Bài giảng

Chúa Nhật V Phục Sinh, C: GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG (Minh An)

Sứ điệp yêu thương mà Chúa Giêsu nói đến ở đây, không phải là những sáo ngữ rỗng tuếch, nhưng chính là huấn lệnh mà Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Người đã cắt nghĩa lời yêu thương đó một cách cụ thể hóa qua mầu nhiệm Thập giá mà người ta coi là ô nhục, thì nơi đó, Người đã biểu thị những lời giáo huấn đích thực, bằng hành động rõ ràng và trung thực (x. 1Cr 1,23-25).

 

GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG

(Ga 13, 31-33a.34-35)

 

Minh An

 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh hôm nay, được thánh Gioan tường thuật lại trong bối cảnh của bữa tiệc ly. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cúi mình xuống rửa chân cho các Tông đồ để dạy cho họ bài học phục vụ. Và sau khi Giuđa rời khỏi phòng tiệc ly để lo công việc của riêng ông thì Chúa Giêsu báo cho các Tông đồ biết Ngài sẽ được tôn vinh cùng với Chúa Cha. Sau đó, Người ban cho các ông giới luật yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em(Ga 13,34).

 

Thật vậy, giới luật yêu thương được Chúa Giêsu truyền dạy cho các môn đệ, không chỉ dừng lại trên bình diện nhân bản, nhưng đã được nâng lên một tầm cao mới, mang chiều kích thánh thiêng và cao quý hơn, đó là: “Yêu như Thầy đã yêu”, tức là tình yêu ở đây đã được thần hóa, không phải chỉ là những tình cảm thuần túy nhân lọai, nhưng đi sâu vào sự hiệp thông một cách trọn vẹn với Thiên Chúa, thể hiện nơi Thầy Giêsu và sống trong tình yêu của Người, bởi vì:“ Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16).

 

Thật ra, khi ban giới luật yêu thương này cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã thi hành nó cách đầy đủ và trọn vẹn nhất rồi, vì Chúa Giêsu đã yêu mến Chúa Cha và làm những gì Cha truyền dạy: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy(Ga 15,9). Điều đặc biệt hơn nữa là tình yêu của Chúa Giêsu ban cho các môn đệ lại chính là tình yêu được phát xuất từ Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu đã tuân giữ giới răn này cách trọn hảo: “Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người(Ga 15,10).

 

Như thế, sứ điệp yêu thương mà Chúa Giêsu nói đến ở đây, không phải là những sáo ngữ rỗng tuếch, nhưng chính là huấn lệnh mà Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Người đã cắt nghĩa lời yêu thương đó một cách cụ thể hóa qua mầu nhiệm Thập giá mà người ta coi là ô nhục, thì nơi đó, Người đã biểu thị những lời giáo huấn đích thực, bằng hành động rõ ràng và trung thực (x. 1 Cr 1,23-25). Người đã trao ban tất cả và vẫn còn yêu thương mãi cho đến vô tận. Đúng như lời Người đã khẳng định cách rõ ràng: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

 

Đúng thế, chỉ có Thiên Chúa mới có được thứ tình yêu cao vời khôn ví đó. Người chỉ biết yêu và yêu cho đến tận cùng, yêu cho đến hy sinh tính mạng vì người mình yêu, cho dù con người còn đó những ngăn trở của “xác đất vật hèn”. Chính thân phận xác đất vật hèn nơi loài người đã làm cho con người phạm tội, chối bỏ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn đợi chờ và sẵn lòng ban ơn tha thứ. Hay nói đúng hơn, vì yêu thương, Thiên Chúa đã rộng lòng tha thứ cho nhân loại khi xúc phạm đến Người.

 

 

Tình yêu và lòng bao dung của Thiên Chúa được thể hiện rõ nét qua việc Chúa Giêsu tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình:Không ai lên án chị sao?Thưa ông, không có ai cả. Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,10-11). Trước một Giuđa phản bội, Chúa Giêsu đã không kết án, nhưng Người chỉ buồn bã thốt lên: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24); hay, đứng trước sự yếu nhược của Phêrô chối Thầy, ánh mắt đầy nhân lành của Chúa Giêsu đã khơi dậy nơi vị tông đồ cảm thức thống hối ăn năn (x. Mt 26,74-75); hoặc, khi phải đối diện với sự hung hăng và tàn bạo của những kẻ giết mình, Chúa Giêsu vẫn cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34). Đúng là chỉ có Thiên Chúa mới có thứ tình yêu và lòng bao dung như thế.

 

Bởi vậy, lời mời gọi yêu thương đầy thông cảm của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta:“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34b) phải là một lời nhắc nhở chung cho các môn đệ, cũng như cho mỗi Kitô hữu đang trên cuộc hành trình đi theo Người, nhưng khi cảm thấy mỏi mệt, chán chường hãy ngước nhìn lên Người, để thấy được một Thiên Chúa luôn yêu thương và đồng hành với mỗi người trên mọi bước đường khó khăn. Một Thiên Chúa luôn cảm thông và sẵn lòng tha thứ để đón nhận yêu thương, bởi vì Người muốn mọi người được hưởng trọn niềm vui trong tình yêu của Người: “Để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn (Ga 15,11).

 

Nhưng, để có được niềm vui trọn vẹn, các môn đệ của Chúa Giêsu, cũng như mỗi Kitô hữu, phải biết “Yêu như Thầy”. Yêu như Thầy tức là thi hành những lời Thầy truyền dạy.  Mà thực hiện những lời truyền dạy của Thầy theo kinh nghiệm của thánh Phêrô là đón tiếp người anh em trong vui tươi, không lẩm bẩm kêu ca, và phục vụ anh em trong tình yêu của Chúa:“Anh em hãy yêu thương nhau vì tình yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi. Hãy đón tiếp nhau mà không lẩm bẩm kêu ca. Ơn riêng Thiên Chúa đã ban mỗi người phải dùng mà phục vụ người khác”(1 Pr 4,8-12).

 

Yêu như Thầy là không phạm đến sự yếu đuối của anh chị em mình, không xúc phạm đến lương tâm của họ, đó là kinh nghiệm của thánh Phaolô:“Ai phạm đến anh chị em và làm thương tổn đến lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến chính Đức Kitô”(1 Cr 8,12). Hay, tìm ích lợi cho người khác chứ không phải chỉ tìm ích lợi cho riêng cá nhân mình:“Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (1 Cr 10,24).

Yêu như Thầy còn có thể được hiểu theo quan điểm của thánh Gioan tông đồ là thực hành đức bác ái, biết chia cơm sẻ áo cho những gười cùng cực:“Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được. Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi trót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,17-18). Đó chính là những phương thế tuyệt hảo nhất mà các Tông đồ đã chỉ cho chúng ta, để chúng ta thực thi giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau(Ga 13, 35).

 

Là Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta nhiều khi chưa thực sự có trái tim của Chúa để biết yêu thương quên mình như Chúa đã yêu thương, vì chúng ta còn đó sự nặng trĩu yếu tố của con người.

 

Vậy nên, xin Chúa cho chúng ta có trái tim của Chúa, để chúng ta biết yêu thương, vì chỉ có yêu thương mới đúng là người môn đệ của Chúa và biết tuân giữ giới luật: “Yêu như Thầy đã yêu”. Amen. 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á