Bài giảng

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN, NĂM B: "ĐÓN NHẬN KHÔN NGOAN" (Minh An)

Khi đã nhận ra giá trị tuyệt vời là thứ lương thực mà Đức Khôn Ngoan ban tặng, thì mỗi người cũng phải biết khôn ngoan để chọn cho mình một cách sống sao cho phù hợp với đòi hỏi của Đức Khôn Ngoan.

 

Ga 6, 51-58

 

"ĐÓN NHẬN KHÔN NGOAN"

Minh An

Một điều chắc chắn rằng, sự khôn ngoan mà con người có được là do ân huệ Chúa ban. Nếu con người biết dùng sự khôn ngoan Chúa ban để cải hóa cuộc đời và tin tưởng vào Thiên Chúa thì sự khôn ngoan đó được tăng thêm gấp bội và sẽ đạt đến hạnh phúc đời đời trong sự Khôn Ngoan cao cả là chính Thiên Chúa.

Thật vậy, trong bài đọc thứ nhất, trích sách Châm Ngôn, tác giả chỉ rõ cho con người ta biết, hãy mở lòng để đón nhận Đức Khôn Ngoan, vì chính Đức Khôn Ngoan sẽ dẫn đường chỉ lối cho con người ta đạt đến cuộc sống hạnh phúc. Và cũng chính Đức Khôn Ngoan là thứ lương thực linh thiêng, nuôi dưỡng đời sống loài người: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế” (Cn 9, 5).

 Như thế, bánh và rượu ở đây chính là Đức Khôn Ngoan; mà Đức Khôn Ngoan này được “thiên cách hóa” như chính Thiên Chúa. Bởi vậy, Đức Khôn Ngoan mời gọi con người ta, hãy dùng sự khôn ngoan Chúa ban để đón nhận Đức Khôn Ngoan cao quý: “đừng ngây thơ dại khờ nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (Cn 9, 6).

Đến bài đọc Tin Mừng, thánh sử Gioan cho chúng ta thấy rõ hơn, Đức Giêsu Kitô chính là Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, là Bánh Hằng Sống, ai tin và đón nhận Đức Khôn Ngoan này thì không những chỉ được nuôi dưỡng qua ngày đoản tháng, nhưng còn  đạt đến sự sống và sống đời đời: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống ” (Ga 6, 51).

Thực ra, khi đưa ra những lời giáo huấn này, Chúa Giêsu đã làm cho nhiều người Do-thái rất khó chịu, kể cả một số môn đệ của Người cũng chẳng muốn nghe, thậm chí có những môn đệ đã bỏ Người mà đi:“Lời này chướng tai quá, ai mà nghe cho nổi? […]. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6, 60. 66). Người Do-thái cũng như các môn đệ của Chúa Giêsu rất khó hiểu và khó chịu câu nói này, vì đối với họ, máu và thịt của con người thì làm sao mà ăn vào lại có sự sống đời đời được? Niềm tin của chúng ta có nhiều khi cũng bị thử thách về điều này. Chúng ta phải làm sao để vượt qua thử thách này?

Nhưng suy cho cùng, Đức Giêsu chính là Ngôi Lời nhập thể và ở giữa muôn người. Người chính là Đức Khôn Ngoan từ trời xuống, nên khi cắm lều ở giữa loài người là để cho sự khôn ngoan của loài người được lớn lên và đón nhận Người: Ngôi Lời đã hóa thành xác thịt và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Qua lời khẳng định này, tác giả Gioan muốn diễn tả Con Thiên Chúa thực sự là con người như chúng ta. Đấng Cao cả đã hóa thân làm người và sống giữa muôn người; Thiên Chúa đã đến để ở cùng nhân loại, đất với Trời được nối kết với nhau để trở nên duy nhất. Nhưng điều đặc biệt và cao quý hơn hết, chính là việc Đức Khôn Ngoan hóa thân trong bánh và rượu để trở nên của ăn, của uống nuôi sống linh hồn con người và ở lại với nhân loại luôn mãi.

Đúng vậy, trước khi về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã muốn tiếp tục hiện diện giữa loài người dưới một dạng thức khác, đó là lập Bí tích Thánh Thể.  Nếu khởi đầu của công trình nhập thể là Ngôi Lời trở nên xác thịt, thì nay, xác thịt lại trở thành Bánh để nuôi dưỡng linh hồn con người. Đây chính là căn cốt, mà người Do-thái và một số môn đệ của Chúa Giêsu đã không hiểu được, nên khó chịu, phản đối và bỏ đi. Có lẽ do sự khôn ngoan của loài người có giới hạn, nên không dễ để tin vào Thiên Chúa, không đạt thấu đến Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, và như vậy, họ đã không chấp nhận sự thật nơi Thiên Chúa, hiện thân trong Đức Giêsu, nên đành rút lui, không muốn nghe Người, cũng chẳng đi theo.

Đúng là chỉ những người có sự khôn ngoan Thiên Chúa ban, mới biết khao khát tìm kiếm Thiên Chúa và đã nhận ra được Đức Khôn Ngoan và đón nhận Đức Khôn Ngoan cho cuộc đời của mình. Khi đã nhận ra giá trị tuyệt vời là thứ lương thực mà Đức Khôn Ngoan ban tặng, thì mỗi người cũng phải biết khôn ngoan để chọn cho mình một cách sống sao cho phù hợp với đòi hỏi của Đức Khôn Ngoan. Nhưng cách sống cho phù hợp với Đức Khôn Ngoan đó thì phải tuân theo sự chỉ dẫn của thánh Phaolô.

Quả vậy, thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai, trích thư gửi tín hữu Êphêxô, đã chỉ cho chúng ta biết một số việc được coi là khôn ngoan như: cẩn thận trong cách ăn nết ở; đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng sống như người khôn ngoan; biết tận dụng thời gian trong ngày sống để làm điều thiện; đừng hóa ra khờ dại, nhưng luôn tìm kiếm ý Chúa; đừng say sưa trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí của Chúa; và nhất là hãy dùng cả tâm hồn và thể xác để ca tụng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh sống, bằng những Thánh Vịnh, hay những Thánh Ca… (x.Ep 5,15-20). Đó chính là những phương thế, hay những công việc tốt đẹp của người khôn ngoan phải làm để đạt đến Đức Khôn Ngoan, tức là xứng đáng đón nhận Bánh Trường Sinh nuôi sống muôn đời.

 

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay, mời gọi mọi người chúng ta, hãy dùng sự khôn ngoan Chúa ban để xác tín hơn vào Đức Khôn Ngoan, hiện thân nơi Đức Giêsu nhập thể. Chính Người là bánh hằng sống, được hiện tại hóa trong Thánh Thể, để khi mỗi người chúng ta siêng năng đến lãnh nhận, tôn thờ thì sẽ được đón nhận nguồn trợ lực và sức sống nơi Bí tích cực trọng này, là Bí tích bảo đảm cho chúng ta có được sự sống đời đời.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết dùng sự khôn ngoan Chúa ban, để mau mắn thi hành những gì Ngài truyền dạy; nhất là năng lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể, hiện thân của Đức Khôn Ngoan, để chúng con  được nuôi sống và sống dồi dào trong Chúa. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á