Bài giảng

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN, NĂM B: “BỆNH THÀNH KIẾN - CẢN TRỞ NIỀM TIN” (Minh An)

...bằng sự thanh thoát trong cái nhìn linh thánh, chúng ta có thể nhận ra được những sự thật về Thiên Chúa khi Người thực hiện những dấu lạ qua tha nhân và qua vũ trụ.

 

Mc 6, 1-6

 

“BỆNH THÀNH KIẾN - CẢN TRỞ NIỀM TIN”

 

Minh An

 

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Tin là gắn bó bản thân con người cả trí khôn và ý chí với Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải qua các việc làm và lời nói của Người(GL số 176).

Lại nữa, chính nhờ Đức tin mà con người được đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa:Đức tin cần thiết để được cứu độ. Chính Chúa khẳng định: Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ: còn ai không tin thì sẽ bị kết án (Mc 16, 16)” (GL, số 183).

Như thế, theo Giáo Lý dạy thì nếu không có niềm tin, con người ta sẽ không gắn bó với Thiên Chúa. Và nếu không có niềm tin thì con người ta cũng sẽ không được đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa ban.

Vậy, giả thiết được đặt ra ở đây là những người quê hương, thậm chí là bà con thân thuộc của Chúa Giêsu tại làng Nazarét đã không được đón nhận ơn cứu độ, vì họ không tin vào Chúa Giêsu? Chính Chúa Giêsu cũng đã rất ngạc nhiên về thái độ này của những người cùng quê hương của mình: “Người lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6, 6). Ở đây, chúng ta không phải chỉ đặt vấn đề và giải quyết, xem xét những người quê hương của Chúa Giêsu được hưởng ơn cứu độ, hay không được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng, căn cứ vào bản văn Tin Mừng của thánh sử Marcô thì rõ ràng ta thấy được những người làng Nazarét, quê hương của Đức Giêsu, kể cả bà con thân thuộc của Người không có niềm tin bằng ông trưởng hội đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết mười hai năm (x Mc 5, 21-43). Tuy cả hai con người này, ở hai giới, hai cấp bậc khác nhau, nhưng đều có niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa và nhờ chính niềm tin đó, họ nhận được thành quả tốt đẹp là: một người được khỏi bệnh; một người được Chúa cứu sống đứa con của mình.

Thật vậy, bài tường thuật của thánh sử Marcô cho chúng ta biết chuyến về thăm quê hương, làng Nazarét của Đức Giêsu, đã nói đến thái độ không tin của người dân vùng quê hương này, và khiến họ không chấp nhận Đức Giêsu, họ khước từ Người và không chấp nhận những lời giáo huấn của Người. Họ đã đặt ra rất nhiều câu hỏi để biểu lộ thái độ không tin đó: có ba câu hỏi liên quan đến hoạt động của Đức Giêsu, tức là câu hỏi về bản thân; về giáo lý; và về các phép lạ mà Người đã làm: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (Mc 6, 2b); và hai câu hỏi có liên quan đến gia đình, huyết tộc của Người: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria và là anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6,3).

Như thế, với con mắt xác phàm của người dân làng Nazarét, thì Đức Giêsu chỉ là một con người bình thường như mọi người, nên không thể nào họ chấp nhận Người là Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa gửi đến, có chăng họ chỉ hơi ngạc nhiên về cách giảng dạy và làm đôi ba phép lạ của Người mà thôi. Đúng là chỉ có đức tin mới có thể giúp người ta khám phá ra được nguồn gốc của Đức Giêsu: Người chính là Con Thiên Chúa, nhưng đang hiện hữu và hoạt động giữa mọi người. Nhưng, thật tiếc thay, căn bệnh thành kiến đã che khuất mất niềm tin nơi những người quê hương làng Nazarét, nên họ đã không tin vào Đức Giêsu.

Có lẽ chính thái độ cứng tin của người quê hương làng Nazarét đã làm cho Đức Giêsu “tự an ủi mình” bằng câu nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Đây không những chỉ là một câu biện minh cho thân phận làm ngôn sứ tại quê hương mình của Đức Giêsu, nhưng đó còn là lời truyền dạy cho các môn đệ của Đức Giêsu phải học lấy bài học kinh nghiệm xương máu này, để khi gặp những khó khăn thử thách, bị khước từ nơi thân bằng quyến thuộc thì cũng không được bi quan, thất vọng, gục ngã, nhưng hãy vững tâm và kiên nhẫn. Chính Con Thiên Chúa mà còn bị người ta, kể cả người nhà hiểu lầm và khước từ, huống gì là những môn đệ đi theo Người, chỉ là hạng thứ nhì…nhưng hãy can đảm và đứng vững, chờ thời cơ thuận tiện đến và hành động.

Thực ra, người dân làng quê hương của Đức Giêsu đã chưa được soi mở đức tin cách tỏ tường để nhận ra được nguồn gốc của Đức Giêsu, bởi vì “Cái Định Kiến” đã che mờ và phủ lấp niềm tin của họ. Nếu họ được khai thông, hay được soi mở niềm tin thì chắc chắc họ sẽ nhận ra Đức Giêsu và tin rằng Người chính là Đấng Thiên Sai được Chúa Cha gửi đến cho họ, vì những công việc Người làm, những dấu lạ Người đã thực hiện… đã chứng minh cho họ biết Người chính là Đấng Thiên Sai. Nhưng tiếc thay, họ chưa được soi mở niềm tin, nên đã không đón nhận Đức Giêsu và không tin vai trò Thiên Sai của Người, nên Người đã bỏ họ mà ra đi, đến với các làng khác:“Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi người đi các làng chung quanh mà giảng dạy” (Mc 6,6).

Chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu, đã đi theo Người từ khi bắt đầu lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy và đã được thanh luyện đời sống Đức tin mỗi ngày. Thế mà có nhiều khi chúng ta cứ tưởng mình thuộc về gia đình của Chúa, chúng ta lắng nghe những lời Người dạy và chứng kiến những công việc Người đã làm qua con người, qua thiên nhiên vạn vật, chúng ta chỉ vỗ tay ca khen, tán tụng, tôn vinh... nhưng lại không tin. Có nhiều khi chúng ta đang ở trong nhà mà như đang ở ngoài đường, ngoài chợ; chúng ta chăm chú lắng nghe mà không mở lòng để hiểu; chúng ta thấy rõ những công việc Chúa làm mà không hề chấp nhận, cho đó là chuyện bình thường thôi... Và như vậy, rõ ràng chúng ta đã coi thường Chúa, chúng ta chẳng khác gì những người Do-thái xưa kia, họ cùng quê hương với Chúa Giêsu, họ chứng kiến bao nhiêu công việc Chúa làm, họ vỗ tay ca khen, nhưng trong lòng không chấp nhận, không chịu tin, không thể coi Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Chúa.

Vì sao vậy? Bởi vì chúng ta cũng luôn mang nặng trong mình bộ óc “thành kiến” như những người dân làng Nazarét xưa, chỉ coi “Giêsu là con bác thợ mộc và mẹ Người là Maria như mỗi người trong chúng ta thôi…không có gì đặc biệt, xuất sắc cả…”.

Vậy nên, ước mong sao, bằng sự thanh thoát trong cái nhìn linh thánh, chúng ta có thể nhận ra được những sự thật về Thiên Chúa khi Người thực hiện những dấu lạ qua tha nhân và qua vũ trụ.

Và cũng rất mong sao, chúng ta luôn tỉnh thức, để vượt qua những định kiến có sẵn, và có thể tiến sâu hơn trong đời sống đức tin mà nhận ra những giá trị chân lý đích thực nơi anh chị em đang sống bên cạnh của mình.

 

Lạy Chúa, xin khơi lòng mở trí, để chúng con nhận ra được thánh ý Chúa trong cuộc đời, nhất là nhận ra được chính Chúa đang hiện diện ở khắp nơi. Amen.

 

Minh An

Thiết kế Web : Châu Á