những thứ “văn hóa” tạp nham khác, chứ không phải tìm một Đấng Phục Sinh đã chịu Tử Nạn như Thánh Kinh loan báo.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là thế hệ không thấy Chúa bằng mắt phàm, nhưng thấy Chúa bằng sự cảm nghiệm đức tin qua Thánh Kinh, qua các Bí tích và qua Giáo Hội. Chúng con có đức tin nhưng đức tin chúng con còn non kém lắm, nên xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN II PHỤC SINH

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,1-15

Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? " Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! " Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! " Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

 

+ SUY NIỆM

Chắc chắn rằng, phép lạ “hóa bánh ra nhiều” là một sự kiện lịch sử. Bởi vì đây là sự kiện không chỉ được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại, mà Tin Mừng thứ IV cũng đã tường thuật một cách rất chi tiết về địa danh, thời gian và những nhân vật cụ thể trong phép lạ này. Câu chuyện được xảy ra trên núi, gần bờ biển hồ Galilêa, nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng và chọn gọi 4 môn đệ đầu tiên. Thời gian của sự kiện là gần dịp lễ vượt qua của người Do-thái, và đối tượng là dân chúng đi theo người rất đông chừng hơn 5000 người đàn ông. Hai môn đệ được nhắc đến trong sự kiện này là Philípphê và Anrê: một vị được Chúa Giêsu hỏi thử về việc lấy đâu đủ bánh cho dân ăn, một vị phát hiện ra một em bé mang mấy cái bánh và báo cáo với Chúa Giêsu.

Hành động của Chúa Giêsu trong sự kiện hóa bánh ra nhiều hôm nay, bao gồm cùng lúc hai công việc của Đấng Cứu Thế, là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.

Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đông đảo dân chúng đến với mình… Chúa Giêsu chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người). Chúng ta cũng được mời gọi “ngước mắt lên” để nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người mà cảm thông với họ, chứ không phải ru rú cho mình mà bất biết với mọi người xung quanh đang cần đến chúng ta.

Chúa Giêsu không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Người muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới - cá). Phép lạ xảy ra khi biết đem chia sẻ cho nhau và cùng ngồi xuống ăn chung với nhau, chứ phép lạ không thể xảy ra khi chúng ta giữ khư khư 5 chiếc bánh và hai con cá để ăn một mình.

 

Vì thế:

- Cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể..., nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống).

- Hành động như Chúa Giêsu là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha rồi bẻ ra phân phát cho dân: Chúng ta dừng lại ở các động từ “tạ ơn”, “bẻ ra” và “trao”:

- Chia sẻ: Giúp đỡ người khô khan trở về với Chúa, san sẻ phần mình cho kẻ đói nghèo trong mức độ có thể.

- Tạ ơn: mỗi người dâng cho Chúa phần của mình, dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hắng ngày.

- Bẻ ra: Mọi người đừng ăn một mình, nhưng hãy bẻ ra để chia cho những người khác thiếu may mắn hơn chúng ta.

- Trao cho: Nhạy bén trước nhu cầu của người đang đói mà đến trao cho họ, chứ không đợi họ phải xin rồi mới cho.

Chúa muốn các môn đệ phải lo cho dân no đủ chứ Chúa không bảo ông này bà kia cho họ ăn. Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất.

- Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các Giáo Lý Viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.

- Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.

 

Lưu ý, “cho” chứ không bảo họ phải mua của mình, không phải đưa ra lời khuyên bảo họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra).

Mọi người có tương quan liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, trong một trường học, trong nơi mình sống và làm việc, liên đới với đồng loại. Khi một thành viên trong giáo xứ làm điều xấu, thì thiên hạ đàm tiếu rằng nó là người của xứ đó, người của lớp đó, người của trường đó, người thuộc sự dạy dỗ của cha xứ đó, GLV đó… Và ngược lại, một người làm điều tốt, thì cũng liên đới như vậy… Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ nhau sống đạo, giúp đỡ nhau sống đời. Chúng ta có bổn phận đưa tiễn và cầu nguyện cho người đã qua đời…

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để không những có lòng cảm thương, mà còn biết cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng con. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN II PHỤC SINH

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,16-21

Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Đức Giê-su chưa đến với các ông. Biển động, vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: "Thầy đây mà, đừng sợ! " Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.

 

+ SUY NIỆM

Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, người viết chột nghĩ: Các Tin Mừng đều ghi lại rằng, khi Chúa Giê-su gục đầu tắt thở trên thánh giá thì lúc đó tối tăm bao trùm vạn vật. Vậy thế giới hôm nay, “bóng đêm vật chất và hưởng thụ” đang bao trùm, thì liệu Thiên Chúa có chết không? Thiên Chúa có chết như triết gia Friedrich Nietzsche từng tuyên bố hay không?

Được bầu chọn làm Giáo hoàng giữa lúc mà thế giới vô thần, vật chất và thực dụng đang hoành hành, thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II ngay trong bài giảng khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô ngày Chúa nhật 22-10-1978, tại quảng trường đã kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”.

Vâng, dù bóng đêm có bao trùm vũ trụ, dù thế giới có sóng gió ba đào, thì các tín hữu cũng không sợ vì luôn có Chúa Giê-su đồng hành và trấn an: “Thầy đây, đừng sợ”. Đúng vậy, có Chúa thì còn sợ gì, có Đức Ki-tô thì ai còn làm gì được ta…

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc các môn đệ Chúa Giêsu hoảng hốt sợ hãi trước  sóng biển ba đào đe doạ cuốn trôi, nhất là giữa đêm khuya xuất hiện một bóng người từ xa đi tới trên mặt nước.

Câu chuyện “vượt biển” này được tiếp tục sau sự kiện Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều, các môn đệ ăn xong chưa kịp nghỉ đã bị Chúa hối thúc xuống thuyền vượt biển hồ Galilêa, còn Chúa Giêsu thì lại lên núi cầu nguyện.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là: Chúa không muốn các môn đệ an thân ỷ lại, hưởng thụ và ngủ quên trên sự tôn vinh của con người hoặc chỉ nhìn Chúa Giêsu dưới khía cạnh quyền năng sau sự kiện hoá bánh ra nhiều, mà nghĩ sai về sứ mạng của Người. Chúa Giêsu cũng muốn môn đệ phải ra đi, bỏ lại tất cả, dám đương đầu với bão tố phong ba của biển đời.

Chúng ta cùng tập chú suy niệm qua hai ý tưởng sau đây:

 

* Biển đời sóng gió.

Sự kiện sóng gió ập tới xô đẩy thuyền các môn đệ, không phải xảy ra giữa ban ngày mà là xảy ra giữa đêm tối. Có lẽ trong suy nghĩ của các môn đệ lúc đó chỉ có chuyện ăn bánh vừa xong, chứ không nghĩ đến thầy Giêsu, vì không nghĩ đến Chúa nên khi thấy Chúa vẫn cứ tưởng là ma. Các môn đệ chưa thể tin nổi sự kiện quyền năng Chúa hoá bánh ra nhiều nên cũng chưa hiểu được quyền năng Chúa đang đi trên mặt nước mà đến với họ.

Đó là hình ảnh của biển đời và sự non kém của đức tin mỗi người chúng ta:

Sóng gió trên biển cuộc đời, sóng gió trên hành trình làm người, sóng gió trên hành trình làm môn đệ… là những đau thương mất mát, những thất bại ê chề, những hoạn nạn éo le, những cô đơn thất vọng; là những bủa vây của quyền thế danh lợi, của đam mê phóng túng; là những đêm tối đức tin, những bơ vơ lạc lõng, những thử thách bách hại… Sóng gió nào cũng làm lòng người hoang mang, hoảng sợ, chông chênh. Mặt nước của cuộc đời là sự mong manh của thân phận con người, mong manh như hoa cỏ, chỉ một cơn gió thoảng cũng chẳng còn; mong manh như giọt sương mai, vội biến tan khi bình minh thức giấc; mong manh như bình sành đặt trước gió, mới đó, nhưng có thể sẽ vỡ tan tành; mong manh của giới hạn của bản thân, sự bất trắc trong việc tuân giữ luật Chúa và Hội Thánh, sự tự do đầy nguy cơ có thể bị biến chất, những lối tính toán xoay xở theo kiểu của con người, những lời mời mọc ngọt ngào lao mình vào lối mòn hưởng thụ… tất cả làm cho người Kitô hữu lắm lúc hoang mang và mất phương hướng. Đến nỗi, không còn tin vào ai nữa, giống như các môn đệ Chúa đến đứng đó mà vẫn cứ hoài nghi là bóng ma.

Tại sao vậy?

Vì cũng như các môn đệ, trong tư tưởng lúc đó chỉ có chuyện “ăn bánh”, nghĩa là chỉ lo chuyện vật chất mà không nhớ đến Chúa, lo chống chọi bằng chính sức mình mà không có Chúa.

Vậy, hãy mau mời Chúa lên thuyền, là hãy mời Chúa vào trong cuộc đời chúng ta.

 

* Mời Chúa lên thuyền với mình.

Tin Mừng kể lại, Chúa Giêsu đã trấn an: “Thầy đây đừng sợ”, rồi khi các môn đệ muốn rước Chúa lên thuyền thì thuyền đã đến bờ là nơi các ông định đến.

Lời trấn an “Thầy đây đừng sợ” chúng ta chỉ gặp thấy hai lần trong các Tin Mừng, đó là lúc các môn đệ vật lộn giữa biển khơi và lúc sợ hãi thu mình trong nhà Tiệc Ly khi Chúa chịu chết: lần này thì vừa sợ sóng biển xô chết vừa sợ ma, còn lần cuối thì cũng sợ các thượng tế tìm giết và cũng “sợ ma” nữa. Hai sự kiện nói lên hai điều sợ căn bản của chúng ta là sợ bị người đời bách hại và sợ ma quỷ tấn công. Nhưng nếu có một đức tin đủ mạnh, thì chúng ta không sợ gì vì có Chúa luôn đồng hành với lời trấn an “có Thầy đây, đừng sợ”

Biển cả ở đây không chỉ là biển đời như đã nói ở trên mà còn là biểu trưng cho nơi ẩn náu của ma quỉ. Chúa Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Ngài luôn hiện diện: “Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Ngài luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Ngài ở bên.

Con thuyền của các môn đệ ngày xưa cũng chính là con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay. Giữa bao sóng gió cuộc đời của kiếp người trong cuộc lữ hành đức tin.

Khi Chúa chưa đến thì bóng tối, sóng dữ hoành hành, nhưng khi Chúa đến thì là bến bờ và đích đến của môn đệ. Nếu trên cuộc đời của mỗi chúng ta có Chúa Giêsu, thì sự dữ, ma quỉ sẽ bị đẩy xa. Bởi khi sáng tới, thì tất yếu bóng tối sẽ bị đẩy lùi.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn hiện diện để cùng đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con để cho Chúa lên “thuyền cuộc đời”, nghĩa là để cho Ngài ngự vào tâm hồn chúng con, hầu không có gì tách được chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen.

 

Hiền Lâm

 

Thiết kế Web : Châu Á