Bài giảng

Chúa Nhật XIII Thường Niên - năm B: "Một nhân loại mới" (Quốc Vũ)

Một ngày kia, chúng ta sẽ bước vào một thế giới, mà ở đó «sẽ không còn sự chết» (Kh 21, 4). Thậm chí, thế giới mới này đã khởi đầu: mỗi ngày chúng ta trỗi dậy với Đức Kitô và cùng với Người bước từ cõi chết vào cõi sống (Ga 5, 24): ai tin vào Người, mặc dù vẫn còn bị chi phối bởi lề luật và sự chết, thì có được nơi mình bảo chứng sự sống đời đời.

Chúa nhật XIII Mùa thường niên, năm B

«MỘT NHÂN LOẠI MỚI»

Bài đọc I: Khôn ngoan 1, 13-15; 2, 23-24

Bài đọc II: 2 Côrintô 8, 7.9.13-15

Tin Mừng: Marcô 5, 21-43

1. Bài đọc I:Thiên Chúa không làm ra cái chết

- Sự bi quan. Con người có thể có lý khi cho rằng mình không hạnh phúc. Thật vậy, với những người khi hướng về cái vô lý của sự chết, họ sợ và cảm thấy rằng đó là nỗi bất hạnh lớn nhất của đời người. Thậm chí, có những người còn đi đến một nỗi bi quan và quay ra chống lại cả Đấng Tạo Hóa, khi cho rằng Người quá bất công và khắt khe vì đã đặt thân phận con người vào trong một tình cảnh tang thương đớn đau này.

- Niềm hy vọng. Tác giả sách Khôn Ngoan, tiếp theo truyền thông Sáng Thế, có cái nhìn hoàn toàn khác về thực tại trần thế. Không, Thiên Chúa không phải chịu trách nhiệm về tình trạng phải chết của phận người; nhưng chính con người, vì tội lỗi, đã thỏa hiệp với thế gian và cho sự chết xâm nhập vào, là điều hoàn toàn trái ngược với công trình tạo đựng của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa luôn muốn cho con người được sống.

Niềm hy vọng này của chúng ta còn được đặt trên nền tảng vững chắc là sự phục sinh của Đức Kitô, bảo chứng và sự khởi đầu cho sự sống lại của chúng ta.

2. Bài Tin Mừng:Đức Kitô trở nên nghèo để con người được trở nên giàu có

- Đức Kitô giữa mọi người. Đức Kitô, khi mặc lấy thân phận người, Người đã nhìn thấy sự tuyệt vọng của nhân loại với những đau khổ, những bệnh tật và nhất là cái chết … thật là vô lý. Ngay như chính Người cũng phải sống trong một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng, bởi Hêrôđê đang mưu tính chống lại Người nhằm giết hại như đã từng kết án ông Gioan Tẩy Giả. Đó quả là một điều gây nhiều xúc cảm: Đức Giêsu đã trải qua mọi sự khốn khó của kiếp nhân sinh, để cảm thông và cứu độ con người.

- Hướng đến một nhân loại mới. Đức Kitô muốn đưa nhân loại khốn khổ thoát khỏi cảnh đớn đau, nên khi có cơ hội là Người thực hiện phép lạ chữa lành bệnh và thậm chí là làm cho người chết sống lại để biểu tỏ quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đến để đón nhận trong sự phục sinh của Người một nhân loại mới và tươi trẻ, được gột rửa mọi vết nhơ tội lỗi và mọi thứ bệnh tật. Đó là ân huệ bất ngờ từ Chúa Cha cho những ai trung thành cho đến cùng.

Nhưng giữa đám đông dân chúng, chỉ có ba tông đồ là hiểu được mà thôi.

3. Bài đọc II:Đức Kitô đã chia sẻ phận người để khởi đầu một nhân loại mới

Trong hành trình sứ vụ của thánh Phaolô, rất nhiều khi ngài cũng phải lao động để tự kiếm tiền để sinh sống và hoạt động.

Trong cái nhìn của Phaolô, tiền bạc là tốt hoặc xấu tùy thuộc vào cách sử dụng chúng như thế nào. Tiền bạc có thể là một phương tiện để làm chứng cho tin mừng và là quà tặng của Đức Kitô đã cho chúng ta. Người đã cho chúng ta tất cả, đã cho chúng ta thông dự vào sự sống của Người; vì thế, chúng ta không thể lẩn tránh việc cho đi, không thể từ chối tình liên đới với những người anh em đang cần sự giúp đỡ.

Đức Kitô đã ban tặng sự sống của Người cho tất cả mọi người không phân biệt, không giới hạn, không loại trừ một ai. Giờ đây, sự giàu có do ân sủng của chúng ta, có thể giúp chúng ta hướng đến những người anh em ở quanh mình, hoặc ngay cả nhười người “ở xa” hay ngoại giáo.

4. Suy niệm: Một nhân loại mới

+ Sự chết đã vào thế gian

Cái chết có thể được xem như biểu tượng tột đỉnh của mọi sự đau khổ của kiếp nhân sinh. Đời sống của con người là một hành trình đi về kết cục ghê sợ và đớn đau này.

Bệnh tật sẽ bào mòn sự sống của con người, thời gian đưa chúng ta đến bên buổi hoàng hôn tăm tối, và vì sự sống còn, mà chúng ta phải đương đầu với những khó khăn và thử thách diễn ra hằng ngày,… tất cả những điều đó, cho chúng ta thấy rằng «sống là một cuộc chiến đấu không ngừng của con người trước cái chết».

Sự chết không chỉ là một thực tại viễn vông, nhưng là một sức mạnh tàn phá luôn hiện hữu quanh quẩn giữa chúng ta. Đối lại với sự chết đáng sợ ấy, sự sống của con người mang một dáng vẻ mỹ miều, nhưng nó thật mong manh và yếu đuối: thân xác và hơi thở con người, theo kinh thánh thì chỉ là hư vô (Tv 39, 5-7; 89, 48-49; G 14, 1-12).

Thiên Chúa không làm ra cái chết, nhưng do tội mà sự chết đã đi vào trân gian, khiến cho con người phải nhận ra mình chỉ là «cát bụi phải trở về cát bụi» (St 3, 19).

+ Người đã trở nên nghèo

Cũng như chúng ta, Đức Kitô cũng phải kinh qua, phải đối diện trước đau khổ và cái chết. Người cũng cảm thấy xót xa cho phận người, khi đứng trước phần mộ của Lazarô (Ga 11, 33-38) và trước mầu nhiệm của sự chết (Ga 12, 27; 13, 21). Người cảm thương những người đau khổ và bệnh tật trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất. Người đã cúi xuống để nâng họ lên, Người đã trở nên nghèo để làm giàu cho họ bởi ân sủng và những phép lạ Người thực hiện. Đức Kitô đã chịu đau khổ, để cho sự đau khổ của nhân loại một ý nghĩa, Người đã bị trao nộp và chết như mọi người. Nhưng Người đã phục sinh.

Sự phục sinh của Người, là bằng chứng hùng hồn về sự chiến thắng của sự sống trên sự chết. Sự Phục Sinh của Người, là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa Chúa, Đấng không muốn nhân loại phải chết, nhưng được sống và hạnh phúc. Sự Phục sinh của Người, là nền tảng cho niềm hy vọng của nhân loại, trong một cuộc vượt qua mọi đau khổ và sự chết để đạt đến vinh quang với Người.

+ Kitô hôm nay

Đứng trước sự đau khổ và sự chết, thái độ của chúng ta có thể và phải như thái độ của Đức Kitô. Trước hết, chúng ta phải nghĩ rằng cảm thức căn bản của người Kitô hữu trước mầu nhiệm này phải là sự kiên nhẫn. Cũng như Đức Kitô đã đau buồn trước những đau khổ và cái chết mà Người chứng kiến. Cũng như ông Gióp đã trở nên kiểu mẫu cho mọi người về lòng kiên nhẫn trước những thử thách và sự chống đối của bạn bè. Ngày nay, nhân loại cảm nhận một sự vô lý trước những bệnh nan y hoặc và sự chết không thể tránh được.

Nhưng, tất cả chúng ta phải chết trong cái chết của Đức Kitô (2Cr 5, 14). Tất cả chúng ta phải chết đối với tội, với con người cũ, với xác thịt, với mọi sự phù hoa của thế gian (Rm 6, 6-11; Cl 2, 20). Trong viễn cảnh này, sự chết đã thực sự mang một ý nghĩa mới. Đó không còn phải là một kết cục không thể tránh khiến chúng ta phải cam chịu, hay là một sự kết án do tội, nhưng người Kitô hữu chết với và trong Đức Kitô. Từ nỗi đau cần thiết, sự chết trở thành đối tượng của niềm hạnh phúc: «Ngay từ bây giờ, phúc thay những người đã chết, mà được chết trong Chúa» (Kh 14,13).

Một ngày kia, chúng ta sẽ bước vào một thế giới, mà ở đó «sẽ không còn sự chết» (Kh 21, 4). Thậm chí, thế giới mới này đã khởi đầu: mỗi ngày chúng ta trỗi dậy với Đức Kitô và cùng với Người bước từ cõi chết vào cõi sống (Ga 5, 24): ai tin vào Người, mặc dù vẫn còn bị chi phối bởi lề luật và sự chết, thì có được nơi mình bảo chứng sự sống đời đời.

Đối vời người Kitô hữu, chết là một mối lợi (Pl 1, 21), vì Đức Kitô là sự sống của họ. Như lời thánh tông đồ khát khao: «chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa» (2Cr 5, 8), hầu cái phải chết nơi chúng tôi «được tiêu tan trong sự sống của Người» (2Cr 5, 5).

                                 Quốc Vũ  

~*~

 

Thiết kế Web : Châu Á