Bài giảng

CUỘC GẶP GỠ KHÔNG HẸN TRƯỚC GIỮA ĐẠO LÝ CỦA THÁNH ÆLRED VÀ TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI (Martin OCist)

...Và người ta muốn tìm trong những anh em đó là người bạn tri kỷ, dù nhiều hay ít. Chính niềm vui đó có niềm an ủi ai đó – người chúng ta kết hợp sâu xa bằng hệ lụy yêu thương, người mà tinh thần suy yếu của chúng ta khả dĩ tìm được sự ngơi nghỉ, là người mà chúng ta khả dĩ thổ lộ…Người mà có cách nói chuyện ngọt ngào trong cảnh buồn chán của cuộc sống hằng ngày. Đó là người có tâm hồn, là nơi trú ẩn cho chúng ta, khi thế gian quá rộng cho chúng ta vào, người mà chúng ta khả dĩ tâm sự.

Lễ thánh Ælred Viện phụ 12-01

CUỘC GẶP GỠ KHÔNG HẸN TRƯỚC

GIỮA ĐẠO LÝ CỦA THÁNH ÆLRED VÀ TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI

Fr. Martin Nguyễn Thanh Nghị


 

Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Ælred Viện phụ đan viện Rievaulx, ngài thuộc dòng Xito, là một đệ tử của thánh Benado. Cũng như các tác giả thiêng liêng thời Trung Cổ, giáo huấn của thánh Ælred đậm đà truyền thống linh đạo đan tu thời đầu. Tuy nhiên, khi nghiền ngẫm giáo huấn của ngài chúng ta sẽ không khỏi bất ngờ về tính hiện đại trong các giáo huấn đó khi đối chiếu với các thành tựu tâm lý học thế kỷ XX. Mừng kính ngài hôm nay, không gì ý nghĩa hơn việc rút ra vài bài học từ ít đoạn trích đặc sắc trong đạo lý của ngài. 

 

 

(Đan viện Rievaulx)

Từ điển  Công giáo định nghĩa: “Linh đạo là sự hướng dẫn về mặt thiêng liêng đưa con người đến sự thánh thiện, đến với Thiên Chúa, qua Đức Kitô, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần”[1]. Có nhiều định nghĩa về linh đạo, nhưng với định nghĩa trên đây chúng ta nhận thấy linh đạo được hiểu như một động từ - “hướng dẫn”. Và trong bài viết này, người viết muốn nhấn mạnh về sự hướng dẫn thiêng liêng của một Viện phụ dòng Xitô: Thánh Ælred (1110-1167). Giáo huấn của ngài cách thời đại chúng ta hơn chín thế kỷ, nhưng phảng phất trong những giáo huấn đó lại là những tri thức hết sức hiện đại của một nền tâm lý học chuyên sâu. Trong bài viết này xin được trích một đoạn trong Khảo luận Tình bạn thiêng liêng của viện phụ Aelred, đối chiếu với tâm lý huấn luyện của Cha A. Cencini và triển khai vài suy tư cá nhân về đời sống đan tu hiện nay.

 “Đây là trung tâm đời sống chung: cộng đoàn, giao thiệp, liên hệ bằng tình đoàn kết, hiệp nhất, yêu thương. Đó là trường học tình yêu, trường học của lòng trắc ẩn. Phải nghiêm nghị, nhưng đừng quá nghiêm nhặt. Cần có thời gian để chơi, để vui với bạn bè và anh em, và thời gian để tiêu khiển với nhau. Và người ta muốn tìm trong những anh em đó là người bạn tri kỷ, dù nhiều hay ít. Chính niềm vui đó có niềm an ủi ai đó – người chúng ta kết hợp sâu xa bằng hệ lụy yêu thương, người mà tinh thần suy yếu của chúng ta khả dĩ tìm được sự ngơi nghỉ, là người mà chúng ta khả dĩ thổ lộ…Người mà có cách nói chuyện ngọt ngào trong cảnh buồn chán của cuộc sống hằng ngày. Đó là người có tâm hồn, là nơi trú ẩn cho chúng ta, khi thế gian quá rộng cho chúng ta vào, người mà chúng ta khả dĩ tâm sự. Tinh thần người đó sẽ cho chúng ta sự ân cần thoải mái, để chữa lành căn bệnh tâm hồn. Người đó cùng khóc khi chúng ta gặp rắc rối, cùng vui mừng khi chúng ta hạnh phúc. Người đó luôn cố vấn khi chúng ta nghi nan. Chúng ta sẽ kết hiệp với người đó trong tâm hồn ngay khi ở xa nhau, chúng ta sẽ thấy người đó cùng với chúng ta trong tinh thần, cùng nhau và riêng lẻ. Thế gian sẽ ngủ yên quanh ta, và tâm hồn chúng ta sẽ ngơi nghỉ, được vỗ về trong an bình tuyệt đối. Đôi trái tim chúng ta sẽ cùng yên lặng, kết hợp như thể là một, khi ân sủng của Thánh Thần chảy tràn trên chúng ta”[2]. 

Linh Đạo Đan Tu Và Các Nhu Cầu Nhân Bản

Phân tích đoạn văn trên chúng ta thấy viện phụ Ælred nói đến ba nội dung chính: (1) cộng đoàn, (2) các nhu cầu tự nhiên của đan sinh, cụ thể ngài nói đến nhu cầu giải trí và tương quan, câu cuối ngài nói đến một khía cạnh khác cao hơn, nội dung đó là (3) khía cạnh thần bí. Tâm lý học cho chúng ta một kiến thức về các cấp bậc đời sống tâm linh như sau: Cấp bậc tâm lý-thể lý, tâm lý-xã hội và lý tính-tinh thần[3].

Cấp bậc thứ nhất là cấp bậc tâm lý-thể lý, cấp bậc này bao gồm những sinh hoạt tâm linh gắn chặt với tình trạng thể lý, các nhu cầu thuộc bản năng[4].

Thánh Ælred là viện phụ của một đan viện, việc đảm bảo kỉ cương là nhiệm vụ quan trọng của ngài, thế nhưng chúng ta thấy trong đoạn khảo luận ngài đã nói đến một nguyên tắc “Phải nghiêm nghị, nhưng đừng quá nghiêm nhặt”, và ngài phân tích thêm: cộng đoàn là nơi anh em tương giao với nhau, anh em phải có giờ để giải trí, vui chơi, tiêu khiển. Ý tưởng của thánh nhân tương ứng với cấp bậc thứ nhất của tâm lý con người: các nhu cầu tự nhiên. Một nền huấn luyện khôn ngoan phải luôn biết chú ý đến những thành phần thuộc “nhân bản”, cũng như thánh Toma Aquino chủ trương: ân sủng tôn trọng trên tự nhiên.

Khía cạnh áp dụng, chúng ta vui mừng vì sau công đồng Vaticano II, các hình thức khổ chế như đánh tội, đi chân đất, cạo tóc,...đã được loại bỏ. Giáo hội đã thích ứng dần với thời đại trong cái nhìn tôn trọng nhân vị và lưu ý đến con người tự nhiên. Trong các tập viện và kinh viện của chúng ta hiện nay, đa số là các anh em trẻ, các nhu cầu tự nhiên xem ra luôn là những đòi hỏi hợp lý và đáng lưu ý. Vậy việc thực hành giải trí cũng như các nhu cầu khác của anh em đã được đáp ứng như thế nào? Bất cứ sự dễ dãi nào cũng luôn có nguy cơ lạm dụng, nhưng sự khắc khe quá mức là bằng chứng tố cáo nền hấn luyện thiếu khoa học và phi bác ái.  Thánh Ælred muốn có một sự cân đối, không “khắc kỷ” cũng chẳng “khoái lạc”. Trên nguyên tắc: những giải trí hay ‘hưởng thụ’ phải hướng đến những giá trị tích cực có thể thấy được. Nhà tâm lý học S. Scot Peck khẳng định: “Chúng ta cần sự nghỉ ngơi và thư giản, cần vận động thân thể và cần để cho tâm trí có những lúc được lang bang. Các thánh nhân cũng phải ngủ và các đạo sư cũng phải chơi đùa. Nghĩa là các thú tiêu khiển có thể là phương tiện qua đó chúng ta chăm sóc chính mình. Song nếu một thú tiêu khiên trở thành một cứu cánh tự thân nó, bấy giờ nó không còn là phương tiện để người ta phát triển bản ngã nữa mà đã thay thế cho chính mục tiêu ấy”[5]. Chúng ta rất hoan nghênh tư tưởng của thánh Ælred về cộng đoàn và điều ngài chú trọng là sự quân bình của các đan sinh trong đan viện, bắt đầu từ sự cân bằng về tâm-thể lý.

Tương Quan Liên Vị Trong Cộng Đoàn Và Nhu Cầu Liên Đới

Đoạn trích chúng ta có trên kia nằm trong khảo luận Tình bạn thiêng liêng và nó nhấn mạnh đến sự tương quan. Sau khi nói về tương quan của anh em trong cộng đoàn, các tương quan đang chia sẻ đời sống chung, các sinh hoạt tâm-thể lý (giải trí, giao thiệp,..), thánh Ælred nói đến các tương quan, tạm gọi là tương quan tâm giao. “Và người ta muốn tìm trong những anh em đó là người bạn tri kỷ, dù nhiều hay ít”. Trước khi nói về tương quan tâm giao, chúng ta đối chiếu tương quan mà thánh Ælred nói với cấp bậc tâm lý-xã hội mà tâm lý học hiện đại khai triển.

Khía cạnh thứ hai trong sinh hoạt tâm linh của con người là cấp bậc tâm lý-xã hội. Cấp bậc này bao gồm các nhu cầu phát triển tương quan xã hội. Mang xã hội tính con người cảm thấy phải tăng cường các tương quan để giúp đỡ và được giúp đỡ, cảm nhận mình là thành phần của tập thể (“cảm thức thuộc về”),…Động cơ thúc đẩy con người hành động trong cấp bậc này là ý thức về sự giới hạn và bất toàn của mình trong tư cách là một ngôi vị[6].

Như vậy, dù là đan sĩ hay một con người bình thường thì nhu cầu thiết lập các tương quan là điều không thể loại bỏ. Hơn nữa cộng đoàn đan tu Biển Đức – Xitô lại càng chú ý đến khía cạnh tương quan liên vị hơn bao giờ hết, hình thức cộng tu là điều Tu Luật Biển Đức nhấn mạnh[7]. Những nguyên tắc của một tương quan liên vị là gì, chúng ta không bàn đến, ở đây chỉ muốn nêu hai vấn đề.

Thứ nhất, nếu đã chấp nhận con người có nhu cầu thiết lập các tương quan, vậy ngoài tương quan trong cộng đoàn đan viện, đan sĩ có được phép thiết lập các tương quan khác ngoài nội vi, nếu được thì bao nhiêu và như thế nào? Chúng ta cần nhắc lại một lần nữa, với vai trò của một khoa học, tâm lý học khẳng định con người có nhu cầu thiết lập các tương quan. Dù ta là đan sĩ hay ở bậc sống nào thì nhu cầu tương quan là nhu cầu bẩm sinh. Thế nhưng phải chăng đặc sủng và linh đạo của đan tu Xitô với các luật lệ rõ ràng về việc hạn chế với tương quan ngoại vi lại là một “xung khắc” lớn đối với đan sinh? Chúng ta phải giải quyết vấn đề đó thế nào? Không thể tránh né một thực tế là ngày nay qua các phương tiện truyền thông, người ta có thể kết nối với nhau bất kể không gian và thời gian. Ngồi trong đan viện, vẫn đang giữ luật nội vi đấy nhưng thật ra đan sĩ đang chu du khắp thế giới, liên hệ với vô số người.

Thánh Ælred nói đến tương quan liên vị, tâm lý học cũng khẳng định nhu cầu tương quan xã hội, đan sinh chúng ta đang sống tương quan đó trong một xã hội rất hiện đại. “Bỏ thì thương, vươn thì tội”, chúng ta đang phải đứng giữa một bên là ơn gọi đan tu với yếu tính của nó là cách biệt trần thế, một bên là nhu cầu tương giao với sự trợ giúp của kỷ thuật truyền thông, chúng ta đang chọn lựa thế nào? Những câu trả lời tùy thuộc quan điểm của mỗi người và mức độ trưởng thành của mỗi cá nhân. Ở đây muốn nhắm đến một sự tự vấn về các tương quan mà đan sinh đang có. Giả như các tương quan đại chúng làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đan tu thì e là nguy kịch.

Thứ hai, tương quan mà thánh Ælred muốn nhấn mạnh là tương quan tâm giao – tình bạn thiêng liêng. Chính qua tương quan này mà đan sinh thu nhận các kết quả tự nhiên và siêu tự nhiên! Đây là vấn đề then chốt mà người viết muốn đề cập.

Chúng ta có thể bắt đầu bằng những phân tích giáo huấn của viện phụ Ælred. Sau khi nói về “cộng đoàn” theo nghĩa rộng nhất, viện phụ Ælred lại chuyển hướng đến một cộng đoàn nhỏ hơn: cộng đoàn của tương quan tâm giao mà ngài gọi là “người bạn tri kỷ”. Chúng ta thấy rằng, qua kinh nghiệm đời sống chung, thánh Ælred nói đến những sinh hoạt hết sức cụ thể: chúng ta cần ai đó để chơi, cần ai đó để thổ lộ, để tâm sự, để ngồi đó lúc ta khóc, lúc ta cười, cần ai đó để ta tham vấn,...Và tất cả những nhu cầu căn bản đó tạo nên một tương quan sâu sắc hơn: tình bạn tâm giao. Cộng đoàn đan viện tuy được quan niệm là một gia đình, nhưng thiết nghĩ không phải ai cũng có thể là cha, là anh của chúng ta theo nghĩa cao nhất của từ đó[8]. Thánh Ælred đã trực giác được một nhu cầu rất căn bản của con người, không chỉ là nhu cầu tương quan cộng đoàn nói chung, nhưng quan trọng hơn là một tương quan tâm giao lành mạnh. Chúng ta cần đọc lại chậm rãi hơn đoạn trích rất súc tích của ngài: “Và người ta muốn tìm trong những anh em đó là người bạn tri kỷ, dù nhiều hay ít. Chính niềm vui đó có niềm an ủi ai đó – người chúng ta kết hợp sâu xa bằng hệ lụy yêu thương, người mà tinh thần suy yếu của chúng ta khả dĩ tìm được sự ngơi nghỉ, là người mà chúng ta khả dĩ thổ lộ…Người mà có cách nói chuyện ngọt ngào trong cảnh buồn chán của cuộc sống hằng ngày. Đó là người có tâm hồn, là nơi trú ẩn cho chúng ta, khi thế gian quá rộng cho chúng ta vào, người mà chúng ta khả dĩ tâm sự. Tinh thần người đó sẽ cho chúng ta sự ân cần thoải mái, để chữa lành căn bệnh tâm hồn. Người đó cùng khóc khi chúng ta gặp rắc rối, cùng vui mừng khi chúng ta hạnh phúc. Người đó luôn cố vấn khi chúng ta nghi nan. Chúng ta sẽ kết hiệp với người đó trong tâm hồn ngay khi ở xa nhau, chúng ta sẽ thấy người đó cùng với chúng ta trong tinh thần, cùng nhau và riêng lẻ. Thế gian sẽ ngủ yên quanh ta, và tâm hồn chúng ta sẽ ngơi nghỉ, được vỗ về trong an bình tuyệt đối. Đôi trái tim chúng ta sẽ cùng yên lặng, kết hợp như thể là một, khi ân sủng của Thánh Thần chảy tràn trên chúng ta”.

Để thêm sáng tỏ và thuyết phục, chúng ta còn có tư tưởng của thánh Benado, đoạn trần thuật tâm sự của ngài cũng nói lên những gì mà một tương quan tâm giao đem lại. “Các bạn biết một người bạn đồng hành trung thành đã bỏ tôi lại một mình trên con đường sống, anh là người hết sức quan tâm tới những nhu cầu của tôi, rất sáng tạo trong công việc, rất thân thiện trong cung cách của anh. Ai là người đã từng quá cần thiết cho tôi? Ai từng yêu tôi như anh? Người anh ruột của tôi nhưng gắn bó với tôi thân tình hơn nữa vì đời tu hành...Các anh em là người biết rõ những điều ấy, hãy chia sẻ lời than khóc với tôi. Khi tôi yếu thể xác anh nâng tôi dậy, khi tôi yếu lòng anh cho tôi can đảm, khi tôi biếng lười và chểnh mảng anh thúc giục tôi đi tối, khi tôi quên và bất cẩn anh cho tôi lời cảnh giác đúng lúc. Thế sao anh lại dứt khỏi tôi? Sao một người cùng lòng, cùng tâm trí với tôi lại vuột khỏi vòng tay của tôi? Chúng tôi yêu nhau trong cuộc đời…Tình thân máu mủ cả hai anh em vui hưởng đồng đều, vì tâm tư tình cảm chúng tôi giống nhau. Nhưng chỉ riêng tôi bị thương vì sự chia lìa này. Tất cả những gì vui, chúng tôi hân hoan chia nhau, giờ thì muộn phiền và tang chế mình tôi gánh chịu. Sự buồn giận quét qua lòng tôi, cay đắng thắt chặt tim tôi. Cả hai anh em chúng tôi đã quá hạnh phúc trong sum vầy, chia sẻ những kinh nghiệm giống nhau và trò chuyện với nhau về chúng. Girard là của tôi, hoàn toàn của tôi. Bộ anh ấy, người anh máu mủ với tôi, một đứa con trong đời tu trì, một người cha với những quan tâm, một chiến hữu trên con đường tâm thức, một người bạn tình gắn bó,…mà không là của tôi hay sao? Và…chính anh ấy…người đả bỏ tôi mà đi. Tôi cảm thấy rõ vết thương này quá sâu”[9].

Những Hệ Quả Tự Nhiên (Tâm Lý) Và Hiệu Quả Siêu Nhiên (Thần Bí) Trong Đạo Lý Của Thánh Ælred

Như chúng ta đã nói tương quan liên vị là cấu tố không thể thiếu của một con người muốn trưởng thành, những ý nghĩa của một tương quan thì nhiều hơn những gì chúng ta có thể liệt kê. Trong đoạn trích, thánh Ælred nói đến các hiệu quả rất tâm lý của các tương quan liên vị, những kết quả tâm lý đó không phải là nhỏ, đôi khi lại là cái phao ngay lúc một người sắp chết chìm. “Tinh thần người đó sẽ cho chúng ta sự ân cần thoải mái, để chữa lành căn bệnh tâm hồn” là một câu thâu tóm mọi hiệu quả tâm lý mà một tương quan tâm giao có thể đem lại. Các tác giả tâm lý học hiện đại như James E. Sullivan cũng đồng ý với quan điểm đó, ông kể tình bạn tâm giao là một trong bốn cách để chữa lành tâm lý[10].

Hiệu quả siêu nhiên mới là cốt lõi mà chúng ta cần đến. Đi từ những hiệu quả tự nhiên - chú trọng đến “nhân tính”, viện phụ Ælred muốn hướng con cái mình bước đến một cảnh vực hoàn toàn mới: thần bí. Một tương quan bình thường giữa cộng đoàn, một tương quan tâm giao với những phẩm tính tự nhiên mang ý nghĩa tâm lý, và đi đến cùng đích của đời sống đan tu là Thiên Chúa. Vì vậy viện phụ Ælred không chỉ hướng dẫn về một “liệu pháp tâm lý-counseling” (tham vấn) nhưng ngài muốn nói về kết quả của một tương quan tâm giao nhắm tới: tình bạn như một bí tích![11] Tình bạn như một bí tích nghĩa là qua tình bạn mà chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa, qua tình bạn chúng ta tiến gần Thiên Chúa, vì tình bạn thiêng liêng là con đường tốt nhất để học biết yêu thương, “trong bác ái có một trật tự mà tình bạn ở mức cao nhất”, trong tác phẩm “Gương soi bác ái” viện phụ Ælred đã xác định như thế. Và ở những chỗ khác viện phụ cũng diễn giải thêm: “những ai có tình bạn là sống một loại bí tích của Chúa bằng mối hiệp nhất chân thành giữa họ với nhau”, “những người bạn không chỉ hiệp nhất với nhau trong Chúa, mà còn hiệp nhất với Chúa”[12].

Cấp bậc lý tính-tinh thần là cấp bậc thứ ba mà tâm lý học nói đến khi quan sát đời sống con người. Đối với chúng ta, cấp bậc tinh thần mang tính chất siêu nhiên. Điều mà viện phụ Ælred hướng đến là sự kết hợp với Thiên Chúa khi Tinh Thần Tuyệt Đối của Thần Khí bao phủ chúng ta, đó là cùng đích mà chúng ta có thể hy vọng sau khi tìm thấy một tương quan tâm giao thật sự trong cộng đoàn. “Khả năng lý tính-tinh thần không chỉ giúp con người vượt qua sự “tất định” của các cấp bậc thể lý, xã hội, nhưng còn giúp con người siêu việt nhân tính và hướng đến đời sống tâm linh”[13]. Phát hiện đó của tâm lý học đã tương đồng cách bất ngờ với đạo lý linh đạo của thánh Ælred.

Vì dung lượng giới hạn của bài viết nên ở đây không thể tiếp tục phân tích về những điều kiện của một tương quan tâm giao mà khảo luận của thánh Ælred đề cập, nhưng người viết muốn khẳng định một linh đạo được xem là đoàn sủng của Xitô, đó là tình bạn tâm giao. Ngoài ra cũng muốn nói về hai thách đố khiến chúng ta không có tương quan tâm giao dù có sống lâu năm trong đời tu. Thứ nhất, theo tâm lý học, ở cấp bậc thứ hai của đời sống tâm linh (tâm lý xã hội), “gần giống với cấp bậc tâm lý-thể lý, trên cấp bậc tâm lý-xã hội chủ thể cũng bị thúc bách tìm sự thỏa mãn các nhu cầu liên quan đến các tình huống liên hệ đến cuộc sống tập thể. Nhận thức của chủ thể bị thu hút và chú ý đến đối tượng, không phải vì phẩm chất của ngôi vị nơi đối tượng, nhưng xem đối tượng như một chức năng tạo nên tương giao tích cực”[14]. Chúng ta có nhiều tương quan nhưng chúng ta chỉ dừng lại ở chức năng “vị lợi” của tương quan chứ chưa đi xa hơn trong việc thiết lập tương quan tâm giao vị tha vô cầu, chúng ta chia sẻ “cái tôi ngoại giới” là những sinh hoạt, công việc,...chứ chưa chia sẻ “cái tôi nội giới” là sự thật con người mình. Chúng ta đang có nhiều tương quan? Nhưng ai là người bạn tâm giao, ai đang là “bí tích” của Chúa dành cho ta? Ngoài ra, một lý do nữa khiến cho linh đạo của thánh Ælred trở nên xa lạ với chúng ta: chủ nghĩa cá nhân. Phải nhìn nhận rằng chủ nghĩa cá nhân là một kẻ thù lớn của tương quan tâm giao, cũng chính là địch thủ của bác ái Kitô giáo. Chúng ta ngày nay đang sống trong bầu khí nồng nặc của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, và đó là một vấn đề phải giải quyết trước khi hy vọng áp dụng được linh đạo của thánh Ælred về tình bạn thiêng liêng. Dĩ nhiên đó không phải điều dễ dàng, thực tế còn phức tạp hơn nhiều nhưng thiết nghĩ hai vấn đề vừa nêu là những cản trở đầy thách thức.

57 tuổi đời, 33 năm tuổi dòng và 20 năm trong cương vị Viện phụ, Thánh Ælred đã đóng góp cho nền linh đạo Kitô giáo một điểm nhấn rất sắc sảo và đặc trưng về đời sống cộng đoàn cũng như về một con đường thần bí, đó là con đường của tình bạn thiêng liêng. Những tư tưởng của thánh Ælred đã cho thấy cái nhìn “đi trước thời đại” khi ngài quan tâm đến những khía cạnh nhân bản của đan sinh, ngài xem đó như một thực hành bác ái mà mọi người phải thực thi trong “trường học lòng trắc ẩn”. Không chỉ ngừng lại ở những khía cạnh tự nhiên, cùng đích đời sống đan tu của thánh Ælred là kết hợp với Thiên Chúa, ngài đã chia sẽ kinh nghiệm thần bí của mình bằng linh đạo về tình bạn thiêng liêng – một phương tiện để đưa đan sĩ đến cùng Thiên Chúa. Không quá cao siêu nhưng lại dung dị gần gũi, đạo lý của thánh Ælred đã cho chúng ta những hiểu biết và kinh nghiệm để sống ơn gọi đan tu giữa thời đại ngày nay. Nhưng suy cho cùng một tương quan tâm giao dường như còn xa lạ với chúng ta, thì hành trình chiêm niệm, kết hiệp với Chúa vẫn còn mù mịt. Ước gì chúng ta có thể cải thiện những tương quan của mình, làm cho những tương quan trở nên thấm đượm phẩm chất của đức ái. Chỉ như vậy chúng ta mới hy vọng vươn tới tương quan thần linh nơi Thánh Thần chảy tràn trên chúng ta.

 Fr. Martin Nguyễn Thanh Nghị OCist

 

[1] HĐGMVN, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn giáo, 2011.

[2] Trích lại của M. BASIL PENNINGTON OCSO, Monastic Life – A Short History Of Monasticism and Its Spirit. Đời đan tu – Lược sử đời sống và tinh thần đan tu.

[3] Người viết sử dụng kiến thức tâm lý học mà cha A. Cencini trình bày trong các tác phẩm đã được phiên dịch ra Việt Ngữ. Những đoạn trích ở đây tiếp tục khai triển những suy tư từ Luận văn ra trường của Fr. M. Martin Nguyễn Thanh Nghị về vấn đề tâm lý huấn luyện.    

[4] x. A. Cencini – A. Manenti, Tâm lý và Huấn luyện – Cơ cấu và Năng động, Nxb Phương Đông, Tp. HCM 2011, tr 24. 

[5] M. SCOT PECK M.D, Con đường chẳng mấy ai đi, Nxb Tôn giáo, tr. 105.

[6] x. A. Cencini – A. Manenti, Tâm lý và Huấn luyện – Cơ cấu và Năng động, Nxb Phương Đông, Tp. HCM 2011, tr 24. 

[7] TU LUẬT THÁNH BIỂN ĐỨC, chương I.

[8] Một chỗ khác trong Khảo luận Tình bàn thiêng liêng, thánh  Aelred sử dụng các trình thuật  Kinh Thánh liên quan đến Chúa Giêsu và thánh Gioan để nói: chỉ một người chứ phải phải tất cả có thể trở nên thân thiết với ta trong tương quan tâm giao thiêng liêng.

[9] M. BASIL PENNINGTON OCSO, Benado  Viện phụ Clairvaux – Đời sống một thánh nhân bằng lời và hình ảnh, tr.20.

[10] x. James E. Sullivan, Hành trình tự do – Con đường tự trọng của linh mục và tu sĩ, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr  80, 313.

[11] “Tình bạn như một bí tích” là diễn ngữ đặc biệt của tác cha Carmen L. Caltagirone SJ trong tác phẩm cùng tên.

[12] Trường Bác Ái, http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:ijCsmVPFiacJ:www.chausonus.com/Chi-tiet-bv/79/Linh-dao-dan-tu/TRU%25E1%25BB%259CNG-BAC-AI+&cd=1&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

[13] x. A. Cencini – A. Manenti, Tâm lý và Huấn luyện – Cơ cấu và Năng động, Nxb Phương Đông, Tp. HCM 2011, tr 26-34.

[14] x. A. Cencini – A. Manenti, Tâm lý và Huấn luyện – Cơ cấu và Năng động, Nxb Phương Đông, Tp. HCM 2011, tr 23-25.

Thiết kế Web : Châu Á