Bài giảng

CHÚA NHẬT XXXIII, THƯỜNG NIÊN, NĂM B: "CÁNH CHUNG HUYỀN NHIỆM" (Minh An)

“Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”.

 

Mc 13, 24-32

"CÁNH CHUNG HUYỀN NHIỆM"

Minh An

Chuyện kể rằng, một ngày kia, thánh Luois Gonzaga đang chơi với các bạn hữu của mình rất vui vẻ, thì có người hỏi thánh nhân rằng: Giả sử chỉ còn ít phút nữa bạn sẽ chết, bạn sẽ làm gì?”. Thánh Louis dừng lại một chút rồi mỉm cười trả lời: “Tôi sẽ tiếp tục chơi”. Louis tiếp tục chơi, vì ngài đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày đó rồi, nên chẳng có gì phải sợ, không có gì phải băn khoăn lo lắng cả. Thánh Louis đúng là con người đầy khôn ngoan trong Chúa. Người khôn ngoan là người biết nhìn xa, trông rộng, biết hướng về tương lai và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng ở hiện tại, để chuẩn bị cho tương lai.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII, áp chót của năm Phụng vụ hôm nay, là phần trích trong bài diễn từ của Chúa Giêsu về ngày cánh chung (Mc 13, 1-37). Thánh sử Marcô tường thuật cho ta biết, Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ của Người cũng như cho tất cả chúng ta biết biến cố Người sẽ tái giáng lâm trong uy quyền và vinh quang để phán xét nhân loại.

Giáo hội đã dùng bài Tin Mừng này, để xác quyết với con cái của mình về tính cách chắc chắn của ngày tận cùng nơi cá nhân từng người, và của cả tòan thể nhân loại, nhằm thúc bách mọi người phải luôn chuẩn bị sẵn sàng và tỉnh thức để đón chờ ngày đó, như thánh Louis đã là gương mẫu về sự sẵn sàng đón Chúa vậy.

Thật thế, mở đầu bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ biết ngày đó sẽ xảy ra, nhưng xảy ra trong sự kinh hòang khiếp vía:“Trong những ngày ấy, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”(cc 25, 26).  

Tác giả Marcô viết đọan Tin Mừng này trong bối cảnh các kitô hữu đang bị rúng động vì chiến tranh, họan nạn và đói kém. Có nhiều người cuồng tín như nhớ lại việc Chúa Giêsu loan báo đền thờ bị tàn phá, họ loan báo một tai ương sẽ hủy diệt vũ trụ và đánh dấu cuộc trở lại của Đức Giêsu và thế là họ làm cho lòng dạ của một số tín hữu phải bối rối. Thật ra, ở đây Chúa Giêsu không làm cho các môn đệ phải, bối rối, sợ hãi, nhưng Người đem ra những hình ảnh khiếp sợ như thế để trấn an các ông, và hãy tin tưởng vào Người. Còn ôn dịch, đói kém, bách hại…là những dấu chỉ của một thế giới đang bị tà thần chế ngự. Nhưng thế giới này sẽ bị chấm dứt trong ngày vinh quang của Con Người. Đồng thời, Con Người sẽ thiết lập một vương quốc của tình yêu, trong đó sẽ không còn đau khổ, không còn bệnh tật, không còn đói nghèo, buồn phiền và ác ôn nữa.

Nhưng, câu hỏi được đạt ra là:  ngày đó là ngày nào? Sẽ xảy ra làm sao? Chính Đức Giêsu cũng không biết ngày đó: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”.

Ngày đó Chúa Giêsu đã không biết, nhưng Nguời luôn mời gọi các môn đệ hãy tin tưởng vào Người: “anh em hãy tin Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy”, và dấu chỉ để các ông nhận biết ngày đó Con Người xuất hiện chính là dụ ngôn cây vả: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”(cc.28-29).

Như thế, ngày cánh chung là có thật, nhưng được tác giả Tin Mừng diễn tả các hình ảnh chất chồng những tai họa, u ám, ảm đảm…để làm nổi bật lên ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa là ánh sáng sẽ xuất hiện để soi sáng cho trần gian. Do vậy, chúng ta không bối rối khi đọc thấy những hình ảnh, những biểu tưởng kinh hòang xảy ra trong ngày cánh chung. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, một sứ điệp tràn đầy hạnh phúc đang được Thiên Chúa gieo vào thế gian, và đang được triển khai để hướng dẫn chúng ta nhìn về ngày vinh quang của Thiên Chúa mà sẵn sàng đón nhận ngày vinh phúc đó.

Đúng vậy, có một điều chắc chắn là sẽ có ngày con người ta phải kinh qua cái chết, phải từ giã cõi đời, lìa xa mọi người kể cả những người thân yêu nhất mà người ta không bao giờ muốn chia xa. Đây là một chân lý chắc chắn nhất, nhưng có nhiều khi con người ta sống như thể không hề có chân lý ấy, như thể người ta sẽ không bao giờ phải chết, mà cứ sống mãi sống hoài cùng với trời đất, nên người ta đã không sẵn sằng cho ngày cùng tận của mình. Không chuẩn bị cho ngày cùng tận của mình thì đương nhiên ngày cùng tận đến sẽ là bất ngờ.

Đối với niềm tin Kitô giáo, chết là bắt đầu một đời sống khác, và đời sống mai hậu ấy là một đời sống vĩnh cửu. Điều hết sức nghiêm trọng là đời sống mai hậu ấy nếu được hạnh phúc, thì hạnh phúc vĩnh cửu, còn gặp đau khổ thì cũng là đau khổ đời đời, tức là cái chết đời đời. Con người ta được hạnh phúc, hay phải chịu đau khổ trong đời sống ấy, thì hoàn toàn tùy thuộc vào cách sống của họ trong hiện tại. Nếu ở hiện tại, người ta tin tưởng vào Chúa, làm những việc lành phúc đức, tuân giữ và thi hành những điều Chúa truyền dạy…là họ đã tích trữ cho mình một kho tàng quý giá trong Nước của Thiên Chúa. Còn ngược lại, nếu người ta sống ở hiện tại trong sự mê lầm, không tin vào Thiên Chúa, không sẵn sàng đón nhận những gì Chúa truyền dạy, làm điều xấu xa không tuân theo luật Chúa…thì chắc chắn đời sống tương lai trong Nước Chúa của họ sẽ bị hẹp lại.

Bởi thế cho nên, là kitô hữu, chúng ta luôn biết lắng nghe Lời Chúa và thi hành những điều người truyền dạy, tức là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và tha nhân như thế nào qua những việc làm cách cụ thể để thể hiện tình yêu đó (x. Mt 25,31-46). Đó là những hành trang cao quý nhất để chúng ta sẵn sàng đi theo Ngài, và là vốn liếng to lớn để mang vào vương quốc của tình yêu. Khi chúng ta đã có được hành trang và vốn liếng cao quý đó, thì Chúa có đến bất cứ lúc nào, chúng ta cũng đã sẵn sàng để “ nộp” cho Ngài và sẵn sàng bước vào vương quốc của tình yêu mà chính Ngài làm chủ.

Ước gì, đời sống đức tin của chúng ta luôn đón nhận được hạnh phúc ngay chính ở đời này, để làm dấu chỉ cho hạnh phúc vĩnh cửu ở mai sau, bằng sự hy sinh cao cả, và sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua mọi biến cố, qua mọi sự kiện trong cuộc sống ở trần gian này.

Thiết kế Web : Châu Á